Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn:

Sẽ có những đột phá trong đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật

Là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, các ngành nghệ thuật biểu diễn cũng đã có sự trở lại ấn tượng với nhiều hoạt động chất lượng cao trong những tháng cuối năm 2020. Cùng với nỗ lực của từng đơn vị nghệ thuật và mỗi nghệ sĩ, trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn (ảnh nhỏ) cho biết, cơ quan quản lý đã và đang đồng hành bằng các giải pháp hỗ trợ và định hướng, phần nào góp sức cho hành trình hồi phục và phát triển của lĩnh vực này.

Chỉ trong mấy tháng cuối năm, nhiều cuộc thi tài năng trẻ biểu diễn nghệ thuật đã được tổ chức, trở thành nguồn động viên lớn cho các nghệ sĩ. Ảnh: KHÔI MINH
Chỉ trong mấy tháng cuối năm, nhiều cuộc thi tài năng trẻ biểu diễn nghệ thuật đã được tổ chức, trở thành nguồn động viên lớn cho các nghệ sĩ. Ảnh: KHÔI MINH

Chủ động và linh hoạt

- Nghệ thuật biểu diễn đã trải qua một năm biến động và thật sự khó khăn bởi dịch Covid-19, ông có thể đưa ra một số đánh giá về tình hình hiện tại của lĩnh vực này?

- Có thể nói, năm 2020 có rất nhiều biến động chưa từng xảy ra trước đó. Chúng ta vẫn trong tâm thế phòng, chống dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng cho toàn thế giới, trong nước cũng không là ngoại lệ. Vì vậy, chín tháng năm 2020, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn gần như “đóng băng”. Vừa thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trên cả nước vừa tiếp tục có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật. Nhiều tác phẩm nghệ thuật ca ngợi tinh thần yêu nước, chống dịch ra đời đã góp phần cổ vũ, khích lệ tinh thần của xã hội, người dân, đóng góp không nhỏ vào thành công chung của cả đất nước. Một số sáng tạo có tính lan tỏa rất rộng rãi không chỉ ở trong nước mà được cộng đồng yêu nghệ thuật trên thế giới hưởng ứng rộng rãi như tác phẩm “Ghen cô vy” là minh chứng cho sức sáng tạo của những người làm nghệ thuật Việt Nam.

Sẽ có những đột phá trong đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật -0
“Trong năm 2021, Cục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép xây dựng Đề án đầu tư sáng tạo nghệ thuật giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá, điểm nhấn trong công tác đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn tới”. 

Bên cạnh đó, các đợt thiên tai đặc biệt nghiêm trọng ở miền trung cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn và các nghệ sĩ trên toàn quốc. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thiên tai đã đi qua, các hoạt động nghệ thuật mới được khởi động lại, chính thức là từ tháng chín năm 2020, để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã tổ chức được nhiều hoạt động nghệ thuật quy mô toàn quốc, như Liên hoan Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, các cuộc thi tài năng trẻ ngành múa, sân khấu… Các hoạt động đều diễn ra suôn sẻ và được đánh giá đạt kết quả tốt đẹp.

Việc phải dừng hoạt động do dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật cả trong và ngoài công lập. Dù bị ảnh hưởng nhiều hơn, các nghệ sĩ của các đơn vị ngoài công lập đã rất linh hoạt trong việc tham gia các hình thức hoạt động online và đóng phim, quảng cáo… “lấy ngắn nuôi dài”, giúp họ linh hoạt vượt qua thử thách chưa từng có này.

- Với những diễn biến khó lường của đại dịch, có thể thấy những khó khăn, thách thức với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn sẽ không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai. Từ góc độ cơ quan quản lý ngành, sẽ có những động thái hỗ trợ như thế nào cho hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập?

- Sau khi dịch bệnh được khống chế, Cục NTBD đã có chỉ đạo, hỗ trợ cụ thể đối với các nhà hát trung ương và phối hợp với các địa phương trong việc khởi động lại các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, cũng là giúp các nghệ sĩ khởi động lại tinh thần sáng tạo nghệ thuật sau một thời gian dài phải dừng hoạt động. Đầu tiên là chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ và hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ để tổ chức các chương trình, vở diễn nghệ thuật tiêu biểu phục vụ công chúng khán giả sau một thời gian dài bị cách ly với nghệ thuật và đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền và năng lực của mỗi địa phương.

