Vàm sông Ô Môi

Hồi ông bỏ bà đi gặp đám bạn, cũng là ngày ô môi đương thì trổ bừng sắc hồng bên vàm sông Xà No. Cái mầu hồng phơn phớt pha lẫn tím xao xác cả miệt đồng bưng. Bà thẫn thờ trên bến từng chiều. Ai tới hỏi thăm, bà cũng chỉ gật đầu nhẹ bâng. Ổng mê đám bạn quá chừng. Mà thôi, ngần đó thời gian ổng sống với tui rồi. Giờ ổng vui vầy bên đám bạn cho có tình đồng đội. Bà nói vậy, rồi bỏm bẻm nhai trầu. Môi đỏ quệt tựa như mầu son.

Vàm sông Ô Môi

Bà theo ông dìa cái xứ Xà No sau ngày giải phóng. Hồi đó, tía má ông lắc đầu ngoày ngoạy khi ông xin đi cưới bà. Đâu ra cái chuyện trai tân lấy thứ nạ dòng. Bà hơn ông hai tuổi, lại đã một đời chồng thêm một đứa con gái nhỏ. Cưới với chả xin, miệt này đâu phải thiếu đờn bà. Má ông lớn tiếng quát tháo. Trai tân mà lấy nạ dòng, cơm chan nước lạnh, mặn nồng gì đâu?

Ông giận run người. Cái miệt này có cả ngàn gái đẹp gái tơ thì ông cũng chả lấy đâu. Ông thương ai thì xin cưới người đó. Bằng không cho, thì ông cất cái chòi ra ở riêng. Tía má chẳng hiểu, thương một người là nó nằm tận sâu trong lòng dạ mình, chứ mấy cái thứ râu rìa bên ngoài đâu có bao giờ bền chặt.

Tía đập bàn. Má khóc lóc. Ông vẫn nhất quyết cất cái chòi, rồi xuôi thuyền về miệt Nha Mân rước bà. Hổng có cái đám cưới nào diễn ra. Ngày đó, chỉ vài người đồng đội cùng đơn vị, ghé ngang căn chòi tuềnh toàng tặng vài thứ bánh kẹo và hai cục xà bông thơm Bến Thành.

★★★

Từ hồi ông mất, bà thôi không còn cái nết sáng sớm tinh mơ quẩy giỏ đi chợ như lệ thường. Hồi đó, hễ mỗi lần cái loa treo trên cây cột đèn giữa xóm bắt đầu phát bản tin sáng, rồi chuyển qua mấy bài nhạc quê hương, là bà ưa quay sang hỏi ông nay muốn ăn gì. Bà thương ông chẳng cần nói nhiều. Thương ngay cả cái nết khó ăn của ông. Bữa cơm nhà, vì thế lúc nào cũng ấm áp.

Từ chợ về lại nhà, thể nào bà cũng đem theo dăm ba câu chuyện mà tỉ tê cùng ông. Chuyện làng chuyện xóm, chuyện không đẩu không đâu. Rồi hai mái đầu bạc thếch khẽ tặc lưỡi.

Mấy bận như thế, Bế Hai ưa nói, tía má lo chi chuyện bao đồng. Nặng lòng chi mấy chuyện hổng dính dáng đến mình. Tiếng bàn đạp chân vịt của cái máy may cứ vang đều đều. Bế Hai đâu lo mấy chuyện xa xôi, chuyện gần kề là nó mà giao đồ trễ hẹn cho khách, là hổng có tiền. Hổng có tiền thì khó sống lắm nghen. Thời này, đâu có chạy qua nhà hàng xóm mà xin lon gạo, mà lội xuống sông bắt mớ tép. Làm gì có chuyện râu tôm nấu với ruột bầu. Ngay cái miệt vốn dĩ hào sảng cá tôm, cây trái này, thì tất thẩy giờ cũng phải ra chợ mà mua.

