Bên bến Bún

Thúy lại đợi đò qua sông. Từ lúc còn gầy đen như cành củi khô cô đã theo bố ra bến sông. Thúy nặn cát thành từng nắm, nếm thứ nước tanh tanh. Hôm nay Thúy thấy bến Bún là lạ.

Bên bến Bún

Suốt bấy nhiêu năm qua là vậy, một ngày, cây cầu bê-tông thoắt cái đã nối hai cái làng cô liêu hai bên bờ sông thành một. Cũng thoắt cái, Thúy thành cô dâu bên ấy, những sợi kim tuyến bám đầy chiếc váy kiêu sa ngày cô về nhà chồng, rồi chả mấy chốc đã lại nát vụn dưới chân những gã đàn ông say xỉn từ bữa ấy.

Một ngày cuối năm, Thúy nhận được quyết định hủy hôn của tòa án huyện. Hả hê nhất không phải người bỏ được chồng hay kẻ bị vợ đâm đơn ly hôn mà là đám “thiên hạ” ngồi lê quán nước. Dọc từ nhà Thúy đến đầu cầu có đến hơn chục cái quán nước như thế. Ra khỏi cổng tòa án, cô bắt đầu ghét cay ghét đắng những cái gốc cây “thiên hạ” xì xụp, rì rầm, như thể ai cũng đang nói về mình. Từ hôm sau, Thúy quyết, nếu có việc sang sông thì lại qua bến đò xưa.

Sớm nay, đợi mãi mà con đò ấy vẫn nấn ná ở bờ bên kia không chịu quay về. Tuổi băm, tại mắt Thúy tăng số kính nên chẳng còn thấy gì rõ ràng nữa? Nhìn sang bên ấy con đò như một chiếc lá đỏ mầu bã trầu dập dềnh.

- Nó đi đánh cờ bên ấy còn lâu mới quay về.

Ngừng một lát, nấc đánh cục như vừa nuốt phải hòn sỏi, bà chủ quán nước cây đa “bồi” thêm:

- Mà giờ còn ai đi đò đâu mà nó chả lêu bêu, không vợ không con...

Cô chỉ cười nhếch mép nhìn mấy chậu hồng buộc trên xe. Nhiều người còn mải mưu sinh, quần quật làm để kiếm cái ăn, chắc gì họ mua hoa về đã trồng, lại héo quắt ra, chết ngỏm. Thôi thì, cứ coi như bỏ một ngày đi ngắm sông. Trưa Thúy lại quay về, bảo mẹ hồng không bán được.

Thúy ra ngóng đò đến ngày thứ ba mà đám hồng trong chậu không thấy héo hon, lại có phần tươi ra. Chắc chúng bén khí trời, bén gió mát bãi sông. Cô cũng hí hửng ra mặt, ưng thú vu vơ đợi cái gì đó rồi được quay xe về nhà ăn bát cơm thanh đạm rau dưa của mẹ. Cầm chén trà nóng trên tay, vân vê hơi nóng, nghĩ đến câu mẹ bảo: “Vía mày độc, hoa hồng đẹp thế còn ế rữa ra” mà Thúy cứ tủm tỉm cười. Ðáng ra, nó chua chát lắm. Với đứa con gái từ nhà chồng cắp va-li về nhà mẹ như cô sau gần mười năm chung sống, không có nổi mụn con, nhưng mà… thì đúng lúc ấy đò về.

Ðã trưa rồi, nhưng ai cũng thấy cô đợi đò mãi, mà giờ không lên đò thì chỉ có đứa dở hơi. Ra đến giữa dòng, Thúy mới để ý thấy có một mình, tiếng máy chạy rầm rầm. Anh lái đò có vẻ còn đãng trí hơn cô, mắt cứ phóng vào xa tắp, không hiểu lái kiểu này là nhìn luồng nước hay đang viển vông đâu đó chả để tâm gì. Bất giác, cô đánh bạo hỏi vọng lên, át cả tiếng động cơ:

- Bến ngay kia sao anh nhìn tít tận đâu vậy? Hay không có đủ giấy sợ công an đường thủy?

- Chị cứ biết đến bến là được, tôi đang có việc để nghĩ.

Gớm nhỉ! Neo đò xong, hắn không lấy tiền đò. Thúy chúa ghét kiểu sĩ gái, nhưng nhìn cái cặp hắn cắp bên nách khi nhảy tót lên bến cô thấy tò mò. Lái đò còn bày đặt như cán bộ nhà nước. Xế chiều, nhai hết đám táo, đói cồn cào, Thúy muốn về nhưng dưới kia, con đò của hắn vẫn bồng bềnh như trêu ngươi.

Ðợi mãi, định bụng “mũ ni che tai” phóng xe qua cầu về. Nhưng rồi, Thúy bỗng thấy chạnh lòng. Vừa bị cắt hợp đồng, đổ xăng xe bằng tiền bảo hiểm thất nghiệp, giờ mà diễu cái nghiệp bán hoa qua nhà bà mẹ chồng cũ thì khốn. Cứ nghĩ đến đám đàn ông cởi trần, ngồi trà đá, thấy mình đi qua lại với theo: “Em bỏ chồng thì chỉ có nước đi bán hoa”, Thúy thấy rờn rợn.

