Giải thoát

Một khoảng trước hưu không lâu, không biết từ đâu phát lên tin đồn lão đang “nuôi” một em bồ nho nhỏ, xinh xinh. Tin đồn nổ ra từ nhà lão trước. Phát súng mở màn bằng một cái chén bay, va vào tấm bằng khen gia đình văn hóa. Cả hai thứ sau nửa giây chạm nhau đều rơi bể nát. Xác chén phân li cùng mớ miểng kiếng li ti, rơi ngay trước chân lão. Định thần sau tiếng va chạm chói tai, rồi ngó mớ hình hài của sự vỡ nát dưới chân, lão nghĩ: Theo phong thủy thì mớ miểng này mang một điềm gở, mà đời lão sắp phải lao đao.

Giải thoát

Lão quay ngang nhìn người ném chén, đó là bà vợ, trước khi ném chén là một người rất hiền. Lão hỏi: “Bà chọi con ong vò vẽ?” Bà vợ tỉnh bơ: “Tui chọi con dê già”. Biết là có chuyện, lão cố dùng hết quyền năng tỉnh táo của hai mươi năm trường làm sếp, hỏi tiếp: “Chắc là bà bị ảo giác gì rồi đúng không?”. Bà vợ đanh đá trả lời: “Tui cứ ngỡ là mình ảo giác chứ đâu ngờ con dê già nó mọc sừng, nó còn cắm luôn cái sừng lên đầu tui”.

Ban đầu, lão không kìm được giận, nổi cơn lôi đình. Lão càng nói lớn thì bà vợ càng hét to. Bà còn dọa lấy miểng chén cắt động mạch chết đi cho rồi. Để lão đường đường chính chính dắt “ẻm” của lão về đây cho thỏa lòng mong ước. Lần đầu tiên lão nghe vợ dọa bằng cái chết. Có chút bất ngờ và rờn rợn lên trong đầu ý nghĩ gì đó. Lão thấy chắc do ai đó ác mồm ác miệng đồn thôi. Chứ không phải bà vợ lão ác ý thật. Bà giận vì bà thương chứ không phải vì bà ác. Lão nghĩ vậy nên hạ cơn giận. Quay qua hận thằng nào tung tin đồn ác ấy. Lão đập tay lên bàn, thề rằng, nếu biết được thằng đó là ai, lão sẽ mua cho bằng được cặp hàm răng nó. Bà vợ nghe xong, xanh tái mặt, xá xá rồi khuyên, “Í trời, đừng có nói ác vậy. Tổn thọ chết nghen”.

Sau câu nói đó là một tràng tạp âm, tiếng khóc, tiếng hét, tiếng thở dài và tiếng trách than vừa đanh vừa hỗn mang bass - mid - treb.

Lão cố gắng một lần nữa dùng hết quyền năng của người nhiều năm đi dự họp để phân tách ra từng âm thanh một. Nhưng lần này thì vô phương. Chưa có buổi họp nào lão dự mà có đủ những tạp âm thiên nhiên cùng nhân tạo trộn nhau như vậy. Lão không nói gì, cúi xuống lượm mớ miểng để vào bọc rồi đem đi. Hành động ấy đánh một hồi chuông đầu tiên khẳng định, lão sẽ thua trong cuộc chiến này.

Không lâu, tin lan đến cơ quan. Nhìn những ánh mắt nửa tin nửa ngờ, nửa kính nửa khinh, lão đọc được những nguồn tin không tốt về mình. Nhìn tờ lịch trên bàn, lão biết mình không còn ở nơi này lâu nữa, nên cứ thôi kệ, mình không có thì không có chi phải sợ. Ở cơ quan, ngự ngay vị trí cao nhất này, lão không sợ bất cứ điều gì liên quan đến tin đồn lão có bồ bé bé, xinh xinh; hư hư, thực thực…

Nhưng khi về nhà, thì lão bại. Bà vợ không thôi khóc than, mặc cho lão nói bao lời giải thích. Đám con có vẻ nửa tin nửa ngờ. Ít nhất vậy, để lão còn có chút động lực rằng, trên đời này, lão còn có mấy đứa con để làm chỗ vịn vào. Nhưng bà vợ đã đánh vào chỗ độc đạo, bà thắt một sợi dây thừng, nửa đêm rên khóc om trời. Đám con và lão tốc mùng chạy ra xem thì thấy bà vợ đang đứng trên chiếc ghế đôn, hai tay cầm sợi dây thừng treo lúc lắc. Chỉ một chút xíu nữa thôi là bà có thể lơ lửng bay. Đám con van xin mẹ, không dám bước đến gần vì bà dọa, “bước đến là tao treo cổ”. Chỉ mỗi lão là nhanh chân chạy đến ôm bà té ngửa. Bà đánh lão mấy cái vào ngực, rồi ôm chiếc ghế đôn khóc, “ông nhắm có ngăn tui nổi không? Tui chết cho ông yên lòng giải thoát theo con kia”.

