Bẫy cò

Chẳng hiểu sao mấy ngày nay cánh đồng Nà Tèn - một khu ruộng khá rộng và bằng phẳng, được bao bọc chung quanh là những dãy núi đá vôi dựng đứng của bản Nà Theo, lại nhiều cò đến vậy. Từng đàn cò trắng, cò lửa, cò nâu, mỗi đàn hàng trăm con, không biết từ đâu đến, cứ bay lên, liệng xuống rợp cả cánh đồng. Ngày nào đi học về, khi đi qua cánh đồng Nà Tèn, Páo cũng thấy lũ cò bay lượn hoặc đứng phơi nắng sau khi đã kiếm ăn no căng diều.

Minh họa: PHƯƠNG THANH
Minh họa: PHƯƠNG THANH

Páo nghe người già bảo, năm nào cò về là thời tiết thuận hòa, làm ăn được mùa, con người khỏe mạnh. Páo chưa kịp tìm hiểu, kiểm chứng xem người già nói có đúng không, nhưng từ khi cánh đồng có nhiều cò thì lũ trẻ con ở bản Nà Theo thích lắm. Nhìn đàn cò bay liệng trên cánh đồng, mỗi đứa có một ý nghĩ khác nhau. Cái Mỷ thích được ngồi trên lưng bò ngắm nhìn những chú cò lửa đứng một chân như khoe tài. Thằng Vư thì hì hục làm súng cao-su với những sợi dây thun được cắt ra từ cái săm xe đạp hỏng, miếng da nạp đạn được làm bằng mảnh quả bóng rách và chiếc chạc hình chữ Y bằng gỗ sở lấy tận đồi Xín Ngải. Nó ngồi làm súng mà đôi mắt cứ sáng lên, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình khi tưởng tượng ra cảnh, sau cú kéo dây thun đánh “phựt”, hòn sỏi nhỏ từ mảnh da ở tay nó bay ra, bắn trúng vào đầu một chú cò nào đó. Riêng Páo thì khác, nó không có tài bắn súng cao-su, cũng chẳng phải đứa lãng mạn như cái Mỷ để cưỡi bò ngắm cò lửa đứng một chân. Nó muốn bắt được cò bằng kiểu riêng của nó. Kiểu mà mấy năm trước, khi về quê ngoại ở Ninh Bình, nó được thằng Toàn, con dì Hoa, dạy cho. Ðó là cách bẫy cò bằng lưỡi câu cá rô, mồi bằng tôm, tép hoặc cá lẹp. Páo nhớ như in hè năm ấy, ở cánh đồng Tam Cốc quê dì Hoa, cũng có rất nhiều cò. Thằng Toàn rủ Páo xin tiền mẹ mua hơn chục cái lưỡi câu cá rô và mấy mét dây cước về làm bẫy. Sau khi làm được hơn chục cái bẫy (mà thực ra là những chiếc cần câu cá rô không có cần và phao), Toàn và Páo đem giậm ra bờ con mương lớn đánh cá lẹp và tép để làm mồi. Hai đứa ngoắc những chú cá con, tép đanh vào lưỡi câu, buộc đầu kia của sợi cước vào cái cọc dài cỡ hai gang tay người lớn, rồi hái những tàu lá sen, lá súng loại nhỏ, đem ra các thửa ruộng có nhiều cò sà xuống kiếm mồi để bẫy. Thằng Toàn tỏ ra rất thông thạo kiểu bẫy này. Nó cắm những chiếc cọc đã buộc một đầu dây câu xuống đất, luồn lưỡi câu có con mồi qua lá súng, lá sen, rồi thả trên mặt ruộng. Vừa làm nó vừa giải thích cho Páo: “Khi đi kiếm ăn, cò thấy tôm, tép hoặc cá lẹp trên lá súng, lá sen, chúng sẽ mổ nuốt vào diều và bị mắc lưỡi câu. Lúc ấy chúng ta chỉ việc ra bắt cò về làm thịt”. Chiều tối hôm ấy Toàn và Páo bẫy được sáu con cò. Dì Hoa làm thịt cò. Một nửa nấu canh măng tre gai, một nửa rán giòn với lá chanh, củ sả, ăn ngon tuyệt. Nghĩ lại Páo vẫn còn thấy thèm ứa nước dãi.

