Mưa cuối mùa

Truyện ngắn của NÔNG QUỐC LẬP

Mưa cuối mùa

Trời không còn những trận mưa to, cá bắt đầu bơi về hang, người già quay mặt vào bếp lửa. Ké Biển nói vậy. Làm xong cỏ cho mấy đám ruộng lúa, nương ngô, khoai lang, Nhúi Tản rủ mấy người bạn đi sâu vào trong núi tìm kiếm các loại cây tầm gửi bán cho mấy thầy thuốc bán thuốc bắc ở chợ Thung Huê kiếm tiền. Cho gạo, muối, mì chính đủ dùng trong mười ngày vào trong bao tải, gói vài bộ quần áo phai mầu vào trong túi ni-lông, gói ghém đồ đạc cẩn thận, Nhúi Tản mới ngồi vào mâm cơm sáng. Sáng nay mẹ nấu cơm nếp, mổ gà om với gừng, nghệ, để con ăn và nắm một gói đem theo. Ăn xong bữa cơm sáng, chưa kịp uống chén nước, mấy thằng bạn đã í ới dưới chân cầu thang nhà sàn. Mẹ bảo hồn thiêng sông núi, đất có thổ công, núi có sơn thần cai quản, các con bước chân vào rừng phải xin phép thổ thần, không thể phá rừng bừa bãi được.

Hai lần lên xuống dốc, chỉ còn lác đác đó đây mảnh ngô, tiếng nói chuyện ầm ào của người Mông sống ven rừng xa vọng lại. Không khí trong rừng man mát, thỉnh thoảng lại có những ngọn gió từ dưới thung lũng thổi lên làm bay những ngọn lau trắng muốt, ngọn chè vè tím lung lay. Nghỉ trên đỉnh đèo chưa được năm phút, mồ hôi đã lặn vào trong người cả rồi. Ðoàn tìm sản vật rừng tiến từng bước chậm chạp, thi thoảng người đi trước phải dùng đến con dao quắm phát đường. Con đường mòn lâu không có người đi lại, cây bên đường ngả vào nhau chắn lối. Nhìn về phía trước, một mầu xanh bất tận, nhiều cây to mấy người ôm mới xuể. Phải đi lên một con dốc, xuống một cái khe nữa mới đến nơi nghỉ chân. Tìm được nơi có khe, mạch nước ngầm mới có thể dựng lán trại được. Cả tuần lễ không có nước làm sao có thể sống được. Có thể không tắm giặt, nhưng cần nước để uống, để nấu cơm ăn. Chẳng ai có thể vào rừng mà mang theo can nước mười, hai mươi lít được. Ði rừng vác bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh đã đủ mệt rồi. Dòng người đi lặng lẽ, không ai nói với nhau, vì ai cũng đã thấm mệt. Mặt trời gác núi nhóm người của Nhúi Tản đã đến nơi nghỉ chân. Ðặt đồ đạc xuống, mắt nhìn khu đất bằng phẳng dựng túp lều tạm. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một công việc, người chặt cây, người san đất, người nhặt rau, người tìm đá kê làm kiềng bắc nồi, người đi xuống khe lấy nước.

Vui trong lòng, Nhân Ðại nghêu ngao hát. Bất chợt tiếng động lạ lọt vào đôi tai anh đang ra chiều nghe ngóng. Ðại không hát nữa, chân bước từng bước chậm về hướng phát ra tiếng động nơi khe nước. Anh hồi hộp, lo lắng, trong tư thế tấn thủ, nhưng lúc này anh không mang theo dao, chỉ có hai cái can nhựa bên mình. Mới cuối chiều, không thể có thú dữ được. Anh tự trấn an mình. Nhưng chợt nhớ đến câu của bà "khăm phia lồng dì dang, rưa đang mà dì dài, khặp lủc đếch khửn phài cín lượt (bóng núi tỏa về đông, hổ vằn vươn mình dậy, tìm bắt trẻ con lên rừng ăn thịt), cảm thấy rùng mình. Nhưng chân anh vẫn bước, chỉ còn cách khe nước vài bước chân. Vạch ngọn cây che khuất tầm mắt, bỗng Ðại khẽ reo lên. Trước mặt anh là một bầy nộc ra (chim trĩ rừng) đủ sắc đang tắm, nô đùa. Anh chỉ tay đếm, dễ chừng đến mười lăm con. Ðã lâu lắm rồi người ta không còn nhìn thấy loài chim mà người già gọi là phượng hoàng trên mặt đất này rồi. Vậy mà hôm nay Nhân Ðại lại gặp may mắn được ngắm cả bầy nộc ra trong rừng sâu này. Mà cũng thật kỳ lạ, Nhân Ðại nghe người già kể, loài nộc ra này chỉ đi với nhau bốn hoặc ba con, bố mẹ và hai con. Thế mà Nhân Ðại lại thấy cả bầy, nhất thời không thể nào hiểu nổi. Ðang suy nghĩ, chợt Nhân Ðại nghe thấy tiếng gọi của Nhúi Tản: "Ðại ơi sao lâu thế, không có nước để lấy à? Nhanh về còn làm thủ tục nữa đấy, tối đến nơi rồi đó". Anh "ờ" một tiếng đáp lại. Bầy nộc ra nghe thấy tiếng người giật mình đập cánh bay vút lên, chỉ trong nháy mắt đã lẩn vào những tán cây xanh. Nhân Ðại đến khe nước múc hai can đầy quay gót trở về khu tập kết.

