NSƯT Ngô Thụy Tố Như:

Tôi dồn hết tình yêu vào múa

NSƯT Tố Như tự nhận mình là người ăn nói dở. Lại lận đận về mặt tình duyên. Chị nói, đời chị, có lẽ, chỉ có một thứ không dở, đó chính là múa. Từ những ngày đầu chập chững vào nghề đến nay, NSƯT Tố Như đã có hơn 40 năm giữ thăng bằng trên gót chân có đôi giày đế mềm ấy.

Tôi dồn hết tình yêu vào múa

Sau mấy năm vắng bóng trên sân khấu, khán giả sẽ có cơ hội gặp lại NSƯT Tố Như - một trong những nghệ sĩ ballet nổi tiếng của Việt Nam, cũng là “niềm kiêu hãnh của ballet Sài Gòn một thời” trong chương trình “The Ballerina”, diễn ra tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh vào hai đêm 23 và 24-9 tới.

Mỗi lần lên sân khấu là một trải nghiệm mới

- Đạo diễn Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, vở diễn “The Ballerina” được thực hiện nhằm tôn vinh NSƯT Tố Như. Ở tuổi 44, cảm xúc của chị như thế nào?

- Tôi phải thú thật rằng, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày nào đó, sẽ có một chương trình dành riêng cho mình. Với tôi, riêng hay chung cũng không quan trọng. Quan trọng là mình được múa trên sân khấu. Vì vậy, dù trong vai nào đi chăng nữa, cũng là vui rồi. Nhất là, được đồng hành cùng các em diễn viên thuộc thế hệ sau. Qua đây, tôi muốn gửi một lời cảm ơn tới toàn bộ ê-kip chương trình đã cho tôi cơ hội, đã biến giấc mơ múa trở lại trên sân khấu của tôi thành hiện thực. Đó là một niềm hạnh phúc không có gì tả nổi. Suốt mấy năm nay, tôi không lên sân khấu mà lui về sau cánh gà để làm công tác sư phạm, dạy dỗ các em tại Trường múa TP Hồ Chí Minh.

- Sau mấy năm vắng bóng trên sân khấu, lần này trở lại, chị chắc hẳn cảm thấy nhiều áp lực?

- Áp lực chứ. Múa là một bộ môn đặc thù, cần phải tập luyện thường xuyên, mỗi ngày, để giữ thể lực cũng như kỹ thuật múa. Nhưng mấy năm nay, sự thường xuyên đó không được bảo đảm một cách liền mạch. Chưa kể, thể lực mình bây giờ cũng yếu hơn, xuống sức hơn, không còn khỏe như ngày trước. Trước khi “The Ballerina” bước vào những ngày luyện tập đầu tiên cách đây gần 10 tháng, tôi vừa trải qua một ca mổ. Dù bệnh tình không nghiêm trọng, nhưng đó cũng là thời điểm tôi biết rõ, sức khỏe của mình đã không còn được như trước. Vậy nhưng, nhìn những nghệ sĩ trẻ hăng hái trên sàn tập, bỗng nhiên cái cảm giác “mắc múa” quay trở lại, hứng thú với múa cũng trở lại, và khao khát được sống lại những ngày sôi nổi đã khiến tôi không suy tính nhiều nữa. Tôi nghĩ, quan trọng là mình muốn múa. Và khi tôi múa với tâm hồn của mình, tôi tin rằng, mình sẽ vượt qua được tất cả.

- Khổ luyện vất vả trong mấy chục năm trời là thế nhưng lần nào lên sân khấu, cũng chỉ đốt cháy có mấy phút ngắn ngủi. Có đáng không, thưa chị?

- Đáng chứ. Có ông nhà thơ nói rằng, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” đấy thôi. Tôi nghĩ, làm được những điều mà mình thích, mình muốn làm và đam mê, điều đó rất ý nghĩa.

- Với chị, múa có một ma lực hay có gì quyến rũ mà chị dấn thân vào như vậy?

- Có lẽ đó là cái nghiệp của mình. Nó giống như việc, tự nhiên ông trời đưa đẩy mình nên thế. So với những ngành nghệ thuật khác, múa là ngôn ngữ của cơ thể. Nếu người khác dùng lời nói để biểu đạt, thì với chúng tôi, múa là ngôn ngữ biểu đạt. Múa là ngôn ngữ hình thể của tôi, là nguồn sống của tôi. Khi xem múa, bạn sẽ hiểu được tính cách của nghệ sĩ đó như thế nào.

- Đã bao giờ, ngôn ngữ đó làm chị cảm thấy bất lực chưa?

- Nhiều lần rồi chứ.

