Đạo diễn, NSƯT Phạm Lê Nam:

Tôi có cách ghi lịch sử của riêng mình

Đã thực hiện sáu bộ phim tư liệu về cuộc chiến đấu quả cảm cùng những hy sinh, mất mát lớn ở Vị Xuyên, Hà Giang, đạo diễn, NSƯT Phạm Lê Nam bảo rằng, anh coi đó là đề tài của cuộc đời mình.

Một tấc đất không lùi kể những câu chuyện bình dị về những người lính Vị Xuyên trong thời bình.
Một tấc đất không lùi kể những câu chuyện bình dị về những người lính Vị Xuyên trong thời bình.

Nói bao nhiêu cũng không đủ

- Nhắc đến đạo diễn Phạm Lê Nam, người ta nhớ ngay những thước phim tài liệu xúc động về cuộc chiến ở Vị Xuyên. Điều gì dẫn dắt anh đến với đề tài này?

- Chiến tranh là một đề tài không mới, nhưng nói bao nhiêu cũng không đủ. Đặc biệt là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, tiêu biểu là ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Trong gia đình vợ tôi có một người chú đã chiến đấu và hy sinh trên mặt trận đó. Đầu năm 2015, tôi và vợ nhân một chuyến công tác đã đến Hang Dơi, cửa khẩu Thanh Thủy, được các đồng chí Bộ đội Biên phòng kể lại những câu chuyện chiến đấu và hy sinh của bộ đội ta, đặc biệt là khi thắp hương tưởng nhớ anh linh của hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh và nằm lại nơi đây, tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó.

- Sau Một tấc đất không lùi được giải B Cánh diều 2017, anh đang tiếp tục khai thác những góc nhìn khác về Vị Xuyên. Với Ngôi nhà chung trên điểm cao, anh kể cho khán giả nghe câu chuyện gì?

- Nhân duyên đã khiến tôi gặp các anh cựu chiến binh Sư đoàn 356 tỉnh Yên Bái. Tôi được nghe các anh kể về trận đánh MB84 ngày 12-7-1984, về hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh còn nằm lại trên những điểm cao nơi thung sâu, đèo cao, chưa mang được hài cốt về. Đó là nỗi day dứt của những người đồng đội còn sống. Những năm trước, đến ngày 12-7 là nhiều cựu chiến binh khắp mọi miền lại lên Vị Xuyên, thắp hương cho đồng đội. Mơ ước của họ là có một đài hương làm nơi đi về cho những đồng đội đã hy sinh ở đây. Các cựu chiến binh sư đoàn họp mặt và cùng nhau kêu gọi đóng góp kinh phí. Và rồi, từ một cây hương nhỏ, nay đã trở thành một nhà thờ Liệt sĩ khang trang và linh thiêng. Xúc động trước tình đồng đội của các anh, tôi làm phim tài liệu Ngôi nhà chung trên điểm cao. Qua đó, tôi muốn nói đến những mất mát, hy sinh của bộ đội ở Vị Xuyên, muốn nói đến tình đồng chí, đồng đội và trên điểm cao 468 ấy, đã có một ngôi nhà, một dấu mốc cho xứng với danh xưng Thành đồng biên giới.

- Không chỉ là những câu chuyện khốc liệt của chiến tranh, những thước phim về Vị Xuyên của anh còn kể những câu chuyện xúc động của những người lính trở về với đời thường…

- Tôi cảm thấy mình may mắn khi được chứng kiến tình cảm của những cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên dành cho nhau. Dường như ai cũng mang trong mình nỗi khắc khoải về Vị Xuyên, về đồng đội. Người đồng đội của chú tôi, anh Trần Hữu Quân, giờ đã là một doanh nhân thành đạt. Hơn 30 năm qua, năm nào anh cũng hai lần đến thắp hương cho chú tôi vào ngày 27-7 và ngày giỗ của chú. Những cuộc gặp mặt với đồng đội, dù ở đâu, anh cũng gác lại công việc để tham gia. Hay anh Trương Quý Hải với những bài hát nặng tình nghĩa với đồng đội, anh Nguyễn Văn Kim, một năm đi Vị Xuyên, Hà Giang hơn chục lần làm công việc thiện nguyện giúp bà con thôn Nậm Ngặt... Cũng có những cựu chiến binh bị thương trở về đời sống thường ngày, họ mất hết cả giấy tờ, không được công nhận là thương binh, nhưng họ cho đó là chuyện bình thường, khi đất nước lâm nguy, làm trai phải lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tôi muốn kể cho khán giả nghe những câu chuyện xúc động đó để thấy tinh thần bất khuất của những người lính Vị Xuyên, một tinh thần sống không bon chen, không màng danh lợi, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng lên đường.

