Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thùy Trang:

Tôi muốn thúc đẩy trẻ em “mơ mộng và bay bổng”

Du học cùng lúc hai chuyên ngành tại Pháp, bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng qua một số triển lãm quốc tế, nhưng nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thùy Trang lại chọn con đường trở về Việt Nam. Theo đuổi xu hướng sáng tạo khá mới mẻ - chất liệu, Thùy Trang còn lập ra trung tâm nghệ thuật với mục đích truyền cảm hứng nghệ thuật theo cách cảm nhận mới, đem những kiến thức cô đã học tập và tích lũy từ nhiều năm tới các em nhỏ.

Tôi muốn thúc đẩy trẻ em “mơ mộng và bay bổng”

Xưởng nghệ thuật dành cho trẻ nhỏ

- Trở về Việt Nam, nhưng không hề có các tác phẩm “hoành tráng”, ngược lại, âm thầm mở lớp dạy nghệ thuật cho trẻ em, tại sao vậy? - Vì trẻ em là đối tượng sáng tạo nhất, dễ tiếp cận những cái mới nhất. Làm nghệ thuật với trẻ em là sự tương tác qua lại, chứ không phải mình dạy các em đâu. Nhưng trẻ em hiện nay lại không được quan tâm về nghệ thuật, các gia đình vẫn chưa đầu tư đúng mức cho các em nhỏ về mảng này.

- Tí Toáy art có gì khác biệt với các trung tâm nghệ thuật khác dành cho trẻ em? - Chúng tôi hoạt động như mô hình Xưởng nghệ thuật thực sự. Chúng tôi coi trẻ em đến đây như là một người nghệ sĩ để sáng tác. Triết lý mà chúng tôi theo đuổi đó là thúc đẩy trẻ em “mơ mộng và bay bổng”. Tôi nghĩ ngày nay người ta quá chú trọng vào việc đào tạo, nhồi nhét kiến thức cho trẻ em mà bỏ quên đi đời sống tinh thần, khuyến khích các em mơ mộng và bay bổng.

Tôi đã xây dựng được một giáo trình nghệ thuật tương đối có chiều sâu, với năm chương trình chính, được chia theo tuổi, theo các thời kỳ nghệ thuật, tương ứng với các cách thực hành khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở việc vẽ trên giấy với màu nữa. Có thể là khắc gỗ, in thủy ấn, in độc bản, vẽ trên giấy gió, stop motion…

Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Trang từng đỗ Thủ khoa Khoa Hội họa, Á khoa Khoa Sư Phạm của Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, sau đó, cô sang Pháp học hai bằng Art Media (Truyền thông nghệ thuật) và Textile (Chất liệu). Đã “trình làng” Chương trình nghệ thuật sắp đặt CARNEVALE DI VENEZIA năm 2014. Giải thưởng Hội Mỹ Thuật Việt Nam - Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010. Tham gia Triển lãm quốc tế Mini Textile tại Pháp năm 2012.

- Cái khó nhất khi dạy trẻ em cách cảm thụ nghệ thuật là gì?

- Khó nhất là làm sao để các em nhỏ tự tin với chính ý tưởng của mình, tự tin với cách thể hiện của mình. Trẻ em Việt Nam có lẽ bị ảnh hưởng bởi tư duy giáo dục nên rất nhút nhát, sợ sai, thụ động và không có tính cá nhân. Thường chúng tôi rất vất vả với các em nhỏ mới học, vì phải mất thời gian để khuyến khích các em dám thử những cách mới để vẽ, dám tự tin với ý tưởng của mình.

- Lý do gì khiến “Mơ mộng và bay bổng” trở thành triết lý giáo dục của chị? - Tôi nghĩ, một đứa trẻ mơ mộng đương nhiên là một đứa trẻ sáng tạo. Nó sẽ tạo ra nhiều câu chuyện hay, vẽ cũng thú vị và tính cách cũng đáng yêu. Trẻ em bây giờ được vây quanh bởi ipad, smartphone, ti-vi, máy tính, học tập kín mít nên hiểu biết nhiều hơn, có nhiều thông tin hơn. Nhưng biết nhiều chứ chưa hẳn biết sâu, hay nói một cách nôm na là học vẹt. Mà bản chất của giáo dục là sự thấu hiểu các kiến thức. Nên tôi chọn triết lý mơ mộng và bay bổng để khuyến khích các em nhỏ dấn thân tìm tòi, khám phá nhiều hơn để có những trải nghiệm độc đáo cho bản thân.

Tôi muốn thúc đẩy trẻ em “mơ mộng và bay bổng” ảnh 1

Các em nhỏ thỏa sức thể hiện khả năng nghệ thuật của mình trong không gian của Tí Toáy art.