- Mày làm gì mà lâu thế? Nhúi Tản hỏi.

- Tao vừa gặp một bầy nộc ra ở khe nước.

- Một bầy cơ à? Bao nhiêu con.

- Dễ chừng đến mười lăm con đấy.

- Phét, tao nghe người già nói, loài này kiếm ăn lẻ, chỉ có đến bốn con thôi, làm gì có tới mười lăm con được chứ - Một người trong bọn nói.

- Thôi không bàn nữa, bắt tay vào làm nhanh đi, tối đến nơi rồi các bố ạ. Nhúi Tản giục, dù trong lòng anh cũng muốn Nhân Ðại kể thật chi tiết về bầy nộc ra lạ.

Một chiếc kiềng bằng đá được làm xong, lửa được nhóm, nồi nước được bắc lên vừa chẳng khác gì chiếc kiềng ba chân bằng sắt. Nhân Ðại lấy trong túi ra con dao nhỏ, thò tay vào bao tải lấy chiếc bát con đựng tiết, Hào Phươn đi bắt con gà mái tơ. Thế Vĩnh lấy gạo nếp trong túi nải ra vo, đổ vào nồi bắc lên chiếc kiềng đá bên cạnh. Con gà hôm nay sống dai lạ thường. Mọi hôm Nhân Ðại cắt tiết, chưa đến một phút gà, vịt đã lăn đơ, vậy mà hôm nay đã ba phút mà mắt nó vẫn mở thao láo, trong khi dây cổ đã được cắt đứt. Tiết từ chỗ cắt vẫn không ngừng rỉ ra, nhỏ từng giọt xuống bát con. Hào Phươn cầm mãi mỏi tay để lỏng, chân con gà đạp mạnh đúng vào cái bát con đổ kềnh, mầu đỏ bắn tung tóe trên mặt đất, bắn cả vào quần áo.

- Mày cầm chân kiểu gì thế Hào Phươn? Hai thằng mà không giết nổi một con gà mái tơ là sao? - Nhúi Tản tỏ ra bực bội.

Cánh rừng im phăng phắc. Thỉnh thoảng có những ngọn gió vi vu thổi qua làm lạnh sống lưng. Người này nghe được tiếng thở của người kia. Và như thể nghe thấy cả hơi thở của cỏ cây, đất đá. Tất cả mọi vật sống trên đời đều có hồn vía. Cây cỏ cũng vậy, đất đá cũng vậy. Ngày xưa, xưa lắm rồi, có lẽ từ thuở hồng hoang, từ cái thuở xa lắc xa lơ ấy, cây cối cũng nói được như người. Mỗi khi thấy con người cầm dao đi vào rừng, lên núi, những loài cây thi nhau khóc vì sợ con người ra tay chặt hạ. Sau này, nhờ có một vị thần đã làm phép cấm khẩu cây cỏ, cây không nói được, con người mới có thể chặt cây thành củi làm chất đốt đun nấu bữa ăn hằng ngày. Nhưng vị thần kia không cho cây chết hẳn, vẫn để cây tái sinh từ cái gốc bị chặt. Thế mới có câu "cây gãy còn mọc mầm trở lại, còn người bị chặt đầu sẽ không bao giờ sống lại". Từ đời này qua đời khác người ta nghe câu chuyện thần bí, có vẻ như hoang đường đó. Người kể cứ kể, còn tin hay không là chuyện của mỗi người. Riêng Nhúi Tản, anh tin một phần những chuyện kỳ lạ, không thể giải thích được trên đời. Mầu xanh tượng trưng cho sự sống, sức sống trên mặt đất, ở đâu có mầu xanh ở đó có sự sống sinh sôi nảy nở. Con người tàn phá mầu xanh có khác gì tự tàn phá chính cuộc sống của mình?

