Nếu con có em gái

Cơn mưa đá đổ xuống chiều ba mươi Tết làm những luống rau nát bét. Bầm tôi chạy ra chạy vào than thở. Làm thế nào hở ông? Thầy tôi cáu. Ai bảo bà không giải tán sớm đi. Tin tưởng gì ở thời tiết.
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN

Chị dâu tôi có vẻ rất bực bội. Lý do là bầm tôi bảo để phần rau cho chị ăn Tết nên chị chủ quan không mua ngoài chợ. Tôi từng bảo chị đem về từ chiều hai tám, cất vào tủ lạnh nhưng chị nói, cứ để ở vườn cho tươi ngon. Trước bữa cơm tất niên, bầm tôi bưng một rổ quả su su từ vườn vào bếp. Quả nào cũng bị mưa đá sát thương, không quả nào lành lặn. Bầm tôi nhìn con dâu cả, nói như người có lỗi. Đem về ăn tạm con ạ. Chị dâu chả nói chả rằng. Cứ ngồi giũa móng chân.

Em dâu tôi bận con mọn, về sau cùng. Vợ chồng nhà nó bao giờ cũng thế. Sát giờ lên mâm mới đưa nhau về. Vừa đến sân. Em dâu đã dúi đứa con gái đang ngủ vào tay bà nội rồi nhảy tót lên vườn, chống nạnh quan sát. Lát sau em dâu đi xuống, giọng chua như nước vo gạo phơi nắng. Bắt đền bà nội. Sáng nay, rau rẻ như cho ngoài chợ, bảo mua thì anh Ca nói bầm để phần rồi. Đây chả biết. Làm thế nào thì làm.

Ít tuổi nhất nhà mà em dâu cứ một đây, hai đây. Thấy không ai nói gì, em dâu vào bếp, ngó nghiêng một lúc rồi đi vào phòng mẹ con tôi ở, trước đây vốn là kho để lương thực trong nhà bếp. Em dâu lôi ra một túi vừa quả su su, vừa súp lơ, vừa cải cúc. Giọng nó bớt chua. Rau của ai đây hả bầm? Bầm tôi chạy vào. Bà lắp bắp. Đây là rau của chị Quân. Chị cắt sớm nay, để chiều tối sang biếu ông bà bên ấy. Chị dâu tôi ở ngoài sân đi vội vào, can thiệp. Vẽ chuyện. Sao cô Quân phải biếu rau nhà ấy? Em dâu chêm vào. Thật đấy. Việc gì phải biếu? Chả phải họ đuổi mẹ con chị về đây còn gì? Đây không biết, rau bà nội, Nhi cứ lấy về ăn thôi. Nhi là đứa trẻ tám tháng đang trên tay bầm tôi ấy.

Bầm tôi cả nể, nhìn tôi như cầu cứu. Thế mà bầm chả nghĩ ra. Thôi con ạ, để cho chị và em con đem rau về ăn Tết. Con biếu ông bà mấy quả bưởi là được rồi. Bầm tôi vừa dứt lời, em dâu mang ngay túi rau quả ra sân mà chia. Còn cẩn thận đếm từng quả su su, từng cây súp lơ, từng cây xà lách. Chị dâu tôi đứng theo dõi em dâu tôi chia có đều không. Sau khi chia xong, em dâu tôi cho vào hai cái túi. Phần của em treo luôn vào xe máy. Phần chị dâu thì bảo chị mở cốp ô tô bỏ luôn vào. Dĩ nhiên là tôi không có ý kiến gì. Dù vườn rau ấy, phần lớn là tôi chăm bón trong khi bầm tôi đi trông con ốm cho vợ chồng Ca cả tháng ở bệnh viện.