Tiền lương hưu của tía chỉ đủ thuốc thang theo kỳ, chứ chi tiêu trong nhà cũng là một tay Bế Hai lo toan. Đừng mong chờ vào chuyện Hai Chiến hay Ba Đấu phụ trợ. Sài Gòn xa lắm. Sài Gòn khó sống. Nên Hai Chiến và Ba Đấu còn bận bịu lo toan mái gia đình nhỏ của mình trên đó. Sức đâu mà để ý tiểu tiết đến tía má. Dẫu sao thì tía má cũng còn có Bế Hai.

★★★

Thằng con Ba Đấu điện thoại cho Bế Hai khóc nấc. Bế Hai ơi Bế Hai, người ta tới phá nhà, người ta tạt sơn trộn với mắm tôm vào nhà, người ta làm dữ lắm, đòi chém, đòi giết. Tiếng đứt quãng được mất theo từng cơn khóc. Bế Hai tắt máy rồi mà tim đập thình thịch. Trời phật, chuyện này mà tới tai má, sao má sống nổi. Sài Gòn lấy của má những thằng con trai yêu thương, biền biệt theo cái vòng xoáy mãnh lực tiền tài hư danh.

Chiều sẫm trời, nước cuốn mấy cánh ô môi xuôi dòng ra sông cái. Bên mâm cơm má dặn Bế Hai điện thoại nhắc mấy đứa em kỳ này giỗ tía ngay cuối tuần nhớ dìa nghen. Hình như bốn năm rồi, tụi nó cứ nói giỗ ngày thường, không được nghỉ làm, nên chẳng thể dìa. Nay là phải dìa, dìa đặng tía bây thêm vui.

Bế Hai ngập ngừng, đưa mắt nhìn má rồi thở dài héo hắt. Nói là nói vậy, chớ nhiều khi cuối tuần tụi nó cũng lắm chuyện phải lo, rồi đám con cái học thêm học bớt. Sài Gòn đâu có gần má ơi, ngồi xe ngót tám tiếng, dìa rồi lên liền chắc bệnh luôn đó má. Nên thôi, con cháu có lòng là được rồi má. Nè, Hai Chiến với Ba Đấu mới nhắn tin gởi tiền về cho con lo đám giỗ nè má.

Má ờ một cái. Tiếng ờ nghe chừng thườn thượt trôi dài, theo gió vút lên tận ngọn ô môi. Bế Hai cặm cụi lùa cơm, nói khéo cho má đỡ buồn. Chớ hổng lẽ nói, đây là lần thứ năm, Bế Hai tự bỏ tiền ra mà nói dối má. Tháng tư vẫn ngọt ngào mầu hồng của rặng ô môi bên vàm sông.

★★★

Bế Hai tất tả quay về nhà sau buổi chợ sớm. Bỏ lại sau lưng mấy tiếng kỳ kèo đãi bôi của bạn hàng rau hàng cá. Cũng lại sà xuống bên thềm nhà, hổn hển thở. Vậy là hổng phải tin đồn đâu nghen má. Mấy ông trên tỉnh về họp sáng nay thông báo, sẽ cho xáng múc dòng Xà No, khơi thông nước về đồng trong, làm nguồn tưới tiêu. Rồi xẻ kinh Xà No ra thành mười bốn cái sườn ngang. Để thuận tiện dẫn nước vào sâu. Nghe nói Xà No thành khu trọng điểm phát triển của tỉnh. Mấy ổng nói làm vậy cho dân xứ mình hết nghèo, hết bỏ ruộng đồng mà tha hương cầu thực. Mà má ơi, hình như xáng múc ngay cái vàm sông, là mất luôn cái rặng ô môi nghen má.

