Không còn hoa cúc dại

Mùa thu đã trở về. Hằng đêm, gió từ hồ Nguyệt đưa hơi thu luồn vào khe cửa các ngôi nhà hướng ra mặt hồ. Từ buổi sáng đầu tiên của mùa thu, khi cơn gió heo may vừa làm những bông ti gôn bên ngoài cửa sổ chao nhẹ, thì một luồng lành lạnh chạy dọc sống lưng người họa sĩ già, làm ông khẽ rùng mình. Còn vợ ông đã quên thả mấy bông nhài vào trong ấm chè. Món cốm xanh của bà Hạnh, láng giềng thân thiết của bà, mang cho thì không thể uống cùng chè vị suông… Đêm ấy, đến tận mười một giờ khuya, khi ông đã ngủ, bà vẫn không tài nào chợp mắt được. Nỗi nhớ cứ cuộn lên trong bà. Những đồi hoa cúc dại. Chấp chới trắng. Miên man trắng. Tất cả p

Không còn hoa cúc dại

Chiều kia, bà phát hiện một bãi đất bạt ngàn hoa cúc dại. Đó là khu đất đã quy hoạch bị bỏ hoang nhiều năm. Bà ùa vào đám hoa muốt trắng như một cô bé. Ông ngỡ ngàng ngắm bà trong ánh hoàng hôn lộng lẫy. Đến lần thứ ba, chẳng cần biết đất này là của ai, bà bảo đây là cánh đồng hoa của bà. Những bông cúc dại không phải từ đất sinh ra. Mầu mây thu dập dờn, đẹp hơn cả lụa bạch kia đích thị bung nở ra từ thăm thẳm hoài vọng trong bà. Mỗi chiều thứ bảy bà lại lôi bằng được ông ra đây. Hai ông bà già nằm trên cỏ. Bà hái những bông hoa nhấm nháp vị nhặm đắng rồi ném tung lên ngực ông. Tiếng cười hai người già trong trẻo như giữa tuổi đôi mươi. Ông bà làm lũ trẻ chơi diều hết sức ngạc nhiên. Bà cười tinh quái nhìn ông khi loáng thoáng tiếng lũ trẻ thì thầm với nhau: “Đây không phải vợ chồng!”, “Ừ, hẳn thế rồi, nhìn cái cung cách họ bên nhau là biết!”. “Tớ chắc chắn ông bà này là… một đôi tình nhân”… Hai chữ “tình nhân” mà cơn gió dịu dàng đưa qua làm bà sống lại buổi chiều bốn mươi năm về trước…

Giữa đồi hoa, nàng tung tăng chơi đùa như một con thỏ tơ non. Mái tóc xanh mướt xổ căng trong gió. Vài bông hoa li ti vương trên suối tóc. Nàng ngắt hoa, nhắm mắt, ngửa hai bàn tay nõn mềm để lũ bướm đậu vào. Anh vươn hai cánh tay rắn đanh ôm lấy, rồi âu yếm gọi tên nàng: “Thoa!”. Nàng giật mình, quay lại đấm vào ngực anh thùm thụp, rồi nhót chân chạy về phía những cây sa mộc…

Anh đặt nụ hôn dịu dàng lên đôi môi trinh khiết của nàng. Cả nàng, cả anh quên hết những cấm cản, giày vò, đe dọa… Chỉ còn hai tâm hồn tươi trẻ đắm say muốn tan vào nhau.

Lại chiều. Bà hốt hoảng nhận ra nhóm người đang đo vẽ phía đằng xa. Rất có thể họ sắp phá cánh đồng cúc dại của bà. Bà chăm chú nhìn, không bỏ sót bất cứ một hành động nào của họ. Liệu còn đi hết mùa hoa này không? Đêm qua, hai lần bà phải trở dậy vì cơn đau, rồi chong chong chờ sáng. Bà nhẹ nhàng sang phòng ông, ngắm gương mặt yêu thương của chồng, nước mắt âm thầm. Vài tháng nay, bà lấy cớ mất ngủ vì tiếng ngáy của ông để ông được yên giấc. Ông vẫn không hề biết gì về bệnh tình của bà. Đôi khi bà thầm trách cái tính vô tư đến vô tâm của ông. Nhưng bà hiểu chồng, có bao giờ ông hết yêu thương bà. Ông đã luôn yêu thương bà, đúng lời hứa với mẹ bà, đúng với trái tim chân thật của ông.

Thoa cúi gằm mặt, mặc nước mắt rơi. Hoàng đứng sát bên Thoa, vững chãi như một cái cây lớn để nàng dựa vào. Mẹ nhìn hai người trẻ tuổi lòng đầy xa xót, nén tiếng thở dài. Hai anh nàng phóng những tia giận dữ vào Hoàng. Họ đinh ninh nàng bị bùa mê, thuốc lú. Họ cấm em gái đi chơi cùng gã họa sĩ từ thành phố tới miền rừng của họ. Nàng tìm cách trốn ánh mắt canh chừng của hai anh. Nàng thích được đắm chìm trong bạt ngàn cúc dại để cho anh vẽ. Rồi sau một tuần, nàng thấy rằng nếu thiếu anh, nàng không sống nổi. Còn Hoàng, anh sung sướng bởi hương mật tình yêu. Nhưng anh dè chừng hai người anh to khỏe dữ dằn như gấu của nàng.

“Xin hãy tin con!” - Thật lâu, Hoàng mới cất lên lời. Giọng anh xúc động vừa rất đỗi chân thành. Mẹ nàng gạt nước mắt, gật đầu. Hai người anh hằm hằm bỏ đi.

Nửa tháng sau, anh lên rước nàng. Đó là một ngày những bông cúc dại nở trắng, sáng rỡ khắp thảo nguyên.

*

Đã gần tuần, bà nằm một chỗ. Lùa vào mái tóc bà, một đám tóc rớt theo tay ông. Nước mắt ông rơi cùng những sợi tóc. Ông chỉ còn biết trách mình quá vô tâm khi biết bệnh bà. Bà tỏ ra bình thản, ông càng thêm đau khổ. Ngày ngày, tranh thủ lúc bà Hạnh sang chơi, ông tức tốc đạp xe ra bãi đất, lấy về cho bà một bó hoa cúc dại. Bà mỉm cười, say đắm nhìn ông, che cơn đau. Bốn mươi năm theo ông, chưa khi nào bà hối hận vì quyết định của mình. Bà luôn cố giấu nỗi nhớ cố hương, để vui chồng vui con. Vả lại, sau ngày cưới bà, hai người anh đã bán nhà đưa mẹ vào Tây Nguyên. Miền rừng ấy nhiều năm bà sợ phải trở về. Bà không thôi day dứt rằng hai người anh bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà đi là do bà. Vì họ yêu đứa em gái út quá đỗi!

“Ba tháng”. Bà đếm ngược từng ngày theo lời vị bác sĩ lần khám cuối cùng. Bà không lo cho mình. Bà chỉ thương ông, bao năm qua, ông là chồng, là bạn, cũng là đứa trẻ lớn xác mà bà luôn lo tinh tươm mọi chuyện. Ông mê vẽ mà tranh ông luôn ế. Cuộc sống gia đình không chật vật, mà êm trôi là ở một tay bà vun vén cái quán tạp hóa. Rồi ông sẽ ra sao nếu thiếu bà? Ý nghĩ ấy làm tim bà se thắt. Bà cố vận hết năng lượng còn lại để lục tìm, suy nghĩ. Và cuối cùng, không ai phù hợp hơn bà Hạnh, người chị em láng giềng từ ngày bà về đây. Đó là một góa phụ thiện lành.

Sáng ấy, khi ông đặt bó cúc dại vào đôi tay xanh đét, bà bảo ông sang tìm bà Hạnh cho bà. Lúc ông và bà Hạnh cùng ngồi xuống, bà trìu mến nhìn hai con người mà bà coi là tri kỉ. Bà quờ tìm tay ông, rồi đặt bàn tay đầy ắp yêu thương ấy vào tay người bạn. Cả hai chưa kịp rụt tay ra thì bà từ từ nhắm mắt. Đôi môi khô héo còn vương lại một nét cười. Những bông cúc dại trắng xóa như những giọt nước trên vòm ngực xẹp lép không bao giờ còn nhịp đập bên trong nữa.