Gần cuối bữa, anh cả tôi, vốn là cai xây dựng, bỗng nhiên ý nhị. Cô Quân ạ... Tôi giật thót mình. Tôi để bát xuống mâm nhìn anh chờ đợi. Anh Tiến không nhìn mặt tôi, cũng không nhìn thầy bầm, mà nhìn ra cái ô tô mới cóng của anh chị vừa tậu hồi đầu năm đỗ ngoài sân. Tận tỷ mấy đấy. Giọng anh có gì đó như khiên cưỡng, như thể ai đó bắt anh nói. Lại có gì đó trơn tru, như là đã được tập dượt, hoặc ai đó soạn cho anh. “Làng này, xưa nay tối kỵ việc con gái đi lấy chồng rồi ôm con về nhà bố mẹ ở em ạ. Tạm một vài tháng thì được. Chứ lâu dài là không ổn đâu”. Chị dâu tôi chêm vào vanh vách. Tính từ hôm cô Quân về đây đến giờ là ba tháng có dư rồi. Chị là nhân viên bảo hiểm có khác, nhớ ngày tháng như thể tôi về đây ở là có ký hợp đồng với chị. Em dâu tôi bổ sung. Hôm ấy, là ngày giỗ cụ nội, nhà mình đang ăn giỗ thì chị Quân về mà lị. Chính xác là ba tháng sáu ngày. Thầy tôi buông đũa, đứng dậy, mang cái ấm trà ra gốc cây hải đường đổ bã. Thằng Ca, em trai tôi nói với theo. Thầy hôm nay không duyệt món ngan om sấu của con gái rượu à? Ngon mà! Tôi chưa kịp nói gì thì anh Tiến cũng đứng dậy nốt. Anh sang bàn ngồi, có ý đợi thầy tôi pha trà.

Nhà rất rộng. Năm gian nhà lớn xây kiểu từ đường cổ. Ba gian bếp, sân gạch lớn. Nhà rộng đến nỗi, vừa lúc ăn cơm, đông đúc thế. Mà ngay sau đó mỗi người tản mát một nơi, đã vắng tanh. Hai thằng con anh Tiến mở cửa xe ô tô lên ngồi sẵn trên ấy. Chị Kim hoảng hốt. Thôi chết, lúc đi quên cho con Tun uống nước rồi. Con Tun là con chó cái giống Phú Quốc của nhà anh chị. Bầm tôi cuống quýt. Thế cái con nhà bây thu xếp mà về đi. Để đấy các bạn em dọn. Tiếng em dâu chanh chảnh. Anh Ca lúc đi đã kéo quần áo của con ngoài thềm vào chưa? Sắp mưa rồi này. Mưa hắt vào là ướt hết. Bầm tôi lại vội vàng. Vợ chồng cái con nhà bây về đi. Sắp mưa thật rồi.

Tôi rửa xong đống bát đĩa, nồi niêu, ngẩng lên. Bầm khe khẽ. Khổ thân. Một mình nấu nướng, lại một mình rửa dọn.

Nhà chị dâu tôi ngay ngoài đường lớn. Cách nhà thầy bầm năm trăm mét là cùng. Nhà em trai tôi thì dưới thị trấn. Cách nhà gần hai kilomet. Nhưng tính bầm tôi thường thế. Luôn có ý thức tránh va chạm với con dâu. Hai mẹ con tôi tắm giặt sạch sẽ rồi sửa soạn về Tết bên nội. Từ nhà tôi về nhà bố mẹ chồng mười bảy kilomet. Trước đây, vùng ấy thuộc ngoại ô. Giờ là thành phố. Đất ở đó có giá lắm, không như ở đây. Trên đường, thằng bé thủ thỉ. Liệu bố có đoán được mẹ con mình về thăm bố không mẹ? Có chứ con. Bố sẽ bất ngờ mẹ nhỉ! Tôi còn nghe rõ tiếng thằng bé cười hi hí sau lưng. Nhờ có đèn đường và trận mưa đá mà đêm quang đãng, thăm thẳm. Cây cầu bắc qua sông như rung nhẹ dưới tiếng động cơ đã cũ của chiếc xe máy tôi đang đi. Thằng bé lại hỏi. Con đố mẹ, người ta tính khoảng cách giữa mặt cầu xuống mặt nước bằng cách nào. Tôi không trả lời con. Tôi biết, nó hỏi để xua đi cảm giác ắng lặng đang bủa vây hai mẹ con. Cả cây cầu chỉ có hai mẹ con tôi đi qua. Đêm ba mươi Tết, ai cần về cũng về nhà cả rồi. Qua cầu là con đường mới tinh thẳng tắp chạy giữa cánh đồng lúa vừa xuống mạ. Lác đác những chiếc xe máy phóng ngược chiều vun vút. Đường ở đây không còn bóng điện nữa. Đêm hun hút. Con trai tôi lại hỏi. Mẹ à, nhà ông ngoại là bác Tiến xây hay ông ngoại xây hả mẹ? Phải một phút sau tôi mới trả lời. Cả ông bà và vợ chồng bác Tiến cùng xây con ạ. Thằng bé rỉ rả. Nhà ông bà rộng thật, nhưng con vẫn thấy như không đủ chỗ cho mẹ con mình. Tôi im lặng, tôi không nghĩ là con trai tôi mới chỉ mười hai tuổi.