- Nhưng liệu mơ mộng và bay bổng có làm cho chị phiêu quá rồi thực tế lại kéo chị xuống hay làm chị ngã nhào?

- Cũng có lúc như vậy. Khi mới bắt đầu với Tí Toáy có đôi lúc tôi thấy chán nản vì nhiều người không ủng hộ, nghi ngờ. Tâm lý chung của các phụ huynh là cho con đi học nghệ thuật thì phải có tranh ngay lập tức, tranh phải nhiều màu sắc, đa dạng, chau chuốt. Chẳng ai chịu thấu hiểu con cái mình như thế nào, khả năng đến đâu. Họ quên mất rằng việc vẽ hay sáng tạo phải thuận theo tự nhiên, theo khả năng của mỗi con người.

- Chị có nghĩ nên thay đổi phương pháp và nội dung giảng dạy mỹ thuật ở nhà trường Việt Nam không? Tại sao?

- Nên, và đáng nhẽ phải thay đổi từ rất lâu rồi. Giáo dục mỹ thuật ở nhà trường hiện nay dường như đang đào tạo những “công nhân vẽ” thì đúng hơn. Thiếu trầm trọng về kỹ năng, sự định hướng về mỹ học, cảm thụ nghệ thuật.

Chúng ta cần phải hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay và tương lai, sự giao thoa về văn hóa sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Một sinh viên nước ngoài học marketing, kinh tế nhưng có thể chia sẻ về các trường phái nghệ thuật, hiểu biết về các danh họa nổi tiếng, còn với chúng ta hầu như là lạ lẫm. Đó là sự thiếu hụt rất lớn về phông văn hóa.

- Nếu được thay đổi chị sẽ làm gì đầu tiên?

- Tăng giờ học mỹ thuật lên, đưa nhiều kỹ thuật vẽ, sáng tạo mới mẻ vào trong bài học. Định hướng lại phương pháp giáo dục, đó là nhấn mạnh vào cảm thụ nghệ thuật hơn là học vẽ cho đẹp.

Đam mê chất liệu truyền thống

- Điều gì khiến chị chọn chủ đề “Làm tổ” cho triển lãm vừa khép lại của mình (diễn ra từ 22-11 đến 31-12)?

- Khi nhận lời mời từ phía Toong (một không gian mới cho những người làm việc độc lập tại Hà Nội), tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề phải làm tác phẩm như thế nào để nó có thể hòa quyện với không gian ở Toong, ngẫu nhiên cùng lúc đấy tôi cũng biết mình đang mang thai đứa con đầu. Như vậy tổ ấm của chúng tôi đã có sự thay đổi, và tôi muốn đánh dấu sự thay đổi ấy bằng tác phẩm, thế nên tôi quyết định lấy chủ đề “Làm tổ” cho các tác phẩm lần này.

- 13 tác phẩm, là 13 cái tổ ong, bằng dây thừng, giấy dó, bìa… toàn chất liệu đơn giản, và “đặc” Việt Nam, chị muốn biểu hiện điều gì?

- Tôi luôn đam mê và hứng thú đối với bề mặt chất liệu và sử dụng các kỹ thuật đan dệt. Lần này tôi quyết định chọn giấy bản, giấy dó, giấy xi-măng, các loại sợi… Màu sắc cũng như bề mặt chất liệu gợi nhắc tôi hình dung đến chất liệu tổ ong. Sự kết hợp của các loại giấy cũng như các loại sợi mang đến sự kết hợp trái ngược giữa sự mảnh mai, gồ ghề, dai, xù xì, trong suốt. Trong 13 tác phẩm, có 2 tác phẩm tôi kết hợp công nghệ kỹ thuật để tạo ra sự chuyển động của bề mặt vật thể, nhằm đem đến cảm giác muốn chạm vào và gây sự liên tưởng mạnh đến sự vận động nằm sau.

Tôi nghĩ khái niệm về chất liệu còn khá mới ở Việt Nam vì cũng chưa có ngành học nào chuyên sâu nên rất nhiều người thấy khá lạ và chưa hiểu về nó. Chất liệu không chỉ là những vật thể tĩnh lặng mà chúng có thể kể những câu chuyện với nhiều màu sắc, với các trường đoạn khác nhau về cuộc sống.

- Kế hoạch sắp tới của chị?

- Tôi đang bước đầu thực hiện một dự án nghệ thuật với trẻ em mà vai trò của mình là điều phối, tư vấn cho các em sáng tác. Chắc chắn sẽ có một triển lãm thú vị.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị.