Trường Sơn là câu chuyện đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi

Thuộc thế hệ cầm bút trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã từng ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ với những tác phẩm về chiến tranh và tình yêu, nhà thơ Lê Quang Trang, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vừa ra mắt cuốn trường ca Trên con đường ấy, Trường Sơn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông quanh câu chuyện văn học gắn với đề tài này.

Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác. Ảnh: ÐOÀN CÔNG TÍNH
Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác. Ảnh: ÐOÀN CÔNG TÍNH

Trường Sơn là câu chuyện đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi ảnh 1Nhiều người lãng quên cuộc chiến đã qua

- Thưa nhà thơ Lê Quang Trang, ông thuộc thế hệ cầm bút trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ; vì thế, Trường Sơn không chỉ là câu chuyện của lịch sử, của dân tộc mà còn là sự kiện mang tính cá nhân của ông. Trong quá trình viết “Trên con đường ấy, Trường Sơn”, nhà thơ đã gửi gắm tâm sự riêng tư ấy như thế nào?

- Những tâm sự riêng tư trải khắp tập trường ca nhưng nhiều nhất có lẽ nằm ở chương mở đầu: “Tiềm thức”. Ở đó, tôi có nói Trường Sơn là một sự kiện lớn, có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời mình. Trong nhiều giấc mơ, hình ảnh Trường Sơn, những câu chuyện Trường Sơn, những số phận Trường Sơn vẫn cứ quấn lấy tâm trí tôi không ngơi nghỉ, dù cuộc chiến tranh đã qua lâu và nhiều người không còn nhớ tới nó nữa. Lại có những lúc, đi giữa đường phố TP Hồ Chí Minh thênh thang, rộng mở hôm nay, nhớ ngày xưa đi qua con lộ dài 4m mà hy sinh không biết bao nhiêu người. Mỗi năm, cứ dịp gần Tết, tôi hay lên khu vực trung tâm như đường Lê Lợi, đường Ðồng Khởi… để nhớ về những ngày tháng cũ. Khi cầm bút, có những lúc nước mắt tự nhiên chảy. Tôi không ngăn được cơn xúc động của mình. Tôi là người may mắn, lành lặn và trở về sau cuộc chiến nhưng nhiều đồng đội, anh em, bạn bè đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do này. Những hy sinh, mất mát đó không thể nào đong đếm được.

- Nhưng tại sao ông lại chọn trường ca - một thể loại mà không ít người cho rằng đã cũ trong bối cảnh văn học ngày hôm nay? Có phải đây là thể loại mà nhà thơ lớn nào cũng phải viết?

- Không phải. Hiện nay, trong lý luận, cũng có nhiều người bài bác trường ca, cho rằng đây là thể loại đã qua rồi. Họ nói, thời này, không ai chuyên tâm đọc hết một trường ca dài 2.000 câu cả. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề không phải là dài hay ngắn mà ở việc, tác giả viết gì, đặt ra vấn đề gì khiến người ta phải tìm đọc và đọng lại một cái gì đó hay không. Hơn nữa, dù không ít người bài bác nhưng có một sự thật rằng, gần đây, trường ca lại nở rộ. Nhìn lại giải thưởng văn học mấy năm qua thì rõ. Tại sao trường ca trở lại, chúng ta cũng cần phải cắt nghĩa. Riêng tôi, tôi nghĩ đơn giản hơn. Có những chuyện, dung lượng một bài thơ, hoặc một chùm thơ có thể bao hàm được tất cả. Nhưng có những sự kiện lớn như sự kiện Ðiện Biên Phủ (1954), mở đường Trường Sơn (1959), Mậu Thân (1968), hay chiến thắng mùa Xuân 1975, rõ ràng, phải có một dung lượng lớn nhất định, để nhà thơ có thể thể hiện hết suy nghĩ của mình.

- Ông nhìn sự kiện Trường Sơn như thế nào - từ điểm nhìn của một người viết, một người trong cuộc?

- Trường Sơn là một trong hai kỳ tích của thế kỷ 20. Không chỉ mang câu chuyện dân tộc mà nó còn mang tầm thời đại. Nó mở ra một chiến lược để từ đó giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nhưng cũng từ đây, có không biết bao nhiêu chia cắt, tác động đến từng số phận khác nhau. Vấn đề chung - riêng, sống - chết cũng bắt rễ vào cả dân tộc này theo một cách nào đó như thế. Chính môi trường, hoàn cảnh khốc liệt đó đã thử thách con người, buộc họ phải lựa chọn giữa tốt - xấu, cao thượng - hèn mạt. Ðó là cái thời một miếng ăn cũng có thể giết chết nhân cách của một con người. Nhưng đó cũng là thời có những con người sẵn sàng hy sinh, bảo vệ, sống chết với lý tưởng của mình. Trước đây, ta hay lý tưởng hóa một mầu. Nhưng giờ đây, khi đã có một độ lùi nhất định về mặt thời gian, có một quãng thời gian để chiêm nghiệm, ta cần bình tâm nhìn lại một cách toàn diện, có đánh giá, có khái quát, bên cạnh những điểm tích cực, cũng cần nói lên những điểm hạn chế. Phải lý giải được tất thảy những chuyện đó bằng cảm xúc của mình. Như đã nói, Trường Sơn là câu chuyện đặc biệt nhất trong cuộc đời của tôi. Ở vị trí của một người cầm bút, tôi có trách nhiệm phải nói lên tất cả những điều đó.

