Viết theo sự mách bảo của trái tim

Hơn 30 năm trước, nhạc sĩ, NSND Trọng Ðài may mắn được sang Nga, học tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Với ông, và có lẽ với rất nhiều người Việt Nam đã từng sang Nga du học, đó là quãng thời gian ý nghĩa, có ảnh hưởng rất lớn đến con đường nghệ thuật của ông sau này.

Hà Nội đêm trở gió qua phần biểu diễn của ca sĩ Mỹ Linh đã giành được sự yêu mến của công chúng yêu nhạc. Ảnh: MẠNH HÀ
Hà Nội đêm trở gió qua phần biểu diễn của ca sĩ Mỹ Linh đã giành được sự yêu mến của công chúng yêu nhạc. Ảnh: MẠNH HÀ

Những tháng ngày đẹp trong cuộc đời

- Ông là một trong những người may mắn đã có những năm tháng tuổi trẻ du học ở Nga, tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky. Hẳn những năm tháng đó vẫn còn lưu dấu trong tâm trí?

- Hồi đó, tốt nghiệp khoa sáng tác hệ trung cấp trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tôi được cử sang Nga học khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, Nhạc viện Mát-xcơ-va mang tên Tchaikovsky. Bảy năm đó là quãng thời gian đẹp của tuổi trẻ của tôi, được sống và học tập ở nước Nga - một đất nước vĩ đại từ trong cái nôi văn hóa của chính họ. Tôi là thế hệ du học sinh cuối cùng học ở Nga khi vẫn còn chế độ của Liên bang Xô-viết, chưa bị những tác động của kinh tế thị trường. Tôi nhớ một bà giáo Nga có hỏi tôi rằng, ngày nghỉ của em làm gì. Tôi trả lời, tôi chơi đàn, đọc sách về âm nhạc, nghe nhạc... Một đời sống thuần túy chỉ có âm nhạc mà thôi. Bởi ngày đó, sang Nga, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự sâu rộng về đào tạo của họ. Có quá nhiều thứ để học và tìm hiểu. Sinh viên ở Nga, học xong hệ trung cấp là họ xong cơ bản rồi, học lên để tìm tòi cá tính, định vị mình là ai. Việc đào tạo này ở Việt Nam giờ đã được cải thiện hơn nhưng chúng ta vẫn cần học hỏi họ. Những năm tháng đó, tôi được tắm mình trong một thế giới của tri thức, không chỉ là âm nhạc mà còn phim ảnh của thế giới, các nền văn hóa, âm nhạc của nước ngoài. Ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi đó là phòng hòa nhạc của học viện. Ðó là một phòng hòa nhạc lớn, sinh viên được ưu ái đặc biệt. Chúng tôi có cơ hội được đến đó nghe và xem các nghệ sĩ lớn biểu diễn. Khán giả để mua được tấm vé xem nghệ thuật ở nhà hát có khi phải chờ cả tháng, trong khi sinh viên lại rất được ưu tiên. Ðiều đó để thấy họ coi trọng việc đào tạo như thế nào.

- Những gì ông học được từ trong môi trường chuyên nghiệp đó có ý nghĩa như thế nào với con đường mà ông đang đi?

- Ðối với tôi, đó là những tháng ngày đẹp trong cuộc đời. Chính những gì tôi được học, cái nền tảng lớn ấy đã đồng hành với công việc của tôi cho đến ngày hôm nay. Việc đào tạo âm nhạc ở Nga rất bài bản, đòi hỏi mỗi sinh viên không chỉ hiểu về âm nhạc mà mở ra cả một kho tri thức của thế giới. Sang đó, tôi mới biết tinh hoa âm nhạc Trung Quốc là gì, Ấn Ðộ là gì... Cả một núi những tri thức của nhân loại. Nhưng các thầy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, dù đi đâu, làm gì cũng không bao giờ được quên “các cụ” của mình, đó là văn hóa bản địa, gốc rễ của mỗi con người. Cái gốc rễ đó sẽ định danh, định tính anh là ai dù anh sống và làm việc ở đâu. Ðiều đó có ảnh hưởng rất lớn đến những gì tôi đang làm hôm nay, từ viết khí nhạc đến sáng tác ca khúc hay tổ chức những chương trình biểu diễn.