- Chắc hẳn có nhiều câu chuyện xúc động từ hậu trường khi anh cùng những người còn sống trở lại chiến trường thăm đồng đội mình.

- Tôi nhớ nhiều kỷ niệm khi làm phim Gửi năm tháng sống tặng đồng đội tôi, bộ phim đó tôi đặt tên theo lời của bài hát do anh Trương Quý Hải sáng tác. Khi làm phim này, tôi không viết kịch bản trước, cũng không có ý tưởng. Đường dây của phim chỉ bắt đầu chạy trong đầu tôi khi tôi gặp nhân vật. Câu chuyện của anh Hòa, chị Nga, anh Thân đã khiến tôi vô cùng cảm động. Anh Hòa và anh Thân là đồng đội cùng chiến đấu, khi anh Hòa hy sinh có nhắn nhủ nhờ anh Thân chăm sóc vợ con mình. Hết chiến tranh, anh Thân đã cưới chị Nga và chăm sóc hai mẹ con chị như lời hứa với đồng đội năm nào. Hay câu chuyện của anh thương binh Nguyễn Văn Tuấn, anh bị ảnh hưởng thần kinh do sức ép của trận pháo, từ một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, trở về đời thường, anh còn không nhận ra mẹ mình, nhưng may mắn đã mỉm cười với anh khi cô hàng xóm vì cảm mến người lính Vị Xuyên đã tình nguyện ở bên cạnh, chăm sóc anh suốt cuộc đời. Họ đã có hai người con xinh xắn và tốt nghiệp đại học. Khi đoàn đến quay, chị Thu vợ anh phải đi tìm anh mãi tận trong núi, tất cả những cảnh ấy, chúng tôi đã đi theo để ghi lại. Những câu chuyện, số phận của những người lính cứ thế chạy thành đường dây của phim. Đúng như tựa đề, họ đã sống nốt phần đời còn lại mà đồng đội gửi gắm.

Để hun đúc tình yêu Tổ quốc

- Anh có chia sẻ rằng, Vị Xuyên là đề tài lớn của cuộc đời mình và anh sẽ dành thời gian, tâm huyết theo đuổi nó. Anh có bị áp lực với việc làm thế nào để kể câu chuyện một cách chân thực và không bị một màu hay không?

- Tôi nghĩ rằng, nói về người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc và sự hy sinh của họ là điều thiêng liêng nhất và tôi là người may mắn khi được đồng hành với các anh. Những anh lính Vị Xuyên năm xưa giờ đang trong độ tuổi trung niên nhưng các vị tướng lĩnh thì đã cao tuổi. Các bác giờ đã trên dưới 80 tuổi, như Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sinh, Đại tá Nguyễn Lư... nên thời gian không cho phép tôi chậm trễ hơn nữa.

- Điều gì thôi thúc một người trẻ, lớn lên trong thời bình như anh đi vào đề tài chiến tranh khá gai góc này?

- Tôi được gặp rất nhiều các anh cựu chiến binh trên mặt trận, tôi cũng rất nhiều lần lên Vị Xuyên, nơi các anh linh liệt sĩ nằm lại, hơn nữa chính trong gia đình vợ tôi có người thân hy sinh trên mặt trận này, tôi thấu hiểu nỗi mất mát, hiểu tinh thần chiến đấu vì biên cương Tổ quốc của các anh, nếu tôi không làm gì đó, tôi cảm thấy mình như mắc nợ. Tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu và có tình yêu dành cho Tổ quốc nhiều như thế hệ các anh.

- Ngoài phim tài liệu, anh còn dự định sẽ làm phim truyền hình về cuộc chiến Vị Xuyên. Phải chăng đó cũng là cách anh tiếp cận với số đông khán giả?

- Sự hy sinh của chiến sĩ ta ở Vị Xuyên là quá lớn. Xương máu của người lính đã khiến Vị Xuyên trở thành một mảnh đất thiêng. Phim của tôi không phải là bản anh hùng ca, mà chỉ là những gì bình dị nhất, chân thực nhất. Đó là tâm nguyện của tôi, kể lại câu chuyện của người lính Vị Xuyên một cách chân thực và rõ nét. Đó cũng là cách chúng tôi chọn để tiếp cận khán giả ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ thực hiện bộ phim truyền hình dài tập về người lính Vị Xuyên trong năm tới.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.