Nhiếp ảnh gia Lê Bích:

Tôi tự nguyện làm người lưu giữ ký ức

Nhiếp ảnh gia Lê Bích vốn nổi tiếng với các bộ sưu tập ảnh giếng làng, ảnh văn hóa dân gian và lễ hội, bởi Lê Bích là một trong những chuyên gia “lọ mọ” tại các làng quê Việt. Mới đây, anh khiến nhiều người thấy “lạ” khi giới thiệu triển lãm “Sắc màu cuộc sống”, trưng bày những hình ảnh về người phụ nữ trong cuộc sống và lao động. Mười hai năm chắt lọc khuôn hình, Lê Bích đem đến cho công chúng những góc nhìn đầy yêu thương về cuộc sống và con người, đặc biệt là ở các làng nghề Việt Nam.

Tôi tự nguyện làm người lưu giữ ký ức

Trân trọng và yêu thương hình ảnh người phụ nữ

- Vì sao anh lại chọn chủ đề phụ nữ để làm cuộc triển lãm lần này, hay nói đúng hơn, khi “lăn lộn” trên các nẻo đường đất nước, anh thấy người phụ nữ Việt Nam thế nào?

- Tôi có một người bạn nhiếp ảnh người Mỹ. Khi đến Hà Nội chụp ảnh, bạn tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều phụ nữ làm công việc của đàn ông. Bản thân tôi lớn lên khi đất nước đang trong công cuộc tái thiết, lúc đó người phụ nữ lao động vất vả như đàn ông. Họ tham gia xây dựng, làm đường, lên vùng kinh tế mới khai hoang... đâu đâu cũng có hình ảnh và sự góp sức không hề nhỏ của phụ nữ.

Khi đất nước phát triển, kinh tế khá hơn, văn minh hơn, vẫn có một bộ phận không nhỏ những người phụ nữ ở thôn quê bỏ ruộng đồng lên thành phố mưu sinh. Họ chấp nhận vất vả để tồn tại, miễn sao mang lại hạnh phúc cho chồng, con.

Bên cạnh đó ở Việt Nam ta có nhiều làng nghề truyền thống và những nghề này dù có nặng nhọc vất vả thì vẫn là do thành viên trong gia đình đảm đương. Ở đó, phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng. Họ làm nghề tại nhà kiêm việc nội trợ và còn điều tiết kinh tế gia đình rất giỏi…

- Các nhân vật của anh luôn có những nét đẹp trong lao động, đó phải chăng là sự lựa chọn của anh?

- Những ký ức và trải nghiệm thực tế đã giúp tôi thực hiện bộ ảnh này trong suốt 12 năm. Tôi cố gắng chụp họ thật nhất trong môi trường công việc, sinh hoạt thường ngày... Khi những người phụ nữ lao động chuyên cần, tần tảo, chịu thương, chịu khó thì đó chính là một vẻ đẹp. Từ bao đời nay dân tộc ta đã và đang tự hào và đề cao đức hy sinh của người phụ nữ. Ngày nay, thế giới cũng đề cao tình yêu và sự quan tâm giữa con người với con người bởi xã hội hiện đại đang làm con người trở nên ích kỷ. Những người phụ nữ Việt Nam luôn làm việc vất vả vì gia đình và đất nước, tôi đặc biệt trân trọng và yêu thương những hình ảnh này.

- Phải chăng đó cũng là điểm khác biệt của anh, đó là sự chịu khó, tỉ mẩn thực tế ở các làng quê. Vì sao anh lại chọn cho mình con đường như vậy?

- Tôi bắt đầu chụp ảnh từ năm 2005 và đã tập trung chuyên sâu vào đề tài văn hóa di sản, chủ đạo là văn hóa làng, làng nghề truyền thống. Sau hơn 10 năm cộng tác với nhiều báo trong và ngoài nước và khi cơ sở dữ liệu, cũng như hiểu biết của tôi tạm đủ, tôi mới mạnh dạn tổ chức một số triển lãm ảnh cá nhân theo lời mời của các tổ chức uy tín như: Ban Quản lý Phố cổ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam ở Mô-dăm-bích và gần đây là Bảo tàng Phụ nữ. Triển lãm về đề tài phụ nữ hôm nay là một lát cắt trong bộ ảnh lớn về các làng nghề truyền thống của tôi. Tôi cũng đã tặng toàn bộ ảnh và bản quyền ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ để tiếp tục trưng bày và sử dụng, như tôi đã từng làm với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội.

- Mọi người gọi anh là Bích “giếng làng”, lúc là Bích “lễ hội”, giờ hình như là Bích “dân gian”, phải chăng dân gian là chất liệu phong phú để anh có thể tạo chỗ đứng riêng của mình?

