Người nhặt tiền rơi

Những đồng tiền lẻ được cánh lái ô-tô thả xuống bên vệ đường. Một người đàn ông có mái tóc hoa râm đi đôi chân tập tễnh khom lưng cúi nhặt lên đưa tay vuốt từng tờ tiền cho phẳng rồi mới cẩn thận cất vào túi áo. Thằng Nhíu ngày nào cũng lùa đàn bò qua đèo Kéo Pựt để đến đồi Nhả Khà lấy làm lạ lắm. “Tiền này cánh lái xe vứt xuống cho hồn ma đấy để mua sự an toàn trên dặm đường dài. Bác nhặt về làm gì chứ?”. Nhíu hỏi ké Lung. Nhưng người đàn ông không trả lời. Ké chỉ mỉm cười. Đàn bò đi đến đồi Nhả Khà, con nào con nấy cúi đầu gặm những ngọn cỏ non thi nhau mọc lên sau những trận mưa rào đầu hạ. Ngồi trên phiến đá phẳng Nh&iacut

Người nhặt tiền rơi

Nhíu không biết ké Lung nhặt tiền rơi của những cánh lái xe từ khi nào. Ông Trình, bố Nhíu nói: “Cái ông Lung này hóa điên rồi, ngày nào cũng đi đi lại lại trên đèo mấy chục lần để nhặt những đồng tiền rơi. Ông ta nhặt cả tiền thật và tiền âm phủ chẳng biết để làm gì”. Mấy lần thấy ké Lung cúi nhặt những đồng tiền mệnh giá nhỏ, nhưng Nhíu chưa thấy ké Lung nhặt tiền âm phủ bao giờ. Nhưng nếu lời bố nói là thật thì ké Lung đích thật đã hóa điên rồi. Chỉ có người điên mới đi nhặt tiền âm phủ mà người ngồi trên những chiếc xe tang vứt xuống đường mà thôi.

Treo nắm tiền trong chiếc túi ni-lông mầu hồng lên cái đinh đóng vào tấm ván bức vách, Lung ngồi bệt xuống trước cửa. Hôm nay trời nắng to đi lại cả ngày trên đoạn đường dài mấy trăm mét ké tỏ ra mệt mỏi. Giá như bà nó còn sống, khi thấy ké về nhà bà đã rót cốc nước lạnh cho ông uống để xua đi cơn khát. Bà đi rồi, các con ké đứa mất, đứa đi lấy chồng xa, đứa thì đang làm việc tận Hà Nội năm về thăm bố được đôi ba lần. “Bố xuống ở với vợ chồng con để tiện chăm sóc. Bố già rồi chân cẳng lại thế này ở một mình sao được”. Vợ chồng thằng Khôi đã nhiều lần nói với bố nhưng ké Lung chỉ nói: “Bố sống ở đây quen rồi, đi xuống với các con suốt ngày nhốt trong nhà bố không chịu được đâu. Bố ở làng thôi con ạ”.

Ké Lung không muốn rời xa bản Pác Phàu. Ké đi ai sẽ chăm sóc mộ bà, ai sẽ thắp hương, đốt vàng mã cho bà khi ánh chiều tắt nắng? Từ lúc mẹ con nó bỏ ké mà đi, Lung đã thầm nhủ sẽ không bao giờ rời xa nơi này. Mỗi lần nhìn vào di ảnh của hai mẹ con trên cái ban thờ đan bằng những cây nứa đập dập thì cái ngày thê lương đó lại hiện về trong đôi mắt già nua của ké Lung. Dường như ông trời đã cố giăng bẫy để bắt lấy những người xấu số. Những trận mưa nối tiếp làm con đường đèo trơn trượt. Một chiếc xe tải đi từ trên đỉnh đèo xuống không vào được cua đã đâm đổ lan can lao thẳng xuống cái hủm sâu mấy chục mét. Chiếc xe hư hỏng nặng, lái xe bị mắc kẹt trong ca-bin không thoát ra được. Một chân bị cánh cửa bẹp dúm làm gẫy. Tay, mặt mày nhiều chỗ bị xây xước, máu không ngừng chảy ra. “Ơi bà con bản làng ơi đến đây cứu tôi với, cứu với”. Người lái xe tải gọi to để cho người trong bản nghe thấy. Chỉ một lúc sau Lung và những người làng Pác Phàu đã đến hủm Ngù Hâu. Phải quay trở lại nhà mới được, cả hai cánh cửa, ca-bin xe bị bẹp dúm thế này thì phải có xà-beng to để cậy mới được. Nhà ở gần hủm, dưới gầm giường lúc nào cũng có hai cái xà-beng to, không thể chậm trễ, cứu người như dập tắt lửa cháy nhà. Ké Lung đã nhanh chân đi về nhà lấy xà-beng. Nghe ké Lung nói có chiếc xe tải ba chân đổ xuống hủm Ngù Hâu, vợ con ké và rất nhiều người trong bản vội khép cửa nhà đi xem việc cứu người. Những người đàn ông khỏe mạnh theo đường mòn xuống hủm phá cửa cứu người. Nhiều người đứng trên đường nhìn xuống chỗ chiếc xe đang bốc khói, có thể phát nổ, cháy bất cứ lúc nào.