Ta vẫn nợ văn học chiến tranh một tác phẩm xứng tầm

- Có ý kiến cho rằng văn học chiến tranh là văn học mang tính công cụ, chính trị. Chiến tranh đã qua rồi, giờ ai còn nói về nó nữa?

- Thật ra, văn học và chính trị liên quan đến nhau. Người ta nói văn học phục vụ chính trị là không hoàn toàn đúng. Nó thể hiện trách nhiệm công dân, cũng như suy tư của người cầm bút trước hết với thời cuộc dân tộc, với vận mệnh đất nước, chứ không hẳn vì mục đích chính trị. Thế giới cũng thế, không chỉ riêng Việt Nam. Còn việc người đó viết khéo léo như thế nào, viết hay ra sao, thì phải phụ thuộc vào tài năng của họ.

- Ông nghĩ, chúng ta đã có tầm cao của văn học chiến tranh hay chưa?

- Tôi nghĩ là chưa. Nói một cách nghiêm khắc, thứ nhất, nhà văn ở ta chưa đủ tài năng, chưa vượt được. Hai là về quản lý của ta, cũng tồn tại nhiều cái đáng trách, làm hạn chế sức sáng tạo của nhà văn khi viết về đề tài đó. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng, nếu đó là nhà văn tài năng, có phẩm cách, tác phẩm của họ sẽ vượt qua hết được mọi rào cản, đi qua được nhiều thời, dù chiến tranh đã qua hay không. Cho tới hiện nay, ta vẫn có những ca khúc, những tác phẩm viết về Trường Sơn đọng lại trong lòng người mà không phải do chính sách này đưa ra, chính sách kia đề cập đến.

Lịch sử đất nước này là lịch sử giữ nước. Bên cạnh cuộc chiến tranh gian khổ, cũng đầy những câu chuyện tình yêu chân thành, tha thiết, sẵn sàng hy sinh vì nhau. Ðiều đó làm con người sống đẹp hơn. Văn học nghệ thuật cũng phải tìm đến và nói đến những điều đó. Tôi nghĩ, đó không chỉ là khát vọng của tôi mà của nhiều người khác nữa. Và mỗi người sẽ tìm một hướng đi cho mình; Trần Mai Hạnh viết dạng tư liệu cũng là một cách; nhưng cũng có những người chọn hư cấu nhưng viết kém, đọc không đồng cảm vì thiếu trải nghiệm, thiếu cảm xúc trong đó. Tôi nghĩ, nếu thực tài, đây là một đề tài có khả năng thể hiện hết tất cả sự sống động của nó, chứ không cũ kỹ, chán chường như nhiều người nhầm tưởng.

- Theo ý ông, văn học Việt Nam hôm nay vẫn nợ mảng đề tài chiến tranh cách mạng một tác phẩm xứng tầm?

- Ðúng thế. Tôi rất khuyến khích những người trẻ đi vào đề tài chiến tranh - cách mạng. Tôi từng chuyện trò với nhiều bạn trẻ, các bạn nói rằng, “đời sống chúng cháu bây giờ khác thời các bác”. Nhưng ngay cả những vấn đề thế hệ, vấn đề của hôm nay các bạn cũng cần phải nói. Ðó cũng là đề tài nối tiếp của đề tài chiến tranh cách mạng trong thời đại mới.

- Nhưng thế hệ trẻ không thể viết giống thế hệ trước; trong khi đó, trải nghiệm không có, khi tiếp cận đề tài này dễ bị đi vào sáo rỗng?

- Sinh sau đẻ muộn, tôi nghĩ, Lép Tôn-xtôi cũng không phải hiểu hết về cuộc chiến của Napoleon đâu. Nhưng ông vẫn tạo nên “Chiến tranh và hòa bình” đồ sộ và sừng sững trong văn học thế giới, tại sao vậy? Vì ông đã nhìn đúng và gọi tên ra được bản chất hiện tượng.

Kể ra để thấy rằng, mỗi thế hệ có một cách nhìn, phương thức chuyển tải khác nhau đối với hiện thực. Nhìn đúng hiện thực càng cụ thể càng tốt - đó chính là điều kiện tạo ra thành công.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.