Một số điểm đặc biệt của Đề thi tham khảo Đại học Quốc gia Hà Nội

NDO -

Theo đánh giá và nhận định của thầy cô, học sinh, đề thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố có một số điểm đặc biệt trong cấu trúc và nội dung. Đề hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh dự thi với phần kiến thức không chỉ tập trung vào chương trình lớp 12. 

Ảnh chụp một phần đề tham khảo Đánh giá năng lực của ĐHQGHN năm 2021
Ảnh chụp một phần đề tham khảo Đánh giá năng lực của ĐHQGHN năm 2021

Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tiếp tục sử dụng bài thi Đánh giá năng lực để thực hiện tuyển sinh vào các trường đại học thành viên. Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN đã công bố đề tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2021. 

Theo đó, bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) có tổng số 150 câu tương ứng với 150 điểm, tổng thời gian làm bài là 195 phút với ba phần thi là Tư duy định lượng – Toán học (50 câu hỏi, thời gian làm bài 75 phút), Tư duy định tính – Ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút) và Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút). Các câu hỏi của bài thi được đánh số lần lượt từ 1 đến 150 gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với bốn lựa chọn từ các đáp án A, B, C hoặc D và 18 câu hỏi điền đáp án. 

Theo đánh giá của Tổ chuyên môn Hệ thống giáo dục Học mãi, “Đề thi có cấu trúc hoàn toàn khác biệt đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trong đó khác biệt lớn nhất là không đơn thuần chỉ kiểm tra kiến thức được học trong chương trình THPT mà hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh dự thi”.

Phạm vi kiến thức được mở rộng không chỉ tập trung vào chương trình lớp 12, phần Tư duy định tính, các văn bản bao phủ trong chương trình lớp 10, 11, 12, ngoài ra còn mở rộng các văn bản ngoài SGK. Phần Tư duy định lượng: Tỷ lệ lớp 10, lớp 11 khoảng 35%. Phần Khoa học tỷ lệ kiến thức lớp 11 khoảng 30%.

Đề thi có sự tích hợp các nội dung kiểm tra đánh giá nhưng không phải sự tổng hợp một cách cơ học kiến thức của các môn. Các kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy. Nhìn chung, với cấp độ nhận thức các câu hỏi như trên, học sinh trung bình – trung bình khá sẽ không khó để đạt được 50% số điểm trong bài thi.

Đề tham khảo có một số điểm đặc biệt, như các câu hỏi không được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó như đề tốt nghiệp THPT mà đan xen nhau. Với từng phân môn trong đề tham khảo cũng xuất hiện các hình thức đặt câu hỏi mới lạ, khác biệt so với đề thi tốt nghiệp THPT.

"Học sinh dự thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN cần phải nắm vững kiến thức cơ bản cũng như phải có năng lực đọc hiểu, phân tích, đánh giá mới có thể hoàn thành tốt bài thi" thầy cô của Học mãi lưu ý. Các câu hỏi có trong đề thi không khó nhưng để hoàn thành tất cả các câu với điểm số tối đa là rất khó. 

Theo một số ý kiến, đề thi tham khảo của ĐHQGHN tiệm cận với đề thi SAT. Đề thi đảm bảo độ tin cậy cao; Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện, không thể học tủ, học lệch; Đề thi có phổ rộng theo độ khó dễ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được việc tuyển thí sinh theo phân tầng các trường đại học, thể hiện được sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá.