Ga xép

Chị nằm mơ màng, mắt đã khép lại, nhưng đôi tai vẫn hướng về phía ô cửa sổ được chắp vá bằng vài miếng bìa các-tông, cách ga xép một khoảng không xa lắm. Nơi những chuyến tàu chở hàng vẫn đi ngang qua vài lần trong ngày, không quên kéo từng hồi còi trước khi biến mất vào màn đêm hun hút, tịch liêu. Thứ âm thanh mà có khi, với chị nó trở thành người bạn tri kỷ, mỗi bận đứng phía bên này hàng rào trinh nữ, đang nở những cánh hoa tím phơn phớt, điểm xuyết chút hồng phấn mộng mị, mà mong đợi một người đàn ông bước khỏi toa tàu vẫy tay mỉm cười. Rồi cũng chính tiếng còi tàu ấy trở nên như tiếng gọi của con bé mỗi lúc thấy chị lom khom, đẩy chiếc xe h&agrav

Ga xép

Nhưng rồi chẳng biết tự lúc nào, những âm thanh kia bỗng tựa như tiếng người than trách mỗi đêm khiến chị sợ hãi đến nỗi chẳng tài nào chợp mắt. Nhất là khoảnh khắc khi vừa trở về nhà, đặt lưng thiêm thiếp ngủ, là tiếng cười nói của con bé lại rổn rảng. Con bé còn quá nhỏ, nó thậm chí còn chưa được nhìn thấy mặt cha trong ngần ấy năm.

Ấy vậy mà nó phải ra đi quá nhanh, chẳng kịp đợi để đến lúc chị có thể ngồi đối diện với nó như hai người phụ nữ, dõng dạc nói ra hết bí mật bấy lâu nay chị giấu kín trong lòng. Như cách chị đã từng giấu kín cơn đau quặn thắt sau lần bị dượng gí thẳng chiếc dao chọc tiết lợn vào mặt đe dọa, cấm chị hé nửa lời với bất cứ ai. Ấy là khi toàn thân dượng đã nhuốm đặc hơi men nhớp nhúa sau cuộc nhậu bê bết trước khi trở về nhà, lúc trăng đã lập lòe theo ánh sáng của những con đom đóm lẻ bầy dưới bụi tre già ngay đầu ngõ.

Chị cứ sống như thế, tìm cách chạy trốn những vết nhơ, cho đến tận khi tiễn mẹ ra ngoài nghĩa địa sau cơn bạo bệnh tựa như viên đá mài dao, cố gắng mài mòn sức lực của mẹ đến hơi thở cuối cùng. Ngay cả lúc phải giáp mặt với dượng, bằng ánh nhìn căm phẫn và khinh bỉ, chị vẫn chẳng thể nói ra cái bí mật chết giẫm mà chị cứ cố gắng giữ kín và chôn giấu nó sau những dùng dằng né tránh. Nhưng thật ra là lo sợ. Chỉ vì chị sợ những đứa em cùng mẹ khác cha sẽ phải sống trong cảnh thiếu thốn người trụ cột, thiếu thốn những cơ hội được ăn no mặc ấm, đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa nếu cái bí mật ấy lộ ra.

Phải chăng đó cũng là lý do vì sao chị chẳng còn dám tin tưởng vào một người đàn ông nào khác sau ngần ấy năm mòn mỏi. Ðợi chờ một người đàn ông trên chuyến tàu chở hàng mỗi đêm, cách đây chắc cũng khoảng tám năm gì đó, đến rồi đi như từng trận gió. Người đã ngồi bên ánh đèn dầu leo lét nơi quán nước chè của chị, đợi những chuyến tàu chở khách chạy với tốc độ chóng mặt lướt qua. Người đã bỏ đi không một lời giã từ sau khi đã dệt thêu bao lời hứa hẹn, mặc cái thai nơi bụng chị ngày một thêm lớn. Ðể rồi niềm mong ngóng, háo hức được chính miệng mình thông báo cho người đàn ông đã từng là tất cả của chị lúc ấy, bỗng tan tành tựa những giọt mưa rơi, vỡ òa, trở thành nỗi tuyệt vọng chồng chất.

