Đạo diễn Tuấn Lê:

Văn hóa Việt Nam là một mỏ quặng khổng lồ

Mỗi tác phẩm giống như một bức tranh, trong đó có nhiều ô cửa mà khi mỗi cánh cửa được mở ra, khán giả có thể cảm nhận được những chi tiết trong đó. Để rồi, kể cả khi mang tác phẩm ra nước ngoài, nghệ sĩ nói tiếng Việt trên sân khấu, cũng không nhất thiết phải phiên dịch cho khán giả hiểu. Đạo diễn Tuấn Lê, một trong những người tạo ra À ố show, Làng tôi, Ter Dar... chia sẻ với chúng tôi rằng: “Mỗi chương trình nghệ thuật giống như một giấc mơ để khán giả bước vào khán phòng mà họ quên hết tất cả những cơm áo gạo tiền hằng ngày, được sống trong giấc mơ của riêng mình”.

À Ố show xác lập kỷ lục nghìn suất diễn sau sáu năm ra mắt.
À Ố show xác lập kỷ lục nghìn suất diễn sau sáu năm ra mắt.

Văn hóa truyền thống mới chỉ được tận dụng

- Vì sao có thể chạm đến cảm xúc của khán giả khi họ chẳng hiểu gì ngôn ngữ của mình được, thưa anh?

- Trên thế giới, giữa các dân tộc, có những nét tương đồng về văn hóa và ứng xử với văn hóa. Tất nhiên, ta không thể gượng gạo lồng ghép điều đó mà phải khéo léo, tinh tế. Thí dụ như vở Ter Dar, được lấy cảm hứng từ văn hóa Tây Nguyên, nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó mà đi xa hơn, bởi ở nhiều quốc gia khác, ở các châu lục đều có những bộ tộc, những nhóm người sống chung với nhau và có những nét văn hóa đặc trưng. Đây là tác phẩm động chạm được nhiều vấn đề của bộ tộc trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Nếu không giới thiệu tác phẩm này đến từ Việt Nam thì sẽ không ai biết. Nói nó có tính phổ quát là vì vậy.

- Hiện nay, có không ít quan điểm cho rằng, chạy theo những trào lưu văn hóa đang thịnh hành mới là thời thượng…

- Đó là vấn đề chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam; thế nhưng, ở các nước, bên cạnh những trào lưu văn hóa mới tràn vào, họ bảo vệ văn hóa truyền thống rất tốt. Năm ngoái, chúng tôi có chuyến lưu diễn ở Nhật Bản, các vở kịch của họ rất truyền thống mà vẫn đầy ắp khán giả. Diễn viên diễn từ sáng đến chiều tối, luôn có khách. Nhiều người mua vé xem cả ngày. Đó là bởi họ biết cách giữ gìn văn hóa truyền thống của họ. Kho tàng văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian của Việt Nam rất nhiều nhưng ở đâu đó mới chỉ được tận dụng, thậm chí lạm dụng nó thôi, không nhiều giá trị thật sự phát huy giá trị của mình. Tôi cũng không hiểu, nhiều loại hình diễn xướng dân gian, tại sao chúng ta cứ phải chờ UNESCO công nhận thì mới bảo tồn, phát triển? Văn hóa của chúng ta mà. Chuyện của chúng ta mà.

Văn hóa Việt Nam là một mỏ quặng khổng lồ ảnh 1

- Anh đánh giá mỏ quặng văn hóa ở nước ta ra sao?

- Lúc đầu, chúng tôi cũng chưa xác định được một cách chính xác mình sẽ làm gì nhưng khi bắt tay vào làm thì thấy, văn hóa của nước ta có quá nhiều thứ có thể khai thác, để làm chất liệu sáng tạo nghệ thuật. Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên rồi Nam Bộ… nơi nào cũng thú vị, miễn là có nguồn lực và một ê-kíp thật sự muốn làm chuyện đó. Văn hóa Việt Nam là một mỏ quặng khổng lồ.

Mà có một điều lạ là, khi chưa làm thì không thấy ai nói gì; nhưng khi làm rồi, thì có một số người lại nói rằng, những cái đó có gì mới nữa đâu, người ta đã làm lâu lắm rồi. Tôi vẫn mong, các dự án mà chúng tôi thực hiện có thể tạo ra được một sự ảnh hưởng cũng như cộng hưởng tích cực nào đó, để có nhiều thêm nữa những người làm, và có thêm những tác phẩm thú vị.

- Việt Nam có quá nhiều chất liệu để khai thác. Có phải vì thế mà riêng hình ảnh cây tre đã được ê-kíp của anh khai thác sử dụng đến mấy tác phẩm rồi?

