NSND Doãn Châu:

Tôi không hụt hẫng, mà hy vọng...

Dẫu không giấu nỗi buồn về những mất mát, nhất là trong những ngày người làm sân khấu cả nước nhớ về một tài năng kiệt xuất của nền kịch nghệ nước nhà, NSND Doãn Châu (ảnh nhỏ), nguyên Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, lại nói nhiều về niềm hy vọng. rằng, chúng ta sẽ có một Lưu Quang Vũ thứ hai, và về những giá trị tốt đẹp mà Lưu Quang Vũ đã để lại cho cuộc sống.

Kịch Lưu Quang Vũ làm cho chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn, nhân văn hơn. Trong ảnh: Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi trẻ).
Kịch Lưu Quang Vũ làm cho chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn, nhân văn hơn. Trong ảnh: Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi trẻ).
Tôi không hụt hẫng, mà hy vọng... ảnh 1

Những điều không thể mất

- Những ngày tháng tám này, chúng ta lại nhớ đến Lưu Quang Vũ, và nhiều người vẫn luôn đặt ra một câu hỏi, rằng, đến bao giờ, sân khấu Việt Nam mới có được một tài năng kiệt xuất như thế. Còn ông, một người bạn từng gắn bó với Lưu Quang Vũ, ông nghĩ gì?

- Tôi không muốn nhắc lại những câu chuyện buồn, những ký ức đau thương, mà tôi muốn nói đến những giá trị Lưu Quang Vũ đã để lại cho chúng ta - những giá trị nhân văn vẫn còn lay động, lan tỏa mà Lưu Quang Vũ thể hiện trong các tác phẩm của mình. Ðó là những điều không thể mất.

- Ông đã sống cùng Lưu Quang Vũ trong thời kỳ gian khó nhưng cũng huy hoàng nhất của sân khấu kịch Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của kịch Lưu Quang Vũ đối với đời sống văn hóa trong nước?

- Sân khấu Việt Nam trước khi Lưu Quang Vũ xuất hiện vẫn viết theo dạng tuyên truyền, người tốt việc tốt và minh họa đời sống mà không lồng ghép vào đó những tâm tư, nguyện vọng của con người. Khi Lưu Quang Vũ xuất hiện, tất cả mọi người đều nhận ra, à đây là tiếng nói của tôi. Tôi ngẫm lại tất cả những năm tháng cùng sống, cùng ăn ở, ngủ cùng một giường với Vũ, có khi bàn về vở diễn đến 2, 3 giờ sáng. Vũ lang thang đầu bến cuối sông, gặp người xe ôm, ông hàng phở, bà bán kẹo bột, tha thẩn đi trong đời sống, góp nhặt tất cả những tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư của dân để phả vào trong tác phẩm, nên những nhân vật của ông rất sinh động, đó không phải là những nhân vật ở trong tháp ngà. Từ một nông dân hay một trí thức đều được nói đúng tiếng nói của chính mình nên nó có hiệu ứng lớn trong lòng khán giả. Tầm ảnh hưởng của kịch Lưu Quang Vũ lớn đến mức, nó làm cho chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn, nhân văn hơn, chúng ta đấu tranh chống tiêu cực nhưng không đánh làm người ta đau.

- Không chỉ ảnh hưởng trong đời sống, kịch của Lưu Quang Vũ còn làm nên cả một thế hệ đạo diễn và diễn viên, được gọi là thế hệ vàng của sân khấu?

- Một thí dụ có thể nói về tầm ảnh hưởng của kịch Lưu Quang Vũ đó là, có những vở như Nàng Si ta có 10 đoàn dựng, Người trong cõi nhớ sáu đoàn dựng, Ðôi dòng sữa mẹ tám đoàn dựng. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ đã để lại một loạt những nhân vật điển hình và diễn viên cũng trưởng thành, nổi tiếng từ những vai diễn đó. Thí dụ, Nhà hát kịch Trung ương có NSND Trọng Khôi trong vai ông hàng thịt, NSND Phạm Bằng trong vai lý trưởng, NSND Anh Dũng trong người con trai cả; đoàn Hà Nội có NSND Hoàng Dũng vai giám đốc Chính, Trần Vân, Minh Trang, Hoàng Cúc… đã nổi danh cũng từ các vai của Lưu Quang Vũ. Nhà hát Tuổi trẻ có Lê Khanh, Chí Trung... Cải lương có Thanh Thanh Hiền, Nhà hát chèo có Lâm Bằng,
Quốc Chiêm…

Các đạo diễn cũng rất yêu quý Lưu Quang Vũ. NSND Ðình Nghi làm bảy vở của Vũ, NSND Doãn Hoàng Giang làm Nàng Si ta, NSND Phạm Thị Thành làm Sống mãi tuổi 17, Người tốt nhà số 5… Vũ viết 50 vở thì tôi làm thiết kế mỹ thuật khoảng 30 vở, vở đầu tiên là Sống mãi tuổi 17… và vở cuối cùng khi chúng tôi đi dàn dựng cho đoàn kịch Hải Phòng.

