Mang bài học thành công chống dịch vào công cuộc phục hồi nền kinh tế

Đề cập về những bài học thành công của đợt chống đại dịch Covid-19 ở nước ta, nhà báo David Hutt bình luận trên Đài BBC News rằng: “Trong cuộc khủng hoảng vừa qua do đại dịch gây ra, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm và đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu. Danh tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lớn mạnh trên khắp cả nước... Cuộc khủng hoảng này là thời điểm để người dân Việt Nam đoàn kết lại như một, bất kỳ là người Bắc hay Nam”. Nhận xét về sự điều hành của Chính phủ, nhà báo cho rằng, “Chính phủ và Đảng cầm quyền đã làm mọi việc cần làm để bảo vệ công dân mình; và do vậy, họ cảm thấy Chính phủ đang bảo vệ họ thật sự”.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế. ẢNH | ĐỨC ANH
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế. ẢNH | ĐỨC ANH

Trên tờ The Diplomat viết rằng, “so sánh cuộc chiến chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam với cuộc chiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chống Pháp và chống Mỹ trong nửa cuối thế kỷ 20, một lần nữa Việt Nam lại dựa vào chiến lược tổng động viên, huy động toàn xã hội, bao gồm lực lượng quân đội, an ninh, chính quyền các cấp và mọi cá nhân để chống dịch”. Đoạn kết, bài viết nhấn mạnh: “đại dịch Covid-19 đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giành lại niềm tin của người dân ngoài mong đợi và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước”.

Còn tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản cho rằng, trong đại dịch Covid-19, “việc không có trường hợp tử vong nào ở một quốc gia với 96 triệu dân là một kỳ tích. Nước gần Việt Nam là Philippines với dân số là 105 triệu người, đã có hơn 630 người tử vong vì dịch (tính đến 6-5-2020). Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi của toàn thế giới về kỳ tích chống dịch và đang nhanh chóng tái khởi động lại nền kinh tế”...

Chiến thắng đại dịch đã khó, nhưng khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch, để không tụt dốc, mà từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế là công việc còn khó khăn bội phần. Trong thời gian qua, chúng ta đã thành công bước đầu trong việc thực hiện “mục tiêu kép” là vừa chống dịch, vừa bảo đảm ổn định đời sống, phục hồi nền kinh tế, nhưng yêu cầu nhanh chóng tìm ra những biện pháp hữu hiệu để xoay chuyển cục diện, bù đắp nhiều thiệt hại lớn do đại dịch gây ra, đã và đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với từng cơ sở sản xuất, các bộ, ngành và địa phương để biến “nguy” thành “cơ”, tạo sức sống mới cho các hoạt động kinh tế. Đáp ứng mục tiêu đó, doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt, từ tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm đến áp dụng khoa học, kỹ thuật tạo năng suất lao động cao. Ngày 9-5 vừa qua, Chính phủ đã trực tiếp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chủ đề này.

Dư luận chăm chú theo dõi sự kiện có ý nghĩa này, đánh giá cao 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, sự kiến nghị trực tiếp của bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chín hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Tất cả các ý kiến đóng góp đó đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể, thiết thực. Đáng chú ý là, ông Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu và ông Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đều nhấn mạnh rằng, thành công chống đại dịch ở Việt Nam đã nâng vị thế, uy tín của Việt Nam lên tầm mới, khẳng định thị trường 96 triệu dân là một điểm an toàn, hấp dẫn sẽ thu hút lớn sự đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để thật sự tạo ra những bứt phá mới trong kinh tế, đi liền nhiệm vụ tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, cần kiên quyết, kiên trì chống loại “vi-rút” trong thực thi chủ trương, chính sách, mà các biểu hiện cụ thể là sự ỷ lại, trông chờ, thụ động, đổ lỗi cho nhau, các thủ tục hành dân, hành doanh nghiệp, nạn đòi hỏi “bôi trơn”, nói không đi đôi với làm, v.v.

Chúng ta hy vọng rằng, với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của nhân dân - nhân tố cơ bản tạo nên thành công của công cuộc chống đại dịch Covid-19, sẽ được vận dụng và phát triển trong sự nghiệp hồi phục và phát triển nền kinh tế, mở ra những đột phá mới, tạo nên những thành quả mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.