Đám con chạy đến ôm mẹ khóc, vừa nói vừa nghiến răng kèn kẹt như xay tiêu: “Con không để mẹ chết. Ai đụng đến mẹ, con giết”. Lúc này lão quay ra sau, mới thấy mình không còn bất cứ một đồng đội nào nữa. Hình như người ta nói đúng, điều đáng sợ nhất trong một cuộc chiến không phải là phía kẻ thù đông, vũ khí lợi hại, mà là khi ngó lại phía mình, không còn thấy bất cứ đồng đội nào nữa. Lão nói một câu vu vơ và vô thức, như bao lần lão đã nói khi thua cuộc bà vợ điều gì đó: “Tui xin bà, giờ bà muốn gì tui cũng chiều theo ý bà hết cả”. Bà vợ lau nước mắt, ngưng khóc trong khi đám con vẫn còn ôm mẹ, như ôm mớ hơi thở mong manh ở lại trần gian:

- Từ nay ông đưa lương bổng hết đây cho tui. Ông không được đi đâu ngoài giờ làm.

Lúc đó đang cúi mặt, nhưng lão trả lời ngay, không cần nghĩ nhiều: “Thôi được, tui đồng ý”. Lão vẫn cứ nghĩ rằng, đưa hết lương bổng và không đi đâu ngoài giờ làm thì có gì ghê gớm đâu chứ. Nhưng lão đã lầm…

Đầu tuần có bạn mời đi đám cưới đứa con, lão lục túi chỉ có vỏn vẹn ba chục ngàn đồng café sáng. Lão nói với vợ đưa tiền đi đám cưới. Bà vợ không ưng, “thằng đó với ông có qua lại gì với nhau đâu mà đi. Ông đi đám để gặp con bồ chứ gì. Ở nhà. Không đi đâu hết”. Lúc đó, lão thấy đôi chân mình đã lún sâu trong một nền bê-tông cốt thép, tận đầu gối. Tự hỏi mình rằng, “có hối hận hay không?”. Nhưng biết làm sao hơn, lúc này!

Cơ quan bắt đầu tin, chuyện lão có bồ nhí là có thật. Vì những cuộc tiệc tùng ca hát đều vắng lão. Tất cả những tiền nong có được ở cơ quan đều trút vào một tài khoản khác, không phải của lão nữa. Nhưng lão vẫn không sợ cơ quan, lão đường đường là sếp, thì mớ tin đó có đủ lực đánh gục đâu? Đạp lên cả mớ tin đồn làm cho khốn đốn, để chứng minh rằng, lão vẫn ung dung và không có khó khăn nào dập được.

Lão xin bà vợ, hay là cho lão mớ tiền, mua một bầy chim kiểng về nuôi chơi. Chứ ở nhà ăn rồi nằm, chắc lão chết sớm. Bà vợ thấy cũng chí phải, mua mớ chim về cho lão nuôi cũng không tốn kém gì. Nhiều khi lão gầy thêm chim để bán thì càng hay. Vậy là bà duyệt đề án nuôi chim, cấp cho lão một khoản tiền để cùng thằng con đi mua giống, tất cả đều phải thanh toán bằng biên lai đỏ. Lúc này lão mới thấy tấm biên lai đỏ cũng như máu, máu của nhân viên suốt mấy mươi năm bị lão hành hạ lấy cho bằng được tấm biên lai khống.

Từ ngày ở nhà có bầy chim véo von, lão thấy đời có thêm chút sinh khí. Lão cho bầy sáo ăn ớt để lột lưỡi, rồi dạy tụi nó nói tiếng người. Mỗi sáng mở cửa nhà, gặp bất kể ai, sáo đều nói: “Con kính chào bà ạ!”. Lão cố dạy bầy chim nói thêm mấy câu nữa, hết con này lại đến con kia. Lão quây quần với bầy chim và chuyện cơ quan thì cũng vừa đủ hết một ngày. Bà vợ đắc chí vui mừng: “Chắc ông chồng đã quên chuyện cũ…”.

Chuyện mà bà vợ cho là cũ, khởi nguồn từ một bữa dọn dẹp phòng. Bà lục ra được mấy bức thư tình hồi năm nẵm giữa lão với người yêu (không phải là bà). Kết nối nội dung những bức thư đó lại, là một lời hẹn hò, “không phải ba mẹ hai bên ngăn cấm hai đứa tụi mình, cũng không phải khi không anh đi lấy vợ. Mà do hai đứa mình không có duyên nợ với nhau. Nhưng sau anh yên bề gia thất, con cái đề huề, công việc đã hưu thì hãy đến tìm em”. Lúc dẹp lại những bức thư y vào chỗ cũ, không để lại bất cứ một dấu vết nào, bà ủ ngay một kế sách hay ho. Bằng mọi cách, phải giữ chân lão lại ngôi nhà này.

Ngày con chim sáo biết nói “Ông ơi cho con ăn”, cũng là ngày lão nhận quyết định hưu. Tối đó sau tiệc (được bà cho phép), lão về nhà nằm không biết trời trăng cho đến gần hừng đông thì thức giấc. Lúc đó lão chợt nhớ, mình còn có một việc phải làm. Lão lục đục thu dọn, tìm kiếm. Bà vợ ngó thấy, liền ho mấy cái. Nhưng lão vẫn im ru, thu dọn. Bà giả bị trúng gió. Lão mới ngưng tay, thoa dầu cho bà, rồi đưa bà đi bệnh viện. Nhưng vừa về đến nhà, lão lại quay vào lục đục tìm đồ. Bà ngó lão, ứ nước mắt. Biết rồi đây làm sao giữ chân lão được… Lúc nghĩ được ý nghĩ đó thì bà bệnh thật. Bà bệnh suốt mấy ngày liền, chuyến hành hương của lão bị trì trệ, cho đến khi bà khỏe lại, lão lại ủ mưu, lục đục tìm.

Bà lắc đầu hỏi lão “Ông định đi luôn hay sao ông?” Vừa thu dọn đồ, tìm kiếm một món gì đó, lão vừa trả lời: “Đâu, đi chút về”. Nhưng bà biết, chút của lão là đi luôn rồi. Một chút của tuổi già bằng một nhà của tuổi trẻ.

Bà khóc, khóc nghẹn ngào “Thôi ông cứ đi đi, tôi không trách hờn ông gì cả. Ông ở tù mấy chục năm qua là đã đủ lắm rồi. Ông đi đi, rồi khi nào thấy cần thì cứ quay về. Tôi không hờn giận gì ông đâu”. Lão nghe như ai đó nói, chứ không phải bà vợ. Quay lại nhìn kỹ coi phải bà không. Sự hùng hổ hôm nào của bà làm lão thấy sợ. Đâm nghi, không biết tới chuyện gì nữa đây? Nhìn bà hồi lâu, nước mắt bà rơi dài, không dứt. Lão không biết hôm nay bà bị sao như vậy? Lão sờ trán, rồi nắm tay bà: “Bà có sao không, sao nay nói sảng vậy”. Lúc này đến lượt lão xúc động, kêu mấy đứa con đưa bà vào bệnh viện: “Mẹ mấy con lẫn rồi”.

Lần này mất hết một tuần thì bà mới hết “lẫn” (như lão nghĩ). Bà nhìn lão, mới thức có mấy bữa mà lão ốm ra có thấy, bàn tay đã nhiều nếp nhăn nheo khắc khổ. Một phần vì tuổi lục tuần, một phần vì mưu sinh và chắc cũng một phần vì nặng nghĩa xưa chưa trả được. Bà biết, lời ước hẹn tuổi trẻ là gánh nặng cho tuổi già. Có thể người ta cũng đang chờ, đang đợi lão. Người ta tử tế, không quấy rầy gia đạo mình suốt mấy chục năm qua, chỉ vì để chờ một phút giây sum hợp. Mình nhốt lão trong cái nhà này bốn mươi năm rồi, còn gì nữa đâu mà đoạn nghĩa lão với người xưa. Nghĩ vậy, bà thấy mình nếu là người phụ nữ kia, chắc sẽ đau lòng nhiều lắm. Bà lại khóc, nhưng lúc này bà khóc cho người ta, chứ không phải khóc cho chính mình nữa. Bà nói: “Hay ông đi đi, đi thực hiện lời ước hẹn năm xưa với chị Tím đi”. Lúc này lão mới giật mình phát hiện, chắc bà đã đọc được mớ thư của mình. Lão xúc động nắm tay bà “tui không đi đâu, bà à!”.

Bà nghẹn ngào, nước mắt rơi thành dòng chảy dài như một con suối nhỏ từ khóe núi. Chiều đó về nhà, chẳng nói chẳng rằng, bà nhẹ nhàng sổ mấy cái lồng, cho tụi chim bay đi. Bà nghĩ, lão không đi, chắc vì bận bịu mấy con chim cảnh này đây?

Nhưng bà đã lầm, khi hôm sau, bà thấy lão ngồi khóc hức dưới sân nhà, tay nâng niu xác của một trong những con chim bà thả hôm qua. Vừa nói, vừa mếu như trẻ con mất bạn, kể rằng đêm qua lão mơ thấy người yêu tên Tím năm xưa. Tím nói cô ấy là bầy chim, ở bên lão. Nên không cần phải đi tìm mộ cô làm chi nữa. Tím đi rồi…

Bà đứng nhìn xác con chim, không chớp mắt. Nó no nê, ú nu và rụng hết lông cánh. Lúc này bà mới thấy một câu hỏi to đùng từ bầu trời mỗi lúc mỗi là đà chìm xuống, rằng con người có lẽ nào cũng giống loài chim?