Đối với các cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật, để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ ngoài công lập tham gia được thuận lợi và đông đủ hơn, chúng tôi cũng đã chia ra, tổ chức nhiều khu vực thi ở các địa phương.

Trong năm 2021, để có những biện pháp căn bản, lâu dài, chúng tôi đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép xây dựng Đề án đầu tư sáng tạo nghệ thuật giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá, điểm nhấn trong công tác đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn tới.

Những chuyển động tất yếu

- Trong thời gian đại dịch, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến đã trở thành một giải pháp, hướng mở nhiều triển vọng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có dự định thúc đẩy chuyển đổi số trong NTBD. Liệu đã có những động thái cụ thể để hiện thực hóa dự định đó?

- Việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật trực tuyến trong thời đại số hiện nay là một cách làm bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đối với nghệ thuật, yếu tố khán giả thưởng thức trực tiếp vẫn là yếu tố mang tính căn bản, mang lại cảm xúc thực tế và sự cộng hưởng trong cảm nhận, tạo giá trị truyền tải thông điệp chân - thiện - mỹ tới người xem.

Chúng tôi cũng xác định, không chỉ trong điều kiện phòng dịch, mà cả khi xã hội đã hoạt động bình thường thì việc kết nối với khán giả trên các nền tảng mạng xã hội vẫn là một kênh giao tiếp hiệu quả, vì nhu cầu của khán giả rất lớn, nhưng điều kiện để xem trực tiếp các chương trình, vở diễn nghệ thuật thì chỉ hạn chế. Chính vì vậy, rất nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp hay các cuộc thi tài năng trẻ thời gian vừa qua đều được chúng tôi livestream trên trang facebook của Cục NTBD, kênh YouTube, để khán giả trong nước và quốc tế có cơ hội thưởng thức tinh hoa, tài năng của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Một số đơn vị nghệ thuật cũng đang tích cực giới thiệu trailer các vở diễn tiêu biểu của nhà hát để quảng bá, thu hút công chúng. Các nội dung này hiện vẫn do các đơn vị nghệ thuật chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có những văn bản quy định cụ thể về nội dung số hóa trong hoạt động nghệ thuật, thí dụ đề nghị đưa vào nhiệm vụ, kế hoạch của từng đơn vị trong việc thực hiện chuyển đổi số, chú trọng việc quảng bá trên mạng xã hội trong chương trình hoạt động chung của các đơn vị nghệ thuật. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có hơn 50 triệu tài khoản mạng xã hội, nếu các đơn vị nghệ thuật chủ động, tích cực trong hoạt động quảng bá trên nền tảng này thì chắc chắn hiệu quả quảng bá, kết nối sẽ rất cao.

Mới đây, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có chỉ đạo hướng kết nối website của các đơn vị nghệ thuật vào website Tổng cục Du lịch để du khách có thể tìm hiểu thông tin và lựa chọn các chương trình nghệ thuật khi truy cập website này. Đây là một chuyển động mới trong câu chuyện chuyển đổi số ở lĩnh vực NTBD.

Các cụ ta có câu “Trong cái khó ló cái khôn”, đại dịch Covid-19 bất ngờ đã trở thành “cú huých” đối với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực NTBD. Nó buộc các đơn vị và nghệ sĩ phải thay đổi. Và tôi tin, chắc chắn sẽ thay đổi.

- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động NTBD được đánh giá là thông thoáng, tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chú trọng vai trò hậu kiểm. Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại về sự “không đều tay” của đội ngũ quản lý văn hóa giữa các địa phương? Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Nghị định 144 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, có nhiều điểm mới trong nội dung đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Để các quy định được hiểu và thực hiện đồng nhất trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các quy định và sẽ tổ chức ba hội nghị phổ biến nội dung của Nghị định tại ba khu vực.

Có thể sẽ có những sự lệch pha trong việc thực hiện các quy định giữa địa phương này với địa phương khác, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý ngành, chúng tôi sẽ chủ động nắm bắt và kịp thời hướng dẫn trong khả năng cho phép. Bản thân các cơ quan quản lý văn hóa các địa phương cũng cần chủ động kết nối, trao đổi với nhau để tạo sự thống nhất và thông suốt trong áp dụng các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý văn hóa, góp phần tạo điều kiện cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật hồi phục và phát triển trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!