- Lưu Quang Vũ có thể nói, đã để lại một khoảng trống lớn cho sân khấu Việt Nam nói riêng, phần nào đó trong cả đời sống văn hóa - văn nghệ trong nước nói chung, cho đến tận bây giờ?

- Chúng ta luôn nói đến Lưu Quang Vũ với một sự kính trọng, kính nể, nuối tiếc và hy vọng. Ông không viết cho chính ông mà viết cho khát vọng của con người, quyền được sống của con người, nên nó tạo nên những rung cảm, đồng điệu. Chúng ta đang sống được một phần ước mong của Lưu Quang Vũ, bởi ông đã có đóng góp thay đổi xã hội.

Có một nhà thơ từng nói thế này, sự trưởng thành của con người đều lớn lên từ những đau đớn nhất và bài ca tuyệt vời nhất là bài ca tuyệt vọng. Cuộc đời Vũ vất vả, đau khổ. Giữa tôi và Vũ có sự đồng cảm, đồng điệu và cùng chung một khát vọng, tôi lùi đứng đằng sau để cùng bạn tạo ra những hiệu ứng cho xã hội, thay đổi nhận thức của xã hội.

Giấc mơ vẫn còn xa

- Tầm ảnh hưởng của Lưu Quang Vũ không chỉ ở trong nước mà còn vượt ra ngoài biên giới. Có lẽ, đến bây giờ, ông vẫn là tác giả duy nhất của Việt Nam có kịch đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới?

- Khi chúng tôi đi biểu diễn ở Nga, Mỹ, đến đâu khán giả cũng yêu quý và ngạc nhiên, tại sao Việt Nam có một tác giả hay như thế, tại sao Việt Nam có thể nói được những vấn đề đồng điệu với nhân loại như thế. Khi dự hội diễn ở Mát-xcơ-va, khi xem xong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, họ coi đó là “quả bom” của hội diễn, vì đã nói được vấn đề của con người. Sau đó chúng tôi được mời quay lại lưu diễn ba tháng khắp nước Nga. Một nhà phê bình của Pháp đánh giá Lưu Quang Vũ là “Molière của Việt Nam”. Năm 1998, chúng tôi sang Mỹ, diễn ở nhiều nơi, chủ yếu cho khách quốc tế, họ đều ngỡ ngàng trước một tác phẩm sân khấu như Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Nhìn lại lịch sử sân khấu chỉ có tác phẩm của Vũ mới làm được những điều vĩ đại như thế. Sau này chúng ta chỉ đi diễn mang tính chất giao lưu văn hóa, ngoại giao thôi, chứ không phải những đợt đi quảng bá thương hiệu sân khấu Việt Nam một cách có giá trị như Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

- Sân khấu hôm nay đang ngày càng đìu hiu, vắng khách. Nhìn vào hiện tại, ông có thấy hụt hẫng?

- Tôi không hụt hẫng. Bởi nếu anh cứ chăm chăm ôn lại quá khứ thì mới hụt hẫng. Phải nhìn đó là xu thế thời đại, nó diễn biến theo sự phát triển của xã hội. Một xã hội thế này sân khấu phải thế này, hiện đại, mô-đéc, nhịp sống nhanh và mạnh. Có chút nuối tiếc thật nhưng không khác được. Chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận, cuộc sống là sự phát triển theo đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống là bình thường. Sân khấu bây giờ hơi vội vàng, vì theo kinh tế thị trường nên sân khấu không được chín, nó có niềm vui, có xúc cảm nhưng chỉ để lại cho mọi người những cảm xúc tức thì. Sân khấu có xu hướng giải trí, showbiz nhiều hơn là tạo ra những giá trị sâu sắc, suy ngẫm. Nhưng chúng ta cũng đừng trách nó, bởi điều này không riêng ở Việt Nam, tôi đi Nga, Pháp, Anh, sân khấu cũng vắng khán giả và hời hợt hơn xưa, cho nên chúng ta cứ hy vọng.

- Nhưng liệu chúng ta có cơ sở hy vọng không?

- Có chứ. Chúng ta đừng mất hy vọng. Tôi tin là cuộc sống sẽ sinh ra những con người làm cho xã hội tốt đẹp hơn, làm tiếp những điều mà Lưu Quang Vũ còn đang dang dở. Xem những vở diễn mới, cũng có cái hay, nhưng đó là cái hay của sự lóe lên, từng mặt, từng chi tiết chứ tổng thể của một nền sân khấu để tạo nên sự lấp lánh thì vẫn phải chờ đợi… Giờ đời sống khá hơn nhưng sân khấu không còn hấp dẫn, làm sao có hiện tượng xếp hàng từ rạp Ðại Nam ra đến Hòa Mã để mua vé như xem Nàng Sita. Giờ vé mời, người cầm vé cũng nể mình lắm mới đi xem. Làm thế nào được, đó là quy luật. Nhưng tôi tin nếu làm vở hay vẫn có khán giả. Hãy trách mình chưa làm cho hay. Phải làm tốt cái đã. Vì khán giả đến với sân khấu cần có độ rung, có cảm xúc, vì họ bắt gặp tiếng nói của chính mình. Nếu sân khấu không làm được điều đó thì giấc mơ khán giả còn rất xa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.