Chầm chậm với Ðà Lạt

Dù thành phố nhiều thay đổi khi làn gió đô thị đã thổi đến cả những gốc thông già, những con dốc vắng, Ðà Lạt vẫn có gì đó chầm chậm, an nhiên.

Cái vẻ chầm chậm ấy sinh ra sự riêng biệt của thành phố cao nguyên sương mù đã từng rất vắng lặng nhưng trữ tình, làm say lòng biết bao văn nghệ sĩ. Tự thuở nào, nhiều ca khúc trữ tình, trầm lắng được thắp lên từ dòng cảm xúc bất tận, từ sự rung động sâu thẳm của hồn người khi chiêm nghiệm về thành phố. Nhiều cặp tình nhân muốn tình yêu của họ phải được ướp hương trời đất nơi những mảnh đất lãng mạn. Chẳng gì thú vị hơn là được dạo bước cùng người ta yêu, thưởng thức cảm giác chầm chậm buông lơi của vạt lá mùa thu, ngắm nhìn những góc phố trầm, hồ nước tĩnh lặng và nhìn sâu vào trong mắt nhau, nhấn nhá lời ca của những ca khúc trữ tình. Nghe nhạc về Ðà Lạt cũng phải nghe chậm mới thú. Giai điệu hòa cùng cảnh sắc. Lòng người hòa với thiên nhiên.

Người đi "phượt" có hai dòng, là phượt nhanh và phượt chậm. Phượt nhanh chủ yếu khám phá, chụp hình, còn phượt chậm giống như để cảm nhận, khảo cứu, thưởng thức và thực hiện những thao tác cho một mục đích văn hóa. Từng có chàng trai nọ yêu nhạc Trịnh Công Sơn quá đỗi, đã về Ðà Lạt để tìm lại cảm giác và hình bóng thiếu nữ trong nhiều ca khúc của ông. Chàng cũng tìm lại hình ảnh và dấu ấn của nhạc sĩ Minh Kỳ, Anh Bằng trong hai ca khúc viết năm 1970, là Ðà Lạt hoàng hôn và Thương về miền đất lạnh. Khi ấy Anh Bằng cũng ký bút danh Dạ Cầm. Càng nghe càng thấu nỗi u hoài trong sương mù. Càng nghe chàng càng muốn đi lại con đường Trịnh Công Sơn đã đi. Ngồi đúng chỗ ông đã ngồi ngắm hồ. Hay tìm con dốc, quả đồi, gốc thông nơi nhạc sĩ Minh Kỳ đã mô tả trong các ca khúc. Chàng muốn thấm để viết kỹ hơn những giai thoại, câu chuyện khi nhiều tài năng âm nhạc còn sống và sáng tác ở mảnh đất này.

Người ta ví thành phố còn là thiên đường của những giấc mơ, của tình yêu, lễ hội và thiên đường của các loài hoa. Vậy làm sao đến đây ta có thể lướt nhanh, khi nơi ta ở mọi thứ đã vội vàng gấp gáp. Gấp gáp từ hơi thở cho đến tư duy sáng tạo. Ít nhất ta cũng sẽ đạp xe, qua đèo Mimosa ngắm trăm loài hoa dại đua nở, qua đèo Prenn ngắm dã quỳ, thác Prenn hùng vĩ. Bên này hồ Tuyền Lâm, bên kia hồ Than Thở vẫn soi gương mặt Lang Biang.

Ðêm mùa thu, gió lạnh tràn về, cảm như đông đã gõ cửa. Ta lại muốn đổ dốc tản bộ, quây quần trong những quán đồ nướng cùng một vài người bạn thân. Rồi nghe đâu đó từ các ngọn đồi, vọng xuống bao la lời thì thầm của gió núi, của những nàng ca sĩ thông. Cũng có khi mùi hương của hoa viếng thăm tất thảy các cung đường, tìm về trú ngụ trong ngôi nhà nhỏ, trong quán cà-phê. Cũng có khi mùi hương đậu lại trên tóc hai người dịu dàng dắt tay nhau chụp ảnh cưới.

Hoa là đặc sản và niềm tự hào của vùng đất này. Hoa trong nhà, hoa trên lối đi, trong ngõ nhỏ. Hoa treo trên tường. Hoa tỏa hương phô sắc trong công viên. Và cỏ nữa cũng được yêu, nên có Lễ hội cỏ hồng xinh xắn khiến nhiều cô gái, chàng trai muốn tìm về. Hoa và cỏ làm duyên cho cuộc sống và con người nơi này. Hoa và cỏ thắp nụ cười và niềm vui cho bao người ở, đến và đi xa thành phố. Con người bị mê hoặc bởi tấm thảm đầy mầu sắc của các loài hoa. Khi con người thưởng thức hoa cũng phải bằng sự rung động tinh tế, chẳng thể vội vàng, chẳng thể ép hoa "nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ"…

Nếu một ngày nào đó muốn chậm lại, đến Ðà Lạt, điều thú vị là hãy chọn một góc phù hợp, đủ để quan sát, nghiền ngẫm. Ðến để thấy mình đang hòa cùng thành phố, với những bước đi của thời gian nhanh ở nơi khác nhưng chầm chậm nơi này.