Lễ hội & văn hóa lễ hội

Lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh | Trần Hải
Lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh | Trần Hải

Hiện nay cả nước ta có gần 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm hơn 80%, lễ hội lịch sử chiếm hơn 4%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 6%. Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ... là địa phương có nhiều lễ hội nhất.

Như đã thành truyền thống đẹp của dân tộc ta, sau Tết cổ truyền, là mùa lễ hội, lôi cuốn hàng triệu lượt người trảy hội với ý thức hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, tỏ lòng tri ân những anh hùng, tướng lĩnh đã có công cứu nước, cứu dân; những người hảo tâm đã bỏ tiền của, công sức tôn tạo, xây dựng các đình chùa, tượng đài cùng nhiều công trình văn hóa khác. Thông qua lễ hội, mọi người cảm thấy tâm hồn thanh thản, thêm yêu quê hương, đất nước, mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình no đủ, hạnh phúc... Lễ hội còn là dịp mở rộng vòng tay kết nối cộng đồng, khơi dậy ý thức tôn tạo các công trình văn hóa, giáo dục con cháu tình yêu các môn nghệ thuật cổ truyền - một di sản có giá trị văn hóa lâu đời, như hát ca trù, quan họ, ví dặm, hát xoan; các màn biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử... Chính những biểu hiện phong phú ấy đã làm nên sự đa dạng, giàu bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam; mà trong số đó, hàng chục di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO trong những năm qua công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chúng ta càng tự hào khi biết rằng, thông qua những hoạt động văn hóa, trong đó có các lễ hội, như lễ hội Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ hội thờ Thánh Mẫu, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội xuống đồng, lễ hội ra khơi đầu xuân, v.v., các nhà văn hóa thế giới càng tỏ lòng khâm phục lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, khát vọng hòa bình của người Việt; và càng trân trọng hơn khi biết đó là một trong những cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi...

Tuy nhiên, đã từ nhiều năm, các cơ quan chức năng từng cảnh báo những hiện tượng không lành mạnh trong hoạt động lễ hội - mà biểu hiện nổi bật nhất là sự phát triển mê tín dị doan, tệ nạn đốt vàng mã gây nhiều tốn kém, làm ô nhiễm môi trường; những hành vi trục lợi trong các dịch vụ lễ hội, nạn “chặt chém”, ép khách mua hàng... Đặc biệt, có không ít nơi lễ hội bị biến tướng, núp dưới cái gọi là “cung tiến lòng thành”, vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây thêm chùa chiền, miếu mạo, tổ chức các cuộc rước xách, cầu cúng mang tính duy tâm, thần bí. Điều đáng lưu ý là, trong những tháng đầu năm, nhiều cán bộ, công chức, viên chức... đã tự ý bỏ nhiệm sở trong giờ làm việc, sử dụng tiền Nhà nước thuê xe, sắm lễ vật, đi tới nhiều đình, chùa để khấn lễ, cầu xin tài lộc... Như vậy là, một lễ hội văn hóa đã biến thành các hoạt động phản văn hóa, mặc dù công lun cnh báo nhiu năm, nhưng đáng tiếc ở nơi này, nơi khác, những hiện tượng không lành mạnh đó không giảm, mà còn có xu hướng phát triển rộng! Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có chỉ thị, yêu cầu chấm dứt các hiện tượng nêu trên; đồng thời đòi hỏi cơ quan, đơn vị nào có biểu hiện lạm dụng lễ hội, thực hiện mê tín dị đoan, cần tức thời có biện pháp xử lý nghiêm những người vi phạm. Song, đáng tiếc, ở một số nơi, người đứng đầu lại chần chừ, bao che, dung túng, thậm chí chính mình cũng tham gia các việc làm không lành mạnh đó, khiến dư luận xã hội bất bình!

Điều quan trọng hàng đầu là, những cán bộ chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp... cần nêu cao tính tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về lễ hội. Đấy cũng là biểu hiện cụ thể “văn hóa người cầm quyền” trong chỉ đạo, điều hành cũng như tham gia các hoạt động lễ hội. Hơn ai hết, họ cần hiểu rằng, lễ hội là một hoạt động văn hóa, do vậy, yêu cầu trước tiên đối với mỗi cán bộ trong tổ chức đảng, nhà nước và hệ thống chính trị cần nghiêm túc thực hiện văn hóa lễ hội !