Nghĩ sao làm vậy, chiều thứ bảy Páo xin tiền mẹ ra quán bà Béo mua chục chiếc lưỡi câu nhỏ và mấy mét cước. Trên đường về nó rủ thêm thằng Gió cùng làm bẫy. Sáng hôm sau Páo cùng Gió đem rổ ra ruộng xúc tép, rồi đi gài bẫy. Xong, hai đứa đi chăn bò trên nương đá.

Gần trưa, khi tiếng hú của lũ trẻ chăn bò gọi nhau về, cũng là lúc Páo và Gió đi thăm bẫy. Hai đứa vội vã nhào ra thửa ruộng nơi có những chiếc bẫy gài sẵn. Páo thấy tim mình đập thình thịch vì hồi hộp khi từ xa nó đã nhìn thấy đôi cánh con cò lửa chấp chới tìm cách bay lên mà không nổi. Ðó là dấu hiệu cò đã mắc bẫy. Một con cò lửa rất to. Páo phấn khởi hét lên: “Cò mắc bẫy rồi. Gió ơi, có mắc bẫy rồi!”

Tiếng reo của Páo chợt tắt vụt. Trước mắt Páo và Gió không phải là cò lửa, mà là một chú gà trống choai! Con gà tội nghiệp đang duỗi cổ, đạp chân, vỗ cánh tìm cách thoát ra khỏi cái bẫy quái ác. Nhưng do lưỡi câu đã mắc chặt vào diều, sợi cước lại quá chắc nên không thoát ra được. Thấy có người, chú gà càng giãy giụa mạnh hơn. Hai chân nó đạp xuống mặt ruộng, đôi cánh vỗ liên hồi, trong khi cái cổ cứ duỗi dài ra. Một lúc sau chú gà xõa cánh xuống mặt ruộng, nằm im như chết. Nhìn chú gà, cả Páo và Gió đều sợ xanh mắt. Sau khi trấn tĩnh, Páo nói với Gió:

- Nhà ông Sùng gần đây, chắc là gà của ông ấy.

- Chắc thế. Nhưng làm sao bây giờ? - Gió lo lắng hỏi.

Páo gãi đầu:

- Tao cũng chưa biết. Ðể nghĩ đã!

Páo và Gió ngồi phệt xuống bờ ruộng nghĩ cách. Lát sau Gió nêu ý kiến:

- Hay là mình đem con gà này vào hang đá, đắp đất bùn đốt lửa nướng ăn? Cách này vừa không ai biết, lại vừa được ăn thịt gà ngon mồm, no bụng!

Mắt Páo sáng lên khi nghe Gió bàn thế. Nó bỗng tưởng tượng ra cảnh hai đứa vừa bóc lớp đất bùn nóng bỏng ra khỏi con gà, những miếng thịt gà trắng phau, bóng nhẫy, bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Cái mũi Páo nghếch lên hít hít không khí như đang tận hưởng mùi thơm quyến rũ đó. Ðôi môi nó cứ tóp tép như đang nhai những miếng thịt gà nướng tuyệt ngon.

- Mày có đồng ý thế không, Páo?

Nghe tiếng Gió hỏi, Páo giật mình như người đang mơ ngủ tỉnh giấc. Nó hỏi lại:

- Mày bảo đồng ý cái gì?

- Chuyện nướng con gà ấy.

- À, à…

Páo ậm ừ nghĩ ngợi. Rồi như chợt nhớ ra điều hệ trọng, nó nói to:

- Không được. Không được đâu Gió ạ. Như vậy là ăn cắp, là làm việc xấu. Xấu lắm! Không được đâu!

- Vậy thì làm sao?

- Mình đem gà đến trả cho ông Sùng, xin ông tha tội.

- Ðứa nào mang đi?

- Cả hai đứa mình.

★★★

Ông Sùng cười khà khà khi nghe Páo và Gió lí nhí kể lại chuyện bẫy cò được gà, rồi khoanh tay xin lỗi. Ông bảo:

- Chuyện chẳng may, ông tha cho. Nhưng ông dặn hai đứa điều này: Cò về là điềm lành, là biểu hiện của sự yên bình, các cháu không được tìm cách hại chúng! Bảo cả những đứa khác, đừng có đánh bẫy và bắn cò. Còn hôm nay, hai đứa ở lại đây ăn cơm với thịt con gà này, coi như đây là phần thưởng ông dành cho các cháu về lòng dũng cảm và tính trung thực! Nghe chưa?

Lời ông Sùng vừa thân thiết, vừa như mệnh lệnh, khiến Páo và Gió chẳng thể chối từ. Hai đứa khoanh tay, nói như sắp khóc: “Dạ, vâng ạ!”.