Dưới mái hiên nhà

Ở quê tôi, hầu hết các gia đình khi xây nhà đều chừa ra một khoảng trống nho nhỏ phía trước, đủ trải một manh chiếu nhỏ cho ba, bốn người ngồi, cùng ăn một bữa cơm, uống với nhau vài chén trà sen thơm nức. Có hỏi cũng không ai có câu trả lời chính xác, kể cả những lão làng, đầu tóc bạc phơ. Chỉ biết rằng đó là đặc điểm kiến trúc của làng quê truyền từ đời này sang đời khác, mà người ta quen gọi bằng cái tên thân thuộc: Hiên nhà.

Hiên nhà, hai từ nghe giản dị, tưởng chừng như chẳng có chút ý nghĩa gì nhưng lại làm đám trẻ con mang lòng da diết nhớ. Bởi với chúng tôi, cuộc sống ở quê, ngoài cánh đồng, ngoài đám bạn chăn trâu cắt cỏ cùng trang lứa, thì khoảng hiên nhà, có lẽ là cụm từ để lại nhiều ấn tượng, nhiều dấu mốc thời gian. Nơi chúng tôi khi còn bé mỗi sáng đều tỉnh dậy và ngồi ở đó, gióng ánh mắt ra phía cổng hoặc phía triền đê gập ghềnh, qua hàng rào hoa râm bụt, đợi bà, đợi mẹ quẩy quang gánh về chợ, với chút quà quê đơn sơ làm quà cho cháu con. Cũng chỉ là vài khúc mía, vài túi bỏng gạo hoặc chiếc bánh rán lấm tấm đường… nhưng lại làm cho đám trẻ con háo hức, thích thú mà mong chờ mỗi buổi sáng thức dậy.

Nơi đám trẻ con ngồi nhặt tóc sâu cho bà mỗi trưa, bằng mấy hạt thóc mẩy, đưa từng ngón tay nhỏ xíu di di trên đầu, để vạch tìm những sợi tóc đã ngả thành màu râu ngô, hoặc như màu của đám mây trăng trắng trên trời. Tối đến, cùng xúm xít nghe ông kể chuyện chiến tranh, chống giặc, hoặc cả đám sẽ cùng nhau ngồi đếm sao, rôm rả nói về ước mơ của đời mình, hoặc thổ lộ những bí mật riêng tư thuở thiếu thời còn ngây ngô, khờ dại.

Nhắc tới hình ảnh hiên nhà là nhắc đến gương mặt mẹ lộ vẻ âu lo khắc khổ mỗi đêm nhìn trời ầm ập đổ mưa chờ cha vác lưới, vác te theo dòng chảy con sông quê xuôi ra giữa dòng mà đánh tôm đánh cá. Nhớ khoảnh khắc cả nhà ngồi nghe một đoạn nhạc chèo trên chiếc radio đã cũ, trong khi chúng tôi buồn ngủ rã rời, thì cha mẹ lại hào hứng hát theo. Bởi nhờ những khúc hát giao duyên, nhờ những buổi hội làng như thế mà cha mẹ mến thương nhau rồi quyết định về chung một mái nhà. Nơi tiếp từng vị khách đi xa lâu lắm có dịp về lại, vài câu chuyện tâm giao của bao người già quê tôi cũng giản dị ở chính khoảng trống hiên nhà ấy. Tuy nhỏ, nhưng đủ để có thể hứng trọn một cơn gió trời vào buổi tối mùa hè oi bức, cùng ông mang chiếc chiếu nhỏ, thêm chiếc màn đơn giăng ra bốn phía là đặt mình xuống ngủ say, hoặc ngắm nhìn chùm lửa lựu lập lòe đơm bông, mấy nhánh hoa nhài cánh trắng li ti vươn lên mỗi sớm mùa đông còn sương giăng bảng lảng.

Hiên nhà, chẳng biết tự bao giờ cứ thế mà đi vào ký ức của đám trẻ con chúng tôi. Giản dị và nhẹ nhàng lắm, nhưng hễ nhắc đến, là hiện về cả một bầu trời nhớ nhung. Khiến lòng bâng khuâng, xao xuyến nhớ về khoảng thời gian thơ ấu mình đã sống, và gắn bó với người thân, với quê hương, láng giềng.

Dù biết ở quê đã có nhiều thay đổi theo thời gian. Người của năm cũ dù vẫn còn, hay đã đi xa, nhưng hình bóng vẫn luôn tồn tại. Ví như mái hiên nhà thuở xưa, cho dù ngôi nhà sau này xây dựng không còn lưu giữ vẹn nguyên, nhưng tôi tin, những gì vốn dĩ đã ăn sâu vào tiềm thức, lưu giữ cùng ký ức và đồng hành với cuộc sống của chúng tôi thì sẽ mãi vẹn nguyên. Chỉ luyến tiếc một điều, liệu hai từ “hiên nhà” đơn sơ giản dị ấy có được thế hệ mai sau lưu dấu?