Ðạo diễn Huỳnh Tuấn Anh:

Tôi muốn xóa bỏ định kiến về cải lương

Năm 2018 có một dấu mốc đặc biệt: tròn 100 năm ra đời sân khấu cải lương. Trong số những dự án ra mắt dịp này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh gây chú ý với bộ phim Gạo chợ nước sông, chuyển thể từ truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Anh chia sẻ với chúng tôi những tâm huyết khi thực hiện dự án này.

"Gạo chợ nước sông là bước khởi đầu để tôi giới thiệu cải lương trở lại với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ".
"Gạo chợ nước sông là bước khởi đầu để tôi giới thiệu cải lương trở lại với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ".

Tôi đang đứng trước thách thức…

- Xin chào đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Vì sao anh quyết định làm phim về một bộ môn nghệ thuật đang dần trở nên xa lạ với công chúng đương đại?

- Từ hồi còn học đạo diễn sân khấu, tôi luôn ý thức một điều: Nếu một đạo diễn muốn đi xa thì phải bám được vào cái gốc dân tộc. Thật ra tôi là người có tính hoài cổ. Từ những năm 90, tôi bắt đầu được xem cải lương khi các đoàn về quê biểu diễn. Với tôi, cải lương thuộc về một phần kỷ niệm không thể xóa bỏ.

Quan trọng hơn, tôi nghĩ cải lương là một di sản. Tôi rất ý thức về việc giữ gìn di sản, nhất là di sản văn hóa của Nam Bộ. Và cải lương là bộ môn đầu tiên tôi muốn làm, bởi tôi biết chắc một điều: cải lương bây giờ không còn là cải lương ngày xưa. Tôi đã nghiên cứu băng đĩa, sách vở để tái hiện cải lương thời hoàng kim, và nó khác hoàn toàn so với cải lương hát theo lối lấy hơi dài như hiện nay.

- Với một người trẻ thuộc thế hệ 8X, khi bắt tay thực hiện bộ phim này anh gặp phải những khó khăn gì?

- Cái khó của tôi là làm sao cho khán giả cảm nhận được cái hay cái đẹp của cải lương nhưng vẫn thấy được cái mâu thuẫn, kịch tính, mặt trái của nó. Nếu làm không khéo sẽ bị chửi là phá hoại, là bôi bác cải lương. Ðó là cái khó mà ê-kíp của tôi đang phải "len" từng chút qua một "khe cửa hẹp". Nếu một bộ phim không có mâu thuẫn, kịch tính, không có người xấu chuyện xấu trong nghề thì sẽ không ai coi. Tôi đang phải đứng trước thách thức: Phải làm hài lòng và thỏa mãn những người đã hiểu về cải lương nhưng cũng phải làm thỏa mãn những người không biết về cải lương, là các bạn trẻ. Rất may là tôi và ê-kíp đã tìm ra "chìa khóa" cho bộ phim của mình. Gạo chợ nước sông vẫn đầy đủ hỉ nộ ái ố, vì thật ra khi nhìn về những nghệ sĩ cải lương thì họ, trước hết, vẫn là những con người. Nhân vật chính của tôi vẫn là cô đào, bám sát theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

- Liệu trong bối cảnh hiện nay anh có tin là diễn viên của mình có thể chuyển tải hết được hồn cốt của cải lương không?

- Thật sự điều này là vô cùng khó. Bây giờ đi kiếm diễn viên đóng vai cô Thanh Nga, cô Thẩm Thúy Hằng là cả một vấn đề. Các diễn viên ngày xưa sang trọng, thần thái rất khác biệt. Tôi phải giải quyết như thế nào? Khi chọn diễn viên xong, tôi yêu cầu họ phải đi học ba môn: học diễn, vũ đạo và học hát theo kiểu ngày xưa để nhép cho khớp.

Những mô phỏng bằng vật chất dễ làm nhưng mô phỏng về mặt tinh thần hoàn toàn không dễ. Tôi sẽ cố gắng làm thật đúng dựa trên những nghiên cứu về lịch sử, về khoa học, văn bản học…

Tôi muốn xóa bỏ định kiến về cải lương ảnh 1

Tôi tin cải lương sẽ hồi sinh

- Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của cải lương vào khoảng giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970; tiếp đến là giai đoạn 1975-1985. Vậy nhưng, hiện giờ cải lương đang xuống dốc một cách chóng mặt. Cá nhân anh cảm thấy thế nào?

