Về đây Tân Mỹ

Chúng tôi đi qua những hàng dương xanh, giẫm chân lên những triền cát trắng nhấp nhô, kia xóm làng quy tụ bên nhau, hiên ngang nhìn về phía biển. Tân Mỹ là một ngôi làng văn vật thuộc xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bao đời cư ngụ yên bình bên bờ Biển Đông.

Ra khơi. Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY
Ra khơi. Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY

Lật giở từng trang sử, làng Tân Mỹ xưa là phường Tân Hải, thuộc địa phận của làng Lãnh Thủy, tổng Khuông Phò, huyện Quảng Điền. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, trong Danh sách làng xã Trung Kỳ, do Viện Văn hóa ấn hành ngay trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thì Tân Mỹ gồm 12 dòng họ, nguyên quán là làng Diêm Hà, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Những bậc trưởng bối của Tân Mỹ theo con nước mưu sinh đã dạt về dải cát trắng thuộc làng Lãnh Thủy để an cư. Họ phải chịu biết bao phiền nhiễu, thiệt thòi, bất công so các cộng đồng khác. Vì lẽ đó, các vị tiên chỉ trong làng đã họp dân và thống nhất đệ đơn lên Vua để được thành lập một làng mới. Năm 1912, làng đã dâng đơn lên các cấp chính quyền nhà Nguyễn thời Vua Duy Tân, xin xuất làng. Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng làng được phủ, tổng, huyện chấp thuận cho lập biệt ấp, tạo một đơn vị mới. Trường hợp làng Tân Mỹ tương tự sáu làng khác của Quảng Điền cũng được tách ra vào đầu thế kỷ 20 như làng Tráng Lực Đông, An Cư, An Lạc, Tân Thành, Phú An và Phước Thanh Đông.

*

Tân Mỹ là ngôi làng rất coi trọng tính đoàn kết, bà con nương tựa nhau để cùng mưu sinh, chia sẻ từng miếng cơm manh áo khi khó khăn và cùng nhau lo toan việc làng, việc nước. Hiện nay, làng Tân Mỹ đã có hơn 2.500 nhân khẩu chia thành hai xóm, nay đã trở thành hai thôn đó là thôn Tân Mỹ A và thôn Tân Mỹ B-C với 1.700 người ở lại làng, số người đi làm ăn xa lên đến 800 nhân khẩu. Từ đình, niệm Phật đường, miếu mạo đến nhà văn hóa của thôn đều do dân làng chung tay đóng góp. Ông Trần Thanh Hùng, nguyên trưởng thôn Tân Mỹ đã cung cấp cho chúng tôi những số liệu về việc huy động tài vật của con cháu các dòng họ trong làng để xây dựng các công trình chung. Tiêu biểu nhất là đình Tân Mỹ được xây dựng mới từ công đóng góp của bà con trong làng. Theo lịch sử, ngôi đình được xây dựng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân, dân làng đồng lòng chung sức kiến tạo ngôi đình làng vào năm 1913. Qua gần 100 năm, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Với tinh thần đoàn kết, thể hiện lòng tri ân với tiên tổ nên dân làng đã đồng lòng hiệp lực tái thiết ngôi đình với tổng chi phí đóng góp lên đến 2,4 tỷ đồng. Ngôi đình hoàn thành việc xây dựng sau 8 tháng 10 ngày thi công trong năm Canh Dần, là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần đoàn kết của con dân làng Tân Mỹ.

Đặc biệt, dân làng Tân Mỹ rất coi trọng hiếu đạo, các họ phái đã xây dựng nhà thờ của dòng họ mình với quy mô và kiến trúc bền vững, giàu tính thẩm mỹ. Các gia đình, dòng họ ở đây đều lo việc xây cất lăng mộ cho ông bà, tổ tiên được cao đẹp. Bên cạnh đó, miếu Ngư, các mộ phần cá Ông được thờ tự, cúng tế tri ân vị thần bảo trợ cho nghề đi biển của dân là những công trình đậm chất văn hóa tâm linh miền biển. Miếu Ngư được xây dựng vào năm 1907 tại phía bắc của làng và nay được tôn tạo uy nghi.

Miếu cô hồn ở sát biển xây năm 2005 là nơi thờ những người không nơi nương tựa, thường được cúng tế vào dịp Tết. Hằng năm, dân làng tổ chức chạp mộ hoang vào 25 tháng Chạp để tưởng nhớ những người lâm nạn, không nơi thờ phụng như bài văn tế: “Người lên non chẻ củi, người ra biển làm nghề, cơn hoạn nạn khó định”.

Cùng với đó, công trình nhà văn hóa khang trang của thôn cũng được bà con đóng góp với số tiền 392 triệu đồng nằm trên con đường làng đi ra biển. Công trình trường tiểu học cũng được góp sức của bà con với 664 triệu đồng và năm 2002 trường vinh dự đón nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia 1. Các cấp chính quyền từ xã Quảng Ngạn đến huyện Quảng Điền đều đánh giá cao tinh thần đoàn kết của làng Tân Mỹ.

