PGS, TS Đinh Hồng Hải:

Sáng tạo trên chất liệu truyền thống cần sự am hiểu sâu sắc

Nhiều dự án, tác phẩm của những người trẻ khai thác yếu tố văn hóa truyền thống đang ngày càng thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhìn nhận sự lan tỏa tích cực từ tình yêu văn hóa dân tộc của các tác giả, nhưng PGS, TS Đinh Hồng Hải - ảnh nhỏ (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Mọi sáng tạo chỉ có giá trị nếu được hình thành trên nền tảng của sự hiểu biết sâu sắc vốn văn hóa dân tộc.

Xu hướng quay trở lại khai thác biểu tượng, hoa văn truyền thống là điều rất đáng mừng. Trong ảnh: Nhiều bạn trẻ tìm đến, trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế về tranh Đông Hồ. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Xu hướng quay trở lại khai thác biểu tượng, hoa văn truyền thống là điều rất đáng mừng. Trong ảnh: Nhiều bạn trẻ tìm đến, trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế về tranh Đông Hồ. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Sáng tạo trên chất liệu truyền thống cần sự am hiểu sâu sắc ảnh 1

Cội nguồn là yếu tố văn hóa thường hằng của nhân loại

- Thưa ông, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ có xu hướng chú trọng khai thác yếu tố truyền thống để làm nên sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về các biểu tượng văn hóa truyền thống, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về hiện tượng này?

- Xu hướng quay trở lại khai thác biểu tượng, hoa văn truyền thống là điều rất đáng mừng. Sự sáng tạo, trước đây là của các nghệ nhân, hiện nay là của các nghệ sĩ, là vô giới hạn. Cội nguồn chính là một yếu tố văn hóa mang tính thường hằng của nhân loại, mọi dân tộc đều như vậy chứ không phải chỉ riêng người Việt Nam.

Tuy nhiên, khai thác yếu tố truyền thống, yếu tố cội nguồn như thế nào cho đúng, nếu không muốn tạo ra những sản phẩm kệch cỡm, thì rất cần đến trí tuệ. Vì vậy, người sử dụng cần phải đọc, phải hiểu. Trong bộ sách: Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 1: Các bộ trang trí điển hình (xuất bản tháng 6-2012) của tôi, có phác họa hai trụ nghi môn. Nhìn bề ngoài là hình búp sen, nhưng đó chính là hình tượng cách điệu bộ tứ linh: búp sen hướng lên trời chính là bốn đuôi phượng, bên dưới là bốn đầu rùa (quy) và hình rồng (long) và ly. Ðó chính là một sáng tạo tuyệt vời của cha ông chúng ta khi sử dụng các mô-típ truyền thống. Thí dụ đó cho thấy, sử dụng yếu tố truyền thống để sáng tạo là điều rất đáng khích lệ, nhưng vấn đề là người sáng tạo phải có sự am hiểu, và nếu cộng hưởng với tài năng để sáng tạo được đến tầm mức như vậy thì mới thật sự là đáng giá. Nghệ thuật phải dựa trên ý tưởng và trình độ thẩm mỹ, đó là hai thứ không thể thiếu nếu muốn tạo ra một biểu tượng nghệ thuật có giá trị.

- Một câu chuyện đang gây ồn ào dư luận thời gian gần đây, đó là mẫu thiết kế dự thi tuyển chọn trang phục cho người đẹp Hoàng Thùy tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2019, tạm gọi là trang phục Bàn thờ. Ông đánh giá như thế nào về sự việc này?

- Hầu hết báo chí hiện nay đang chỉ đề cập bề nổi của câu chuyện thôi. Còn trên thực tế, khi nhìn vào một vấn đề văn hóa, nghệ thuật trong sự vận động của xã hội thì cần phải có góc nhìn đa chiều. Với hiện tượng mà dư luận đang quan tâm, mà ta tạm gọi là trang phục Bàn thờ đó, ít nhất chúng ta phải nhìn nhận dưới hai góc độ: Thứ nhất là tính sáng tạo, và yếu tố thứ hai là tính khả thi của quá trình thực hiện.

Trong sáng tạo, có hai vấn đề cũng cực kỳ quan trọng, đó là ý tưởng của tác giả và trình độ thẩm mỹ của họ. Trước khi đề cập trực tiếp vào câu chuyện, tôi xin đưa ra một thí dụ mới và sinh động. Ðó là chuyện của thương hiệu Avana của bà Aldegode van Alseno, một nhà thiết kế người Bỉ cùng chồng sang Việt Nam sinh sống và làm nghề thời trang ở Hội An. Ðến từ một nền văn hóa hiện đại nhưng bà lại đi tìm ý tưởng từ nghề dệt zèng của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình tìm hiểu và sáng tạo nên những sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ loại hình nghề truyền thống của người Cơ Tu, bà quan tâm đến cách dùng lóng tay của người Cơ Tu để đo đạc một cách rất sơ khai. Nhưng chính cách tiếp cận truyền thống đó lại tạo nên sự hấp dẫn của sản phẩm.

