Họa sĩ Lê Đình Nguyên:

“Trâu Nguyên” thể hiện cái nhìn của riêng tôi

Triển lãm Trâu Nguyên gồm 36 tác phẩm điêu khắc động, ra mắt công chúng vào tháng 1 năm 2010 đã đóng đinh cái tên Nguyên “Trâu” và định hình một “chữ ký” Trâu Nguyên cho những tác phẩm độc đáo, in đậm cá tính sáng tạo riêng biệt của Lê Đình Nguyên - “gã điêu khắc quái” như bạn bè thường gọi. Đúng bảy năm sau, gần 100 chú trâu - không chỉ chuyển động mà còn tạo ra tiếng động vừa đến với người yêu nghệ thuật Thủ đô trong Nguyên Trâu II, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm Trâu bom.
Tác phẩm Trâu bom.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên sinh năm 1960 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông là họa sĩ chính của Nhà hát Múa rối Trung ương.

“Nhìn cái gì cũng hóa thành trâu”

- Nguyên Trâu II đưa công chúng đến với một thế giới trâu-lạ lẫm, sống động trong “sự kết hợp của những cặp đôi tương phản” - như chữ dùng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Từ trâu - bom, trâu - đạn pháo, trâu - kẻng, trâu - áo tơi, trâu - cày… đến trâu - cối xay, trâu - cối giã gạo… Rồi Trâu Rối, Trâu Việt và Trâu Nguyên… Nói như họa sĩ Thành Chương thì ông “yêu trâu đến mê man, bất tỉnh, như bị trâu nhập hồn”?

“Trâu Nguyên” thể hiện cái nhìn của riêng tôi ảnh 1

- Ông ấy còn bảo tôi, “nhìn gái thành trâu, nhìn đến cái cối cũng hóa trâu thì tao chịu mày rồi đấy”. Cái cối xay thóc kêu ù ù ấy đã ám ảnh tôi suốt những năm sơ tán thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Vẽ phác thảo xong, tôi định lên miền núi lùng mua cái cối thật. Được ông Chương hào phóng tặng cho một chiếc duy nhất còn lại ở Việt Phủ, tôi cũng phải mò mẫm tới hai năm trời mới hoàn thành con trâu - cối này.

Những tác phẩm trưng bày lần này chủ yếu ra đời trong năm 2016. Nguyên Trâu II chỉ có sự xuất hiện của ba tác phẩm cũ Trâu Nguyên - Trâu Cối - Trâu Cầu. Đó cũng là ba tác phẩm tôi yêu nhất, nâng niu nhất và kiên quyết không bán, dù đã được trả giá rất cao. Với tôi, mỗi chú trâu có linh hồn, có đời sống tình cảm như con người. Sợ chúng buồn khi “bạn bè” rộn ràng trong khuôn viên Bảo tàng, tôi quyết định cho chúng một lần nữa góp mặt.

- Ngoài chiếc cối xay, những đạn pháo, vỏ bom, lưỡi cày, xe đạp… đều là những nguyên liệu thật. Sưu tầm được số lớn hiện vật, nông cụ nhuốm màu thời gian để khoác cho chúng một tạo hình mới chắc chẳng dễ dàng gì?

- Để mua được từng ấy vỏ đạn pháo, trái bom cho những tác phẩm Trâu Pháo - Trâu Bom - Trâu Bom Kẻng, tôi phải bốn lần lặn lội vào mảnh đất chiến trường ác liệt Khe Sanh - Quảng Trị năm xưa. Cả trăm triệu đồng vợ đưa làm lộ phí đi đường nhoằng cái bay đánh vèo (cười lớn). Với những tác phẩm có sử dụng thạch cao, tôi phải cầu kỳ lựa loại dành riêng cho nha khoa, chi phí tốn kém gấp nhiều lần loại thông thường. Tính tôi rất ghét đúc khuôn nên khâu tạo hình khối cho những chú trâu đều phải làm thủ công. Và lượng tác phẩm chưa ưng ý mà tôi phũ phàng vứt đi, thú thật, là không đếm xuể.

- Thảo nào trong cuộc họp báo diễn ra trước lễ khai mạc, hoạ sĩ Thành Chương có nhắc tới khoản tiền tỷ mà Nguyên Trâu đã bỏ ra, cho “cuộc hành hương” hoành tráng của những chú Trâu Nguyên?

- Con số chính xác, theo sổ sách ghi chép tỉ mỉ của bà xã nhà tôi là hơn 900 triệu đồng. Lý do tôi chọn ra mắt triển lãm Trâu Nguyên II vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội là bởi cúc họa mi - thứ hoa đặc trưng cho mảnh đất Hà thành chỉ làm đẹp cho phố phường vào đúng độ này. Cúc khoe sắc và mang lại vẻ lãng mạn cho những chú trâu - xe thồ (đã từng làm nên “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”) của tôi. Và cúc là loài hoa không thể thiếu trong ngày sinh nhật của vợ tôi - người đã đồng hành, nhẫn nại chịu đựng mọi sự “quái”, sự “điên” trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông chồng nghệ sĩ.

