Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam

"Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" là chương trình mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phát động trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, với mục tiêu thu hút sự vào cuộc tích cực của tất cả các bên liên quan nhằm nhanh chóng khôi phục thị trường du lịch nội địa. Cái bắt tay chung sức đồng lòng trong bối cảnh đất nước vừa cơ bản đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã thổi luồng sinh khí đầy tích cực cho ngành công nghiệp không khói đang kiệt quệ, khi nhanh chóng nhận về những tín hiệu hồi phục khá lạc quan.

Nhà thờ Đá, điểm du lịch hấp dẫn với mọi du khách đến với Sa Pa. Ảnh: Quốc Tuấn
Nhà thờ Đá, điểm du lịch hấp dẫn với mọi du khách đến với Sa Pa. Ảnh: Quốc Tuấn

Biến cố chưa từng có

Sau nhiều năm đạt "mức tăng trưởng thần kỳ" và hiện đứng thứ bảy trong Top 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới theo xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), 18 triệu lượt du khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa là kết quả mà sức hấp dẫn của dải đất hình chữ S mang lại trong năm 2019. Vì vậy, đón 20,5 triệu khách nước ngoài và phục vụ 90 triệu khách nội địa là mục tiêu mà ngành lạc quan sẽ dễ dàng chinh phục trong năm 2020.

Trước khi đại dịch Covid-19 phủ bóng đen u ám khắp toàn cầu, du lịch Việt từng đôi lần gặp bước lao đao, vì ảnh hưởng của đại dịch SARS năm 2003 hay bị cuốn vào vòng xoáy suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Phải mất khá nhiều năm không ngừng nỗ lực, ngành du lịch mới có thể dần hồi phục và khởi động chu kỳ tăng trưởng. Nhưng những gì đã từng trải qua trong quá khứ xem ra quá nhỏ nhoi, so với con số thiệt hại 7,7 tỷ USD mà du lịch Việt Nam phải hứng chịu, chỉ trong khoảng từ tháng 2 tới tháng 4 năm 2020 (theo ước tính của Tổng cục Du lịch). Và 10 nghìn tỷ đồng là ước tính thiệt hại ban đầu của các hãng hàng không và quản lý mặt đất do phải dừng bay vì dịch bệnh. Chỉ riêng ba tháng đầu năm, doanh thu của Vietnam Airlines đã giảm tới 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ ròng 2.383 tỷ đồng.

Chưa bao giờ, cả nhân loại rơi vào trạng thái gần như tê liệt và đóng băng toàn bộ như trong thời gian giãn cách xã hội. Thế giới không còn phẳng, khi từng quốc gia, từng gia đình đều phải thực thi "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Từ dấu mốc Covid-19, làm quen với trạng thái "bình thường mới" cũng đồng nghĩa với những gì "bình thường cũ" không bao giờ còn trở lại. Khi máy bay được cho là tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao, du lịch theo đoàn khó thực hiện việc giãn cách, thắt chặt chi tiêu là yêu cầu cấp thiết, các nền tảng trực tuyến bỗng nhiên chiếm ưu thế tuyệt đối. Tất cả đều khiến thói quen sử dụng dịch vụ cũng sẽ thay đổi từ gốc rễ.

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về xu hướng du lịch của người Việt hậu Covid-19 vào tháng 5-2020, cho dù đất nước đã trải qua cả tháng trời không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, vẫn có tới 37% người được hỏi nói "không" với khách sạn và 40% vẫn tránh xa máy bay. Cũng như thế, gần 20% du khách chọn phương tiện xe riêng, 69% lựa chọn điểm đến an toàn (về cả dịch bệnh lẫn an ninh), 67% chọn biển là điểm đến yêu thích. Thắt chặt chi tiêu khiến gần một nửa chọn tour ngắn ngày. Và giãn cách xã hội trở thành thói quen khiến gần 90% lựa chọn đi cùng gia đình và bè bạn.

