Nhạc sĩ Phú Quang:

Vui thì giữ lấy, cay đắng cũng đã nuốt trôi…

Trở lại với công chúng yêu nhạc trong mùa thu này với hai đêm nhạc vào ngày 30 và 31-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ở tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Phú Quang (ảnh nhỏ) cho biết mình vẫn “dư sức” để làm các chương trình thường niên, không lỡ hẹn khán giả.

Vui thì giữ lấy, cay đắng cũng đã nuốt trôi…
Vui thì giữ lấy, cay đắng cũng đã nuốt trôi… ảnh 1

Nghệ sĩ Thanh Lam và nghệ sĩ Trọng Tấn biểu diễn trong đêm nhạc Phú Quang. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Tôi vốn không thích những điều quá êm đềm

- Thưa nhạc sĩ Phú Quang, đêm nhạc sắp tới của ông sẽ có tên là “Trong ánh chớp số phận”. Sao ông không chọn một cái tên chương trình có vẻ êm đềm, bớt gai góc hơn?

- Tôi vốn chẳng phải người thích những cái quá êm đềm. Hơn nữa, một cái tên chương trình thì phải có gì đó cho người ta nhớ, người ta ngẫm nghĩ, nó càng đặc biệt càng tốt. “Trong ánh chớp số phận” là tên một ca khúc được tôi phổ nhạc trên lời thơ của nhà thơ Ý Nhi. Đây là một câu chuyện xúc động về tình yêu muộn của người phụ nữ với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc từ vội vàng, khao khát, đến hoảng hốt, cuồng dại. Ở một nghĩa khác thì khi tuổi đã ngoài 70, tôi cũng muốn nhìn lại số phận của chính mình.

- Vậy nhìn lại ông tự thấy số phận của chính mình ra sao?

- Số phận của tôi là số phận một nghệ sĩ. Có buồn có vui, có vinh quang, có ngọt ngào và có cay đắng. Vui thì tôi giữ lấy, còn nếu là cay đắng thì tôi cũng đã có thể nuốt trôi như uống một ly cà-phê vậy. Tôi cảm nhận được rằng giờ phút này tôi vẫn còn được sống với âm nhạc, với công chúng của mình, còn được họ nhớ đến, yêu thương chờ đợi, đó là niềm hạnh phúc không phải người làm nghệ thuật nào cũng có được.

- Tên của chương trình gắn với một ca khúc về tình yêu. Trong các chương trình âm nhạc của ông, chủ đề tình yêu vẫn luôn là chủ đạo?

- Tình yêu trong âm nhạc của tôi luôn mãnh liệt, dù nó mang rất nhiều mầu sắc khác nhau. Tuổi nào tôi cũng viết như thế. Và tôi biết công chúng cũng vậy thôi, tuổi nào họ cũng khao khát tình yêu, yêu và được yêu. Âm nhạc là để vang lên những điều trong sâu thẳm mỗi người.

Công chúng là câu trả lời sòng phẳng nhất

- Có điều này muốn được hỏi ông, mong ông không phật ý, rằng các show diễn thường niên của ông thường hay dàn dựng lại các ca khúc cũ đã quá quen thuộc với khán giả nhiều năm nay mà ít có ca khúc mới. Trong khi số lượng ca khúc ông đã từng sáng tác là rất lớn. Tại vì ông “lười” hay ông sợ rằng đưa những bài hát lạ, chưa quen tai sẽ khó “dụ” khán giả?

- Tôi chẳng lười cũng chẳng sợ gì cả. Gần như phần lớn các ca khúc tôi viết ra đều đã được ca sĩ hát bằng cách này hay cách khác. Những ca khúc đó đều có đời sống của nó, tất nhiên có tác phẩm nổi tiếng và có tác phẩm ít nổi tiếng hơn. Đối với tôi, trong nghệ thuật không có cũ - mới, trong nghệ thuật chỉ có hay và không hay, xúc động và không xúc động. Đêm nhạc của tôi luôn đầy ắp khán giả vì tôi mang đến cho họ những cái hay, cái xúc động, tôi không quan tâm chuyện cũ-mới. Vì sao có những tác phẩm kinh điển hàng trăm năm nay chúng ta vẫn muốn thưởng thức lại, vì nó hay, nó lay động trái tim, vậy thôi. Công chúng chính là câu trả lời sòng phẳng nhất cho nghệ thuật, về việc nó có hấp dẫn hay không.

- Các ca sĩ khi làm việc với ông thường rất ngại, vì ông khắt khe, lại luôn muốn họ hát đúng theo cách ông “chỉ đạo”. Ông có nghĩ làm như vậy sẽ ít nhiều mất đi cá tính riêng của họ khi hát tác phẩm của ông không?