Vật lực bỏ ra rất lớn (từ tiền túi của riêng tôi chứ không hề nhận một đồng tài trợ) nhưng cũng không thấm tháp gì so với tâm sức mà tôi đã đầu tư, trong suốt ba năm trời chuyên tâm chuẩn bị. Thí dụ để có được những khóm mạ khoe mầu xanh mướt trên những vỏ đạn pháo trong tác phẩm Trâu Pháo, tôi đã phải kỳ công làm ông nông dân thứ thiệt, ngâm thóc giống đúng quy trình “ba sôi, hai lạnh”. Rồi hồi hộp chờ thóc nảy mầm, rồi kiên nhẫn đếm số ngày cây mạ lên đúng chiều cao như ý. Tạo hình cái đầu cho đàn trâu pháo cũng khiến tôi loay hoay một thời gian dài. Chỉ tới khi gặp hình tượng cái cân trong giấc mơ “Trời cho”, tôi mới có được ý tưởng đầy nhân văn, khi lúa mọc trên vỏ đạn, khi cán cân chuyên chở khát vọng và trở thành cái gạch nối giữa chiến tranh ác nghiệt - yên ả hòa bình. Khán giả đến với triển lãm đều ấn tượng với chú Trâu Bom lừng lững một góc phòng trưng bày. Ít ai biết, chỉ hai ngày trước lễ khai mạc, tôi đã quyết liệt phá đi toàn bộ để có được sản phẩm hoàn thiện hơn, hòa hợp với không gian tổng thể của bảo tàng hơn. Cộng sự mắng tôi “điên”, chẳng ai tin tôi kịp làm gì, trong khoảng thời gian gấp gáp thế. Quyết định ấy cũng ngốn của tôi thêm một đống tiền, nhưng nó xứng đáng!

In đậm dấu ấn

- Thế giới Trâu Nguyên của Nguyên Trâu mang đến cho người xem trải nghiệm thú vị, sống động với những chuyển động độc đáo?

- Trong lần đầu triển lãm, chỉ duy nhất con Trâu Nguyên xù xì, hầm hố là phát ra tiếng động cót két rất vui tai, khi tay quay - đuôi trâu tời cuộn dây thừng - thân trâu khiến cái đầu ngọ nguậy, lắc lư thì trong Nguyên Trâu II, hầu hết các chú trâu của tôi đều chuyển tải âm thanh, nhạc điệu qua những chuyển động thú vị mà tôi mò mẫm sáng tạo ra. Trâu áo tơi đeo sáo diều. Trâu thời gian thánh thót tiếng chuông đồng hồ. Trâu cối xay kêu ù ù… Có người bảo, trâu của tôi đem nghệ thuật hòa quyện vào cuộc sống nhưng cũng đồng thời đưa hơi thở phong phú của đời sống vào nghệ thuật.

Hai họa sĩ nổi tiếng, hai người bạn thân thiết đã trở thành động lực lớn nhất giúp tôi có được triển lãm lần này. Họa sĩ Thành Chương đã nhiệt tình đồng hành, thúc giục, và tạo điều kiện tối đa, đã nhiệt tình nhận vai trò giám tuyển và “thách đố” tôi phải tổ chức triển lãm tại chính Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bởi “nếu không làm được thì là thằng hèn”. Họa sĩ Lê Thiết Cương thì nghi ngờ, “ông đã lên tới đỉnh sự nghiệp ở triển lãm đầu tiên, liệu còn có thể vượt qua cái bóng của chính mình trong triển lãm kế tiếp?”. Tôi biết ơn họ, vì đã đưa ra những đề bài khó buộc tôi phải nỗ lực hết mình để tìm lời giải thuyết phục nhất.

- Là nghệ sĩ tạo hình duy nhất theo đuổi loại hình điêu khắc động tại Việt Nam, công chúng có cảm giác ông chỉ chuyên chú vào mảng đề tài duy nhất: trâu?

- Tôi đã từng là một thợ cơ khí giỏi, trước khi trở thành sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tôi chọn Nhà hát Múa rối Trung ương, cũng vì trót mê những con rối từ nhỏ. Vật lộn mưu sinh từ tuổi thanh niên, tôi không bao giờ ngờ rằng, những kiến thức về cân bằng động, chuyển động liên hoàn tự mày mò học hỏi những ngày làm thợ; niềm say mê tạo hình và chuyển động cho những nhân vật rối ngộ nghĩnh ngày làm họa sĩ chính của Nhà hát đã giúp tôi có được những tác phẩm điêu khắc động đầy sáng tạo của hôm nay. Lẽ dĩ nhiên, tôi không chỉ lấy cảm hứng từ trâu - hình tượng thân thiết với mọi công dân thuộc nền văn minh lúa nước. Tôi cũng có những đề tài khác như dê, như gà… Nhưng trên hết, Trâu Nguyên in đậm dấu ấn của riêng tôi, thể hiện cái nhìn của riêng tôi. Không cần chú thích, không nhìn chữ ký, người ta vẫn nhận ra Trâu Nguyên. Tôi hạnh phúc vì điều đó.

- Trân trọng cảm ơn ông!