Những lưu ý trong đăng ký xét tuyển vào đại học

Ngày 15-6, thí sinh trên cả nước bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ngành giáo dục mầm non). Để tăng cơ hội trúng tuyển, tránh những rủi ro khi đăng ký xét tuyển (ĐKXT), thí sinh cần chú ý thực hiện tốt các bước ĐKXT phù hợp năng lực.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) tìm hiểu thông tin tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp do Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức. Ảnh: HÀ THU
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) tìm hiểu thông tin tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp do Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức. Ảnh: HÀ THU

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), năm 2020, công tác tuyển sinh được giữ ổn định như các năm 2018, 2019. Các trường có thể sử dụng kết quả điểm thi THPT, hoặc kết hợp với các phương thức khác để làm căn cứ xét tuyển. Trong xét tuyển đợt 1, các sở GD và ĐT sẽ phối hợp các trường đại học, cao đẳng tiếp nhận hồ sơ, nhập các nguyện vọng ĐKXT lên phần mềm quản lý thi và tuyển sinh để các trường có thông tin xét tuyển. Thời gian đăng ký dự thi THPT và xét tuyển từ 15 đến 30-6. Thí sinh sẽ ĐKXT trên cùng một phiếu với phiếu đăng ký dự thi và nộp tại điểm tiếp nhận (thông thường là nơi thí sinh đang học). Thí sinh tự do nộp phiếu tại điểm tiếp nhận theo quy định của sở GD và ĐT.

Để không xảy ra những sai sót đáng tiếc, thí sinh cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của các trường đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Thực hiện theo hướng dẫn ghi trên phiếu, tham khảo ý kiến của các thầy giáo, cô giáo, hoặc cán bộ thu hồ sơ để khai báo đúng các thông tin trên phiếu. Đáng chú ý, thí sinh khi khai báo các thông tin xét tuyển cần lưu ý ghi đúng mã trường, cơ sở, phân hiệu; mã ngành, nhóm ngành và mã tổ hợp xét tuyển. Đối với thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định trong quy chế tuyển sinh còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của các bộ liên quan. Đối với thí sinh có nguyện vọng học các ngành năng khiếu cần liên hệ với các trường để thực hiện đăng ký và dự thi môn năng khiếu. Thí sinh ĐKXT được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống, sau khi tiếp nhận, phải thay đổi, bảo quản mật khẩu và chú ý đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra thông tin ĐKXT. Những thí sinh ĐKXT cùng với đăng ký dự thi mới có thể thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi, và chỉ được thay đổi một lần duy nhất.

TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Thủy lợi lưu ý thí sinh cần bình tĩnh để lựa chọn vì thời gian ĐKXT là trong hai tuần. Khi ĐKXT cần nghiên cứu kỹ, tìm hiểu sâu các góc cạnh của ngành nghề, trường đăng ký cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đáng chú ý, thí sinh cần đánh giá đúng năng lực bản thân; xác định rõ sự yêu thích, lòng đam mê của chính mình để có thể lựa chọn ĐKXT đạt hiệu quả tốt nhất. Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân), PGS, TS Bùi Đức Triệu cho biết, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng và theo nguyên tắc "ba bậc" là: Đăng ký nguyện vọng vào ngành, trường ngang bằng năng lực của mình; ngành, trường cao hơn năng lực và ngành, trường thấp hơn năng lực. Nếu thí sinh không chú ý theo "ba bậc" để sắp xếp nguyện vọng mà sắp xếp thứ tự nguyện vọng "tùy hứng" sẽ dễ mất cơ hội trúng tuyển theo mong muốn. "Thí dụ, thí sinh đăng ký năm nguyện vọng nhưng nguyện vọng vào ngành thích nhất, phù hợp năng lực nhất lại xếp thứ 5; trong khi các nguyện vọng khác lại xếp ở trên thì dù điểm cao các em cũng khó có khả năng trúng tuyển nguyện vọng theo mong muốn. Bởi theo nguyên tắc, thí sinh đỗ nguyện vọng nào, phần mềm sẽ dừng ở đó không xét các nguyện vọng sau. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng "đỗ oan và trượt oan" do sắp xếp nguyện vọng không đúng" - PGS, TS Bùi Đức Triệu lưu ý. Ngoài ra, thí sinh cũng nên chú ý đến các chi tiết về phương thức tuyển sinh của các trường để tránh nhầm lẫn sẽ dẫn đến mất cơ hội.

Cùng với thí sinh, quá trình cập nhật thông tin, triển khai công tác xét tuyển của các trường đại học cũng cần bảo đảm theo đúng quy định. Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT), việc tổ chức tuyển sinh của các trường phải bảo đảm xác định chỉ tiêu, các điều kiện sơ tuyển, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, chính sách ưu tiên... minh bạch, công khai, gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh... Các thông tin trong đề án tuyển sinh của các trường phải rõ ràng, chính xác, đúng quy định; không được mập mờ, chung chung, dễ gây hiểu nhầm cho thí sinh và phụ huynh. Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị ĐKXT của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường. Thực tế hai năm qua, các trường sử dụng hơn 150 tổ hợp để xét tuyển nhưng có năm tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm hơn 90% nguyện vọng; còn hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng ĐKXT. Vì vậy, các trường cũng cần lưu ý khi đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng đồng thời cũng làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc lựa chọn tổ hợp ĐKXT của thí sinh. Các trường lưu ý không được thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển (đối với phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi THPT) khi người học chưa tốt nghiệp THPT. Bộ GD và ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và các bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo các quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.