- Tôi tưởng “gừng càng già thì càng cay chứ”, thưa chị? NSƯT Tố Như đến với nghề này đã hơn 40 năm rồi còn gì…

- Chẳng vở nào giống vở nào và chẳng vở nào giống với chính nó nữa. Nghệ sĩ múa cũng thế. Mỗi một lần lên sân khấu sẽ là một lần trải nghiệm mới. Là thêm một lần khám phá mình. Chẳng lần nào giống lần nào. Có những vở diễn đi diễn lại nhiều lần, cũng chưa bao giờ thấy hết lạ lẫm với chính mình. Cái hay của nghề múa là ở đó.

Tôi dồn hết tình yêu vào múa ảnh 1NSƯT Tố Như sinh năm 1973, gắn bó với nghệ thuật múa ballet từ năm 4 tuổi. Tốt nghiệp trường múa Kiev, Ukraine, sau đó quay về Việt Nam làm việc trong ngành múa cho đến thời điểm hiện tại.

Được xem là một trong những nghệ sĩ ballet tốt nhất Việt Nam hiện nay, Tố Như đã có thời gian dài làm việc tại Đoàn ballet Tháng 10, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Trường múa TP Hồ Chí Minh và vũ đoàn Arabesque. Tố Như vinh dự nhận danh hiệu NSƯT năm 2014.

Hiện chị là giáo viên ballet tại Trường múa TP Hồ Chí Minh và vũ đoàn Arabesque. Tố Như đã đào tạo nhiều lứa học trò trở thành những diễn viên múa chuyên nghiệp, rất nhiều người trong số đó đã đạt được nhiều giải thưởng tại cuộc thi múa đương đại quốc tế Hàn Quốc, cuộc thi quốc gia các trường nghệ thuật 2015, Thi Tài năng Trẻ 2017…

Vất vả, nhưng vẫn yêu

- Tôi biết rằng, chị gắn bó với múa từ năm lên 4 tuổi. Trải qua một thời tuổi trẻ, chỉ biết có múa và múa, giờ nhìn lại, chị thấy chị được gì và mất gì? Có hối tiếc gì không?

- Nói mất thì cảm giác hy sinh quá. Tôi không thích. Múa làm tôi quên đi những khó khăn, vất vả thường ngày. Dù không mang lại sự giàu có, đôi khi quăng quật mình trên sàn diễn nhưng không phải khán giả nào cũng thấu hiểu, nhưng nói cho cùng, nghề này đã nuôi sống tôi. Không dư dả nhưng sống được bằng nghề. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được múa. Có những điều, tôi chẳng biết chia sẻ với ai, thì khi múa tôi được giải tỏa rất nhiều.
- Chị mải mê với nghề quá mà ngó lơ tình duyên ư? Tôi nghĩ, với một người phụ nữ, tình duyên quan trọng chứ…

- Không phải là ngó lơ. Chỉ là, không có duyên hoặc duyên chưa tới. Tôi cũng không đặt nặng chuyện đó lắm. Tôi cũng không chờ đợi điều gì cả. Cái gì đến thì sẽ đến thôi. Ép vào, gò vào, cũng không hay lắm. Còn bạn hỏi tôi không cô đơn ư? Có chứ. Có phải gỗ đá đâu. Nhưng như tôi nói rồi. Chuyện gì đến thì sẽ đến. Cứ để nó sang một bên. Tôi dồn hết tình yêu vào múa. Nó làm tôi vượt qua được cảm giác cô đơn đó.

- Phụ nữ mà theo nghề múa thì vất vả và phải đánh đổi rất nhiều. Đã có lúc nào chị định bỏ nghề chưa?

- Có chứ. Đã có lúc muốn chuyển nghề sang thiết kế đồ họa. Hồi đó nghĩ, chương trình múa thì không có nhiều. Khán giả cũng không có nhiều, người ta cũng không hiểu mình múa như thế nào. Mình tập hoài, tập hoài, đôi lúc cũng nản. Tiền lương khi đó không đủ trang trải cuộc sống. Nhưng may mắn được ba mẹ ủng hộ nên tôi không bỏ cuộc giữa chừng.

Còn chuyện khổ luyện vất vả, diễn viên múa nào cũng gặp phải. Chảy máu chân, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đệm, khớp. Bây giờ, tôi đang bị đau đây nhưng vẫn “liều” mà lên sân khấu đấy. Khi luyện tập, khi múa, tự nhiên mình quên đi cơn đau của mình. Về nhà, sau mỗi buổi tập, là cảnh tự mình tháo giày ra, bóp chân, ngâm chân một mình. Vất vả là vậy, cũng có những lúc không ai chứng kiến sự vất vả của mình là vậy, nhưng yêu thì vẫn yêu.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!