Phá được ca-bin ké Lung và mấy thanh niên đã đưa được người lái xe ra ngoài. Nhưng bỗng Lung nghe rầm một cái, vừa ngước mắt nhìn lên trên đường chiếc thùng container chẳng khác gì một cây gỗ lớn quệt ngang, những chiếc cọc sắt và những tấm chắn lan can đường cũng bị thùng xe bứng lên rơi xuống vực sâu có nhiều cây cối và những tảng đá rời sắc nhọn. Chiếc xe cứu thương từ ngoài tỉnh vào chở lái xe tải bị thương đã không đủ chỗ cho những người bị thùng xe quệt ép vào hàng lan can bằng sắt. Mười mấy người đứng xem bị thùng xe hất xuống hủm, bảy người đã ra đi trước khi bác sĩ đến kiểm tra. Vợ ké ra đi ngay trước mắt. Cách đó mấy mét là con trai đang nằm bất động. Ké định nhào đến chỗ vợ nhưng cái chân trái đã bị một khúc cây đè trúng làm gãy. Nhiều người khuyên ké phải đi bệnh viện bó bột nhưng ké chỉ đến trạm xã băng bó tạm. Ké phải quay về nhà. Ké đã mất hai người thân, giờ phải lo khâm liệm tang gia làm sao ké lại yên tâm đi nằm viện điều trị được. Vợ ra đi cũng coi như một đời người. Nhưng thằng con còn quá trẻ, nó chỉ mới học xong lớp mười hai, nhiều dự định còn đang ở phía trước thế mà nó đã phải ra đi theo mẹ. Ké muốn khóc quá, nhưng dường như nước mắt của ké đã lặn sâu vào trong tim rồi. Người ta chỉ nghe thấy ké “a hứ a hứ a hứ” khi hai cỗ quan tài được mười sáu thanh niên đưa ra khỏi cửa.

Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười vui, giờ chỉ còn một cái bóng lặng lẽ. Ké không còn sang nhà hàng xóm chơi như trước. Ké ít nói hẳn đi. Có người nói ké Lung không chịu nổi cú sốc tinh thần đã hóa câm rồi. Ngày nào ké cũng đi lên đèo mấy mươi lần. Nhìn những đồng tiền mệnh giá nhỏ vứt vương vãi bên lề Lung cũng không muốn nhặt lên. Các cụ già nói: “Người chết ở đâu ma ở chỗ đó”, ngày đi qua đi lại ké Lung như nhìn thấy bóng vợ con ở đâu đây. Không chỉ có vợ con ké mà cả những người làng cũng lởn vởn đâu đó. “Ké Lung hóa điên rồi, suốt ngày đi đi lại lại trên đèo Kéo Pựt, có khi ké ngồi nói chuyện với ma hàng giờ. Ké Lung còn nhặt những viên gạch chỉ từ đâu về chất đống cạnh đường nữa”. Nhíu nói với những người trong bản. Nhưng chẳng ai quan tâm, họ chỉ thương cho ké Lung gặp phải bất hạnh quá lớn trong đời mà thành ra thế này.

Người làng nói gì ké Lung đều biết cả. Họ nói ké câm hay bị điên cũng được. Việc của họ cứ nói, việc ké làm ké cứ làm. Chẳng bao lâu một cái miếu thờ rộng và dài hơn nửa mét vuông được ké Lung xây dựng lên. Cái điện thờ cao ba gang tay mái lợp ngói đỏ gắn bằng xi-măng kiên cố. Ké Lung còn kiếm đâu ra một cái lọ thủy tinh để cắm hoa tươi, một cái bát hương và một cái đĩa to để người thân của những người xấu số đến đặt bánh kẹo cúng bái. Mọi người cứ nói ké Lung bị điên. Hóa ra ké là người tỉnh táo nhất. Từ nay những linh hồn chết thảm đã có nơi trú ngụ rồi. Những hồn ma sẽ không biến thành ác quỷ lôi kéo người, xe qua đường nữa- Ông Trình nói với những người trong bản.

Ké Lung vẫn đi lại trên đèo, Nhíu vẫn rong đàn bò đi qua đây sớm tối. Anh nhận ra rằng từ ngày có cái miếu thờ mọc lên bên vệ đường người đi đường thả những đồng tiền lẻ xuống nhiều hơn. Có hôm Nhíu thấy trên đường còn có cả những tờ tiền năm nghìn mới tinh.

