Mùa nhớ ở La Lay

Mạ nhắc Thư cầm theo mấy múi tỏi. Thư vùng vằng xua tay nhưng mạ chạy tới cố nhét vào ba-lô, cẩn tắc vô ưu, mi để đó cho mạ. Thiệt tình, mỗi lần nghe Thư đi công tác đâu xa, nhất là đi vùng núi, mạ bồn chồn không yên.

Mùa nhớ ở La Lay

Phải mà chưa nghe, chưa thấy những chuyện bùa ngải yêu đương, mạ đã không lo lắng bất an như vậy. Từ ngày chị Vân nghỉ dạy, về nằm li bì bên nhà, mạ và dì chạy ngược xuôi lo tìm thầy giải bùa đủ thứ. Chị không chịu đi khám vì vốn không bệnh tật chi trong người. Bệnh của chị, rõ ràng là ở trong tâm. Dì đi xem bói, ông thầy nào đó kêu có người bỏ bùa chị, khiến chị mất ăn, mất ngủ. Lần đó Thư đi tập huấn, ở nhà, dì đem thầy về cúng cho chị. Chẳng biết cuộc xua đuổi tà ma diễn ra như thế nào, khi về, Thư thấy chị thất thần, hốc hác thêm. Vén cánh tay của chị, thấy hai miếng kim loại nhỏ xíu hình thanh kiếm nhỏ được ấn vào đó, Thư chảy nước mắt. Chị Vân vẫn im lặng khiến mạ và dì đinh ninh giả thuyết chị bị bỏ bùa là đúng.

Dì từng chạy qua nhà chú Hùng, kêu chú làm trên đó mấy chục năm, hỏi giùm thứ bùa con gái tui dính là chi để gỡ. Dì nói rồi khóc lóc ủ ê. Chú vỗ vai dì, bảo dì đem chị đi khám, không chừng chị bị trầm cảm. Mấy chuyện bùa ngải mần chi có. Người miền cao bây chừ sống cùng người mình, ăn ở như mình, họ có học thức, có hiểu biết chứ đâu cách biệt như ngày xưa. Dì lại khóc, đòi bữa nào chú lên đơn vị, có thể cho dì đi theo được không, dì phải vô bản tìm hỏi cho ra thứ chi dính trên người đứa con gái khiến nó đờ đẫn thế kia. Mạ kéo áo dì về, thầm thì trách dì hỏi sai người. Trời ơi, ngay cả bản thân thằng cha đó, cũng dính bùa, dính ngải nên ở mãi trên núi, có về được mô mà đi hỏi.

Đường lên La Lay khá xa, chiếc xe bị nghiêng lắc bởi những đoạn quanh co mịt mùng. Ngó ra con đường phía trước, Thư cảm giác cứ đi thế này có khi mình sẽ chạm đến phía tận cùng của mấy đám mây trước mặt. Bạt ngàn, rặng lau phía hai bên đường cứ chạy dài mãi. Sương mờ đặc, vón thành từng cục như thể đưa tay ra là nắm được. Thư nghĩ miên man đến những năm tháng chị Vân đã làm việc ở trên này, hẳn buồn bã và nhớ nhà ghê lắm.

Xe dừng ở Đồn Biên phòng La Lay, đêm nay đoàn sẽ ở lại đây. Vừa bước vào cổng, Thư bị hút mắt bởi vườn rau xanh um, vài anh lính trẻ đang lúi húi tưới cây. Đàn gà thong thả đi lại giữa vườn. Bầy chó gầm gừ, dè chừng vị khách lạ. Vài chậu bông giấy mùa này vẫn trổ hoa tưng bừng, làm tươi rói một góc sân.