Nhưng những ngày dài phải giam mình trong bốn bức tường khiến nhu cầu được hòa mình với thiên nhiên, được xách va-ly lên đường trở nên đặc biệt cấp thiết. Cũng theo kết quả khảo sát của TAB giữa tháng 5-2020, đã có hơn 53% người được hỏi sẵn sàng đi du lịch trong hè này, 77% chọn hình thức nghỉ dưỡng và hơn 50% chọn khám phá ẩm thực. Và trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải gồng mình chống chọi với diễn biến khó lường của đại dịch, mọi cánh cửa du lịch nước ngoài vẫn đang đóng chặt thì du lịch nội địa chính thức lên ngôi. Và "giảm giá nhưng không giảm chất lượng", các cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để biến "nguy" thành "cơ", để người Việt được hưởng thụ chất lượng dịch vụ tốt nhất với mức giá hấp dẫn nhất.

Muôn mặt kích cầu

Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" là cái bắt tay đầy quyết tâm giữa Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), các Sở VH-TT&DL địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp - đơn vị kinh doanh du lịch và các hãng hàng không cùng doanh nghiệp vận tải du lịch. Những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khủng hoảng đã được Bộ VH-TT&DL đề xuất Thủ tướng xem xét. Bộ cũng phát động chương trình tại các địa bàn trọng điểm, triển khai hoạt động truyền thông nhằm thu hút sự vào cuộc của các đơn vị - doanh nghiệp liên quan bằng những hội nghị - hội thảo kích cầu - kết nối được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố với mật độ dày đặc. Các địa phương có chính sách hỗ trợ miễn giảm phí - lệ phí tham quan tại các điểm đến nhằm giảm giá thành, tăng độ hấp dẫn cho các gói kích cầu và bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình kích cầu/khuyến mãi/giảm giá nhưng nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ. Các doanh nghiệp vận tải du lịch giảm giá vé, kết hợp với các doanh nghiệp - điểm đến xây dựng chương trình du lịch trọn gói hấp dẫn...

Sa Pa (Lào Cai) tung ra chương trình kích cầu quy mô lớn khi các khách sạn - homestay - nhà xe du lịch đồng loạt giảm giá từ 30% đến 50%. Nhiều hãng lữ hành chào bán tour - gói combo - sản phẩm mới với mức giá siêu khuyến mãi như Saigon Tourist giảm giá dịch vụ phòng khách sạn từ 30%-50%, combo cao cấp gồm vé máy bay Bamboo Airways - nghỉ dưỡng tại resort 5* với mức giảm 20%-50%, các tour đường bộ khởi hành hằng ngày cũng giảm giá 20%-50%...

Đây cũng chính là thời điểm để các doanh nghiệp, đơn vị tung ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo và mới mẻ như ý tưởng triển khai dạng tour thiền định, tour cách ly hậu Covid-19... Trong bối cảnh lượng khách từ đầu năm đến nay chỉ đạt hơn 200 nghìn (bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước), du khách quốc tế chưa thể đến tham quan, Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm (Quảng Ninh) tập trung khai thác khách nội địa. Chất lượng dịch vụ không giảm mà còn được bổ sung một số sản phẩm mới hút khách như dưỡng sinh, thiền định, chăm sóc sức khỏe theo y học cổ truyền tại am Tuệ Tĩnh, tổ chức cho khách tham gia trải nghiệm khâu nón, làm chuồn chuồn tre, làm sáo, hoạt động hoạt náo team building..., giảm gần một nửa giá vé cáp treo và vẫn duy trì miễn vé cho tăng, ni, người già trên 70 tuổi, trẻ em dưới 1,2 m như thời điểm trước dịch.

Vinpearl đưa vào hoạt động VinWonders Phú Quốc - công viên chủ đề lớn nhất tại Việt Nam, khai thác tàu lặn vô cực ngắm san hô tại Nha Trang và cung cấp sản phẩm sân khấu nghệ thuật thực cảnh đa phương tiện hoành tráng mang tên Tata Show. Sun Group khai trương tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long đưa du khách đến với đảo ngọc Cát Bà chỉ trong chín phút và tạo dựng Thiên đường hoa hồng lớn nhất Việt Nam tại Fansipan Legend... Vietnam Airlines đón chào tháng sáu với tám đường bay nội địa mới được đưa vào khai thác.

