Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền:

Tôi đã hiểu quá khứ thẳm sâu của ông cha

Dành hẳn hai năm điền dã "ăn ngủ" với ca trù để phục dựng lại trình thức hát cửa đình, gốc của ca trù, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ, với anh, đó là một trải nghiệm thú vị. Bởi đến bây giờ, anh có thể nói rằng, tôi đã hiểu được quá khứ thẳm sâu của ông cha, một quá khứ đẹp đẽ mà nếu không có những người dấn thân như anh, nó sẽ vĩnh viễn rơi vào quên lãng.

Các đào kép, quan viên thuộc nhóm ả đào Phú Thị được tập huấn theo phương pháp của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Ảnh: MẠNH HÀ
Các đào kép, quan viên thuộc nhóm ả đào Phú Thị được tập huấn theo phương pháp của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Ảnh: MẠNH HÀ

Chạy đua với thời gian để tìm chân lý

- Ðiều gì thúc đẩy anh bỏ ra hai năm để nghiên cứu và phục dựng lại trình thức hát cửa đình?

- Trước đây, tôi nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, nhưng khi bước vào nghiên cứu ả đào, tôi như đứa trẻ, hết ô rồi a, tôi không nghĩ thể loại âm nhạc này nhiều trữ lượng nghệ thuật đến thế. Ðó là âm nhạc cổ điển của Việt Nam, của ông bà mình, bị ngắt quãng 60 năm. Liên hoan ca trù 2014, tôi ngồi chấm thi cùng kép đàn Nguyễn Phú Ðẹ. Cụ ngồi cạnh tôi cứ thắc mắc, sao chỗ này lại đàn cung bắc, chỗ này phải lên cung nam... Chứng kiến rất nhiều sự đúng - sai, hay - dở trong liên hoan đó khiến tôi giật mình, tôi hiểu rằng chỉ còn ông là người cuối cùng có thể trả lời được những câu hỏi đó. Và tôi lên đường về Hải Phòng, nhà cụ Ðẹ. Tôi nghĩ, không ai có quyền trả lời đúng - sai về những trình thức biểu diễn của nghệ thuật ca trù, trừ những người làm nghề. Và tôi bắt đầu đi tìm chân lý.

- Anh cũng là người đầu tiên dùng phương pháp tiếp cận mới, lý thuyết hóa ca trù thành sơ đồ, trong khi việc đào tạo của ca trù vốn theo lối truyền dạy nhà nghề, từ đời này qua đời khác?

- Thời gian đầu, tôi chạy đua với thời gian, cắm đầu cắm cổ vì mục tiêu làm thật nhanh, chạy đua với sức khỏe của cụ Ðẹ. Ðến đầu năm 2016, khi tôi vừa kết thúc những nghiên cứu cơ bản cuối cùng thì cụ bị tai biến, hai tuần sau tôi bị chảy máu dạ dày nặng, phải dừng công việc cho đến cuối 2016. Lúc đó Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia vào cuộc, lãnh đạo Viện muốn tôi thực hiện một dự án bảo tồn chứ không chỉ dừng lại ở nghiên cứu. Ðến đầu 2017, tôi triển khai dự án, phương pháp của tôi là dùng những lý thuyết mình nghiên cứu hai năm vừa rồi để giảng dạy, đưa vào thực tiễn thử nghiệm xem thế nào. Từ trước đến nay, đào kép theo truyền thống cứ học đàn, hát theo cảm tính. So với các thế hệ ngày xưa, đào kép bây giờ rất thiệt. Các cụ cũng học như thế nhưng ra có môi trường nhà nghề, tức là đi hát ở nhà hát cô đầu, hát cửa đình, trong một môi trường toàn đào kép nhà nghề, tiếp tục được trau dồi nghề nghiệp, nên các cụ giữ rất vững, chẳng cần âm luật, chẳng cần lý thuyết. Còn bây giờ, đào kép được học nghệ nhân xong, sau đó ra đàn hát một thời gian, họ sai dần đi mà không biết vì tất cả những điều đó không được lý thuyết hóa thành âm luật, họ đều làm theo cảm tính, hiện tượng đó dần dẫn đến sai lệch so với chuẩn mực cổ điển.

- Vậy anh căn cứ vào điều gì để đưa ra cái anh gọi là chuẩn mực cổ điển của trình thức hát cửa đình?

- Trong hai năm vừa rồi, tôi căn cứ vào cụ Ðẹ và tất cả băng đĩa của các danh ca, danh cầm cả một thế kỷ, tôi đưa ra một đáp án cuối cùng, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là hay đâu là dở. Tất cả được sơ đồ hóa. Và tôi mang lý thuyết sơ đồ hóa ấy áp vào thực tiễn để chỉnh huấn lại tất cả những đào kép đã học nghệ nhân, để tránh sự lệch lạc của họ. Nhiều khi họ rất mơ hồ về khổ phách, khổ đàn. Mỗi cụ trong quá khứ có một cách thể hiện khác nhau, bây giờ bên cạnh cách các nghệ nhân học của cụ Chúc, cụ Ðẹ, tôi chỉ cho họ còn nhiều cách khác. Tôi đưa ra nhiều mẫu trong khung lý thuyết đó để họ hiểu được sự biến hóa của ả đào từ đâu đến đâu.