- Ðến bây giờ, sau 30 năm trở về, ấn tượng lớn nhất về nước Nga trong ông là gì?

- Một nước Nga rộng lớn, đẹp và giàu có về văn hóa. Ai đó nói rằng, thật may mắn khi chúng ta có những năm tháng tuổi trẻ được trải nghiệm ở những nền văn hóa khác nhau. Tôi có may mắn đó. Và rất nhiều kỷ niệm. Mỗi năm chỉ có dịp Tết âm lịch là cộng đồng du học sinh tổ chức gặp nhau ăn Tết. Có năm không đi được thì một nhóm nhỏ ở trường tự tổ chức với nhau. Gọi là Tết cho đỡ nhớ nhà thôi chứ có gì mang màu sắc của Tết đâu, nhiều bạn Nga ngạc nhiên khi thấy mấy người đàn ông lúi húi vào bếp tự nấu ăn, chuẩn bị mâm cỗ đón Tết.

Từ trái tim chân thành

- Hình như cái duyên cớ trở thành một nhạc sĩ hàng đầu viết nhạc phim với những bài hát nổi tiếng trong những bộ phim “Tiễn biệt những ngày buồn”, “Ðất và Người”, “Chuyện phố phường”, “Ðường đời”, “Hương đất”… cũng bắt nguồn từ những năm tháng anh du học ở Nga?

- Ðúng thế. Khi ở Việt Nam, tôi không có ý định hay suy nghĩ nào về vấn đề đó, nhưng khi sang học ở Nga, tắm mình trong bầu không khí của văn hóa, chúng tôi được xem cả kho phim nổi tiếng của nền điện ảnh thế giới. Tôi mê lắm. Và có lẽ, vì đam mê đó nên khi về Việt Nam, vì những duyên gặp gỡ nên tôi viết nhạc phim. May mắn, những bản nhạc đều có một đời sống riêng mạnh mẽ trong lòng công chúng.

- Và với khí nhạc, ông là một trong những nhạc sĩ có nhiều tác phẩm khí nhạc, một phần viết cho nhạc cụ dân tộc và một phần cho các nhạc cụ phương Tây. Và bây giờ ông có còn viết?

- Tôi vẫn viết khí nhạc và sáng tác ca khúc. Ðó là điều còn lại của người nghệ sĩ. Nhưng tôi ít công bố. Những tác phẩm khí nhạc vẫn vang lên trong các buổi hòa nhạc như “Tiếng rao”, “Ngẫu hứng phố”... và một số bài hát mới. Tôi vẫn muốn chia sẻ rằng, những điều tôi học được từ cách đây 30 năm ở nước Nga vẫn đồng hành cùng tôi trong công việc sáng tác. Ðó là giá trị của nền tảng. Và cao hơn, đó chính là viết theo sự mách bảo của trái tim mình. Chúng ta cứ nói về bản sắc, về tính dân tộc, nhưng tôi nghĩ, cốt lõi của một người viết đó là trái tim, viết những gì mà trái tim mình muốn chia sẻ với mọi người. Từ trái tim chân thành, ta sẽ thấy được màu sắc của cội nguồn, của văn hóa.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông.

Viết theo sự mách bảo của trái tim ảnh 1Nhạc sĩ Trọng Ðài tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Ðài, hiện đang giữ chức Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3), Ðài Tiếng nói Việt Nam. Du học ở Nga về, ông giảng dạy tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và từng làm Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội). Nhạc sĩ Trọng Ðài dành khá nhiều thời gian và công sức cho khí nhạc. Sáng tác của ông bao gồm tác phẩm viết cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền. Năm 1992, ông giành giải nhì trong cuộc thi quốc gia về sáng tác cho nhạc cụ dân tộc cổ truyền (không có giải nhất). Ông còn viết nhiều tác phẩm khí nhạc theo phong cách cổ điển, như “Giao hưởng số 1” , “Giao hưởng”, “Tiếng rao” (2003), Giao hưởng “Ðiện Biên” (2004), Hòa tấu “Ngẫu hứng phố” (2011)… tứ tấu đàn dây, concerto cho dàn nhạc và một số tác phẩm thính phòng. Ông được công chúng biết đến với ca khúc “Hà Nội đêm trở gió”, “Chị tôi” và rất nhiều bài hát viết cho phim.