- Anh Nhúi Tản ơi, mọi chuyện xong rồi, anh xem tiến hành được chưa ạ? - Nhân Ðại nói.

- Ờ, xong rồi thì tiến hành thôi.

Nhân Ðại lấy mấy cái chén, chai rượu ra, đặt con gà trên lá chuối xanh, đơm hai bát cơm nếp đặt trước một tảng đá hình thù kỳ dị, một khúc gỗ quý, ở giữa là cái bát hương được làm bằng mấu cây mai. Ðợi Nhân Ðại bày biện xong, Nhúi Tản mới tiến lại gần.

- Bó hương đâu, sao còn chưa thắp hương lên đi - Nhúi Tản nói.

- Thôi chết rồi, hình như quên đem theo hương thì phải - Hào Phươn lắp bắp.

- Không có hương làm những thứ này có ích gì? Thế này thì mai phải quay về thôi. Rừng thì thiêng mà nước thì độc. Anh đã dặn đi dặn lại, đã phân công rạch ròi thế mà còn để quên được thì cũng đành chịu. Mà không biết đêm nay sẽ ra sao nữa, còn hơn mười mấy tiếng nữa, đợi mặt trời quay lại còn dài lắm.

- Có đây rồi - Nhân Ðại nói.

Khuôn mặt Nhúi Tản và những người bạn chuyển nụ cười tươi. Nhúi Tản châm hương, khấn vái, đốt tiền giấy xong, mọi người cùng ngồi vào ăn cơm tối trong tâm thái ấm lòng, tin tưởng cho chuyến đi may mắn.

Trằn trọc mãi không ngủ được, Hào Phươn đi ra khỏi lán, ngồi xuống bên cạnh đống lửa đang rừng rực cháy đỏ. Chợt anh nhìn thấy một vật gì đó đen sì ngồi thu lu cách lán mười mấy thước. Anh vội vàng chui vào lán. Nhúi Tản biết có chuyện gì đó không bình thường, nhưng sợ đánh thức người khác nên lầm thầm hỏi: "Có chuyện gì vậy?". Nhân Ðại nói lại chuyện vừa nhìn thấy với Nhúi Tản cũng bằng giọng lầm thầm. Hai người ra khỏi lán, vật đen sì vẫn ngồi im bất động. Những người đang ngủ trong lán cũng bật dậy đi ra ngoài. Tất cả mọi con mắt đều tập trung vào vật đen đang rất gần họ. Sau khi lẩm nhẩm mấy câu trong miệng, vật đen vẫn không biến mất. Nhúi Tản nín thở, tay cầm cái xẻng xúc một xẻng đầy than hồng tung lên trời. Ngọn lửa hồng bung lên lóe sáng cả một khoảng không gian tĩnh mịch. Tiếp đến là những đốn củi đang cháy lao ra bốn phía. Ðốn củi bay đến đâu, vệt sáng tỏa ra đến đó, trông giống như những cái pháo sáng được phóng đi trong đêm tối mịt mùng. Bình yên trong phút chốc, rồi tiếng động lạ lại rộn lên chung quanh, lúc xa lúc gần. Mình đã làm gì xúc phạm đến thần linh? À phải rồi, bát tiết gà. Thứ này tuy nhỏ, tưởng như không quan trọng mà lại thành ra thiếu thủ tục. Nhúi Tản lại châm một nén hương, khấn lầm rầm. Xong cùng mọi người vào lán ngủ tiếp. Nhưng chẳng ai ngủ được. Tiếng động lạ xa dần và tắt hẳn, chỉ còn lại tiếng gió thoảng vi vu và hơi thở đều đều của Hào Phươn. Nhúi Tản đang ngẫm nghĩ, chợt nghe thấy tiếng mưa rơi lộp độp gõ xuống tấm vải mưa căng làm mái lều tạm.

