Sau cơn bão

Bão đến làng tôi vào lúc nửa đêm nhanh như ngựa phi nước đại, rầm rầm tung vó trên những ngọn cây cao cùng với tiếng rít từng hồi cuồng nộ. Lá ngô đồng bay, cành bạch đàn gãy. Mùi khuynh diệp ngai ngái thơm thơm từ trên cao dội xuống, từ dưới đất bốc lên, từ lưng chừng mênh mông khi những cành cây chưa kịp rơi xuống đã bị tốc ngược trở lại. Làng mất điện, tối thui, chỉ nghe tiếng người người gọi nhau đi cứu hộ. Thỉnh thoảng có đôi ba ngọn đuốc sáng sực mùi dầu hỏa và giẻ rách cháy khét vụt qua rồi biến mất vào bóng đêm đặc quánh.

Sau cơn bão

Tôi ngồi trước nhà, cảm nhận thấy cơn bão ghé nhà tôi ngay từ chái nhà phía tây. Ở đó, từ những cánh cửa sổ rệu rã đập, tôi ngửi thấy mùi bạch đàn gãy ở ngoài bay vào. Gió chạy dọc từ hành lang nhà trên xuống nhà dưới, thốc vào chăn màn, tranh ảnh trong nhà đột nhiên rộn ràng hẳn lên. Tấm ảnh cưới của anh chị tôi được in trên đá vừa mới đưa từ nam ra, nặng trình trịch cũng rung lên nhè nhẹ. Chị dâu tôi ngồi bó gối đầu giường giật nảy người, nhìn ra ngoài trời thở dài: - Cháu hổng thích tiết trời miền trung, lúc nào cũng nắng lắm mưa nhiều ghê chết đi được.

Cha tôi không thèm chấp nhặt lời của chị nhưng mẹ tôi thì không thể chịu nổi. Bà bỏ nốt miếng trầu vào miệng rồi hậm hực đáp lời chị: - Rứa mà choa sống cả đời có bị răng mô. Cũng sinh con đẻ cái, nuôi ăn, nuôi học rồi mới vô nam ra bắc được chớ.

Chị dâu biết mình lỡ lời đành im lặng. Nhà nín thinh. Chị nhìn xuống cái bụng đã lùm lùm của mình rồi nhìn một lượt tất cả mọi người. Bóng tối là đồng minh của chị. Chị dò xét từng khuôn mặt mọi người. Khuôn mặt cha tôi căng lên, nếp nhăn giãn ra, chùng lại liên hồi. Ông lấy ống điếu ở dưới bàn vê một mồi thuốc rồi rít tròng trọc. Tối ấy là tối thứ 5 kể từ ngày anh tôi đưa chị dâu về đòi cưới, ông hút nhiều thuốc đến thế. Thật ra cha cũng muốn yên bề cho anh tôi, nhưng ông muốn dù nó đi làm ăn ở đâu xa cũng về quê mà tìm lấy một đám gần nhà. Dù gì thì người quê hương vẫn hơn. Ông muốn dạm anh cho chị Đào thợ may ở xóm dưới. Chị Đào vừa hiền lành lại có cái nghề không lo mà chết đói được, ở quê bây giờ thợ may vẫn là nhất, vừa nhiều việc vừa ăn trắng mặc trơn, chỉ cần anh chị chăm lo đỡ đần thì cũng lận lưng được kha khá vốn. Cha tôi cứ nghĩ mông lung như thế, tạo ra những viễn cảnh xa xôi như thế nên hằng ngày cứ hễ đi đâu qua quán may của chị ông cũng đều đánh tiếng. Vừa để dò ý chị, cũng là để ngầm đe với xóm với làng nó đã có nơi có chốn, mà là chốn tốt hẳn hoi là anh Thế tôi. Dù sao, anh tôi cũng là một người đàn ông khỏe mạnh, một lao động tốt biết tu chí làm ăn, tích góp gửi về cho cha tôi dựng lại cái nhà bề thế vào bậc nhất của làng này. Điều đó với cha có nghĩa: con gái làng này ai lấy được anh tôi thì chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo. Thế mà giờ đây, anh tôi lại đưa chị dâu tôi về nhất nhất đòi cưới. Cưới chị có nghĩa là cha mẹ tôi mất người nương tựa lúc trở trời trái gió. Nhưng anh kiên quyết lắm, thế là xuôi. Cha tôi làm dăm chục mâm thông báo với hàng xóm láng giềng, cũng mừng thầm là con đầu cháu sớm nên mọi người trong họ mạc cũng nhanh chóng xắng xở một tay vào giúp. Chị dâu tôi cũng ngoan hiền, chỉ tội không hiểu hết dân quê mình, cứ nói thẳng, nói thật, nghĩ gì nói nấy nên mẹ tôi mới có kiểu nói chuyện như tối hôm ấy.