Từ khi tôi im lặng, thằng bé không hỏi thêm câu nào nữa. Con đường này mở qua cửa nhà chồng tôi nên nhà ông bà từ mặt đường thôn trở thành mặt đường lớn. Cổng nhà khép hờ chứ không khóa. Con tôi nhanh nhẹn tụt xuống mở cánh cổng cho tôi đi xe vào sân. Điện sân bật sáng. Bố chồng tôi đang ngồi xem tivi. Chị dâu chồng tôi đang lui cui dưới bếp. Tôi dựng xe, xách túi bưởi vào bếp để. Chào mẹ chồng với chị dâu trước rồi lên nhà chào bố chồng. Bố chồng tôi đáp lại hờ hững. Ừ. Hai mẹ con về à! Anh trai chồng tôi không có nhà. Chắc anh đi đâu đó nên cổng mới không khóa.

Tôi cởi bớt áo khoác ngoài và găng tay rồi xếp hoa quả bánh trái ra một cái đĩa lớn, đặt lên ban thờ chồng tôi. Sau khi thắp hương cho chồng xong, tôi xin phép bố mẹ chồng để hai mẹ con về thì bố chồng tôi chợt bảo. Thằng Thái ở đây ăn Tết với ông bà. Con trai tôi như chỉ đợi có thế. Nó háo hức nhìn tôi. Tôi thần người, tê tái nghĩ đến những đổ vỡ.

Chồng tôi mất vì tai nạn giao thông gần năm năm trước. Mẹ con tôi vẫn ở với ông bà an ổn cho đến ngày vợ chồng cái con anh cả từ bên Đức về. Anh chị về hẳn. Nghe nói là vỡ nợ gì đấy. Căn nhà này vợ chồng tôi xây trên nền nhà cũ của bố mẹ chồng. Vay mượn đến một phần ba, làm nhà xong thì chồng tôi mất, một mình tôi lo liệu, mãi đầu năm ngoái mới hết nợ. Anh trai chồng tôi về nhà vài hôm là đề nghị mẹ con tôi ra ở riêng. Anh là cả, anh phải ở trong ngôi nhà này để còn thờ cúng tổ tiên. Ở chung thì phức tạp lắm. Nếu tôi cậy rằng xây nhà nọ kia thì đập đi, khuân gạch ngói đi. Anh không thiết, anh xây cái khác. Tôi là công nhân, tôi làm đâu cũng được. Còn anh chị lớn tuổi, lâu nay buôn bán quen rồi. Anh chị cần nhà mặt phố. Trong lúc hoang mang, tôi cầu cứu bố mẹ chồng. Trước giờ ông bà rất thương tôi. Như tôi thương ông bà vậy. Bà im lặng. Ông tỉnh bơ. Anh em chúng bay tự giải quyết, bố không can thiệp. Thằng Vinh là cả, nó ở đây là hợp lý. Sau này nó còn nuôi bố mẹ, chăm sóc lúc bố mẹ đau ốm. Tôi òa khóc, mếu máo. Thế tiền của con đắp hết vào nhà cửa, nợ nần làm nhà con vừa trả hết, bố mẹ cũng biết mà. Giờ con lấy tiền đâu mà mua đất, làm nhà? Bố chồng tôi quát lên. Làm thế nào là việc của mày. Nhà này là con trai tao xây cho chúng tao ở. Nó chết thì chúng tao hương khói thờ cúng nó. Mày đi mà lấy chồng, con không nuôi được thì để đấy chúng tao nuôi. Đất nhà này hẹp, cả thảy có già trăm mét, không chia chác gì cả, khi nào tao chết, chúng mày muốn làm gì thì làm. Mà nếu có chia thì là cho thằng Thái, máu mủ nhà tao, chứ không chia cho mày được. Bố, bố không thể nói thế với con. Mày là gì mà tao không dám nói, hả? Cút ngay! Quân mất dạy. Cãi bố mẹ chồng nhem nhẻm. Mày tưởng mày đú đởn giai gái đêm hôm rồi cứ bảo ca kíp mà tao không biết à? Mày về mà hỏi chị dâu mày ý.