Trời đã sâm sẩm tối. Mùa này trời cứ tắt nắng là rét. Nước sông trong veo, chợ dưới chân đê đã vãn, cô lần mò hỏi thăm xem hắn đi đâu. Mấy bà bán cá chỉ cho cô vào cái dãy nhà cấp bốn có mấy con chó bị xích, sủa inh tai. Nhìn kỹ, là trụ sở tạm của Ủy ban nhân dân phường vì trụ sở mới đang xây dở. Dưới gốc bàng, bên bàn cờ tướng bằng gỗ bụi bặm là ấm trà nguội, hắn đang đăm chiêu. Thúy đợi, tự dưng cô muốn đợi khi nhìn kỹ khuôn mặt hắn thật thanh tú, không giống những người làng cô đã gặp. Những lần sau này qua sông, vẫn chỉ mình cô. Cô vẫn đợi hắn lêu bêu đến sẩm tối mới về đến nhà.

Còn lúc ấy, Thúy đợi lâu thế mà đến lúc hắn đứng dậy, nhìn thấy cô chắn lối, hắn né người bước qua vẻ như không nhận ra, Thúy phát bực:

- Tưởng anh làm gì mà mãi không về.

- À, thì cô đã thấy rồi đấy, chờ lấy giấy chưa được, tôi chơi cờ.

Tự thấy câu nói của mình vô duyên, Thúy dịu giọng:

- Cả ngày có một chuyến cũng cần xin cấp phép à?

Mặc cho Thúy hỏi kiểu trêu tức, hắn điềm tĩnh kể. Thúy nghe ù ù, cạc cạc… Tóm lại, có thể hiểu là: Hắn muốn biến cái đò thành một con thuyền nghệ thuật, cái bến Bún thành bến đợi và khu vườn xác xơ của bố mẹ hắn thành một vườn địa đàng. Thúy vốn ghét dân làm nghệ thuật rởm nhưng nghe ra, biết đâu cô có cái kẽ hở để lách vào. Ý chừng, hắn cũng cần những chậu hoa, cây cảnh. Biết đâu, cái nghề ế ẩm của cha mẹ cô lại có cơ hội nảy nở ở chính làng này.

Từ hôm mang mấy chậu hoa sang, tưới hoa và bài trí giúp, cô lờ mờ hiểu ra hắn chỉ vớ được con đò cũ của cha hắn và sử dụng mấy hôm. Chính những đồng tiền lẻ tanh mùi cá nhét ở khoang thuyền đã nuôi hắn học qua mấy năm ở trường mỹ thuật. Ra trường, hắn tự mày mò thêm ít vốn liếng âm nhạc, thời trang. Mấy ngày thấy hắn bò ra xây xây, đắp đắp, gọt, tỉa, sơn… Sau một tuần, mảnh vườn, con đò của hắn và cả bến Bún khiến nhiều người không thể nhận ra được nữa. Hắn đã khiến cả một khu vực thay đổi, bừng lên cảnh sắc với những bài trí đầy tính nghệ thuật.

Bẵng đi mấy hôm, không thấy hắn gọi điện nói chuyện cây cối. Con đò thì đóng băng trên bến từ bao giờ, Thúy cũng bận tối mắt. Một hôm, đang mải tỉa những bông hoa ở cái lẵng khách đặt, Thúy nghe chuông điện kêu, giọng hắn tha thiết từ bên kia:

- Cái gì? Tôi làm giám đốc điều hành cho anh á. Anh có dở hơi không, cái bãi nghệ thuật anh để lại chả thấy ma nào!

Thúy vừa dứt lời thì đã thấy chiếc xe tải cồng kềnh đậu ngay cổng. Tiếng người hỏi thăm oang oang, chó sủa inh ỏi. Họ gọi “CEO Thúy” ơi. Cô đâu rồi? Một nhóm thanh niên mặc đồng phục y hệt như logo mà hắn đã thiết kế dớn dác tìm cô. Họ mời cô sang vườn.

Hắn có buôn lậu không? Người làng được phen tự hỏi nhau. Nhưng tượng và tranh là của hắn. Khách đã bắt đầu tìm đến chụp ảnh, thăm thú. Toàn thấy bọn trẻ ăn mặc lịch sự. Tiền thu vào không nhiều nhưng đều đặn, lương nhân viên trả qua thẻ. Còn hắn thì cứ chạy đi đâu đó, thi thoảng thấy xuất hiện trên… facebook. Có lúc Thúy nghĩ, hay hắn trốn nợ?

Một ngày, những cánh hoa bưởi đã rụng trắng sân, hắn về, áo vải, giày vải, khoác túi thổ cẩm. Nhưng lạ là hắn bước xuống từ một chiếc xe hơi mới cóng. Loáng thoáng một lúc, cô hiểu là, hắn có đến mấy cơ sở như ngôi vườn này. Mấy tuần qua hắn đi vẽ tranh làm từ thiện, làm đẹp cho một ngôi làng chài ở miền trung. Hắn giúp bà con có không gian thưởng thức hương đồng, gió nội.

Về ngôi vườn, hắn tích cực chăm chút cây cối. Thức uống toàn nước chanh, nước vối, chè tươi giữa không gian vườn tược và các tác phẩm nghệ thuật. Quản lý một thời gian ngắn, Thúy cảm nhận được lời lãi chẳng đáng bao nhiêu nhưng đúng là từ ngày khu vườn và bến thuyền của hắn mọc lên, đám thanh niên cũng ít tụ tập cờ bạc, rượu chè. Cô bỗng thấy ngôi vườn mang đến một niềm vui rất lạ.

Chẳng rõ hắn sẽ trụ được bao lâu nhưng nhìn cách hắn làm, Thúy cảm nhận đúng như lời hắn nói: Sống là phải tự tạo ra và tìm kiếm niềm vui. Và cô chợt thầm mong một ngày không mưa, trời xanh, mây trắng, lại được hắn lái đò chở sang sông như dạo đi chợ...

Biết đâu, điều đó sẽ bắt đầu cho một mùa hoa mới.