Má ngưng nhịp võng. Lặng im. Cứ nhìn trân trân về phía vàm sông thấp thoáng những cánh hoa hồng phơn phớt trong buổi nắng sớm. Má hổng nói gì. Con sáo sậu lẻ bạn bay dáo dác líu ríu bên trời. Rồi nó đậu bên thềm nhà. Con sáo sậu lông đen mướt rượt. Cứ đi quanh đi quẩn trong ô gạch tàu đỏ vuông vức. Sáo sậu vốn dĩ nhát người. Không dưng nay nó bay về đậu chi thềm nhà?

Sáo xa bầy, nên nó trơ trọi, tiếng sáo nghe bi thương. Nó rướn cổ mà kêu đến khản giọng. Kỳ vậy ta. Mà thôi, coi như tía về đó má. Mai giỗ ổng rồi heng. Bế Hai quầy quả đi vào chái bếp sau. Bóng Bế Hai khuất sau cái mành tre, bà lấy tay lau vội hàng nước mắt. Ô môi vẫn rụng cánh theo từng cơn gió.

★★★

Bà nên duyên cùng anh chồng đầu. Cũng chẳng phải yêu thương gì, nhưng là hồi đó ba má sợ những ngày chiến tranh ác liệt, chuyện sống còn không thể nói trước, lỡ chẳng may, thì bỏ bà trơ trọi. Bà mười bảy, lần đầu gá thân phận mình, tưởng là đò đã cập bến. Nhưng trong một lần đi chiến dịch sát vùng Tịnh Biên, người chồng chẳng thể quay về, mãi mãi nằm lại bên dòng Thốt Nốt. Người đồng đội truyền tin về cho bà hay. Hồi đó, cái bụng bà cũng đã lum lúp.

Ngày đỏ lửa, địch càn tan nát làng. Người đồng đội truyền tin lại cõng bà trên lưng quay về căn cứ. Bỏ lại phía sau thôn xóm cháy tàn cháy rụi. Bà đang ở tháng thứ bảy của thai kỳ. Cứ điểm báo về, làng lụi tàn hết, ba má bà cũng bị giết chết ngay trong đêm đó. Bà nghe tin mà ngã khụy. Cái bụng đau dữ dội. Hình như đứa nhỏ thúc. Có dòng máu rỉ ra từ bên dưới.

Trong cái lán hiu hắt ánh đèn dầu, bà nghe tiếng thúc giục mình rặn. Bà nghe tiếng ai đó nhắc nhớ về nỗi đau của má, về sự hy sinh của ba mình. Giọng người chuyển tin thủ thỉ. Cô phải sống, đứa bé phải sống. Phải chiến đấu cho chồng, cho ba má cô.

Ờ, bà phải sống. Phải chiến đấu. Cho tất thẩy những người đã nằm xuống. Bà không được gục ngã. Con của bà cần phải sống. Bà quơ tay túm tóc của một ai đó đứng gần cạnh mình. Bà ghì đầu, bà lấy hơi. Đau đớn, rã rời. Vang xa trên miệt đồng bưng mùi khói súng, tiếng ì đùng, và những ánh chớp vẫn lóe lên. Chừng khi nghe một tiếng khóc ré, bà mới thở nhẹ mà lả người đi.

★★★

Hai Chiến và Ba Đấu vẫn không về ngày giỗ ông. Ô môi tàn mùa, chỉ còn sót lại vài bông muộn mằn cố bám víu trên cành khẳng khiu. Bà lững thững ra ngồi sát vàm. Ông gặp bạn vui hông? Sao hồi đó ông nói chỉ cần tàn cuộc chiến là ông hổng bao giờ bỏ tui một mình mà. Hay tại tui ưa càm ràm nên ông bỏ đi sớm.

Thằng Hai Chiến nó giờ làm giám đốc công ty trên Sài Gòn nghen ông. Thằng Ba Đấu nó có hai căn nhà to lắm. Tội là tội con Bế Hai, cả một đời long đong gắn chặt với mình. Số khổ từ khi lọt lòng, chừng tới bây giờ vẫn mình ên nuôi tui. Nó hổng dám lấy chồng ông ơi. Nó sợ tui ương yếu thì lấy ai lo.