Những cái bắt tay giữa vị trưởng đoàn cùng cấp trên ở đồn thân tình như quen đâu từ trước. Ai đó bảo chú trưởng đoàn mình ngày xưa cũng từng đi bộ đội, sau mới rẽ sang làm báo. À, ra vậy, hèn chi tác phong của trưởng đoàn lúc nào cũng như lính tráng, giờ giấc thì nghiêm khắc đến sợ. Tác phong ấy, Thư hay gặp từ hồi còn nhỏ. Mỗi lần chú Hùng về, mấy chị em thường chạy qua chơi vì chú hay mua kẹo và vài món đặc sản từ rừng núi đem cho. Dù vậy, cảm giác nghiêm nghị từ chú khiến tụi con nít cứ ngần ngại.

Không phải tự nhiên mạ nói chú Hùng dính bùa, lời ấy chính vợ chú nói trong một cuộc tám chuyện nào đó. Bùa chú Hùng đeo mang ắt cũng là bùa ngải núi rừng, cây cỏ vách đá níu chân nên dễ chi về xuôi êm ấm được. Mạ nói mấy chục năm làm chồng, thời gian chú dành cho gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả hồi đẻ thằng Lâm, cũng là mạ đem thím đi đẻ. Bác sĩ bữa đó ghé tai mạ, hỏi thím chửa hoang hay chi mà chẳng thấy chồng hay người nhà nào đưa đi đẻ. Như việc mần nhà là việc to tát của đàn ông mà cũng một mình thím lo liệu. Mấy tháng trời, thím chạy đôn đáo lo thợ thầy, mua từng viên gạch, từng bao xi-măng. Nên mạ thường đằng hắng Thư, chồng bộ đội có cũng như không, coi chịu nổi không đã rồi tính chuyện yêu đương.

Châm bình trà, chú Hùng cười tươi bảo Thư uống ly trà của bộ đội xem vị thế nào. Lần này, đoàn của Thư lên làm việc trong bản gần đây, tình cờ trưởng đoàn liên lạc xin ở lại ngay đồn của chú. Cuộc nói chuyện đứt quãng vì chú nghe điện thoại. A Trừ gọi, ấp úng báo rằng đợt này đang đi làm thêm. Chú dặn tập trung học, thiếu tiền thì báo chú, đi làm mất thời gian học hành. Nó bảo, con sắp xếp được, công việc làm thêm cũng nhẹ nhàng. Hơn mười lăm năm, đứa trẻ ấy đã trưởng thành rất nhiều. Chú Hùng tự hào khoe, A Trừ nói chừng nào ra trường sẽ về bản dạy. Ba mẹ A Trừ bị lũ cuốn khi thằng bé mới năm tuổi, nó ở với gia đình người bà con. Hồi cứu nó khỏi cơn sốt rét rừng, chú đã nhận thằng bé làm con nuôi. Đó là đứa trẻ ngoan, biết trước biết sau, có chuyện chi cũng gọi điện hỏi ý kiến chú trước tiên, khác với thằng Lâm. Thở dài, chú biết so sánh thế này là không phải nhưng đôi lúc chẳng thể tránh khỏi tủi hờn khi nghĩ về đứa con trai ơ hờ của mình.

Có lần thím bảo, trên đời này, giữa vợ chồng con cái không chỉ có bạo hành đánh đập, đụng tay đụng chân. Còn có thứ bạo hành tàn nhẫn không kém, là bạo hành sao nhãng. Mấy chục năm làm vợ, thím không hề trách cứ hay phàn nàn chú một câu, cho đến khi lời đó được nói ra, chú hiểu, thím đã nín nhịn quá nhiều. Mà chuyện sao nhãng, đâu phải là điều chú muốn.

Bữa thím xây nhà xong xuôi, chú mới về. Ngập ngừng đứng ở cổng, lạ xa với hàng chè tàu đã biến mất, thay vào đó là chiếc cổng sắt mầu trắng, cao ráo đẹp đẽ, ngôi nhà khang trang hơn chú nghĩ. Thím vừa đi dạy, vừa buôn bán đủ thứ, ai cũng bảo chú may mắn khi có người vợ lanh lẹ như thím. Nội ngoại bao nhiêu chuyện, mình thím lo liệu giải quyết. Hồi còn trẻ, chú vẫn hay động viên thím bởi làm vợ lính vốn chịu nhiều hy sinh. Thời gian đầu, khi có việc gì hệ trọng, thím còn gọi điện hỏi chú. Về sau, những cuộc điện thoại thưa thớt dần bởi chú làm chuyên án, đi nhiều, mỗi lần đi phải cắt đứt liên lạc. Dần dà, mình thím tự quyết định mọi việc.