Cho đến khi chính tai chị nghe thông tin rằng những chuyến tàu chở hàng mỗi đêm sẽ ngừng hoạt động do không còn một bóng khách, cũng chẳng có một thương lái nào chọn cỗ máy chậm rì ấy làm phương tiện vận chuyển hàng đi khắp các miền chị mới thôi không còn hy vọng tìm kiếm cơ hội nửa vời. Mà nào có phải cơ hội gì to tát lắm đâu, chỉ là chị muốn gặp lại người đàn ông đã mang con bé đến bên cuộc đời cô độc của chị để hỏi rõ lý do vì sao anh bỏ đi, để sau này con bé lớn lên, khi nó đủ trưởng thành chị sẽ ngồi tâm sự với nó, kể về cha nó, người đã lái cả một đoàn tàu với những chuyến hàng từ bắc vào nam, bằng ánh mắt và giọng kể lấp loáng tự hào. Chứ không phải là những lời nói dối, hệt như cách chị vẫn thường chỉ lên trên bầu trời mỗi khi thấy tiếng động cơ máy bay rò rò trên đầu mà nói với nó rằng "cha của Xíu đang bận lái chiếc máy bay như thế, nên chắc lâu lắm mới về thăm con một lần". Ðể mà an ủi những câu hỏi ngây ngô, hồn nhiên, nhiều khi như lưỡi dao lướt qua và bén vào tim chị nhói buốt.

Vậy mà thời gian con bé ở bên chị ngắn ngủi quá, chỉ vì những chuyến tàu mà chị đã từng hết lòng hy vọng về cơ hội như món quà chị muốn tặng cho con bé nhân dịp sinh nhật lần thứ sáu. Tiếc rằng con bé phải rời đi quá nhanh, dưới bánh lăn của những chuyến tàu vun vút lao giữa màn đêm hoang hoải. Chị chỉ kịp nghe âm thanh chới với của con bé vọng lên một tiếng "mẹ" trong tuyệt vọng và đớn đau sau khi tất cả chìm vào khoảng không đen kịt.

Sự ra đi của con bé khiến chị như bừng tỉnh khỏi cơn mê, cơn mê mà ngày ngày chị vẫn tự an ủi, động viên mình cố gắng kiếm tìm những câu trả lời. Dù trong số những chuyến tàu ngang qua, không thiếu những gã đàn ông sẵn sàng chấp nhận chị và con bé. Dù có khi, những lời nói mật ngọt của những kẻ đã bước ngang cuộc đời chị, vịn vào những phút yếu lòng của chị mà buông lời lả lơi, bông đùa khiến tim chị co giãn. Rồi khiến khao khát đàn bà trong con người chị trỗi dậy, hệt lúc chị gặp anh cũng ngay chính tại ga xép này.

Thế nhưng sau những cơn mê, dập dìu thể xác để khỏa lấp những khao khát đàn bà, chị bỗng choàng tỉnh khi sực nhớ giây phút cả thân thể dượng vồ vập vào người chị năm chị lên tám, hay chín, khiến chị sợ hãi toát mồ hôi. Chị với tay qua ôm chầm con bé, hít hà hương tóc như mùi khóm hoa trinh nữ nơi hàng rào ngăn cách ngôi nhà nhỏ bé và ga xép xiêu vẹo.

Chuyến tàu xé ngang qua hình hài bé nhỏ, với chiếc đầm trắng tinh, món quà mà chị cố gắng nhờ gã xe ôm hay đậu gần cổng chính ga xép, viết vài dòng nguệch ngoạc bảo đó là quà tặng của cha nó. Con bé có vẻ trân quý món quà của người nó chưa từng biết mặt, chỉ nghe qua lời kể.

Cái chết của con bé như gáo nước lạnh giội thẳng vào tâm trí u mê của chị. Về những hy vọng hoang đường mà chị đã thừa biết trước kết cục. Nhưng chính bản thân chị cũng chẳng ngờ đó là sự trả giá đắt đỏ cho những lầm tưởng và sự ích kỷ của chị dành cho đứa con gái bé bỏng.