Hôm Tết, thằng Ba Đấu có xin chục công đất phía sau nhà để bán ra lấy tiền làm ăn. Mà thằng Hai Chiến nói ít ra cũng phải chia hai. Đất của ông bà nội để lại, nên con Bế Hai hổng có được chia phần. Tụi nhỏ kia nói nó hổng phải cháu nội ruột nên nhường cho nó căn nhà nhỏ này, coi như đã là tình nghĩa chị em. Tui nghe hết đó. Nhưng ngày tư ngày Tết, tui hổng thèm làm um sùm, coi như một năm có mươi bữa sum vầy. Nhắm mắt để đó.

Nhưng hồi sớm này, tui lên ủy ban tui chứng cái giấy rồi, hổng ai tranh giành của ai được hết. Con nào cũng là con. Ông cũng ẵm bồng con Bế Hai từ khi lọt lòng mà. Mấy lần ông về sau mỗi bận truyền tin đường dài, là y như rằng chưa kịp dòm tới mặt tui, ông đã lo đi kiếm con Bế Hai mà nựng nịu. Rồi chừng nó lớn lên, cũng là ông đưa đón đi học hay dạy dỗ chuyện khôn khéo ở đời. Vậy nên, mình cứ làm tròn bổn phận với nó nghen ông.

Vàm sông lao xao con sóng vỗ. Bà ngồi dựa gốc ô môi. Gió chiều phả hơi nước từ lòng sông, mát rười rượi. Bà nhắm mắt mơ màng. Hình như ông đang nắm tay bà. Như cái hồi ông dẫn bà biệt xứ Nha Mân dìa tận Xà No lập thân. Trên cành ô môi cuối mùa, đôi sáo sậu chí cha chí chách, hót điệu tương phùng, nghe ngọt cả một khúc sông.

★★★

Một chiều cuối tháng tư, bên rặng ô môi, bà cũng đi gặp ông. Chuyến đi lặng lẽ. Khi người ta chưa kịp cho xáng vào múc con kinh Xà No. Khi mấy phần quà tặng của bên hội cựu chiến binh còn chưng đầy trên bàn thờ ông. Bế Hai khóc nức nở.

Lễ viếng vừa xong thì chiều hôm đó, Ba Đấu đòi bán chục công đất, chia phân nửa với Hai Chiến. Nợ làm ăn ngập đầu, người ta quậy muốn nát cái nhà trên Sài Gòn rồi. Bế Hai cứ ở đây mà nhang khói giữ nhà. Khi nào chết thì tính tiếp. Vậy cho xong. Khỏi lòng vòng.

Hai Chiến gật gù. Đợi sau bốn chín ngày của má, bỏ bàn vong, thượng hình má lên tủ thờ, rồi hẵng bán. Vậy coi nó mới đặng. Ủa mà hồi đó má có nói má để vàng ở đâu hông chị Bế Hai.

Bế Hai thở dài xao xác. Hai năm trước Ba Đấu nó nói làm ăn chi đó, má vét hết vàng đưa cho nó rồi. Sau câu nói, tức khắc Hai Chiến với Ba Đấu gầm gừ, từ nho nhỏ rồi tới lớn tiếng quát tháo. Đứa nhắc vàng. Đứa nhắc đất. Chia nhiều chia ít.

Không dưng Bế Hai thèm như hồi má còn sống. Dẫu chỉ có hai má con lủi thủi chuyện không đẩu không đâu từ ngoài chợ đem dìa nhà mà đỡ buồn hơn chuyện gia đình um sùm như bây giờ. Tiếng ồn ào càng ngày càng lớn, nghe đâu hai thằng em đòi sớm mơi lên ủy ban thưa kiện nhau gì đó.

Vàm sông nay trơ trọi. Ô môi rụng hết rồi. Hình như hổng đứa con nào để ý, ai rửa cái tấm hình thờ, sao mà nụ cười của bà buồn thắt thẻo vậy?