Bà mất, ngày nào ông cũng thầm thì với vợ. Theo lời sau cuối của bà, những bông hoa cúc dại được người thợ ảnh khéo léo ghép vào nền ảnh. Muốt trắng. Thanh sạch. Như tâm hồn bà, như tình yêu vĩnh cửu của bà với chồng con. Lâu lâu, áng chừng nhà cửa bừa bộn, bà Hạnh lại sang dọn dẹp giúp ông. Đã có lần cả hai cùng nhìn người quá cố trong tấm ảnh, rồi ánh mắt giao nhau, rồi tự dưng thấy chân tay như thừa thãi và không biết phải nối lại câu chuyện đứt quãng thế nào. Người hàng phố bắt đầu to nhỏ chuyện về ông bà già, hai con người cô đơn sống trong hai căn nhà bên hồ. Rồi thật lâu bà Hạnh không sang nhà ông nữa… Nhiều đêm, xương khớp lại đau ê ẩm, trong giấc ngủ chập chờn, ông thấy đôi mắt bà hiện về, vừa thương cảm vừa như trách móc. Ông không biết phải làm sao. Có lẽ cuộc sống cứ vậy sẽ tốt hơn. Chìa khóa trái tim ông, bà đã mang đi rồi. Thi thoảng giáp mặt bà Hạnh, hai người chỉ khẽ chào nhau một tiếng.

Nhưng rồi, mọi chuyện khác đi…

Đó là một buổi chiều chớm thu, tiếng rao ngọt lịm: “Ai… rượu nếp cẩm… khô ô ông?” của người đàn bà bán rượu làm xao động cả con phố vắng. Lâu lắm rồi, ông mới nghe một tiếng rao ngọt và mềm đến vậy. Nó làm ông se lòng. Nó làm ông chợt thấy cô đơn trong thế giới buồn tẻ này. Nó đánh thức những ngày xưa cũ trai trẻ trong sâu thẳm lòng ông.

Đến ngày thứ ba, khi người đàn bà ấy đi ngang qua, thì ông đã không cưỡng lại được sự tò mò. Gương mặt trắng hồng, thân hình phốp pháp, nhất là giọng nói ngọt lịm của người đàn bà xa lạ làm ông sựng lại mất mươi giây. Ông run run đỡ lấy chai rượu. Người đàn bà cầm vội tờ tiền ông đưa, rồi tồng tộc đạp xe đi.

Mỗi buổi tối ông uống dè sẻn từng ngụm rượu. Rượu làm xương khớp giãn ra, ông chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng. Dường như từng tế bào già nua trong cơ thể ông đang hồi sinh trở lại. Hết chai rượu thứ ba, ông thảng thốt nhận ra nhiều ngày ông không còn trò chuyện với bà. Trong mơ ông ít gặp bà và thung lũng hoa cúc dại. Người đàn bà xa lạ cùng với tiếng rao ngọt lịm, hương rượu nồng nã choán dần những cơn mộng mị. Lại có đêm mê man, người đàn bà ấy đã cho ông phút giây cuồn cuộn, mãnh liệt, trào thoát tê mê của tuổi trẻ. Sáng dậy, ông nhìn lên ảnh bà, không thấy nụ cười, chỉ còn đôi mắt buồn xa vời vợi.

Người hàng phố lại một phen xì xào về người đàn bà lạ xuất hiện trong ngôi nhà của ông họa sĩ già. Mấy người đàn ông quen uống rượu, không còn được nghe tiếng rao vào mỗi buổi sớm thì nhận ra ngay lão họa sĩ là thủ phạm lấy đi thú vui của họ. Nhưng rồi, mọi chuyện cũng mau qua, chả ai rỗi hơi xía mãi vào chuyện nhà người khác. Cuộc đời hối hả như dòng nước dưới chân cầu Yên. Quán tạp hóa nhà ông được mở lại. Người hàng phố dần quen mắt với người phụ nữ trắng trẻo, đẫy đà, đôi mắt lúng liếng mời chào.

