Chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người

Cuộc chiến thầm lặng

Những ngày tháng sáu oi bức, T.T.M hồi hương sau đoạn đời lưu lạc bầm dập tròn một vòng con giáp. Từ một bé gái ngoan mới học lớp năm ra khỏi nhà đi tìm mẹ, ngày trở về M đã thành người mẹ khổ đau vì bỏ lại bên kia biên giới ba đứa con vô tội...

Bộ đội Biên phòng mật phục bắt giữ đối tượng MBN ở khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng mật phục bắt giữ đối tượng MBN ở khu vực biên giới.

Những "kịch bản" cũ mèm

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, lực lượng biên phòng trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện một trường hợp nhập cảnh khác thường. Người phụ nữ cứ ôm mặt khóc ròng. Bằng thứ tiếng Việt không sõi nạn nhân trình bày: 12 năm trước, khi M đang học tiểu học ở Bắc Hà, trong một lần mẹ vắng nhà, có hai phụ nữ vốn là hàng xóm báo tin mẹ em đã sang Trung Quốc và gặp rắc rối không về được, hứa đưa em qua đó tìm mẹ. Hôm sau, họ đưa M qua biên giới bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Sáu năm trời bị giam cầm trong nhà, sinh ba đứa con với người đàn ông bản địa, M bỏ trốn, được một người phụ nữ ở Tân Cương nhận làm con nuôi. Năm 2016, dòng đời xô đẩy, M tiếp tục rơi vào tay một người đàn ông khác. Năm 2018, nhờ một phụ nữ quê ở Phú Thọ giúp đỡ tận tình, M tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trình báo sự việc... Nhớ lại chuyện của M, Trung tá Nguyễn Thế Bằng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ bởi những đối tượng vì đói nghèo, lạc hậu, nhận thức kém, hám lời mà trở nên tàn độc, đẩy người khác vào bi kịch. Đáng buồn thay, ngón nghề lừa phỉnh của bọn tội phạm vẫn chỉ là "bình mới rượu cũ", dù được cảnh báo nhiều nhưng vẫn đủ hạ gục không ít cô gái nhẹ dạ, xô đẩy biết bao cuộc đời vào kiếp đoạn trường.

Không ít tình huống dở khóc dở cười mà các chiến sĩ Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội và MBN Công an tỉnh Lào Cai gặp phải cho thấy, nhiều nạn nhân ngây thơ đến mức độ khó tin. Một nữ sinh ở Tây Nguyên chưa học hết cấp ba nghe theo tiếng gọi trái tim vượt cả nghìn cây số ra tận Lào Cai để tìm người yêu chưa một lần gặp mặt. Trời đất dun dủi thế nào mà gia đình vô tình biết được chút ít thông tin mơ hồ, kịp thời liên lạc với công an tỉnh Lào Cai ngay trong đêm con trốn nhà đi. Cắt cử người đón lõng các bến xe vào thành phố, các chiến sĩ tìm được ngay cô bé. Trinh sát đưa cô về đến trụ sở, giải thích thế nào cô cũng không tin mình bị lừa. Khi điều tra viên thuyết phục cô gọi điện cho "người yêu" đến đón thì đầu dây cắt liên lạc hoàn toàn, cô nàng khóc lóc vật vã nửa ngày trời không thể nào dỗ được... Trường hợp như cô còn là may mắn chứ nhiều thiếu nữ kết bạn qua mạng xã hội khi bị lừa gạt bán qua biên giới mới giật mình tỉnh ngộ, nhận ra chân tướng "người yêu" thì đã quá muộn. Đối tượng còn rất cao thủ, sau khi chiếm được cảm tình của các cô gái còn ra mắt gia đình để củng cố thêm niềm tin, tạo "cú chốt" cho phi vụ MBN bất lương. Thâm độc không kém, một số đối tượng người Trung Quốc cấu kết với đối tượng trong nước lừa gạt, đưa phụ nữ (hầu hết đã có con) qua biên giới, sau đó khống chế nạn nhân dụ con "sang Trung Quốc thăm mẹ" rồi bắt cóc đem bán. Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Toàn, Phó đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội và MBN (Công an tỉnh Lào Cai), tội phạm MBN thường hoạt động có tổ chức, đường dây chặt chẽ. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ thủ đoạn của tội phạm MBN và giải quyết tốt vấn đề việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa sẽ có tác dụng rất lớn trong kiềm chế nạn MBN qua biên giới.