Đám cưới xong thì bão đến. Mẹ tôi dọn dẹp xong mọi việc rồi thở phào. Chỉ có cha tôi là không thực sự thỏa mãn. Tôi biết, cha không thích anh chị tôi cưới xong là đi ngay nhưng cũng chẳng thể giữ chân ở lại. Còn công việc nữa chứ, cha tôi không phải là người cạn nghĩ. Hồi đầu hôm, bác dâu cả nhà tôi sang chơi ăn trầu cùng mẹ ở dưới bếp cũng đã đánh tiếng về vấn đề này. Nghĩ đến việc con cái ở xa rồi lại tay xách nách mang đi chăm cháu, mẹ tôi buồn buồn: “Biết mần răng bây chừ bác, có con có cháu mà cũng như không. Tôi đến già rồi cũng không có đứa cháu mà bế mà bồng, mà đi ngang về tắt mua cho nó dăm hào tiền quà, tiền bánh”. Tôi ngồi im nghe, thấy trong lòng trống hơ, trống hoác, định nói chen vào câu chuyện của mẹ và bác nhưng rồi chợt nghĩ đến mình, tôi cũng là một thằng con trong nhà nhưng sao việc chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi già tôi lại không làm nổi. Bàn chân tôi - cái bàn chân vô dụng không thể trụ vững được thân thể của mình thì làm sao có thể lo nổi cho cha cho mẹ. Như cơn bão vừa qua, tôi chỉ ngồi nghe tiếng gió thốc mà chạnh lòng nhìn cha mẹ chạy ra giữa mưa trập lại mái rèm, dáng xiêu xiêu, buồn đến không thể tả.

Nắng đã bắt đầu lên. Mẹ tôi dọn lại góc vườn đầy lá rụng mà tiếc cho đám bạch đàn bị gãy giập khi đang trong thời kỳ trổ hoa. Căn nhà không có anh chị tôi trở lại hiện trạng ban đầu: một cha tôi, một mẹ tôi, một tôi. Ba người lớn trong một ngôi nhà lớn mà vẫn cứ thấy văng vắng, thừa thãi quá, rộng rãi quá. Tôi lôi mấy thứ đồ điện trong làng nhờ sửa ra ngoài hàng hiên hong, quấn lại chiếc mô-tơ quạt cho ông giáo Phạm ở xóm dưới rồi trèo lên chiếc xe lăn đi ra ngõ.

Từ dạo anh lấy vợ, tôi ít qua lại đoạn đường này. Cha tôi lại càng không. Có lẽ cha thấy ngại với chị Đào nên cứ mỗi lần có việc ông thường đi đường vòng, gấp quá thì đạp xe đạp lao cái vèo qua quán, không nhìn ngang nhìn dọc ai cả. Mà nào có ai nói gì cha tôi đâu. Nếu chuyện anh tôi và chị mà thành thì là sự thật, còn nếu không thành thì cũng chỉ là chuyện đùa lúc vui cờ vui rượu mà thôi, nhưng cha tôi lại không nghĩ thế, ông xem đó là sự thật mà nếu không thành thì ông ân hận lắm. Tôi không nghĩ như cha tôi, lấy nhau là do cái duyên cái số, nhưng cứ đi qua quán chị là tôi lại chộn rộn làm sao ấy. Hai má cứ nóng ran lên khi nhìn thấy chị. Không phải tôi rầy rà gì mà chị cũng nào có làm gì tôi.

