Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải “đều tay” trong công tác làm thi

NDO -

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương cần “đều tay” trong thực hiện nhiệm vụ tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sắp tới. Theo Bộ trưởng: “Trong hàng nghìn người tham gia vào kỳ thi, chỉ một người còn "lơ mơ" sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung”.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (bên trái ảnh) tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (bên trái ảnh) tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên

Ngày 5-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông tin cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có những buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại một số địa phương. Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thi cử là không thể chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, càng không nên tạo ra áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết, kỳ thi này không chỉ đơn thuần là để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn để đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến kỳ thi và đã phân cấp cho địa phương chủ động tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn. Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm chung, trong đó có việc xây dựng đề thi; phần mềm chấm thi trắc nghiệm; công tác tập huấn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi…

Thông tin về điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng cho biết đã có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, không huy động lực lượng cán bộ, giảng viên từ đại học tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GD-ĐT huy động hơn 6.000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.

“Kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có ba lực lượng thanh tra. Chúng tôi đã làm việc với Thanh tra Chính phủ để các khâu không bị chồng chéo. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng được tập huấn để làm tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng thông tin.

Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Trong đó, Ban Chỉ đạo các cấp phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tránh chung chung.

Các địa phương cũng cần quán triệt sâu rộng để tất cả những người tham gia kỳ thi hiểu rõ được trách nhiệm, “đều tay” trong thực hiện nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Trong hàng ngàn người tham gia vào kỳ thi, chỉ một, hai người còn "lơ mơ" sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.