Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân:

Thành thật nhất với chính mình để làm nghệ thuật

Một trong những đề tài lớn giúp Nguyễn Ngọc Dân nổi tiếng trong hội họa đương đại là vẽ dây điện. Bạn bè quen gọi anh là Dân “dây điện”. Anh cùng bạn bè là các họa sĩ đồng hương Hải Phòng đang sống và làm việc tại Hà Nội vừa cùng nhau trưng bày một triển lãm có tên gọi “Sóng”. Với các tác phẩm mới cũng về đề tài dây điện, Nguyễn Ngọc Dân một lần nữa kể với công chúng những câu chuyện mới về đời sống đô thị.

Thành thật nhất với chính mình để làm nghệ thuật

Dây điện là một thực thể sống động

- Xin chào họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân, đầu tiên anh có thể cho biết, vì sao triển lãm nhóm của anh và các họa sĩ lần này lại có tên là “Sóng”. Dây điện trong tranh anh và “Sóng” có liên quan gì đến nhau vậy?

- Đây là triển lãm của nhóm họa sĩ Hải Phòng. Sóng là khái niệm gắn liền với một vùng đất đặc thù ven biển. Trong nghệ thuật, sóng mang rất nhiều nghĩa khác nhau. Có thể là sóng cảm xúc, sóng điện từ, sóng lòng, sóng đời... Vũ trụ cũng chỉ có hai yếu tố cơ bản nhất là hạt và sóng. Sóng còn thể hiện sự vận động của vũ trụ, sự thay đổi, làm mới. Tôi nghĩ cái biểu hiện mạnh nhất về thị giác trong cuộc sống chúng ta cũng chính là sóng. Trong tranh dây điện của tôi có sóng, là sóng điện từ, sóng cảm xúc như đã nói. Sóng đối với tôi còn là báo hiệu sự tốt lành cho chính mình và tất cả mọi người.

- Một trong những đề tài làm nên tên tuổi của anh là dây điện. Thoạt nghe, dây điện chẳng có gì liên quan lắm đến nghệ thuật cả. Căn nguyên từ đâu anh lại yêu thích đề tài này, và qua dây điện, anh muốn gửi gắm thông điệp gì về cuộc sống?

- Nghệ thuật và nhiều thứ khác đều xuất phát từ cuộc sống. Mọi đề tài mà tôi lựa chọn để sáng tạo đều bắt đầu từ sự quan sát của tôi với đời sống chung quanh, những hiện thực bình thường hằng ngày mà chúng ta đôi khi vì vội vã không để mắt tới. Tuy nhiên, từ một sự vật, sự việc bình thường, để trở thành nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải nhìn nó ở chiều sâu hơn, không thể hời hợt qua loa. Hay nói khác đi, phải nhìn nó bằng cặp mắt của tình yêu. Để rồi qua đó, dây điện, hay bất cứ thứ gì vào tranh sẽ truyền đi thông điệp của người họa sĩ về cuộc sống.

Về căn nguyên vì sao tôi “phát hiện” ra tiếng nói của dây điện và bắt đầu đưa nó vào tranh, thì đơn giản thôi, hơn chục năm trước, hằng ngày trên đường đưa đón vợ đi làm về, mỗi khi dừng ở ngã tư đèn đỏ tôi hay ngước nhìn lên các đường dây điện đan cài chằng chịt trên các con phố và nhận thấy chúng có một vẻ đẹp tạo hình lạ, rất hội họa. Tất cả những cột điện, loa truyền thanh, dây điện rối rắm dường như đang truyền đến chúng ta một thông điệp mạnh mẽ về đời sống, là biểu hiện của sự phát triển, sự kết nối giữa quá khứ và tương lai. Hơn nữa, ngôn ngữ tạo hình của dây điện có tính toàn cầu, ai cũng có thể cảm nhận được. Càng vẽ tôi càng phát hiện ra trong dây điện có rất nhiều điều thú vị.

Dây điện là một thực thể sống động gắn liền với một đô thị và nó có thể sẽ thay đổi theo thời gian, theo sự vận động, phát triển không ngừng của cuộc sống. Dây điện rồi sẽ còn ít đi hay nhiều lên, hay người ta hạ, cắt, chôn nó dưới lòng đất cho quang đãng phố phường, chúng ta không thể biết trước. Cuộc sống có cũ thì có mới, có xưa thì có nay, chúng ta sẽ phải đi trên hành trình đó. Tôi quan niệm làm nghệ thuật nghĩa là sống chân thực nhất, thành thật nhất với thời đại của mình. Khi ta lao động và để lại dấu ấn của thời đại ta đang sống thì có thể ta sẽ được nhớ đến sau này. Và có thể sẽ tạo ra được những làn sóng nối tiếp trong tương lai.

Công phu và khổ luyện

- Được biết, anh từng được đề cử giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” với tác phẩm sắp đặt “Phố”. Một họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng sẽ nói về tình yêu của mình với Hà Nội như thế nào?