Nhà ông giáo sau cơn bão trông như một bãi chiến trường. Ông đang ngồi bên đống lá cao ngất ngưởng, mái tóc bạc trắng lẫn trong đám lá xanh um. Bạch đàn ở quê tôi nhiều vô kể được trồng thành vườn hoặc chung quanh bờ làm hàng rào lấy gỗ. Nhà ông giáo vào loại nhiều bạch đàn khắp xóm. Số là ông có đến ba người con trai. Ông cũng phải chuẩn bị một ít vốn cho con khi hỏi vợ cho chúng, nhưng rốt cuộc đứa nào cũng bỏ ông mà đi. Đứa cả làm công an phòng, chống ma túy hy sinh cách đây hai năm khi chưa kịp đưa người yêu về ra mắt. Ngày đưa tang nó, ông thấy con bé về đứng mãi bên mộ con khóc ngất xin ông bà cho ở lại làm dâu con trong nhà nhưng ông nào đành lòng. Cuối cùng nó cũng gạt nước mắt mà đi. Ngày thằng cả mất, hoa bạch đàn nở trắng cả vườn, hương thơm quấn quýt cả lũ ong đi kiếm mật bay đầy bên sân nhà ông. Thằng thứ hai đi vào nam, cưới vợ rồi định cư luôn ở trong đó. Nó thích hoa cà-phê hơn. Thằng thứ ba cũng thế, trật đại học rồi bỏ nhà đi với ý chí quyết tâm không thành đạt không trở về nhà. Rốt cuộc nhà chỉ còn lại ông bà già ở với nhau. Người già như trẻ con đều cần bạn. Ông giáo thấy bà hay trở trời trái gió mà thở dài thương cho nhà mình neo người nên cứ mong tôi đến thường xuyên.

Bà giáo đang gom củi ngoài vườn nhìn thấy tôi vội vàng chạy vào: - Mấy bữa ông ấy nhắc mày mãi đó con ạ, khổ trời mưa bão thế mà cứ ngồi trông ra thở dài than không có ai để chơi ván cờ cho đỡ sốt ruột - cụ nói rồi ủi xe tôi lại phía thềm - trưa mày ở đó mà ăn cơm, có cá rô kho nghệ, à còn có cả con bé Đào nữa, nó sang dọn vườn cho tao từ sớm.

Tôi định bụng từ chối nhưng chưa kịp nói thì bắt gặp ngay chị Đào đang lúi húi sau đống lá to tướng đành im lặng. Nắng lấp lánh trong đám cây còn đọng những hạt mưa trước sân thành những vệt ánh sáng tựa như cầu vồng. Tôi nhìn quanh, khu vườn sau cơn bão tiêu điều. Tóc ông giáo bạc hẳn đi vì lo lắng. Ông xách ấm nước chè xanh ra hàng hiên rót cho tôi một chén, ông một chén rồi đặt bộ cờ xuống. Chúng tôi say sưa ngồi bên nhau cho đến khi tôi định bụng ra về thì chị Đào đã bưng mâm cơm đặt lên chiếc mươn ăn.

Trong bữa ăn cả nhà chẳng ai nói gì, không khí đột nhiên im lặng. Ông giáo rót từ chiếc cút ra một chén rượu nhỏ đưa cho tôi: - Mày uống thêm một tí nữa rồi đi nghỉ, chiều tau nói cái Đào đưa về. Trời này đường trơn lắm khéo mà ngã thì khốn.

Cảm giác tự ti đột nhiên ùa đến. Tôi rốt cuộc cũng chỉ là gánh nặng cho mọi người, cầm chén rượu lên uống một hơi rồi đặt xuống. ***

Tôi đi dọc bờ sông lúc trời đã nhá nhem tối. Cơn bão đi qua làng tôi thật nhanh nhưng đã để lại cả một khúc sông dài đất lở. Nước quẩn đục ngầu thành xoáy nhỏ làm người lớn trong làng không ai dám cho trẻ con đi chăn bò ở bờ sông. Tôi ngồi im trên bờ cho đến lúc sao lên, những vì sao nhỏ nhoi xa lạ và cô đơn mọc hoang hoải trên nền trời cách tôi mấy nghìn năm ánh sáng tự nhiên đồng cảm với tôi ghê gớm, thứ ánh sáng lấp lánh ấy chỉ làm đêm tối như sâu hơn, cao hơn mà thôi. Tôi cũng khác gì đâu, cũng chỉ là một con ốc không mang nổi tấm thân mình thì làm sao có thể sẻ chia cùng người khác. Tôi đã từng có những khát vọng đẹp và ngọt như khế chín trong vườn vào những độ cuối thu nhưng rốt cuộc cũng chỉ là vô nghĩa. Nhiều đêm tôi mơ tôi có một gia đình, một người vợ ngồi bên bàn máy khâu thỉnh thoảng ngừng chân đạp liếc nhìn đứa con đang ngủ yên trong nôi. Mơ thế nên khi nhìn thấy chị Đào, khi chị cười với mình, tôi lại giật nẩy, cảm giác như chị đã biết hết, đọc hết những gì tôi nghĩ...