Trong một lần về Tân Mỹ, nhà văn Nguyễn Quang Hà, đã thốt lên rằng: “Điều làm chúng tôi ngạc nhiên đầu tiên ở Tân Mỹ là đêm ngủ, không một nhà nào đóng cổng, còn cửa trong nhà mở toang, kể cả cửa chính. Tôi đi đã nhiều, chưa gặp ở đâu như thế!”. Phải nói ở Tân Mỹ, tình hình an ninh rất bảo đảm, hầu như không xảy ra trộm cắp. Trong những ngày lưu lại Tân Mỹ, chúng tôi đã được sống trong cảm giác bình yên đó. Có người về Tân Mỹ đã nói rằng: không tin nhau, không yêu thương nhau hết mực, tận cùng thì làm gì có Tân Mỹ hôm nay. Chính tinh thần đoàn kết chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái ấy đã làm nên bản sắc của Tân Mỹ mà hiếm nơi nào có được.

*

Dân làng Tân Mỹ rất coi trọng việc giữ gìn, giáo dục văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng, phòng ngừa, bài trừ những thói hư, tật xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống. Dân làng đã lập bản quy ước thôn văn hóa vào năm 2005. Bản quy ước có ghi: “Các vị tiền nhân đã để lại cho con cháu đời sau những di sản vô cùng quý giá, đó là đạo đức, thuần phong mỹ tục, đấu tranh bất khuất, lao động cần cù sáng tạo để xây dựng làng... để giữ gìn truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...”. Bản quy ước của Tân Mỹ trở thành phương tiện để truyền tải, giáo dục, khuyến khích và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xã, tránh xa những thói hư tật xấu, loại bỏ những hủ tục tập quán không phù hợp, hướng tới xây dựng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức, xã hội phù hợp với đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng.

Nơi đây còn lưu truyền điệu múa Náp đặc biệt của cư dân biển. Múa Náp là loại hình văn hóa dân gian mang tinh thần thượng võ có giá trị bền vững trong đời sống của những ngư dân mưu sinh vùng biển, đã cùng lớp lớp cha ông mang theo đến vùng đất mới lưu truyền cho con cháu.

Không biết chính xác múa Náp có từ bao giờ, chỉ được nghe tích truyền vào đời Vua Gia Long (1802 - 1820), trong một lần nhà Vua ngự thuyền ngược về phía biển và tình cờ thấy trên bờ có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, tiết điệu uốn lượn rất lạ mắt. Vua liền hạ lệnh dừng thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa Náp của ngư dân Tân Mỹ. Thấy điệu múa hay, Vua khuyên dân làng nên duy trì. Từ đó, người dân Tân Mỹ giữ gìn múa Náp như một báu vật của quê hương. Múa Náp của làng Tân Mỹ bao gồm các nhân vật là ông Cai (đứng đầu) và 20 người là thanh niên và thiếu niên chia làm năm nhóm. Người múa trong trang phục mầu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây, hồng, mặc quần áo rộng, lưng cuốn đai, đầu chít khăn, chân đi giày vải bó như thủy binh thời xưa. Với đạo cụ là đèn, gậy và chiếc náp dài khoảng một mét - giống như một thanh đao, điệu múa Náp diễn ra từ 25 - 30 phút trên nền tiếng trống kèn và dưới sự chỉ huy của đội trưởng theo tiếng gõ cặp sênh gỗ. Múa Náp vốn chỉ có các màn: tam xà, tứ trụ, vô búp (búp sen), ra nở (sen nở), đi vòng số 8. Để điệu múa phong phú và sinh động hơn, người dân trong làng đã cải biên và thêm vào một số động tác như: tam lang, tứ lang, tứ trụ sen, đi hàng một, chia hàng hai, đi hàng chéo. Một thời gian dài, điệu múa này bị thất truyền và mãi đến năm 1994, các bậc cao niên trong làng đã thành lập đội múa, phục dựng, tập luyện để biểu diễn lại. Năm 2002, anh Phan Đăng Khoa một người con của làng đã mạnh dạn đề xuất ý kiến phát triển múa Náp, đưa múa Náp phục vụ theo nhu cầu của người dân và được bà con trong thôn nhiệt tình hưởng ứng.

Múa Náp đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của người dân trong các dịp cúng tế, cầu ngư hay những lần đưa tiễn con dân của làng về với cõi vĩnh hằng. Các ngư dân tin rằng việc nhảy múa có mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng hay xua đuổi ma quỷ, giúp linh hồn người chết được siêu thoát.

Sự chung lưng đấu cật, góp công góp sức tôn tạo các di sản vật chất cũng như phát huy các giá trị văn hóa tinh thần đã cho thấy ý thức đề cao sức mạnh tinh thần của những người dân quê hương Tân Mỹ. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, tinh thần ấy, ý thức ấy chính là cội nguồn sức mạnh đã củng cố, duy trì ngọn lửa đoàn kết, hòa hợp, để mỗi người dân nơi đây cùng chung tay, góp sức dựng xây quê hương.

Đêm. Chúng tôi ngồi trên cát, nghe sóng vỗ, ngắm nhìn những ánh đèn xa xa, vầng trăng cong ước mơ, thấy Tân Mỹ thật yên bình, đáng sống. Ngày mai đây, thuyền về bến chở nguồn vui vào chợ, rót nụ cười lên những gương mặt ngư dân hiền hậu chất phác. Chợt nhớ bài thơ “Trong mưa chiều Quảng Ngạn” của Trần Văn Liêm:

“Mây buông mấy vạt thình lình
Con trăng Tân Mỹ phiêu linh
sóng ngàn
Còn không một chuyến đò ngang
Đưa tôi về lại bãi ngang
Quảng Điền...