PGS, TS Bùi Hoài Sơn:

Ứng xử văn minh trên môi trường mạng, cần bắt đầu từ người sử dụng

Với tốc độ phát triển công nghệ cùng những tiện ích đi kèm, mạng xã hội ngày càng trở thành một công cụ thiết yếu, một kênh giao tiếp, kết nối quan trọng của con người hiện đại. Từ một thế giới ảo thuần túy tồn tại song hành và tách biệt, mạng xã hội đang biến đổi rất nhanh, trở thành phương tiện hiệu quả can dự ngày càng trực tiếp, sâu và nhanh vào mọi mặt của đời sống xã hội của mọi quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều lợi ích vượt trội, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó, văn hóa ứng xử trên thế giới ảo này đang là mối quan tâm lớn.

Người sử dụng mạng xã hội cần được trang bị một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt.
Người sử dụng mạng xã hội cần được trang bị một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt.

Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn đặc trưng văn hóa Việt Nam, và chú trọng những giải pháp để có thể thích ứng hiệu quả, chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh nhỏ), Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam quanh vấn đề thời sự này.

Một thế giới ảo mà thực

- Báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng của Microsoft mới công bố xếp Việt Nam thuộc tốp 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất, với những ghi nhận về phương thức hành xử không đúng mực. Ông nhìn nhận điều này như thế nào? Liệu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của người Việt có đáng báo động và xấu xí đến mức như vậy không? Và thực trạng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của người Việt hiện như thế nào?

- Mỗi tổ chức đánh giá có tiêu chí riêng của mình, vì vậy chúng ta cũng cần thận trọng với bất kỳ một đánh giá nào. Mỗi một quốc gia có một văn hoá riêng, những cách thức ứng xử riêng, mà nhiều khi cách ứng xử này không phù hợp từ cách tiếp cận nhất định nhưng lại phù hợp với cách tiếp cận khác. Tôi lấy thí dụ, cách dạy con của người Việt Nam chúng ta có những nét riêng, trong đó nhiều cha mẹ dạy con qua việc “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Điều đó không có nghĩa rằng, cha mẹ Việt Nam không yêu con cái mà chỉ có nghĩa rằng, cách yêu của chúng ta có thể khác một số dân tộc khác. Văn hóa nói chung, văn hoá ứng xử nói riêng vốn là những thứ rất khó so sánh, nếu không muốn nói là không thể so sánh, vì thế các cách đo không hoàn toàn phản ánh sự thật khách quan về văn hóa ứng xử của người Việt Nam.

Ứng xử văn minh trên môi trường mạng, cần bắt đầu từ người sử dụng ảnh 1

Tuy nhiên, thông tin từ Microsoft cũng khiến chúng ta lưu ý về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, đặc biệt là văn minh ứng xử trên mạng xã hội. Văn minh là trình độ của văn hóa, thay vì văn hóa vốn là thói quen. Khi chúng ta thẳng thắn nhìn lại mình, chúng ta cũng có thể thấy rất nhiều những hành vi ứng xử trên mạng không phù hợp với những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, những giá trị mà chúng ta mong đợi và theo đuổi. Một loạt những hiện tượng như Khá Bảnh, Phúc XO,... với hàng loạt những hành động phản cảm trên mạng vẫn nhận được sự hưởng ứng của không ít cư dân mạng chính là những chỉ báo cụ thể cho những vấn đề trong văn hóa ứng xử của người Việt hiện nay. Mạng xã hội bây giờ đã khiến thế giới ảo thành thế giới thực. Nguy hiểm hơn, thế giới ảo mà thực này quá lộn xộn, ít chế tài, khiến cho người ta có cảm giác ai thích làm gì ở trên mạng cũng được. Đây là thực trạng hết sức đáng báo động để chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ những người tham gia mạng xã hội, để những ứng xử thiếu văn minh trên mạng xã hội không hiện thực hóa ngoài đời thực.