- Với tôi, về mặt thẩm mỹ, hình ảnh cây tre quá đẹp. Nó vừa có thể cứng vừa có thể dẻo vừa có thể mềm. Khi đưa vào À Ố show... tới Ter Dar, chúng tôi vẫn đẩy lên được thành kỹ thuật xiếc tre. Trước khi mang Ter Dar đi nước ngoài, có một số người e ngại không biết nó có sự khác biệt nào so với những vở trước kia không. Khi công diễn ở Pháp, thấy nó quá đặc biệt. Đặc biệt hơn nữa là những nghệ sĩ người dân tộc Tây Nguyên, cá tính của họ quá mãnh liệt, thông điệp của họ quá mạnh mẽ.

Trở về để chia sẻ

- Gia đình đã định cư ở Đức lâu rồi, anh lại làm việc ở rất nhiều nơi trên thế giới, hiện nay là Việt Nam. Đâu mới là “nhà” của nghệ sĩ Tuấn Lê?

- Thực ra, tôi cũng từng đặt câu hỏi này không biết bao nhiêu lần. Nhưng rồi mỗi buổi sáng thức dậy, đặt chân xuống nơi nào thì có lẽ, tôi là người của nơi đó. Tôi nghĩ, mình ở đâu không quan trọng bằng việc sự hiện diện, sự tồn tại của mình ở nơi chốn đó, lúc đó có mang đến một thông điệp, một sự cộng hưởng nào không. Tôi về đây, để chia sẻ kiến thức của mình, giới thiệu một cách làm việc tích cực và sáng tạo.

- Đang gặt hái nhiều thành quả ở nước ngoài, anh lại quyết định quay về?

- Năm 2000, lần đầu tiên, tôi trở về thăm quê hương, lang thang các tỉnh thành, đi qua những làng quê từ bắc chí nam, chẳng cần biết đích đến cụ thể, ngắm nhìn thiên nhiên, người dân gần gũi và hạnh phúc. Tôi bị cảnh sắc thiên nhiên, sông núi, những cánh đồng, con người Việt Nam làm cho cảm động. Tôi cảm thấy tò mò, muốn chia sẻ công việc của mình ở đây. Vở xiếc Làng tôi chính là tác phẩm mở đầu chuỗi “trở về” đó. Giống như một thước phim quay chậm, Làng tôi tái hiện ký ức tuổi thơ cũng như đất nước Việt Nam trữ tình xuyên qua đôi mắt ngạc nhiên, lạ lẫm của một đứa trẻ. Sau Làng tôi, cùng những cộng sự của mình, tôi tiếp tục với À Ố show - xiếc tre kết hợp âm nhạc, vẽ ra một câu chuyện hóm hỉnh mà tinh tế từ làng quê đến phố thị Việt Nam; Sương sớm - vở múa đương đại kết hợp ba-lê bán cổ điển tái hiện cuộc sống tâm hồn của người nông dân Nam Bộ, Teh Dar - vở diễn về văn hóa Tây Nguyên thuần chất với không gian ma mị, kỳ vĩ của núi rừng và những màn săn voi; mới nhất là Palao - tác phẩm múa mang nét văn hóa và tâm hồn dân tộc Chăm. Tôi đang ấp ủ ý tưởng làm lại rối nước Việt Nam, múa hình thể đất và nước thành bùn…

- Về rồi, anh thấy môi trường nghệ thuật ở Việt Nam ra sao?

- Việt Nam là một thị trường tiềm năng để xây dựng hệ thống nghệ thuật (bao gồm hệ thống tác phẩm và hệ thống sản xuất tác phẩm). Trước đây, cũng có người thể nghiệm, nhưng thiếu tính hệ thống, chuyên nghiệp. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ở Việt Nam cũng có, nhưng riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - trình diễn, đa phần không có đời sống lâu dài. Khi quyết định trở về Việt Nam làm việc, tôi và những người trong ê-kíp của mình muốn xây dựng một hệ thống có sự tổ chức chuyên nghiệp, logic về mặt kinh doanh.

- Còn diễn viên thì sao?

- Diễn viên sau khi thử vai gần như phải bắt đầu lại từ đầu. Họ đến từ nhiều nguồn khác nhau như xiếc, hip-hop… sau bao nhiêu năm, giờ đây, họ đã có thể tung hứng, nhào lộn như một diễn viên xiếc thực thụ, tính ứng tác trên sân khấu cao. Vì vậy, chúng tôi mới đi cùng nhau được cả nghìn suất diễn. Trên sân khấu cũng vậy, tác phẩm luôn có đời sống thật. Khi buồn thì biểu hiện ra buồn, vui thì biểu hiện ra vui.

Cái khó khăn nhất của diễn viên là làm sao phá vỡ được những thói quen cũ của họ. Khi nghệ sĩ chỉ biết lặp đi lặp lại hành vi của mình, đến một lúc nào đó sẽ thành một cái máy mà thôi.

- Cảm ơn chia sẻ của anh!