Tôi oan ức, phẫn uất tưởng chết đứng. Ngay trong chiều hôm ấy, thu xếp quần áo, đồ đạc đưa con về nhà mẹ đẻ. Nơi tôi sinh ra lớn lên là nơi bình yên nhất. Thầy bầm tôi sẽ cưu mang tôi, che chở tôi. Tôi định thuê một ngôi nhà nhỏ để ở nhưng thầy bảo nhà rộng, việc gì phải đi đâu.

Những ngày sau đó, tôi xuôi ngược làm thủ tục chuyển trường cho con. Xin công việc mới cho tôi để gần nhà hơn...

Thấy tôi nghệt mặt ra. Con trai tôi chạm nhẹ vào tay tôi. Hay là cả mẹ cũng ở đây ăn Tết. Nói rồi nó đưa mắt len lén nhìn vào căn phòng cũ của hai mẹ con. Tôi biết, con không muốn ăn Tết ở nhà bà ngoại. Choang. Tiếng vật gì đó rơi xuống trong căn phòng ấy. Con tôi vội vàng đổi ý. Thôi, mình về cũng được mẹ ạ. Tôi biết, con trai tôi lưu luyến nhà cũ. Con sinh ra lớn lên ở đấy. Ông bà nội ẵm bế. Máu mủ, ruột rà. Mười hai năm cơ mà.

* * *

Mấy ngày mưa rất to. Con nghỉ học từ độ có dịch, cứ ở nhà suốt. Công ty tôi, công nhân vẫn làm việc bình thường. Chỉ là không phải làm ca đêm như trước. Ban ngày, con ở nhà một mình, sợ con buồn, tôi bảo con đạp xe về nhà bà ngoại chơi nhưng con nhất định không ra ngoài.

Ngôi nhà hai mẹ con tôi thuê trong làng tuy nhỏ, cũ nhưng chắc chắn. Không những thế, còn có một khu vườn rộng đến ba sào đất và bằng phẳng. Từ khi chuyển đến, những ngày nghỉ, hai mẹ con trồng đủ các loại rau quả. Ai đến cũng nức nở khen vườn nhà tôi đẹp. Rau củ tốt tươi. Bà chủ nhà giờ định cư ở Sài Gòn theo con trai, có ý định bán nhà, không về nữa. Tôi thích ngôi nhà lắm, nhưng mấy trăm triệu một lúc, tôi lấy đâu ra? Tôi mới chỉ dành dụm được một ít thôi. Sau khi nghĩ kỹ, tôi về nhà, nhờ thầy vay tiền cho để mua. Thầy tôi bảo để từ từ rồi thầy thu xếp. Đang dịch bệnh thế này.

Chỉ một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của bà chủ nhà. Bà bảo, đã có người mua ngôi nhà tôi đang thuê. Bà đã nhận đủ tiền và ủy quyền cho ông em trai ruột làm các thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất. Đem nỗi đắng đót kể với một chị lớn tuổi cùng công ty. Chị bảo vợ chồng chị lăn lộn, thuê nhà đến mười tám năm trời, giờ mới mua đất xây được nhà, tôi còn trẻ, lo gì. Chị còn kể, mười tám năm, chuyển nhà cả gần chục lần ấy. Đủ mọi thứ lý do để chuyển. Khi thì nhà chủ không chịu được tiếng con chị quấy về đêm. Khi thì sửa nhà, lúc thì bán nhà. Khi thì tại đi làm ca đêm về, chó sủa mất giấc...

Tôi không phải mẫu đàn bà mạnh mẽ như chị. Chồng chết năm năm tôi còn chưa hết chông chênh. Cứ chông chênh này chuyển sang chông chênh khác. Trước mặt con, tôi luôn phải cố tỏ ra mạnh mẽ.

Ba hôm trước, chị dâu đến chơi, đưa theo hai người khách, một nam một nữ. Người nữ khen vườn đẹp quá. Người nam thì khen ngôi nhà tốt hướng. Như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Điều tôi mơ hồ nghĩ tới đã thành hiện thực. Chị dâu và anh trai tôi chính là chủ nhân mới của ngôi nhà. Chị muốn sửa nhà cửa gì đó và bảo mẹ con tôi thu xếp...