Tờ mờ sáng nhóm của Nhúi Tản đã dậy, đi ra khỏi lán. Trận mưa to đêm qua đã xóa đi mọi dấu vết. Chung quanh lán, cách xa mười mấy thước, nhiều cây cỏ bị giẫm nát. Nhúi Tản nhìn kỹ những dấu vết để lại trên đất mềm, những dấu chân thật kỳ lạ. Nhúi Tản hỏi những người đi theo: "Ðã nhìn thấy dấu chân này bao giờ chưa?". Nhưng anh chỉ nhận được những cái lắc đầu. Quái lạ, mưa to thế mà vẫn không xóa đi được vết chân, chứng tỏ con vật này phải cực kỳ lớn, móng chân mới lèn xuống mặt đất sâu như thế. Nhưng là dấu chân của cái gì thì vẫn là một bí ẩn không ai có thể giải đáp được...

Mưa đến nhanh nhưng đi cũng thật nhanh. Tưởng như trời sẽ trút mưa xối xả mấy ngày sau nhiều tháng hạn hán kéo dài, khiến lúa ngoài đồng ngắc ngoải, đỗ tương trên rẫy héo khô. Hôm nay họ đi tìm cây gỗ tốt để chiều chặt hạ. Mắt nhìn bốn phía, chợt Nhúi Tản reo lên. Bao ánh mắt đổ dồn về phía anh.

- Anh Nhúi Tản, anh làm sao vậy? - Mọi người đồng thanh lên tiếng.

- Chúng ta không phải chặt hạ cây, không cần xẻ gỗ nữa anh em ơi, chúng ta sắp giàu to rồi - Nhúi Tản reo lên trong niềm vui sướng.

- Sao lại không tìm tầm gửi nghiến, chặt cây, xẻ gỗ nữa hả anh? Hào Phươn nói.

- Các em nhìn xem, kia là cái gì? - Nhúi Tản nói và chỉ tay về phía trước.

- Ôi, cái gì thế kia? Trầm hương ư?

- Ðúng thế. Dễ chừng cũng phải trăm cân chứ không phải ít.

Nhúi Tản cùng bạn nhẹ nhàng bứt lấy lộc trời ban tặng. Có lẽ nào trời xanh lại nhìn thấy những người khốn khổ? Có lẽ nào các vị thần linh lại nghe được lời khấn của anh? Có lẽ nào các loại cây quý hiếm trong rừng núi nguyên sơ này lại hiểu được tiếng người, đưa bước chân anh cùng lũ bạn đến nơi có khối trầm hương nặng trăm cân, để cây rừng khỏi bị bức hại bởi lưỡi cưa nghiệt ngã? Có lẽ nào trận mưa to đêm qua là trận mưa vàng, những giọt mưa là những giọt lộc kết tinh lại tạo thành khối vàng đen quý hiếm ban tặng cho những kiếp người khốn khó? Nhúi Tản cho mảnh trầm cuối cùng vào bao tải, rồi cùng mấy người bạn trở lại lán. Ðể trầm lại, Nhúi Tản lại cùng bạn chia làm nhiều ngả đi sâu trong núi, mong kiếm thêm trầm hương, nhưng chẳng tìm được cây trầm thứ hai.

Một tuần trôi đi, gạo trong nải đã hết, muối, mắm cũng không còn. Nhúi Tản ra lệnh dỡ lán quay về làng. Trước khi rời khỏi rừng thẳm, Nhúi Tản nói với những người anh em.

- Anh em ạ, chuyến đi của chúng ta tưởng chừng như công cốc, nhưng lại gặp điều may mắn có một không hai trên đời. Trước khi về chúng ta sẽ làm lễ tạ trời đất, thần linh đã đem lộc đến cho anh em, giúp chúng ta đổi đời. Tôi sẽ cùng anh em vứt lưỡi cưa của mình xuống vực sâu, từ nay về sau chúng ta sẽ không bước chân vào rừng nữa. Ðể cho rừng mãi mầu xanh, che chở cho cuộc sống của mọi người. Anh em có đồng ý không?

- Vì nghèo khó mà chúng ta đã bức hại rừng xanh, khiến nhiều cây rỉ máu. Người đời gọi chúng ta là lâm tặc, là những kẻ phá rừng, phá hoại sự sống của chính chúng ta. Nay trời đã thấu được cảnh nghèo, thần linh đã hiểu được tâm thành mà ban lộc lớn, từ nay cuộc đời của anh em mình sẽ khác. Anh nói lời phải, dễ nghe, bọn em sẽ làm theo, vứt đi cưa, đục, không quay lại tàn phá rừng xanh, bẫy muông thú nữa - Nhân Ðại và mấy người bạn cùng nói.

Nói xong Nhúi Tản cùng những người bạn gói ghém cưa, đục, bào buộc thành một bó ném xuống hang sâu.