Vắng lặng mặc những đổi thay

Tôi đang trên đường đến chùa Bà Ðanh. Một cuộc hẹn, một cuộc rủ nhau tình cờ đúng ngày mồng một - lịch âm. Mấy chị em mặc bộ áo dài đi lễ vừa mầu thiền vừa pha chút cách tân hiện đại của mớ ba mớ bảy. Mặc thôi. Tôi không thuộc người rằm mồng một là lên chùa nên lúc này không mặc thì lúc nào. Ði vãn cảnh chùa, đi tìm đến nét xưa của làng quê Việt Nam nơi mái chùa, đến chốn thanh tĩnh, ít vướng bụi trần nhất trong cõi đời đang rất thực này. Và tôi đến chùa Bà Ðanh trong mong muốn được ấp ủ từ lâu.

Chùa Bà Ðanh - tôi như bước từ tuổi thơ đến nơi cổ tích, đi từ giấc mơ khi nào không rõ ở trong tôi. Vắng như chùa Bà Ðanh - nghe văng vẳng một tiếng gọi mơ hồ lắm mà nhắc nhớ lắm, như đâu đâu ấy. Ðến đường làng để vào chùa rồi phải xuống xe ô-tô. Không là "hạ mã" mà bởi một barie bằng tre chắn ngang. Xe chúng tôi 16 chỗ không thể qua con cầu nhỏ bắc qua dòng sông Ðáy. Thì xuống xe thôi. Có ô-tô chở khách đến là thấy chủ nhân xe điện xuất hiện. 20 nghìn đi về. Thì 20 nghìn đi về. Bây giờ đi đâu mà chẳng phải chuyển phương tiện như vậy. Ngồi xe điện chống chếnh được ngắm "dòng sông Ðáy quê em/ sông trăng hay sông lụa/ nong kén vàng như lúa/ tròn vành một góc trời". Giai điệu ngọt ngào ngân vang từ khi còn rất trẻ, để cũng mơ lần qua sông Ðáy. Tới đất vườn vào chùa rồi. Không đi xe điện chắc là cũng mỏi với các cô các bà ở phố. Từ một ngôi nhà cách lối đi, nhô ra mấy người hỏi để thu tiền vào chùa. Thì cũng nộp thôi. Ðến nơi nào, kể cả đền chùa mà thu lệ phí muốn vào thì phải nộp thôi. Chỉ mong phí ấy dành vào nơi đặt ra lệ phí.

Vắng thật. Chả có ai. Có thể sáng nay đã có người tới lễ chùa sớm mồng một. Chị em chúng tôi tới lúc đang trưa. Sẵn bàn ghế. Sẵn hương tự thắp. Có chị cầm tiền lẻ đặt khắp nơi các ban. Có chị bỏ một lần tờ tiền mệnh giá cao vào hòm công đức. Sao cũng được nhỉ những tấm lòng đang hướng về cõi Phật. Chợt nghĩ tới tờ tiền 50 nghìn các bà thường hay dùng đi lễ rải các ban. Ôi mà sao đầu cứ lan man dẫu chỉ quanh chuyện đến chùa. Tôi nào biết khấn gì, cứ trong đầu nghĩ gì, mong gì thì lẩm nhẩm trong lòng điều ấy. Mỗi người đến chùa mang những tâm trạng, nỗi lòng khác nhau. Ai cũng có lúc phiền não, có nỗi khổ niềm đau. Ðến nơi cửa thiền cho tâm lắng xuống, cho hồn có nơi nương tựa để cầu nguyện, vỗ về chính mình. Có hay không có, chính tín hay mê tín đâu là quan trọng. Ðến chùa, cái cảm giác nhẹ lòng, thanh thản luôn là có thật. Ta như được lọc khí và đầy ắp năng lượng tâm linh. Nơi chùa làng, chùa cổ linh khí trăm năm tụ lại truyền đến cho ta.

Ðây là chùa Ðức Bà ở làng Ðanh nên gọi chùa Bà Ðanh. Mà Ðức Bà là ai nhỉ? Có bao nhiêu nữ thần đã là Ðức Bà được dân gian thờ cúng nơi các chùa làng. Truy cứu làm gì nhỉ. Nơi thờ cúng cứ hư mà thực, cứ không mà có, trong niềm thành kính dân gian. Và cứ như chúng ta đến chùa cúng lễ khi rằm, mồng một, khi ngày lễ hội, khi tết nhất. Chùa Bà Ðanh - vắng như chùa Bà Ðanh gợi những xa xôi, huyền bí. Thì phải đến để biết trong ngưỡng vọng và cả tò mò. Thì ra trước kia chùa như bao ngôi chùa làng nhưng đất chùa rộng lắm. Chùa Bà Ðanh với quần thể liên hoàn thờ Phật, thờ tượng thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, giếng Ngọc còn đó. Tôi đi hỏi và tôi đi tra mạng để tìm hiểu ngôi chùa tôi vừa đến. Những tương truyền khiến cho sự vắng vẻ trở nên kỳ bí. Dù có lý giải rất thực tế vì sao xưa chùa vắng khách "vừa xa khu dân cư, đường vào lại hiểm trở, ngày trước là rừng rậm..." và ba mặt là sông, tôi vẫn muốn lưu giữ mãi cái ý niệm linh thiêng và những linh ứng ấy trong đời. Những bất kính, những cười cợt, bình phẩm, những cầu lợi mưu danh, thậm chí cả những mưu hại không được bước đến, mang vào nơi cửa thiền. Con người hãy chừa ra cho những ngôi chùa làng này sự thanh tịnh, trong sạch để có những lúc ta đến đây hương khói cho tâm đức của mình.

Mang về tấm hình chụp trên cổng chùa hai chữ Bồng Lai để rồi cứ mơ tưởng không đâu. Tâm niệm sẽ trở lại có một thời gian lâu hơn trong khung cảnh vắng lặng của chùa Bà Ðanh.