Ngồi giữa những ngổn ngang đồ đạc vừa chuyển đến gian nhà mới thuê. Tôi bật khóc. Một chị hàng xóm mới toanh chạy đến. Chị đứng ngoài cửa, cách tôi hai mét, mặt bịt kín khẩu trang, chỉ hở hai con mắt nhỏ, dài, linh lợi. Chị mắng át tôi. Ôi dào, chuyển nhà sao phải khóc. Xóm này nghèo. Toàn công nhân, nhưng vui cực. Giờ đương cấm tụ tập, mấy nữa hết dịch, tôi kể cho mà nghe. Yên tâm nhá. Điện thoại ghi trên tường ý. Cần giúp đỡ thì cứ gọi. Khu này người ta xây cho thuê, chứ không có bán chác gì đâu. Cái phòng này là vợ chồng con Xuân ở chín năm đấy. Nó vừa chuyển đi. Xây cái nhà to lừng lững trên phố rồi. Nói xong chị le te chạy về nhà chị. Tôi đi ra cửa, nhìn sang bức tường gian nhà đối diện, trên đó có dòng chữ số nguệch ngoạc nhưng rõ ràng “Liên toét 0977xx”... Tôi thấy bớt run. Sáu tháng ba lần rời đổi chỗ ở, có ai như mẹ con tôi không?

Con trai tôi thích thú đi một vòng quanh khu nhà, rồi hớn hở. Con lại hơi bị thích nơi này mẹ ạ. Cả vùng, có mỗi cây phượng, lại ngay sân nhà mình, mùa hè sẽ mát cực. Hồi mới đến ở bếp nhà bà ngoại, nó cũng khen bếp bà ngoại dù hẹp nhưng thoáng hơn nhà thành phố vì nhìn ra vườn rau. Rồi khi thuê ngôi nhà giữa làng, nó lại khen nơi ấy thoải mái hơn nhà bà ngoại. Mỗi lần rời đổi, không gian sống của mẹ con tôi cứ nhỏ hẹp dần lại. Và bây giờ là vỏn vẹn 25 m2 gạch mộc mái tôn cũ kỹ. Mà nó vẫn tìm thấy ưu điểm để khen. Là con tôi đã trưởng thành lên mỗi ngày, hay là tôi mỗi ngày lại thêm yếu đuối?

Trong lúc hai mẹ con đang kê cái bàn học của con thì chị dâu tôi gọi. Liếc thấy dòng chữ “Chị Kim đang gọi”, con tôi thì thầm. Mẹ đừng để bác Kim biết mẹ con mình đang ở đâu nhé. Tôi run rẩy đến toát mồ hôi chờ cho hồi chuông kết thúc. Tôi không nghe. Lát sau thì thấy chị dâu tôi nhắn một cái tin rất dài. “Cô còn nhớ lần đầu anh Tiến đưa tôi về ra mắt, cô đã nói gì không? Cô có thể quên. Còn tôi thì muôn kiếp không bao giờ quên. Cô bảo với bầm là con thấy chị ấy cứ ác ác sao ý. Tôi đứng ngoài cửa buồng, tôi nghe thấy hết. Phải. Tôi ác đấy. Mà sao giờ tôi nhà cao cửa rộng, xe đẹp vi vu, công việc nhàn hạ. Còn cô hiền lành, tử tế mà khổ sở thế. Hay ông trời không có mắt...”.

Tôi cắn môi, dựa lưng vào tường. Con trai nắm chặt tay tôi. Tiếng nó mạnh mẽ như một người đàn ông thực thụ. Mẹ đừng buồn. Nhất định sau này lớn lên, con kiếm được nhiều tiền, con sẽ xây tặng mẹ một ngôi nhà thật to đẹp. Nếu con có em gái, con cũng sẽ làm thêm một căn phòng thật đẹp để em ở cùng mẹ. Nhà ta sẽ rất là vui mẹ ạ.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Tôi đọc truyện ngắn này mà ngạt thở, tim đập loạn lên bởi cuộc truy đuổi của những con người có quan hệ gia đình quá gần gũi nhưng vô cảm và độc ác vô cùng. Đọc xong câu chuyện, tôi tự an ủi mình đó chỉ là chuyện sáng tác không có thật. Nhưng rồi hiện thực trong đời sống này bắt tôi phải thừa nhận đó là sự thật.

Theo dõi suốt cuộc truy đuổi của con người, tôi đã rơi vào tuyệt vọng rằng không thể chạy thoát được. Nhưng cuối cùng thì tôi được cứu thoát. Cứu thoát tôi chính là một đứa trẻ - một con người. Chỉ có con người mới đẩy con người đến bờ vực của đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng. Nhưng cũng chỉ có con người mới cứu được con người khỏi đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng ấy.

Xin cám ơn nhà văn Tống Ngọc Hân.