Mới đó mà trời đã sang mùa. Trời hanh khô và gió heo may trèo lên những bông hoa mía ở những lô mía chưa bán kịp đã bắt đầu dìu dịu, âm ẩm. Mẹ tôi chuẩn bị một chuyến vào nam bằng nến đất, vỏ bưởi đào phơi khô và cả một ít bồ kết. Bà xắng xở từ lâu cho chuyến đi trọng đại này. Ngày bố tôi đưa bà lên bến xe bà cứ nhắc nhứ mãi việc ở nhà chưa xong, dặn ông chịu khó chăm tôi, lại dặn có việc gì thì qua nhà ông bà giáo, đừng bán con bò vàng trong mùa lở mồm long móng mà rẻ quá, tiếc của. Mẹ đi rồi, nhà chỉ còn mỗi tôi và bố, có nghĩa là Tết này chưa chắc bà đã về kịp, cũng có nghĩa là ở nhà tôi sẽ không biết phải chuẩn bị những thứ gì. Trở đi trở lại thì chẳng mấy mà hết năm. Tôi chẳng nhớ đến nó nếu không qua quán chị Đào, hàng chị cứ tấp đống dần lên trở tay không kịp. Bà giáo xót chị cứ thỉnh thoảng lại mang cơm ra rồi ngồi lại dọn dẹp hàng cho chị. Bố tôi không bán bò, ngày ngày dắt nó ra bãi sông đầu làng chăn. Mùa này, nước sông dâng đầy lan ra cả hai vệ cỏ. Mọi vật chìm trong khoảng không thanh vắng dịu buồn. Dọc bờ sông, đôi ba chiếc thuyền nằm úp bát im lìm ngủ. Từ chỗ hàng hiên nhà ông giáo nhìn ra, tôi thấy bà giáo đang hái lá nếp chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. Từng bó lá nếp trông như lá dứa non xanh dùng để đồ xôi cho thơm được bà xếp cẩn thận. Đoạn bà quay lên hỏi tôi: - Bên nhà đã chuẩn bị gì cho ngày lễ làng chưa?

Tôi cười: - Con nỏ biết làm răng cả. Bố con định thả con cá chép thôi chứ không lễ lạt gì. Mẹ con bên nhà đi vắng, nỏ ai làm cho.

- Sao mày không nhờ cái Đào một câu - cụ nói rồi tủm tỉm cười.

Tôi không đoán được hết ý nghĩ của cụ nên cứ ngắc ngứ mãi. Cuối cùng cũng chỉ nói được một câu cũ rích: - Bố con ngại với chị ấy. Mà con cũng không muốn làm phiền chị ấy. Thôi nhà con nỏ mần chi mô.

Nói vậy nhưng suốt cả một đêm tôi cứ nằm nghĩ mãi. Nhà không có mẹ tôi buồn tênh. Tôi định bụng bàn với bố phải làm cái gì cho tươm tươm một chút, nhưng rồi không dám nói. Mọi năm ở nhà mẹ tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ nhưng giờ chỉ ông với tôi, không biết làm đã đành nhưng nhà cứ thiêu thiếu, làm càng trống trải hơn. Tôi cứ nghĩ như thế hồi lâu rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì nắng đã lên đến ngọn cau trước nhà. Nắng tươi mới và dịu dàng làm không gian như cao thêm lên. Hàng tre trước ngõ đung đưa trong nắng sớm. Tôi hít căng lồng ngực mùi hoa thơm trước sân nhà, không để ý đến chị Đào đang đứng sau lưng từ lúc nào: - Sao anh Phi trầm ngâm thế.

Tôi giật nẩy cả người, lúng túng: - Chị sang bao giờ?

- Em sang từ lúc ông cụ còn đang ở nhà, ông cụ sang nhà ông giáo bàn việc. Thôi mọi việc anh cứ để em, anh đừng ngại, mình đổi công cho nhau, anh sửa lại cho em chiếc công tắc đèn bàn để đêm em còn may hàng cho kịp.

Tôi không kịp nói gì thì Đào đã khuất sau cánh cửa xuống bếp. Tôi xách chiếc đèn của Đào ra hàng hiên mà thấy lòng vui vui. Hình như có một thứ tình cảm nào đấy len lén trong lòng như một dòng nước mát. Thú thật từ đêm qua, khi cha con tôi mời ông bà giáo và chị Đào ngồi ăn cơm, tôi đã mơ hồ nhận ra điều đó.