Thượng tá Vũ Quốc Hùng, Phó Trưởng phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, đấu tranh triệt phá các đường dây MBN luôn được đơn vị chú trọng, tuy nhiên hành vi phạm tội thường diễn ra trong một thời gian khá dài, sau nhiều năm mới bị phát hiện nên thu thập chứng cứ khó khăn. Nhiều nạn nhân đều không phát hiện ra mình bị lừa cho đến khi bị rơi hoàn toàn vào thế yếu, nên thường không để ý đến các chi tiết để xâu chuỗi sự việc. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là cửa khẩu duy nhất trong cả nước có vị trí nằm trong lòng thành phố, cho nên các đối tượng MBN trà trộn trong dân, đội lốt khách du lịch, thăm thân, làm ăn kinh tế... để nhập cảnh trái phép và thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, dù thủ đoạn của chúng có tinh vi tới đâu vẫn bị lật tẩy bởi tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Ban chuyên án, thu thập kịp thời thông tin tố giác từ đường dây nóng, phối hợp đấu tranh ngày càng hiệu quả giữa lực lượng chức năng hai nước...

Cuộc chiến thầm lặng ảnh 1

Một nạn nhân tố cáo bị tội phạm MBN lừa gạt tại Ðồn Biên phòng SiMaCai (Lào Cai).

Khoảng lặng trong hành trình tìm về bình yên

Nhà Nhân Ái, đúng như cái tên được đặt ra, là tiêu chí đầu tiên khi mô hình này đi vào hoạt động từ 10 năm trước. Mô hình được đánh giá là khá toàn diện, có sự kết nối, chung tay giữa các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, nhằm giúp đỡ các nạn nhân MBN trở về. Nhà Nhân Ái thật sự là mái ấm tin cậy giang rộng vòng tay chở che bao bọc, giúp các nạn nhân quên đi nỗi đau buồn, tủi nhục và hướng tới một ngày mai tươi sáng. Sau khi trốn thoát hay được giải cứu trở về, hầu hết nạn nhân đều rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý, khủng hoảng tinh thần và thể chất. Một thời gian dài triền miên bị giam cầm, không biết mình đang ở đâu, cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, lại bất đồng ngôn ngữ, thậm chí bị đe dọa, đánh đập dã man... khiến họ lo sợ, hoảng loạn. Trồng rau, trồng hoa, làm nương rẫy, gieo hạt trỉa ngô hay chăn nuôi chăm sóc gà lợn chó mèo, học cắm hoa, may vá quần áo... những công việc thường nhật của người phụ nữ đều hiện hữu trong khuôn viên xanh nhỏ nhắn của Nhà Nhân Ái. Làm việc, chuyện trò, chia sẻ với nhau giữa những người đồng cảnh ngộ chính là cách chữa lành vết thương. Chị Kim Ngân, người chăm sóc sức khỏe cho các thành viên Nhà Nhân Ái tuy tuổi đời còn trẻ nhưng gần gũi, khéo léo nên được các thành viên tin cậy, quý mến, mở lòng chia sẻ. Bên cạnh nhiệm vụ được giao, bằng tình thương và sự chân thành, Ngân luôn động viên các em tiếp tục học văn hóa, học nghề, vượt lên chính mình để độc lập làm chủ cuộc sống. Nhiều cán bộ ở đây như những người mẹ, người chị, người bạn tâm tình của các thành viên. Khoảng thời gian được chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng, tư vấn tâm lý, pháp luật cũng chính là khoảng lặng cần thiết giúp họ tự tin hơn khi trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều nạn nhân sau khi từ Nhà Nhân Ái trở về quê hương đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực đẩy lùi nạn MBN. Tới các phiên chợ vùng cao, các trường học, nhà cộng đồng... ở các thôn, bản, họ vượt lên nỗi đau chia sẻ với mọi người câu chuyện của bản thân để mọi người nhận biết rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của bọn tội phạm, nâng cao cảnh giác để tránh dại dột sập bẫy những kẻ lừa phỉnh.

Đến nay, Nhà Nhân Ái đã tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng bền vững, an toàn. Các nạn nhân được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, được tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, việc làm... Tín hiệu đáng mừng là 80% nạn nhân ở Nhà Nhân Ái trở về được học nghề, có việc làm ổn định, 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình, ổn định cuộc sống; 100% được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội. Thành công của mô hình này đã giúp Lào Cai trở thành điểm sáng trong cả nước trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ hiệu quả, toàn diện cho các nạn nhân MBN hồi hương.