- Việt Nam có một bề dày văn hóa với 54 dân tộc anh em. Đây thật sự là một kho tàng văn hóa khổng lồ. Càng tìm hiểu sâu tôi càng bị cuốn hút. Nói đến văn hóa Việt phải nói đến văn hóa làng, xã, thôn, bản… Đó chính là gốc rễ và tinh hoa mà giờ đây dần bị mai một. Chính vì thế, hình ảnh những chiếc giếng làng còn sót lại, hội làng mỗi mùa xuân, và những phong tục dân gian, tranh dân gian truyền thống trở thành những đề tài khiến tôi mê đắm. Tôi càng đi sâu vào nghiên cứu về bản sắc dân tộc Việt Nam càng thấy sự hiểu biết của mình còn hạn hẹp giữa mênh mông của chiều sâu văn hóa Việt, vì vậy, tôi chọn cách thể hiện bằng ảnh. Đây là một ngôn ngữ khá mạnh, có sức hấp dẫn và tiện cho việc lưu giữ lại những gì sắp mất. Đăng báo, triển lãm và in sách là cách lưu trữ và chia sẻ tốt nhất. Sắp tới, tôi sẽ ra mắt sách ảnh về tuyển tập tranh dân gian Việt Nam cùng với hai tác giả khác.

Nhiều điều đẹp đẽ đang dần mai một

- Trong các tác phẩm của anh thấy khá nhiều làng nghề đã dần mai một. Với tốc độ biến mất nhanh như vậy, anh trở thành người lưu giữ ký ức?

- Có thể nói làng quê Bắc Bộ rất đẹp và giàu bản sắc. Tuy nhiên khi xã hội phát triển, kinh tế đi lên thì những giá trị làng xã dần bị phá vỡ. Đây là quy luật tất yếu. Do vậy tôi nghĩ, giá như chúng ta có những hành động lưu giữ và bảo tồn giá trị truyền thống thì sẽ tốt biết bao. Tôi có sinh hoạt ở CLB phóng viên ảnh miền bắc, tổng số thành viên lên tới 70 người nhưng đa phần chuyên về thời sự, kinh tế, giải trí… rất ít người chụp chuyên sâu về đề tài văn hóa làng xã, làng nghề thủ công truyền thống… Tôi có gặp nhiều người làm công tác bảo tồn, bảo tàng hoặc nghiên cứu, họ luôn thiếu ảnh tư liệu về văn hóa truyền thống và cả những đề tài hiện đại như về bạo hành phụ nữ, về sự phá vỡ văn hóa các dân tộc thiểu số…

Quá nhiều thứ đẹp đẽ của quá khứ đang mất đi hằng ngày. Rất nhiều ngôi làng giờ chỉ có duy nhất một nghệ nhân còn làm nghề. Có những ngôi làng, ngôi đình cũ nát chỉ chờ sập. Có những lễ hội bị biến tấu mất đi nét xưa. Nhiều tập tục đẹp về cách ứng xử giữa người với người đang dần mất. Cho nên, việc ghi lại và lưu giữ những tư liệu là việc làm hết sức cần thiết. Tôi tự nguyện làm người ghi lại những gì đang tồn tại.

- Đi nhiều và hiểu sâu, anh có góp ý gì trong việc bảo tồn các làng nghề dân gian Việt Nam, hoặc ít nhất, để nó thật sự có ý nghĩa trong việc phục vụ du lịch một cách thuần chất, chứ không chỉ bề ngoài?

- Các làng nghề truyền thống của ta đang gặp vô vàn khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển nghề. Bản thân những người ở làng nghề hiện cũng thiếu tư liệu gốc của nghề Tổ, do vậy để xác định bản sắc và tinh hoa của nghề cũng là việc khó khăn. Những nghệ nhân làng nghề luôn phải vật lộn để duy trì nghề truyền thống trong khi vật liệu sản xuất càng khan hiếm, nhân lực kế cận ít, giá thành cao vì làm thủ công... Một số nghề truyền thống đã mất đi vì không còn phù hợp. Một số nghề mới lại không đủ hấp dẫn để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Cho nên, tôi thấy mô hình khai thác du lịch làng nghề cũng rất ít thành công... Một nghệ nhân muốn làm giàu thì phải hội đủ ba yếu tố: Giỏi nghề, giỏi kinh doanh và nhiều vốn. Mà điều này quá khó. Hiện tại cũng ít có tổ chức nhà nước hoặc phi lợi nhuận nào đứng ra đỡ đầu bảo tồn các làng nghề truyền thống. Đó là điều tôi thấy tiếc nuối vô cùng.

- Anh có thể chia sẻ về những dự án sắp tới của anh?

- Sắp tới, tôi sẽ có triển lãm ảnh về các làng nghề thủ công của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Mông, Chăm, Khmer... Hy vọng điều này sẽ làm cho những người yêu văn hóa Việt có thể hiểu thêm được những nét đặc sắc khác biệt của các tộc người thiểu số. Tôi cũng sẽ có một triển lãm về các nghệ nhân cuối cùng của tranh dân gian Việt Nam, đồng thời ra mắt tuyển tập Tranh dân gian Việt Nam cùng hai tác giả khác. Chưa hết, sẽ có triển lãm ảnh lớn về giếng Việt và những câu chuyện chung quanh nó.

- Chân thành cảm ơn và chúc các dự án của anh thành công!

Tôi tự nguyện làm người lưu giữ ký ức ảnh 1

Phụ nữ ở làng nghề đúc gang Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: LÊ BÍCH