Dân chủ hóa đời sống xã hội

NDO -

Với thắng lợi vĩ đại của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên xuất hiện ở Đông - Nam Á, cắm một dấu son trên tấm bản đồ thế giới sau gần một trăm năm bị thực dân, phát xít đô hộ xóa tên!

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong kỳ họp Quốc hội thứ năm (tháng 6-2013).
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong kỳ họp Quốc hội thứ năm (tháng 6-2013).

Đây là thành quả vĩ đại nhất trong quá trình bền bỉ đấu tranh nhằm giải phóng đất nước, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chế độ dân chủ là do dân là chủ, dân làm chủ sự nghiệp của chính mình. Sau ngày cách mạng thành công được gần hai năm, Bác Hồ một lần nữa nêu rõ cội nguồn sức mạnh của Nhà nước dân chủ là “bao nhiêu quyền hành lực lượng đều ở nơi dân”. Thực hiện điều chỉ bảo căn cốt ấy, Đảng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách nhằm huy động cao nhất sức mạnh của các tầng lớp nhân dân.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”; phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”; trí thức có phong trào “Ba quyết tâm”, tạo nên sức mạnh và khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đất nước hòa bình, giai cấp công nhân sáng tạo phong trào “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; giai cấp nông dân hăng say thực hiện “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp”;các cháu thiếu niên, nhi đồng “Thi đua làm nghìn việc tốt”...Hòa trong thực tiễn cách mạng sôi động của cả nước, mỗi tầng lớp, mỗi giai cấp thật sự tự hào mình được là người chủ, vì thế càng phấn chấn tìm cách cống hiến cao nhất trí tuệ và sức lực của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Hơn mười năm qua, Chính phủ lại ban hành “Quy chế dân chủ ở cơ s ở ”,quy định rất cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của người dân trong quá trình quản lý cộng đồng, làng, xã, nhằm phát huy những sáng kiến của quần chúng thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của người dân ngày càng được thể hiện sinh động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng...

Trong năm 2013, với hơn 27 triệu lượt người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài góp ý vào Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là sự thể hiện sinh động quyền dân chủ và ý thức chính trị của nhân dân ta quan tâm tới sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Thực hiện Quy chế dân chủ, nhiều cơ quan, đơn vị, làng, xã, xóm, thôn... hằng quý, hằng năm công khai các khoản đóng góp của cán bộ, nhân dân; công khai các dự án đầu tư trên địa bàn cũng như các kế hoạch làm đường, xây trường, phòng họp. Như đã thành nền nếp, các cuộc họp của tổ dân phố, hoặc đại diện xã, phường, lãnh đạo các cấp có dịp lắng nghe những hiến kế tâm huyết của nhân dân nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống bình yên, gia đình hạnh phúc. Điều được nhiều người tâm đắc đánh giá cao là thông qua các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, thông qua người đại biểu do mình bầu nên, các cử tri đã có điều kiện bày tỏ nguyện vọng, chính kiến trước những vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc...

Tuy nhiên, những cố gắng đó mới chỉ là bước đầu. Vấn đề quan trọng mà nhân dân chờ đợi là những kiến nghị chính đáng ấy được chính quyền tiếp thu như thế nào, hay chỉ là một lời mang tính hình thức “xin cảm ơn và tiếp thu” đã trở nên nhàm tai! Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng”, “Phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa”. Bác lưu ý: “tuyệt đối không được áp bức phê bình”.Một lần, Bác đã phê bình ủy ban nhân dân và đồng chí phó chủ tịch một xã vì đã vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Đồng thời Bác cũng đề cập trách nhiệm của người dân trong thực thi quyền dân chủ là cần bảo đảm sự thật thà, công khai tên và địa chỉ thì những góp ý mới thật sự có giá trị.

Dân chủ hóa đời sống xã hội đã và đang là đòi hỏi tất yếu khách quan của cả người lãnh đạo, chỉ đạo cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Tổng kết, bổ sung, hoàn thiện Quy chế dân chủ là việc làm cấp bách trong mọi lĩnh vực đời sống hiện nay.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chế độ dân chủ là do dân là chủ, dân làm chủ sự nghiệp của chính mình.