Góp phần lớn cho độ hấp dẫn của các gói kích cầu, các hãng hàng không đã và đang triển khai rầm rộ nhiều chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn. Vietjet Air tung ra tới 200 nghìn vé 0 đồng từ 15-5 đến 30-6, mỗi chuyến bay sẽ dành tối đa 25 vé 0 đồng cho các đối tác lữ hành. Vietnam Airlines phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các công ty lữ hành uy tín tung ra chùm tour ưu đãi giảm 40% khi đi theo nhóm từ sáu khách. Bamboo Airways cung cấp vé ưu đãi 45 nghìn đồng, thẻ Bamboo Pass bay không giới hạn chỉ với 20 triệu đồng, mua vé trả góp lãi suất 0%...

Đồng hành chia sẻ khó khăn, sự tích cực vào cuộc của các địa phương với chủ trương không hỗ trợ tiền để tránh thất thoát, trông chờ, ỷ lại mà tạo điều kiện bằng cơ chế chính sách đã tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp thêm vững vàng vượt khó, chủ động nỗ lực vươn lên. Phó Tổng Giám đốc Công ty CPPT Tùng Lâm Lê Trọng Thanh cho biết: công ty tiếp tục nhận được sự quan tâm thiết thực của tỉnh và thành phố như kiến nghị ngân hàng giãn - hoãn nợ các khoản vay đầu tư xây dựng các công trình; bố trí tuyến xe buýt chất lượng cao từ sân bay Vân Đồn đến Dốc Đỏ (Uông Bí) để công ty chủ động đón khách, giảm 50% phí tham quan khu di tích Yên Tử theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh...

Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam -0
Du lịch Đà Lạt. Ảnh: THANH GIANG 

Những tín hiệu khá lạc quan

Chỉ sau vài tuần triển khai chương trình, ngành du lịch Việt Nam đã dần khởi sắc. Theo Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường, một số đường bay nội địa đã đạt sản lượng 80% so với dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2020. Theo thống kê gần nhất của Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng tìm kiếm liên quan đến các chuyến bay nội địa đã chiếm tới 85% và tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.

Mở cửa đón khách trở lại từ 1-5, lượng khách tham quan, chiêm bái khu di tích và danh thắng Yên Tử tăng dần. Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ lấy đầu phòng tại khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao vào những ngày cuối tuần luôn đạt 95 đến 100%, ban đầu chủ yếu là khách lẻ, những ngày gần đây chủ yếu là các đoàn khách của các công ty lữ hành tới lưu trú. Do đó, Công ty Tùng Lâm tăng cường phối hợp các doanh nghiệp lữ hành để du khách chọn danh thắng Yên Tử là một trong những điểm dừng chân trong tour khám phá Quảng Ninh. Tiềm năng hút khách kỳ vọng sẽ được khai thác hiệu quả hơn, khi mở thêm các đường bay tới cảng hàng không Vân Đồn. Ý tưởng đăng cai địa điểm tổ chức các môn thi đấu Seagames 31 như vật, cờ vua tại Yên Tử, mong muốn đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại đất Phật đang được ấp ủ hình thành.

Công ty Oxalis, đơn vị độc quyền khai thác tour khám phá Sơn Đoòng vừa vui mừng thông báo đã bán hết toàn bộ 420 chỗ cho mùa khai thác 2020, với giá vé kích cầu chỉ còn 2.500 USD (giảm 500 USD). Điều đáng nói là đối tượng khách yêu thích tour mạo hiểm hấp dẫn này từ trước đến nay chủ yếu là người nước ngoài, khách Việt chiếm tỷ lệ khá thấp. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho xu thế người Việt dùng hàng Việt đáng khích lệ hiện nay.

Những điểm đến không một bóng người. Những nhà hàng - khách sạn đóng cửa im lìm. Những cảng hàng không ken dày máy bay đậu đỗ vì phải dừng bay... Tất cả chỉ còn là những hình ảnh ghi lại ký ức buồn cho du lịch Việt Nam trong suốt những ngày đại dịch hoành hành. Sinh khí đã trở lại, bức tranh toàn cảnh đã bắt đầu xuất hiện những mảng mầu tươi sáng hơn. Còn một quãng đường rất dài để ngành du lịch có thể phục hồi và quay trở lại đà tăng trưởng, như kỳ vọng. Nhưng chí ít, nhờ kỳ tích chế ngự đại dịch mà cả dân tộc đã chung tay tạo nên, du lịch Việt sẽ sớm hồi sinh. Khởi đầu bằng thói quen "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" trong những ngày này.