Thưởng Tết

Càng gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, thông tin về mức thưởng tại các cơ quan, đơn vị sử dụng người lao động (NLĐ) càng được quan tâm. Năm 2020 là năm khó khăn, bởi vậy nhiều người lo ngại mức thưởng Tết khó đạt như mọi năm. Cùng với đó, Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực từ năm 2021 quy định NLĐ có thể không nhận tiền thưởng, thay vào đó là tài sản hoặc các hình thức khác… cũng gây ra một số băn khoăn.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) yêu cầu các doanh nghiệp (DN) báo cáo thưởng Tết năm 2021 chậm hơn mọi năm. Nhưng công bố về mức thưởng Tết gần đây ở một số nơi cho thấy, nhiều DN cố gắng duy trì thưởng Tết ở mức bình quân một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, mức thưởng cao nhất và thấp nhất đều thấp hơn so chính DN đó trước đây. Điều này hé lộ chiều hướng thưởng Tết không cao như mọi năm.
 
 Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Dù những tháng cuối năm, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, sản xuất, kinh doanh phục hồi, nhiều DN khắc phục khó khăn, từng bước hoạt động trở lại, tuy nhiên, cả năm 2020, không ít DN phải giãn, hoãn việc, thu hẹp quy mô sản xuất, có DN phải tạm đóng cửa, thậm chí tuyên bố phá sản, NLĐ mất việc làm… Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN thất thu, làm ăn thua lỗ…, tất yếu khiến tiền thưởng Tết bị giảm theo.
 
 Thưởng Tết không được quy định cụ thể trong bất cứ điều luật nào. Các DN có thể thưởng dựa trên doanh thu hằng năm để động viên NLĐ; nếu không có thưởng Tết, NLĐ phải chấp thuận. Nhưng thưởng Tết thành thông lệ nên việc chậm công bố thưởng Tết, không thưởng Tết, thưởng Tết không đúng như công bố, hoặc thưởng Tết thấp so đóng góp của NLĐ dễ gây những khúc mắc, tranh chấp giữa NLĐ và bên sử dụng lao động. Có nơi còn xảy ra chuyện công nhân ngừng việc tập thể để phản đối cách tính thưởng Tết, như mới đây ở một số công ty tại TP Hồ Chí Minh…
 
 Cùng với đó, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ”. Như vậy, theo luật định, từ năm nay, NLĐ nhận thưởng, trong đó bao gồm cả thưởng vào dịp Tết, không nhất thiết bằng tiền, mà thay vào đó có thể là sản phẩm, hiện vật…
 
 Điều khoản nói trên có thể tạo ra trạng thái cảm xúc khác nhau. Nếu sản phẩm, hiện vật được tặng, nhất là các sản phẩm không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thì chắc chắn NLĐ sẵn sàng, hồ hởi đón nhận. Nhưng nếu sản phẩm, hiện vật đó không phù hợp mà NLĐ vẫn bắt buộc phải nhận sẽ gây ra những băn khoăn, phản ứng trái chiều, thậm chí có thể dẫn đến bất đồng giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
 
 Trong bối cảnh vừa khép lại một năm nhiều khó khăn, người sử dụng lao động và NLĐ cần nỗ lực tìm tiếng nói chung, chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu nhau. Các cấp, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ, xây dựng mức thưởng hợp lý, hợp tình, bổ sung mức thưởng vào thỏa ước lao động, có thêm hình thức hỗ trợ NLĐ. Cơ quan chức năng cũng cần cụ thể hóa quy định trong Bộ luật Lao động, xây dựng thông tư, chỉ thị hướng dẫn, xác định tỷ lệ tiền - hiện vật trong cơ cấu thưởng… Với nỗ lực đó, NLĐ và cả xã hội chắc chắn sẽ được đón cái Tết ấm áp, vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.