- Tôi đã sống ở Hà Nội 30 năm, từ khi còn là sinh viên cho đến khi có gia đình, vợ con, bạn bè thân thiết. Tôi đã lang thang hầu khắp các con ngõ của Hà Nội, các vùng ven đô, ngâm nga suy tưởng và chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội qua từng thời kỳ. Những lúc về quê hay ở xa Hà Nội một chút thì cảm nhận về Hà Nội càng sâu sắc, tổng quan hơn. Hà Nội gắn với tôi như vậy nên Hà Nội là một phần không thể thiếu trong tôi. Tôi cũng thấy mình hợp với sống ở Hà Nội hơn. Khi vẽ dây điện tôi cũng gắn với đô thị Hà Nội là chính. Còn rất nhiều thứ ở Hà Nội tôi có thể khai thác, sử dụng làm chất liệu cho nghệ thuật.

- Từ năm 2015 đến nay, không thấy anh triển lãm cá nhân, chỉ thỉnh thoảng tham gia triển lãm nhóm, trong khi tranh vẫn vẽ rất nhiều. Vì sao lại có một khoảng lặng như vậy? Cuộc trở lại gần nhất của anh (là một triển lãm cá nhân) với chủ đề dây điện sẽ là khi nào? 

- Hơn một thập niên qua, cùng với các đề tài khác, tôi vẫn không ngừng chú ý đến đề tài dây diện và thực hiện các tác phẩm lấy cảm hứng từ dây điện. Nhưng mỗi thời điểm, câu chuyện tôi muốn nói trong cùng một đề tài đã khác. Nó là sự trải dài của cảm xúc, của “sóng dây”. Tôi đã vượt qua cả ý niệm về xấu đẹp khi vẽ, và mỗi tác phẩm đã chạm đến một ngưỡng khác trong chính cảm xúc của mình. Dây điện là thứ rất rắc rối nếu ta quan sát bằng mắt thường, nhưng tôi nhìn thấy trong sự rắc rối đó một trật tự, một yên tĩnh. Đôi khi tôi biểu đạt sự rắc rối bằng một sự dặt dìu, uyển chuyển của âm nhạc. Thậm chí khi vẽ một bức tranh dây điện, tôi có cảm giác mình giống như nhạc trưởng đang hòa mình vào dòng chảy âm nhạc. Cuối năm 2021 tôi sẽ làm một cuộc triển lãm cá nhân quy mô về dây điện. Và sẽ là một Dân “dây điện” rất khác.

- Không chỉ vẽ, anh còn cất công sưu tầm rất nhiều cột điện, dây điện, con sứ qua nhiều thời kỳ khác nhau? Tất cả những “di sản” đó sẽ được anh sử dụng vào tác phẩm của mình như thế nào?

- Nhiều năm nay tôi cất công sưu tầm những cột điện cũ, dây điện và các con sứ cũ. Ở đâu cột điện, dây điện được thay thế tôi sẽ tới để thu gom về. Tôi muốn tái tạo lại các đồ vật này, cho nó một đời sống mới, biến nó thành một phần trong các tác phẩm nghệ thuật của tôi. Những cột điện thì rất cồng kềnh, tôi phải để nhờ xưởng của bạn bè. Có người bạn cho tôi mượn cả xưởng trong nhà máy để thu gom, cất giữ những “di sản” một thời này. Tất cả sẽ dần dần được sống lại trong các tác phẩm của tôi.

- Anh còn là một người rất mê các giá trị văn hóa cổ truyền, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, như nghiên cứu về áo dài truyền thống dành cho nam giới, học nghệ thuật ca trù, chèo cổ... Anh còn có cả một kênh YouTube riêng để chuyển tải những hoạt động nghệ thuật của mình. Điều gì trong văn hóa cổ truyền của dân tộc hấp dẫn anh đến vậy?

- Đối với tôi, nghệ thuật cổ truyền của ông cha là những tinh túy được kết tinh nghìn đời, càng đi sâu tìm hiểu càng thấy nó vô cùng đẹp và quý. Tôi cất công tìm thầy giỏi để học cầm chầu và hiểu tường tận về ca trù, về áo dài truyền thống, về ngâm thơ là để thỏa niềm yêu thích của mình. Muốn học cái gì cho thấu, cho đạt thì không thể thiếu được sự khổ luyện. Dù học để chơi thôi nhưng cũng phải rất công phu. 

- Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân về cuộc trò chuyện.

14_1-1611978137482.jpg
Một tác phẩm vẽ dây điện của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân sinh năm 1972 tại Hải Phòng; tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa - Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; đã tham gia 15 triển lãm cá nhân và nhóm trong và ngoài nước; giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, giải ba Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2017;  Hội Mỹ thuật Việt Nam sưu tập bức “Loa trên phố” năm 2011; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập bức “Đèn đỏ” năm 2011; được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013 cho tác phẩm sắp đặt “Phố”.