- Tôi khắt khe nhưng không chỉ đạo. Tôi dại gì mà chỉ đạo nghệ sĩ. Nhưng tôi yêu cầu ca sĩ khi hát nhạc của tôi phải hiểu đúng tinh thần của tôi đã. Tôi thường nói với các ca sĩ, rằng âm nhạc của tôi chỉ có một cách hát duy nhất thôi, là hát thật lòng. Nghĩa là các bạn đừng phô trổ quá nhiều những thứ ngoài âm nhạc. Hãy mang trái tim của mình vào bài hát, nhiều nhất có thể. Chính vì thế tôi rất dị ứng việc ca sĩ hát sai lời hay làm quá lên trong cách hát. Chỉ cần hát thật lòng, cá tính riêng mỗi ca sĩ sẽ bộc lộ. Mà bạn thấy đấy, các ca sĩ hát nhạc của tôi giờ này họ vẫn là những cá tính riêng biệt trên sân khấu âm nhạc của tôi đấy chứ. Thanh Lam, Ngọc Anh, Minh Chuyên, Tấn Minh, Đức Tuấn…, họ lẫn vào đâu được.

- Nhiều năm nay trong các chương trình của mình, ông thường chỉ mời NSND Lê Khanh trong vai trò người dẫn chương trình. Ông nghĩ sao khi có một số khán giả cho rằng, NSND Lê Khanh dẫn chương trình về phần đài từ “kịch” quá, không phù hợp?

- Tôi có thể mời bất kỳ MC trẻ trung, xinh đẹp nổi tiếng nào tham gia chương trình của tôi. Nhưng không ai thay thế được Lê Khanh đâu. Lê Khanh không làm MC, cô ấy là người kể chuyện âm nhạc cùng với tôi. Cho dù các bạn có ý kiến như thế nào đi nữa thì đối với tôi, Lê Khanh vẫn là phương án ưng nhất, còn hơn những thứ điệu đà tôi nghĩ không phù hợp với âm nhạc của mình.

- Trong lúc thị trường biểu diễn âm nhạc phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác, nhiều bầu sô không ít lần phải kêu trời vì làm chương trình không bán được vé, bị lỗ, riêng đêm nhạc Phú Quang vẫn đều đặn diễn ra và luôn cháy vé. Chắc hẳn ông phải có “chiêu” trong việc bán vé, dù giá vé chương trình của ông luôn bị xem là “đắt”?

- Tôi chẳng có chiêu thần thánh gì. Đơn giản là tôi cắm cúi vào công việc của mình, cố gắng hiểu khán giả của mình và mang đến cho họ món ăn ngon nhất có thể. Làm nghệ thuật nếu không cẩn trọng, nghiêm túc thì sớm muộn công chúng cũng rời bỏ mình. Tôi luôn tâm niệm mình phải mang “hàng thật” đến cho khán giả, đó là chương trình dàn dựng công phu, tử tế. Hàng “xịn” thì giá không thể rẻ, đúng không? Nhưng nếu giá không hợp lý thì bạn cũng không thể bán được hàng đâu. Tin tôi đi, giá vé của tôi là hợp lý, bằng chứng là khán giả vẫn luôn mua và đến với tôi chật kín nhà hát.

- Theo quan sát của nhiều người, khán giả của ông phần lớn là những người đã lớn tuổi một chút. Ông có sợ rằng khi lớp khán giả đó qua đi, khán giả trẻ sẽ ít quan tâm đến nhạc của ông?

- Tôi thì lại thấy khác, có không ít khán giả trẻ quan tâm, mua vé vào xem các chương trình của mình. Tôi không có nỗi lo khán giả trẻ bỏ rơi mình. Vì con người thời đại nào cũng vậy thôi, họ nghe nhạc tức là tìm đến những gì có thể làm họ rung động, chạm vào họ. Bạn đừng quên rằng những khán giả lớn tuổi hôm nay nghe tôi, họ cũng đã từng nghe tôi khi họ còn rất trẻ.

- Một ngày làm việc của nhạc sĩ bây giờ có khác với những năm tháng ông còn trẻ?

- Dĩ nhiên tuổi tác sẽ không cho phép một người làm nhiều việc như lúc còn trẻ. Tôi cũng có khoảng thời gian sức khỏe không tốt, phải nghỉ ngơi, điều trị. Nhưng thói quen ngồi viết mỗi ngày thì vẫn luôn được duy trì. Ngày nào tôi cũng phải ngồi vào bàn viết mấy câu, không để cho não mình “ngủ yên” lâu quá. Tôi thích làm việc. Mình sẽ trẻ hơn khi làm việc.

- Nếu có đơn đặt hàng ca khúc ông có nhận lời viết không?

- Tôi chỉ nhận đơn đặt hàng từ cuộc sống thôi. Tôi viết theo cảm hứng của mình, tự mình đặt hàng mình.

- Cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang về cuộc trò chuyện.