Ông nhuộm tóc và quay trở lại thói quen là quần áo phẳng phiu khi đi ra ngoài. Ngày bà còn, việc là ủi bà không bao giờ để ông nhúng tay vào. Người đàn bà mới của ông làm cháy cái quần thứ hai thì ông quyết định phải tự làm lấy. Ông chịu khó tập thể dục mỗi chiều. Có lúc vừa quét sân ông vừa khe khẽ hát. Một hòn than nào đó đang âm ỉ trong cơ thể hồi sinh. Và người đàn bà ngoài ba mươi kia đã góp củi vào cho nó bùng cháy mỗi đêm.

Ba tháng.

Mặn nồng, cuồng nhiệt, lạ lẫm chẳng còn.

Rã rời, tẻ ngắt vây bủa lấy ông. Mỗi ngày bên người đàn bà, ông thấy mình như một cái ao cạn. Đấy là từ bữa ăn ông giật thột bởi cách người đàn bà cắn quả cà muối kêu “rộp”, hai hàm răng đảo thức ăn nhồm nhoàm. Đấy là từ một đêm kia, ông chợt tỉnh giấc, sững sờ không tin người đàn bà lõa thể trắng ởn, dạng chân tay, mồm há hốc, dãi chảy ra hai bên mép kia là người mình vừa ân ái. Ông vội lấy tấm chăn mỏng đắp cho người đàn bà, trở dậy ra ngoài hút thuốc cho đến sáng.

Người họa sĩ già viện cớ đi thăm bạn bè, thường xuyên vắng nhà. Những buổi tối ông không còn sốt sắng đi ngủ sớm. Loanh quanh đọc sách, hút thuốc, rồi lại pha mầu ngồi trước giá vẽ đã bỏ từ lâu, nhưng ông không có ý định vẽ vời gì.

Rồi một buổi sáng thức dậy, ông thấy sự khác lạ. Ngôi nhà vắng tanh. Không tiếng bát đũa, không mùi thức ăn, không có bước chân lạch bạch. Ông vội chạy xuống nhà bếp, ra sân, rồi chạy ngược lên sân thượng. Không nơi nào có người đàn bà. Ông xộc vào chiếc tủ quần áo, trống trơn. Từng ngóc ngách trong căn nhà, đã kịp xóa mọi dấu vết của người đàn bà.

Ông ốm mấy ngày. Đầu óc âm u, chân tay như mượn. Ông thấy tủi thân và ân hận. Thắp ba nén nhang, ông nhìn lên ảnh vợ. “Thoa ơi, mình có giận tôi không?”. Bao năm ông mới lại gọi tên bà. Đáp lại lời ông là đôi mắt lặng câm, hoang hoải. Rồi ông không tin vào mắt mình, những bông cúc trắng trên ảnh bà từ bao giờ đã không còn một cánh nào. Trái tim ông phút chốc như một khối thủy tinh, vỡ vụn thành trăm ngàn mảnh nhọn.

Mở cổng, ông len lén nhìn sang nhà bà Hạnh. Cổng khóa, sân lên rêu và lá rơi đã mục. Ông bước đi vô định trong cơn gió chiều. Những chiếc lá bên đường hay mắt vợ ông, mắt bà Hạnh buồn bã nhìn ông? Ngần này tuổi ông thấy mình cô độc như cậu bé bị mẹ cha ruồng bỏ. Lòng thổn thức mà ông không khóc lên được. Giá mà ông có thể khóc...

Ông cứ đi mê man giữa phố. Dòng người xe vô tình trôi qua, không biết đến sự hiện diện của ông… Những khối bê-tông nặng nề lùi dần phía sau. Bầu trời khoáng đạt, mênh mang gió và đồng cỏ bát ngát. Ông giật mình nhận ra khu đất - cánh đồng hoa của bà. Đã bao lâu ông không còn đến nơi đây. Mùa này đang là mùa hoa cúc dại. Ông cố căng mắt nhưng tuyệt không thấy một bông hoa nào, dù là một chấm trắng nhỏ nhoi.