Ðọc Mùi lửa của Hữu Ước

Mùi lửa là tập thơ thứ sáu, sau các tập Nốt trầm, Và giọt thời gian, Thơ chơi, Ngẫu hứng thơ, Một mình của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Tổng Biên tập báo An ninh thế giới, Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân (CAND), một nhà báo có nhiều đóng góp, nhà hoạt động nghệ thuật mà tài năng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: hội họa, âm nhạc, văn học.

Ðọc Mùi lửa của Hữu Ước

Ðến năm 2020, ông đã có một gia tài nghệ thuật đáng nể: 17 vở kịch, 29 tác phẩm âm nhạc, sáu tập thơ, sáu tập văn xuôi, trong đó có bộ ba tiểu thuyết “Kiếp người” được dư luận chú ý, 300 bức tranh… Ông đã được trao năm huy chương vàng, bảy huy chương bạc trong các mùa hội diễn sân khấu. Năm 2020, ông lại đoạt giải Tác giả kịch bản xuất sắc nhất trong Liên hoan Sân khấu ngành CAND.

Thơ ca là một thách thức lớn với tất cả mọi người. Ðối với Hữu Ước cũng vậy. Ông tự nhận, khi đến với thơ, con người ông hết mình nhất, trong suốt nhất nhưng thơ ca lại vẫn cứ như một đền đài ở phía trước, có lúc càng đi tới lại càng xa. Thoạt đầu, ông đến với thơ không tự tin lắm:

Ngẫm mình mỏng sức, nông tài

Nhưng thơ không phải là độc quyền của người tài nghề, lắm chữ. Thơ là tiếng đời. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã viết về thơ, đại ý: Thơ không phải là láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút. Thơ do cảm động mà phát ra ý chí. Thế cho nên, nếu chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chí ở gió mây trăng tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán…

Thơ của Hữu Ước là tiếng đời, là niềm cảm thương sâu lắng đối với con người. Âu Dương Tu cũng nói “Thơ có cùng khốn rồi mới hay”.

***

Hữu Ước là người có cuộc đời mà vinh quang cũng lắm, trầm luân cũng thừa. Cái đau khổ cùng cực của Hữu Ước thì nhiều lắm. Khi thì bị hàm oan. Khi thì không nhà, không cửa, không nghề nghiệp, lang thang như một kẻ ăn mày. Khi thì rơi vào sự bội bạc:

Bạn bè cũ đã thay lòng đổi dạ

Ðám học trò có đứa quay lưng…

(Câu hỏi niềm tin)

Nhưng đau khổ nhất là khi người vợ tao khang mất đi.

Nước mắt trộn cơm canh, anh vừa lùa vừa húp

Nhưng vẫn phải nói cười

Như giọt nước mắt qua mùa giông bão

Bây giờ anh mới hiểu

“Một ngày là cả trăm năm”

(Sao Tết em không về)

Thật da diết. Khi gặp một người bạn già tiều tụy, ta lại thấy trong thơ Hữu Ước dâng lên một nỗi thương đời của Nguyễn Du, Ðỗ Phủ. Ai đã quen thân Hữu Ước, hẳn thấy ông luôn rơm rớm một tình người. Cái tình người ấy làm thơ sáng lên và lay động. Ngay cả khi nói về nỗi cô đơn, cô đơn đến gần như tất cả xa lánh, tất cả ở bên ngoài, thì bên trong vẫn thấy nỗi khao khát về tình người. Chính cái tình bên trong ấy, mới làm cho thơ Hữu Ước chạm tới bờ cổ điển, mới ám ảnh:

Trời xa đất có gần không

Gọi mây mây tản, gọi giông giông buồn

 (Vịnh thi sĩ)

Hỏi trời, trời chẳng trả lời

Hỏi đất, đất cũng như trời lặng thinh

Nương thân còn một chút tình

Chiều buông... tiếng cháu giật mình gọi ông!

(Chỗ dựa)

Ðây chính là lửa ấm, là “mùi lửa”, mùi của sự sống, tính tư tưởng của tập thơ Mùi lửa. Tôi nhớ nhà văn Ma Văn Kháng có định nghĩa về cái đẹp: “Cái đẹp là cái thật ở độ rực rỡ”. Thơ Hữu Ước có vẻ đẹp của sự chân và thiện ở nhiều chỗ đạt tới sự lấp lánh.

Tôi tin anh đang phấn đấu, nên phấn đấu theo con đường này hơn là sự “láu lưỡi” như Phùng Khắc Khoan nói, hay như Sóng Hồng từng phê phán một nhà thơ học đòi “hiện đại” không phải lối của Phương Tây trong bài “Gửi một nhà thơ trẻ”:

Nói những điều ngoắt ngoéo kín như bưng

Ðể che đậy một tâm hồn trống rỗng…

Hữu Ước có một triết lý sống: Tôi không nghĩ ngày mai sẽ có gì, mà luôn nghĩ hôm nay phải làm gì. Lúc này, có lẽ là lúc con tằm nhả tơ, lúc Hữu Ước dành sự cống hiến cho chính mình, cho cuộc đời bằng thơ. Tôi từng nghe thơ vịnh Hữu Ước Bia cỏ thuốc lào đời dân dã/ Tướng mà như thế lính thua xa. Tôi chúc mừng những thành công của anh trong nghệ thuật, chúc ngọn lửa tình đời trong tim anh vẫn luôn ấm sáng và có thơ rằng Hàm cấp, bạc tiền rồi nát cả/ Câu thơ, tình bạn ấm thêm đời.