Ca sĩ Tân Nhàn:

Tôi muốn là người “truyền lửa”

Tân Nhàn (ảnh nhỏ) nói, trở về với âm nhạc truyền thống là cách chị trở về với bản thể của mình. Vì thế, nhiều năm qua, sau khi đã thành danh với dòng nhạc dân gian, chị đã tìm tòi và không ngừng nỗ lực để đưa âm nhạc truyền thống đến với khán giả. Và dường như, giấc mơ của Nhàn chưa dừng lại ở đó...

Livesshow Trở về được nhận giải Cống hiến trong hạng mục Chương trình của năm.
Livesshow Trở về được nhận giải Cống hiến trong hạng mục Chương trình của năm.

Con đường khó nhưng thú vị

- Chúc mừng Tân Nhàn đã giành giải Cống hiến 2020 hạng mục Chương trình của năm. Lần đầu tiên có một nghệ sĩ dòng nhạc dân gian nhận được vinh dự này. Chị có thể chia sẻ cảm xúc?

- Tôi rất hạnh phúc vì điều này. Có thể nói giải Cống hiến bao năm nay dòng nhạc trẻ luôn chiếm ưu thế. Lần này tôi may mắn được giải là một tín hiệu đáng mừng. Ðó là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc kén khán giả tiếp tục đầu tư công sức và tâm huyết để gửi tới công chúng những sản phẩm âm nhạc chất lượng với niềm tin vào một ngày không xa, giá trị của dòng nhạc này sẽ được nhìn nhận đúng. Khi âm nhạc lan tỏa được tới đông đảo công chúng yêu nhạc sẽ tạo được sự cân bằng trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.

- Không phải đến năm 2019, mà trước đó, chị cũng là một trong số ít ca sĩ dòng nhạc dân gian luôn nỗ lực tìm tòi, làm mới mình. Từ “Yếm đào xuống phố” kết hợp âm nhạc dân gian với jazz đến “Níu dải lụa đào”, hát truyền thống theo nguyên bản và mới nhất là liveshow “Trở về” kết hợp dàn nhạc nhẹ, dàn nhạc truyền thống và dàn nhạc giao hưởng. Ðiều gì giúp chị luôn nỗ lực và tìm tòi như thế?

- Trước hết vì tình yêu của tôi với âm nhạc truyền thống. Tôi nghĩ, để làm tốt điều gì cũng cần bắt nguồn từ tình yêu. Âm nhạc truyền thống Việt Nam là một khối di sản khổng lồ, chứa đựng lịch sử văn hóa tinh thần của người Việt từ khi dựng nước đến nay. Tôi tiếc vô cùng khi nhìn thấy thực trạng hôm nay, nhiều loại hình âm nhạc truyền thống bị mai một, người trẻ ít nghe và ít quan tâm. Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu âm nhạc với vai trò trước hết là một giảng viên âm nhạc, tôi rất muốn được “truyền lửa” cho các học trò của mình. Tôi nghĩ, mỗi người Việt chúng ta lớn lên cũng cần được tận hưởng suối nguồn âm nhạc truyền thống để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, giá trị truyền thống vẫn luôn hiện diện trong đời sống này. Chính vì thế mà tôi biết rằng khi tôi hát nhạc truyền thống, phát hành “Yếm đào xuống phố”, “Níu dải lụa đào”… tốn rất nhiều công sức, vất vả, sẽ chủ yếu là cống hiến chứ không phải để kiếm tiền, nhưng tôi rất đam mê vì được làm điều mình tin, yêu. Tuy nhiên, chị thấy đấy, tôi không làm theo kiểu cứ đâm đầu vào làm vì yêu, tôi có những chiến lược riêng của mình, với mục đích từng bước chinh phục nhiều đối tượng khán giả đến với âm nhạc truyền thống. Tôi đưa âm nhạc truyền thống gắn kết với âm nhạc hiện đại như với jazz trong “Yếm đào xuống phố”, tôi hát âm nhạc truyền thống theo cách nguyên thủy học tập từ các nghệ nhân như trong “Níu dải lụa đào”, tôi đưa âm nhạc dân tộc lên sân khấu lớn, kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng, điện tử, dân tộc hoành tráng như trong liveshow “Trở về”. Tôi mong muốn để công chúng thấy âm nhạc truyền thống của Việt Nam mình rất tuyệt vời, luôn mới mẻ và dễ dàng hòa nhập với đời sống đương đại nếu chúng ta biết đặt đúng vị trí. Tôi mừng là sau những nỗ lực đó, tôi thường được mời đi hát nhạc truyền thống, có thêm rất nhiều khán giả yêu mến nhạc truyền thống đã yêu mến tôi, đĩa “Yếm đào xuống phố” của tôi từng cháy hàng thời điểm mới phát hành, “Níu dải lụa đào” đã được người hâm mộ khắp nơi gửi thư xin đĩa về nghe và nhắn cho tôi rất nhiều lời động viên, khen ngợi… Tình yêu với âm nhạc truyền thống, tình yêu của khán giả dành cho tôi giúp tôi có đủ động lực để tiếp tục con đường của mình, dù thật gian nan, khó khăn.