Như trút cạn tâm sự, chú kể nhiều đơn vị đã từng công tác có mấy trường hợp thương lắm. Thời trước không được như bây chừ, có điện thoại thông minh, Facebook, Zalo gọi video để chồng vợ, con cái nhìn mặt nhau. Đường sá đi lại cũng khó khăn, vì nhiệm vụ nên có anh cả năm mới về thăm nhà. Lắm anh về, con cái không dám lại gần, chỉ đứng từ xa gọi chú. Tới khi con bập bẹ gọi ba thì phải trở lại đơn vị.

Chú nhớ nhất là trường hợp một anh thiếu úy ở đơn vị cũ, hồi đó mỗi lần lễ, Tết, anh em trong đơn vị thường nhận trực giùm anh bởi nghĩ anh còn trẻ, mới lập gia đình nên tạo điều kiện. Lần nào anh cũng từ chối hoặc có về thì chưa hết phép đã lên. Thời gian sau tâm sự, mới hay vợ trẻ ở nhà không chịu được xa cách nên ngả nghiêng với người khác. Mấy lần trước, anh đã lang thang, ghé nhà bạn bè chứ không về nhà, vợ chồng họ vẫn giấu gia đình hai bên. Kể nhiều để cuối cùng chốt lại, chú bảo, xác định yêu và làm hậu phương cho người lính cần hy sinh nhiều lắm. Thư hiểu chứ. Hồi mới quen nhau, anh hay hỏi Thư chịu nổi xa cách hay không. Ngày lễ, Tết không có anh, liệu Thư có hờn giận buồn bã không. Thư vẫn suy nghĩ nên chưa trả lời câu tỏ tình của anh. Hình dung, cảm giác bị sao nhãng như thím nói, Thư sợ mình không chịu được.

Đến khi phỏng vấn cậu chiến sĩ trẻ và sau cuộc nói chuyện với chú, Thư đinh ninh hẳn mình phải đưa ra quyết định sớm. Mặt lún phún râu, cậu lính binh nhất bảo, em ở đây, thấy đậm nhất là nỗi nhớ. Hồi mới lên đơn vị, đêm nào cũng nằm nhớ nhà. Mà nhớ nhất là đứa em gái út, nó thương em lắm. Mẹ em sinh nó khi đã ngoài bốn mươi, nó cách em mười lăm tuổi. Lâu lâu gọi điện thoại lại hỏi chừng mô anh về. Thư cười, trêu cậu chiến sĩ, còn người yêu thì sao, nhớ người yêu không? Bẽn lẽn, cậu trai mười chín tuổi ấp úng, đỏ mặt. Bảo có thương một bạn cùng lớp nhưng giờ ở xa như thế này, tỏ tình còn chưa dám nói, dễ chi hả chị. Còn mấy tháng nữa ra quân, em đã có dự định gì chưa? Chắc em xin đi học tiếp. Hồi ở nhà, không biết thương ba mạ, vô đây, được mấy anh, mấy chú rèn, em thay đổi nhiều lắm. Ai cũng nói, quân đội là nơi rèn luyện con người ta nhanh nhất, chừ em tin rồi.

Có lẽ, sự trưởng thành và rắn rỏi không chỉ được rèn luyện bởi môi trường kỷ luật mà còn qua tháng năm dài đứng giữa rừng núi bền gan bền chí vì nhiệm vụ. Như chú Hùng, gần hai mươi năm công tác, chú đã đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, ngọn núi. Đứng trước núi non mênh mông nào cũng cảm tưởng như hun hút trong mình là nỗi nhớ về đồng bằng, nhớ buổi sáng thức dậy giữa phố phường nhộn nhịp, nhớ tiếng inh ỏi xe cộ ngoài đường hay tiếng trò chuyện xôn xao chồng vợ con cái trong nhà mình. Thế mà có đợt được nghỉ phép mười ngày, về thăm nhà, sáng thức giấc nghe tiếng lao xao ở ngôi chợ gần đó, tiếng xe cộ chạy ầm ầm. Trong nhà lại vắng lặng vì vợ đi làm, con đi học. Lạ lùng, ngay lúc ấy chú thấy nhớ núi non, nhớ đơn vị đến bần thần. Nhiều đồng đội của chú khi mới nghỉ hưu đã lấn bấn mang nỗi nhớ quay quắt như thế nên vợ con lại xầm xì, nghĩ chồng, cha mình dính bùa dính ngải.

“Dù ở đâu giữa núi rừng này, man mác trải dài là nỗi nhớ. Những nỗi nhớ chẳng thể định hình, chẳng cầm nắm được nhưng khiến người ta rưng rưng xao động. Rắn rỏi như thể đá núi cũng mòn vì mưa nắng qua tháng năm, sự kiên cường của người lính có lẽ chỉ thể hiện trong khi làm nhiệm vụ, tối nằm ngủ, có biết bao anh lính mở ảnh người thương ra xem mà ngậm ngùi bởi xa cách”.

Thư viết rồi xóa, băn khoăn nghĩ câu chữ ủy mị của mình có thể làm yếu mềm hình tượng của những người lính rắn rỏi. Cô nhớ giây phút mình chạm tay vào cột mốc giữa màn sương lạnh và cảm nhận sự thiêng liêng lớn lao ở nơi tận cùng biên giới của Tổ quốc mình. Chú Hùng bảo, với chú, mỗi cột mốc, một mét đường biên quen thuộc hơn cả từng góc nhỏ ở nhà. Nỗi lạ quen thiết thân đó là sự gắn bó, để tâm sức, tập trung trong từng phút giây làm nhiệm vụ.

Như anh, người Thư định thương cũng mang trong mình lý tưởng và hoài bão đẹp. Con đường anh chọn, thiêng liêng và cần đánh đổi, hy sinh nhiều lắm. Nếu cùng anh, Thư biết mình cũng phải xác định rõ những xa cách và chấp nhận hy sinh như một lẽ hiển nhiên rất đỗi bình thường.

Sớm mai, Thư sẽ qua nói chuyện với chị Vân. Sẽ tâm sự và khuyên chị quên đi thương nhớ về mối tình sai trái ở trên đó. Chú Hùng đã kể chuyện của chị, chuyện chị yêu thương một người đàn ông đã có vợ con mà không hay biết, cho đến khi bà vợ đến trường làm rùm beng mọi chuyện. Chị Vân xin chú giấu chuyện này với cả nhà nhưng rồi buồn quá thành ra uất ức.

Thư nghĩ có khi chị cũng đang nhớ núi, nhớ sương, nhớ La Lay như Thư bây chừ. Thư sẽ đưa ảnh chị xem, kể chị nghe tiếng gió rít ở đó và hơi sương phả vào mặt khi đứng trên đỉnh núi, chạm tay vào cột mốc. Những cảm nhận thật khó quên. Cô nhớ vị trà đậm và buổi trò chuyện cùng người lính già là chú mình trong hương lan rừng thơm lạ. Nhớ đoạn đường núi quanh co, nơi có thể sau này Thư sẽ lên thăm thêm nhiều lần nữa. Cây lưỡi hổ cô xin về đã nở hoa, mạ bảo cây này phong thủy tốt, nay nở hoa nữa thì ắt còn mang ý nghĩa tốt đẹp hơn. Cả đám bông giấy ghép mầu cũng vừa nhú những nụ đầu tiên hồng thắm...