- Buồn chứ. Tôi nghĩ cải lương rất tiệm cận với đời sống hiện đại. Ngày xưa, từ tuồng Ấn Ðộ, tuồng Tàu, rồi văn hóa nước nào vào cải lương cũng tiếp nhận hết. Bởi vì các chú cô có nguyên một dàn giao hưởng vũ kịch rồi, vở Tây Thi nước Việt ngày xưa ông Năm Châu đã làm rồi. Có thể nói ngày xưa cải lương đã đi một bước đi cực kỳ hiện đại mà bây giờ chúng ta vẫn dùng được. Cải lương ngày xưa rất gần với vở Tiên Nga của nghệ sĩ Thành Lộc được công diễn gần đây. Nó sang như vậy đó! Tại sao chúng ta không làm được như vậy?

- Anh có kỳ vọng Gạo chợ nước sông sẽ góp phần hồi phục sức hút cho cải lương?

- Tôi tin rằng cải lương sẽ hồi sinh nếu chúng ta có một sự ngồi lại và nhìn nhận đúng mực về nó. Thật ra, nếu bạn nghiên cứu kỹ sẽ thấy cải lương có nhiều nét rất giống Broadway. Chúng ta vẫn còn đủ cơ sở để làm cải lương đẹp hơn nhưng chúng ta đang thiếu những con người. Chúng ta phải xóa bỏ định kiến cải lương là rề rà, chậm lụt, sầu khổ… bằng những hành động cụ thể.

Gạo chợ nước sông chỉ là bước khởi đầu để tôi giới thiệu cải lương trở lại với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi đang tìm cách trò chuyện với các bạn trẻ, nhất là các bạn 9X và 10X. Xem Cô Ba Sài Gòn xong các bạn yêu và mặc áo dài. Và tôi cũng mong xem xong Gạo chợ nước sông các bạn sẽ biết đến cải lương và sẽ đi nghe cải lương. Tôi đặt ra mục tiêu cho ê-kíp là về trang phục xem xong phim nó sẽ trở thành xu hướng với quần ống loe, hippie, nghe xong nhạc là khán giả phải hát theo. Phải làm sao để xem xong người ta phải thay đổi cái nhìn về cải lương, không phải như những gì mà chúng ta đang xem trên truyền hình.

- Anh có tự tin Gạo chợ nước sông cũng sẽ "bùng nổ" giống như Lô tô?

- Tôi tin là mỗi tác phẩm điện ảnh sẽ có một số phận riêng của nó. Sự thành công còn cần có yếu tố may mắn nữa. Tôi cho rằng Lô tô là một may mắn khi chọn được một câu chuyện hay và ra mắt đúng thời điểm. Với Gạo chợ nước sông, tôi nghĩ nó sẽ bùng nổ theo một kiểu rất khác. Người ta sẽ thấy được một xã hội Sài Gòn xưa chỉn chu, nồng nàn, vừa phải hơn cả những phim trước đây. Ngoài ra, thông qua cách chuyển tải người xem sẽ thấy cải lương trong một diện mạo khác và người ta bắt đầu tò mò về cải lương. Xem phim xong, khán giả trẻ ồ lên, cải lương hay quá. Ðược như vậy, tôi nghĩ là mình đã thành công.

- Theo công thức chung để bán vé hiện nay thì bộ phim nào cũng cần có một, hai ngôi sao. Hiện tại anh đã tìm được chưa?

- Tôi rất thích các bạn diễn viên mới dù biết nếu chọn họ thì phải mất thời gian để làm, để tập nhưng ưu điểm của các bạn là rất thanh xuân, diễn thật. Tuy nhiên, điều kiện không cho phép buộc mình phải có diễn viên ngôi sao để cầm chịch về diễn xuất. Hiện tại, tôi vẫn chưa chọn được diễn viên chính. Còn các vai khác đã có một số tên tuổi nghệ sĩ như NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân…

- Xin cảm ơn những chia sẻ và chúc anh luôn thành công.

Ðạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sinh năm 1982, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2004.

Trước khi được biết đến trong vai trò đạo diễn, Huỳnh Tuấn Anh đã là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim gây được tiếng vang như: Cổng mặt trời, Thời gian để yêu; các vở kịch: Giếng lạ, Cuộc chơi nghiệt ngã… Ở lĩnh vực điện ảnh, anh là đạo diễn của các bộ phim: Lô tô, Bình tĩnh mà yêu, Ðời cho ta đôi lần đôi mươi.