Buổi tuyên dương học sinh có thành tích xuất sắc bản Pác Phàu lần đầu tiên được tổ chức tại nhà sinh hoạt cộng đồng mới được khánh thành. Ké Lung là cán bộ hưu trí, thành viên hội khuyến học của bản. Nhưng không hiểu sao ké không được mời tham dự. Ké tự đến mà thôi. Trước khi tiến hành trao phần thưởng ké Lung giơ tay xin phát biểu: Các con cháu trong bản ta có thành tích xuất sắc trong học tập sẽ được xóm khen thưởng, động viên tinh thần. Những cháu là con hộ nghèo, những gia đình khó khăn mà vươn lên đạt thành tích khá, giỏi cũng cần phải khen thưởng động viên các cháu. Tôi không biết xóm đã có phần thưởng cho các cháu gia đình khó khăn mà nỗ lực học tập vươn tới tầm cao chưa? Riêng tôi sẽ thưởng cho mỗi cháu hai triệu đồng để động viên các cháu cố gắng học tốt hơn nữa. Ké Lung nói dứt lời, những người ngồi dự xôn xao hẳn lên. Nhiều người trầm trồ thán phục, song cũng không ít người hồ nghi. “Ké Lung tự trao phần thưởng cá nhân của mình cho các cháu ư? Có nhầm không? Tôi không thể nào tin được”. “Ké Lung ơi, ké không định trao phần thưởng cho các cháu bằng những đồng tiền lẻ nhặt trên đèo Kéo Pựt đấy chứ? Hai triệu đồng tiền lẻ các cháu đếm bao giờ mới xong đây”. Nhíu lớn tiếng nói cho mọi người cùng nghe thấy. Nhíu tưởng sau khi nghe xong ké Lung sẽ đùng đùng nổi giận. Nhưng ké Lung đã mỉm cười, rút từ túi áo ra một bọc tiền toàn tờ có mệnh giá hai trăm, năm trăm nghìn. Nhìn bọc tiền trên tay ké Lung chắc cũng phải trên dưới hai chục triệu đồng, Nhíu biết mình đã lỡ lời, tự mình thấy xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu lúc này được. Giá có chỗ nứt dưới chân đủ rộng anh sẽ không ngần ngại mà chui vào đó để lẩn tránh những ánh mắt của người làng đang nhìn về phía anh không mấy thiện cảm. Tan cuộc họp Nhíu sẽ đến nhà ké Lung để nói lời xin lỗi.

- Ké à, sự việc tối hôm nay thằng Nhíu này thành thật xin lỗi.

- Cháu làm sao mà phải xin lỗi ta chứ? Cháu nói đúng mà.

- Nhưng…

- Tại sao ta nhặt toàn tiền lẻ mà lại có trong tay toàn tiền chẵn chứ gì?

- Vâng, cháu thật sự không hiểu.

Ké Lung không thể nào quên được đứa cháu gái xinh đẹp ở ngân hàng bữa nọ. Cô đã giúp người đàn ông già chân đi khập khiễng đem theo một gánh túi nải tiền lẻ mệnh giá năm trăm, một nghìn, hai nghìn đồng. Những cọc tiền đã được bọc giấy báo một cách cẩn thận.

- Bác ơi, sao bác có nhiều tiền lẻ thế ạ? Bác đến gửi phải không ạ.

- Bác đem đến đổi lấy tiền chẵn, ngân hàng có đổi cho không cháu?

- Bác ơi người ta đem tiền to đến để đổi lấy những tờ tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ đền chùa. Từ ngày vào làm ở đây, cháu thấy bác là người đầu tiên đem tiền mệnh giá nhỏ đến để đổi những tờ mệnh giá lớn đấy ạ.

- Bác làm ngược đời hả cháu. Nhưng bác có việc cần phải làm, không đổi không được cháu ạ.

Nói rồi ké Lung nói nhỏ vào tai cô nhân viên ngân hàng những câu gì đó mà chỉ có hai người nghe được. Sau khi nghe tâm tư của ông già kỳ lạ cô nhân viên tên Ngân liền nhanh nhảu kiểm đếm, đổi tiền cho ké Lung. Một gánh tiền lẻ đè nặng trên vai đổi được một cọc tiền cầm nhẹ nhàng trên tay nhưng ké thấy sung sướng lắm. Gần chục năm trời không kể nắng mưa lặng lẽ nhặt những đồng tiền của cánh lái xe thả xuống để mua dặm đường bình an với người âm, giờ ké thấy hạnh phúc. Ké sẽ tiếp tục nhặt những đồng tiền rơi. Ké sẽ thắp hương cho những người xấu số vào mồng một, ngày rằm. Ké sẽ đốt những tờ tiền âm phủ rơi vãi trên đường trước ngôi nhà thờ nhỏ. Ké sẽ trao những phần thưởng cho những đứa trẻ biết vượt khó vươn lên. Những ngọn cỏ dù thấp nhưng vẫn cố mình ngoi lên để đón lấy ánh nắng mặt trời.