- Có thể nói, chị đang tái khẳng định mình trên một hành trình mới. Những bài hát mang âm hưởng dân gian và cả những làn điệu âm nhạc truyền thống nguyên gốc của ca trù, xẩm, hát văn, chèo… được biểu diễn bởi một giọng ca được đào tạo những kỹ thuật thanh nhạc cổ điển châu Âu cùng với dàn dây của dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc nhẹ. Vì sao chị lựa chọn con đường đó thay vì sự an toàn trên đỉnh cao mà chị đã có được ở dòng nhạc dân gian?

- Là một nghệ sĩ, tôi không được phép hài lòng và dừng lại với những điều tôi đã và đang có. Người nghệ sĩ cần phải luôn làm mới bản thân mình qua các sản phẩm âm nhạc. Nói cho đúng thì tôi nghĩ đó cũng là sứ mệnh của tôi với vai trò là một nghệ sĩ, một giảng viên thanh nhạc, đồng thời cũng là người làm công tác quản lý. Hiện tại tôi là Phó trưởng Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (ANQGVN). Mấy năm nay, cùng với việc thực hiện các sản phẩm âm nhạc dân tộc, tôi đang nghiên cứu và viết một giáo trình giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam cho sinh viên Khoa Thanh nhạc của Học viện. Ðây là tâm huyết của tôi trong sự nghiệp giảng dạy, quản lý, tôi mong muốn những ca sĩ trưởng thành từ Học viện - cái nôi âm nhạc lớn nhất cả nước - đều phải hiểu âm nhạc truyền thống. Tôi chưa đòi hỏi các em phải yêu, nhưng mong muốn các em phải hiểu. Tôi tin khi các em được tiếp cận, được hiểu, sẽ yêu như tôi mà thôi. Từ đó, các em sẽ tiếp lửa cho những thế hệ kế cận, cho khán giả của các em tình yêu âm nhạc truyền thống. Tôi nghĩ, điều đó sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống một cách hiệu quả trong đời sống ngày hôm nay. Và để chinh phục được học trò, được khán giả, tôi phải đưa đến nhiều cách tiếp cận với âm nhạc truyền thống để phù hợp với các đối tượng khác nhau. Tôi nghĩ, đây tuy là con đường đi khó nhưng thú vị và có tương lai, bởi tôi nhìn thấy nhiều nghệ sĩ trên thế giới cũng đang nỗ lực làm những điều tương tự.

Tôi muốn là người “truyền lửa” ảnh 1

Cũng bởi tình yêu…

- Ðiều gì ở âm nhạc truyền thống hấp dẫn một ca sĩ nổi tiếng và có lượng người hâm mộ lớn như chị?

- Trước khi bước chân vào Học viện ANQGVN, được học các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển châu Âu, tôi đã rất yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cũng bởi vì âm nhạc truyền thống đã mang trong mình các giá trị nghệ thuật vô cùng hấp dẫn, mà tôi không thể cưỡng lại. Tôi đã tự nghe và tự học thuộc các làn điệu âm nhạc truyền thống trên Ðài Tiếng nói Việt Nam khi đó. Và khi đã học được các kiến thức nền về âm nhạc, được học các kỹ thuật thanh nhạc, có được chút thành công trong phong cách âm nhạc dân gian, tôi muốn được quay trở về với bản thể của mình, đó chính là tình yêu với âm nhạc truyền thống. Tôi tin những khán giả đã từng yêu mến giọng hát của tôi cũng sẽ nhẫn nại nghe tôi hát âm nhạc truyền thống. Và thông qua cách này, tôi sẽ cố gắng hết sức để lan tỏa những giá trị của âm nhạc truyền thống tới đông đảo khán giả yêu nhạc.

- Chị có dự định gì sau liveshow “Trở về” và trong năm 2020?

- Năm 2020, tôi bắt tay vào sản xuất đĩa than về các làn điệu âm nhạc truyền thống phối khí trên nền nhạc jazz, với mong muốn đưa các làn điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của âm nhạc đương đại thế giới. Ðây cũng là một trong những dự án tiếp nối với liveshow “Trở về”, album “Níu dải lụa đào”, đêm nhạc “Tứ Ân” mà tôi đã thực hiện trong năm vừa rồi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

HẠNH NGUYÊN

(Thực hiện)