Rồi kể từ hôm ấy, sau vụ tai nạn đáng tiếc, người ta vẫn thấy người phụ nữ với dáng vẻ lầm lũi đẩy chiếc xe hàng nước ra ngồi trước ga xép, nhưng không phải người phụ nữ họ đã từng biết trước đây, đon đả mời khách dùng nước, mua vài thanh kẹo lạc, phong kẹo dừa tranh thủ lúc tàu vào ga dừng đón trả khách hoặc tránh nhường đường cho tàu khác hối hả rú còi inh ỏi lao đi. Mà thay vào đó là người phụ nữ với nụ cười bí ẩn, lúc cười hả hê, lúc rầu rĩ khóc khi nhìn về phía xa hun hút.

Người đã gắn liền với ga xép mấy chục năm nay thì cảm thông, tiếc nuối khi nghĩ đến số phận chị ngặt nghèo. Chỉ có khách trên những chuyến tàu thì giương ánh mắt trân trối, kèm chút tò mò và hiếu kỳ khi nhìn vào chị, trên tay là chiếc đầm mầu trắng tinh khôi, lúc cười hả hê, lúc rệu rã, gọi tên đứa con mình thảm thiết "Xíu ơi, Xíu à…".

★★★

Tiếng sét rền trời như âm thanh chát chúa kéo chị trở lại thực tại giữa đêm. Mồ hôi chị túa ra không ngớt, người nóng ran, đầu đau như búa bổ.

Chị ngồi bật dậy, đưa tay với sang phía bên cạnh như một thói quen, nước mắt giàn giụa dù chẳng có âm thanh của bất cứ tiếng khóc nào. Con bé thấy chị sực tỉnh thì trân trối nhìn. Gương mặt dù đã hiện hữu nụ cười nhưng vẫn len lỏi đâu đó vẻ trầm tư. Vừa thấy chị thoáng mở mắt, con bé vội vàng lên tiếng:

- Mẹ, mẹ đã tỉnh rồi ạ? Mẹ thấy trong người như thế nào? Bà Tư ơi, mẹ cháu tỉnh rồi.

Chị còn chưa định hình chuyện gì đang xảy ra thì con bé lại rối ra rối rít.

- Mấy hôm nay mẹ sốt cao, nằm li bì, chẳng chịu ăn uống gì. Mẹ có biết là mọi người lo lắng cho mẹ lắm không?

- Vậy hả Xíu? Mẹ chẳng nhớ gì cả. Mà mẹ nằm như vậy bao lâu rồi con gái?

- Ba ngày rồi đấy mẹ. Nhưng không sao, giờ mẹ tỉnh rồi. Cũng may có bà Tư sang sắc thuốc cho mẹ mấy hôm rày. Bà Tư bảo mẹ chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏe nhanh thôi.

- Vậy hả con gái? Mẹ xin lỗi vì đã để con và mọi người phải lo lắng cho mẹ.

- Mẹ lại nói thế, con chẳng thích đâu. Mẹ tỉnh lại là con mừng rồi. Mẹ phải mau khỏe lại để còn cùng con đón cha. Cũng sắp đến hạn cha về…

Con bé luôn là như vậy. Cho dù mọi chuyện có thế nào, nó cũng như một bà cụ non. Nụ cười khe khẽ, một phần cho sự vô tư hồn nhiên của con bé, một phần cho giấc mơ mà chị vừa trải qua dù là chớp nhoáng, dù là đáng sợ nhưng lại giúp chị vỡ lẽ ra mọi điều.

Ðêm trở lạnh, mặc cho buổi sáng nắng nóng đến cỡ nào. Thời tiết ẩm ương giao mùa khó đoán như lòng người và những hứa hẹn. Từng cơn gió thổi mạnh, ríu ngoài hàng rào trinh nữ, lùa mạnh vào trong nhà, qua những kẽ hở. Chị nằm mơ màng ngủ, khép hờ đôi mi, quay mặt ra phía ô cửa sổ hướng về ga xép. Sau lưng chị, con bé dường như đã thấm mệt do mấy ngày nay phải canh chừng mẹ, đến nỗi chị có thể cảm nhận rất rõ hơi thở đều đặn của con bé phả vào lưng mình.

Ðâu đó phía bên kia hàng rào, tiếng còi tàu xình xịch chuyển bánh nối đuôi nhau khiến lòng chị quay quắt. Chị nhắm nghiền mắt suy nghĩ về ngày mai, về một câu hỏi chị đau đáu suốt nhiều năm: "Phải chăng, đã đến lúc phải nói ra tất cả"?