- Nếu có ai đó phản bác lại những điều anh cho là chuẩn mực, anh sẽ nói gì, bởi ca trù tồn tại hàng trăm năm và có nhiều biến ảo qua các thế hệ?

- Tôi căn cứ vào rất nhiều tư liệu quý của thế kỷ 20, vào những danh ca, danh cầm. Những điều tôi nói ra là tổng kết từ quá khứ. Tôi khẳng định lý thuyết mình đưa ra là chuẩn mực, từ cụ Ðức, cụ Ðẹ, cụ Chúc. Tôi tổng kết quan niệm của ba người ấy và đưa ra lý thuyết cuối cùng để thống nhất.

Tôi đã hiểu quá khứ thẳm sâu của ông cha ảnh 1

Chấp nhận sự song hành

- Thực tế nhiều năm qua, ca trù vẫn tồn tại trong đời sống, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự biến đổi của ca trù hôm nay không giữ được những giá trị gốc của ca trù xưa. Theo anh vì sao?

- Rất khó khi chúng ta phục hồi ca trù muộn quá, đến khi bắt tay vào truyền dạy thì chỉ còn vài nghệ nhân, kép đàn còn mỗi cụ Nguyễn Phú Ðẹ, đào nương còn cụ Phó Thị Kim Ðức, Nguyễn Thị Chúc, các cụ yếu và già rồi, không phải ai cũng nhận truyền dạy học sinh. Ðào kép bây giờ chủ yếu học qua băng đĩa. Nhưng tôi khẳng định đây là thể loại nhạc không thể học qua băng đĩa nếu không có một trình độ nhất định. Cho nên vì sao các cụ nghệ nhân nhà nghề cuối cùng, như cụ Chúc, cụ Ðẹ đều nói rằng đào kép bây giờ đàn hát không có phách. Lúc đầu tôi nghe không hiểu nhưng sau khi phân tích lý thuyết thì tôi hiểu. Rõ ràng, theo thời gian, ca trù có những biến đổi, tùy vào cách thức của người hát. Sự bảo tồn không đóng khung mà có biến động, nhưng đến đâu thì được phép, ai là người có quyền biến động? Phải là người làm nghề, chứ lớp trẻ bây giờ không có quyền. Sai lạc bây giờ là học không đúng. Bà Kim Ðức trong liên hoan ca trù bảo rằng, bà mà ngồi ban giám khảo sẽ đánh trượt hết.

- Vậy cái được lớn nhất của anh là gì?

- Tôi được vô số. Tôi thành người hiểu được quá khứ, hiểu các cụ, hiểu được ả đào thế nào là đúng, sai, hay, dở, tất cả những bí ẩn của quá khứ đều được vén màn sương mờ và đưa ra ánh sáng của khoa học hiện đại, để hiểu hơn về ca trù. Ðiều đó rất tốt cho người học và người nghe. Chẳng hạn như tôi dùng lý thuyết đó đào tạo một lớp quan viên. Quan viên ngày xưa cũng đánh trống theo cảm tính, còn bây giờ tập theo sơ đồ, ngày xưa cứ nghe bài và tập đánh trống theo cho đúng, còn bây giờ tôi cắt tất cả khổ phách, khổ đàn ra những file audio riêng, giúp họ hiểu rồi cho nghe băng, các phong cách khác nhau. Sau khi nhuần nhuyễn với băng rồi thì mới ghép với ca nương. Ðó là trải nghiệm thú vị. Trước khi chơi trống chầu họ đã được nghe ca trù theo một cách khác, cảm và hiểu nó sâu sắc hơn nên họ mới thật sự là quan viên sành điệu, nói đúng hơn là mình phải đào tạo cho họ sành điệu.

- Anh nghĩ phương pháp lý thuyết hóa của mình sẽ tạo ra một cú huých hay ngược lại, những mâu thuẫn trong giới ca trù?

- Tôi muốn các đào kép bình tĩnh nhìn lại bản thân mình. Nếu họ sẵn lòng tôi sẽ giúp họ hiệu chỉnh lại đúng. Họ phải vượt qua chính họ. Họ đã quen đàn hát bao năm rồi, giờ thay đổi rất khó. Nên chúng ta phải chấp nhận sự song hành, những cái sai vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Hy vọng sẽ đào tạo được thế hệ trẻ đi đúng chuẩn mực.

Với lý thuyết này, cần những dự án mở lớp tập huấn, đào tạo chính quy, chứ tự nguyện không ai làm cả. Cần có cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa đứng ra mở những dự án, tập huấn thật sự chứ không phải làm cho xong. Nhọc nhằn lắm. Cho nên cuộc phục dựng trình thức hát cửa đình này rất cảm xúc, tôi chảy máu dạ dày vì nó nhưng kết quả có được vượt quá mong đợi của tôi. Khi tôi hoàn thành những nghiên cứu cuối cùng thì cụ Ðẹ tai biến, tôi cảm giác như mình suýt rơi xuống vực. Nếu hai năm đó, tôi không lăn lộn với cụ Ðẹ thì những gì trong đầu cụ sẽ vĩnh viễn ra đi, sẽ không còn ai biết đến trên đời này nữa và đào kép cứ thế đàn hát không biết đúng sai.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.