Với trang phục Bàn thờ, tôi cũng cố tìm xem trình độ thẩm mỹ của nhà thiết kế ở đâu, nhưng thú thật là tôi không tìm thấy. Nhà thiết kế đã muốn đi tìm yếu tố truyền thống nhưng lại đụng đến vấn đề biểu tượng tâm linh, đó là điều vô cùng nhạy cảm và khó tiếp cận nếu không có kiến thức về vấn đề này. Về tính khả thi, việc thực hiện bộ trang phục này như thế nào cũng là cả vấn đề lớn, bởi nó sẽ rất khó xử lý để thuận tiện cho người mặc.

Ðương nhiên, mọi nghệ sĩ đều có thể đưa ra những ý tưởng khác thường. Và thực tế đã có nhiều ý tưởng khác thường lại tạo nên những tác phẩm từng được đánh giá cao như "váy bánh mỳ" của H’Hen Niê hay những mẫu thời trang "siêu xe". Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại một lần nữa, khi đưa ra một ý tưởng, và ý tưởng đó có khả thi hay không, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ thẩm mỹ của người sáng tạo.

Phải giúp công chúng hiểu để yêu

- Ông vừa ra mắt tập bốn của bộ sách Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, và tuyên bố kết thúc dự án này, trong khi các tập sách đều nhận được phản hồi rất tích cực từ người đọc. Vì sao vậy?

- Thật ra, khi bắt đầu, tôi chỉ nghĩ đến việc đưa ra thông tin về tam đa, tứ linh, ngũ phúc.... những bộ trang trí điển hình mà ai cũng biết nhưng lại ít người viết và không có sự hệ thống hóa. Trên cơ sở khối tư liệu thu thập được tôi đã hệ thống hóa thành "các bộ trang trí điển hình" để giới thiệu với công chúng. Nhưng ngay sau khi xuất bản, sự hối thúc của bạn đọc rằng còn rất nhiều biểu tượng trong văn hóa Việt Nam cần phải được hệ thống hóa và viết ra, và nếu để chờ cho đủ thì không biết đến bao giờ, nên tôi cứ làm dần, từ tập 2: Các vị thần (4-2015); tập 3: Các con vật linh (10-2016) và tập 4: Các vị tổ (12-2018). Tôi chọn những gì phổ biến nhất, nhiều người quan tâm nhất để giới thiệu dưới góc nhìn học thuật. Khi làm những tập đầu, tôi cố gắng không lồng quá nhiều lý thuyết, vì khi lồng lý thuyết là mọi người dễ có cảm giác học thuật, nặng nề. Nhưng ở các tập sau, nếu không có lý thuyết thì dễ dẫn đến những tranh luận vô tiền khoáng hậu. Giống như lái xe trên một con đường mà không có sự phân biệt là con đường đó ở Anh hay ở Mỹ để đi bên trái hay bên phải…

- Rõ ràng, kiến thức về các giá trị văn hóa truyền thống hiện là một mảng còn thiếu trong nhận thức xã hội, và vẫn chưa được chú trọng lấp đầy…

- Ðiều đó là biểu hiện rõ nét của đặc tính "lười đọc" của nhiều người Việt. Nếu không đẩy mạnh văn hóa đọc thì không thể hệ thống hóa kiến thức cho một xã hội đang phát triển nhanh như hiện nay. Và nếu không hệ thống hóa kiến thức thì chúng ta dễ đọc phải vô số thứ "tẩu hỏa nhập ma" như sách cúng, sách phong thủy, sách làm giàu,... Nếu bạn lên mạng, gõ chữ "tỳ hưu phong thủy" (nội dung tôi đã đề cập trong tập 3), thì sẽ có hàng triệu kết quả, với hàng nghìn trang web bán các con tỳ hưu đó, nhưng theo tôi biết thì tất cả thông tin đó đều xuất phát từ một nguồn, và được đưa ra với mục đích kinh doanh loại đá đúc công nghiệp mà chẳng phải là "ngọc phỉ thúy" nào cả. Thực trạng này là lỗi của các nhà quản lý nhưng cũng có phần lỗi của chúng tôi, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, vì đã không viết ra, không hệ thống kiến thức để cho mọi người đọc. Nhưng về phía công chúng, vấn đề quan trọng là văn hóa đọc, tức là phải đọc các nghiên cứu chứ không phải đọc "quảng cáo tỳ hưu" trên mạng.

- Liệu ông có nghĩ đến chuyện tìm một cách tiếp cận linh hoạt hơn để thu hút người đọc và giới thiệu thông tin rộng rãi với bạn đọc?

- Ðúng vậy. Cần phải có những cách tiếp cận đủ sâu thì mới có giá trị, nhưng trước hết chúng ta cần phải truyền thông và thậm chí đưa vào các chương trình giảng dạy về các biểu tượng văn hóa để công chúng hiểu và "yêu" rồi mới tính đến việc nghiên cứu và sáng tác như thế nào cho hiệu quả. Ðể nâng cao nhận thức xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể thông qua các chương trình truyền thông, chương trình giảng dạy, trước hết là ở các trường nghệ thuật, để sinh viên có nhận thức tốt hơn… tránh việc tiếp nhận thông tin hỗn loạn, không được kiểm chứng. Những công trình nghiên cứu kỹ và sâu sẽ khiến cho người đọc chưa tiếp cận được. Vì vậy cần phải đưa các tri thức phổ thông đến với bạn đọc bằng báo chí, truyền hình… để mọi người sẽnhận thức đúng về các giá trị đặc sắc này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.