- Mạng xã hội vẫn được nhìn nhận là một thế giới ảo, nơi con người không nhất thiết phải bộc lộ danh tính, thân phận thật của mình. Cũng chính vì vậy, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội hiện vẫn trong quá trình định hình, và có nhiều ý kiến cho rằng, mang những chuẩn mực của văn hóa ứng xử trong xã hội thực để soi chiếu vào thế giới ảo đó, đòi hỏi hình thành những chuẩn mực mới tương ứng là điều khiên cưỡng, và không khả thi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Mạng xã hội vẫn là một vấn đề mới đối với mọi quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Chính vì thế, ứng xử như thế nào với mạng xã hội để chúng ta tận dụng được những mặt tích cực, hạn chế được những mặt tiêu cực là bài toán khó đối với tất cả các nước. Thế giới trên mạng xã hội vừa là sự phản ánh của thế giới thật, vừa có những đặc điểm riêng của nó, trong đó, tính vô danh của người sử dụng chính là một phần của nguyên nhân. Tất nhiên, giờ đây chúng ta đã có thể xác định danh tính cho hầu hết người sử dụng mạng xã hội và người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, hành vi ứng xử của mình trên mạng xã hội là ẩn danh, bí mật. Về mặt tâm lý, khi chúng ta không phải đối diện với người khác, không bị những ràng buộc về đạo đức, dư luận xã hội hay kể cả luật pháp, ứng xử của chúng ta sẽ khác rất nhiều khi bị chi phối bởi các yếu tố trên. Chính vì thế, chúng ta thấy có rất nhiều “anh hùng bàn phím” ở trên mạng xã hội, ở đó người ta có thể đưa ra những lời bàn luận, công kích về rất nhiều chủ đề, đối với rất nhiều người mà không cảm giác mình phải chịu trách nhiệm về những hành vi đó. Những vấn đề về văn hóa ứng xử từ đó mà phát sinh.

Chính sách phù hợp và truyền thông tích cực

- Có nhiều ý kiến đề xuất việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Tôi ủng hộ ý kiến này. Chúng ta sống trong một xã hội tôn trọng pháp luật, chính vì thế, đưa những nguyên tắc của luật pháp vào tất cả các môi trường xã hội, kể cả trên mạng xã hội là điều cần thiết. Bộ quy tắc ứng xử sẽ là công cụ điều tiết để tránh những rắc rối có thể có giữa những người giao tiếp trên mạng xã hội. Chúng ta đã hình thành một số bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đối với một số nhóm nghề nghiệp, đặc thù như nhà báo, đảng viên,... tuy nhiên, ngoài việc làm gương, làm mẫu của những nhóm nghề nghiệp, đặc thù thì cũng cần có những quy định chung để hướng dẫn hành vi cho người sử dụng. Chỉ có bằng cách đó, chúng ta mới có thể làm trong sạch hơn ứng xử trên mạng xã hội, để những ứng xử ấy thật sự là những ứng xử văn minh. Tất nhiên, một bộ quy tắc ứng xử sẽ cần có thời gian thẩm định nhưng chúng ta cần sớm ban hành để sớm có nhận thức và hành động đúng đối với một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

- Để tạo nên một môi trường mạng văn minh và lành mạnh, phù hợp với văn hóa Việt Nam, theo ông, cần phải làm những việc gì?

- Tôi vẫn luôn cho rằng, mạng xã hội là một phát minh tuyệt vời của nhân loại, chính vì thế, chúng ta không nên quay lưng lại với thành tựu này dù đôi khi chúng ta thấy có những vấn đề của nó. Để hình thành nên ứng xử văn minh trên môi trường mạng, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ người sử dụng. Khi chúng ta trang bị cho người sử dụng một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt trong việc sử dụng mạng xã hội, chúng ta sẽ không quá lo lắng về tác động tiêu cực của mạng xã hội. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những chính sách phù hợp, công tác truyền thông tích cực. Bên cạnh đó, những giải pháp kỹ thuật cũng là những biện pháp không thể tránh được trong quản lý mạng xã hội. Chúng ta cũng cần kiểm soát những gì là tốt, bổ ích đối với người Việt Nam, những gì cần phải hạn chế. Việc hình thành những tấm gương tốt trong sử dụng mạng xã hội, củng cố các phong trào xã hội để lôi cuốn người sử dụng mạng xã hội tham gia, đưa những sáng kiến tốt từ mạng xã hội vào đời sống thực cũng là những giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

- Liên quan đến môi trường mạng, có một yếu tố rất quan trọng là vai trò của các nhà mạng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Các nhà cung cấp mạng có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, văn minh, lành mạnh, tạo điều kiện phát triển đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Chính vì thế, các nhà cung cấp mạng cần phải có những giải pháp trong việc tạo ra môi trường tốt, khuyến khích người sử dụng tiếp cận thông tin tích cực, và có biện pháp hạn chế tối đa những thông tin tiêu cực. Kinh nghiệm một số nhà cung cấp mạng xã hội như Twitter hay Facebook dán nhãn phân biệt chủng tộc, gây thù hằn hay tin giả có thể là những tín hiệu tốt để các nhà cung cấp mạng khác thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng, đạo đức kinh doanh trong môi trường mạng. Đó cũng là những điều chúng ta mong chờ trong bối cảnh mạng xã hội đang ngày càng có tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của con người hiện nay.

- Xin cảm ơn ông.