PGS, TS Bùi Hoài Sơn:

Quản lý văn hóa phải là công cụ hỗ trợ phát triển văn hóa

Chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, thúc đẩy tự do sáng tạo, đang nhận được sự quan tâm sâu rộng của xã hội. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về câu chuyện này.

Quản lý văn hóa phải là công cụ hỗ trợ phát triển văn hóa
Quản lý văn hóa phải là công cụ hỗ trợ phát triển văn hóa ảnh 1

Công tác hậu kiểm cần tạo môi trường cho nghệ sĩ năng động sáng tạo. Ảnh: THANH HÀ

Cách tiếp cận mới đối với chính sách quản lý văn hóa

- Thưa ông, trong một hội nghị gần đây, ông có chia sẻ thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đang có chủ trương sửa đổi các chính sách quản lý văn hóa theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bỏ hầu hết các quy định cấp phép của ngành văn hóa. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về thông tin quan trọng này?

- Thật ra, câu chuyện này cũng đã manh nha từ lâu, và đến nay càng trở nên bức thiết hơn. Vào khoảng những năm 2000 - 2005, khi ngành văn hóa nhận được tài trợ của Quỹ Ford cho một dự án nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý của ngành, đồng thời Quỹ SIDA của Thụy Điển cũng tài trợ cho một dự án đánh giá về thực trạng chính sách quản lý văn hóa (QLVH) ở Việt Nam, thì các chuyên gia đến từ Anh, Thụy Điển và một số nước khác đã có những khuyến cáo rằng, Việt Nam cần thiết phải tăng cường QLVH bằng hình thức hậu kiểm thay cho hình thức tiền kiểm để phù hợp với thông lệ chung trên thế giới và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có thêm sự tự do để phát huy được tài năng của mình.

Từ những gợi ý đó, đến năm 2010, Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam được giao thực hiện một đề tài khoa học cấp Nhà nước về QLVH Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Sau khi đánh giá thực trạng QLVH Việt Nam một cách thận trọng, từ nhiều dữ liệu khách quan, kết quả của đề tài đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có khuyến nghị: Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, QLVH cần tăng cường công tác giám sát và hậu kiểm. Theo đó, QLVH phải dựa trên cơ sở các luật, tránh việc ban hành các thông tư, hay các văn bản dưới luật khác làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý. QLVH cũng phải tạo điều kiện cho công dân được phép làm những điều pháp luật không cấm, còn các cơ quan nhà nước chỉ làm những điều luật pháp cho phép. Kết quả nghiên cứu này là một cơ sở khoa học quan trọng để các cơ quan quản lý của Bộ VH, TT&DL xem xét áp dụng hình thức hậu kiểm thay cho hình thức tiền kiểm.

- Ông cho rằng sự chuyển hướng trong chính sách quản lý văn hóa này là đòi hỏi tất yếu của bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi hiện nay?

- Về mặt lý thuyết thì mỗi một giai đoạn xã hội cụ thể đòi hỏi có một hình thức quản lý phù hợp. Hình thức quản lý tiền kiểm không phải là hoàn toàn không có tác dụng nhưng ở bối cảnh hiện nay thì rõ ràng cách quản lý này không phù hợp. Xã hội hiện nay coi trọng sự tự do sáng tạo của cá nhân, các nghệ sĩ. Xã hội cũng phức tạp, đa dạng, biến đổi nhanh chóng hơn nhiều so với xã hội trước kia. Trình độ xã hội cũng cao hơn trước; sự phổ biến của mạng xã hội; hội nhập quốc tế sâu rộng… Tất cả đòi hỏi phải có một cách tiếp cận mới đối với chính sách QLVH để đáp ứng với bối cảnh xã hội đó. Làm sao để QLVH không chỉ đóng vai trò duy nhất là kiểm soát sự phát triển của văn hóa mà quan trọng hơn phải trở thành công cụ để tạo điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa.

Tạo điều kiện để nghệ sĩ tự chịu trách nhiệm

- Xin ông cho biết, chủ trương này hiện đã “đi” tới những bước như thế nào?

- Văn hóa, nghệ thuật là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, vì vậy mọi sự thay đổi trong phương thức quản lý phải cực kỳ thận trọng. Trên thực tế, chủ trương này không dừng lại ở lý thuyết hay trong các báo cáo của các nhà nghiên cứu mà đã được triển khai trên thực tế. Hậu kiểm ở lĩnh vực xuất bản đã được thực hiện từ rất sớm và thật sự đã tạo điều kiện cho thị trường xuất bản bùng nổ trong thời gian vừa qua. Dù vẫn có vấn đề này, vấn đề kia, nhưng hình thức quản lý hậu kiểm trong xuất bản đã cho thấy hiệu quả của nó và tạo điều kiện để ngành văn hóa xem xét áp dụng sang các lĩnh vực khác.

- Ông cho rằng sự chuyển biến từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” sẽ là một bước tiến bộ, giúp tạo điều kiện tối đa cho những sáng tạo nghệ thuật nảy nở, tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào đời sống văn hóa nghệ thuật?

- Đúng như vậy. Tôi cho rằng đó là một bước tiến quan trọng, một sự thay đổi phù hợp với bối cảnh xã hội trong lĩnh vực quản lý văn hóa. Chúng ta đang nhận thấy có mâu thuẫn giữa chính sách thúc đẩy sự tự do sáng tạo của Đảng và Nhà nước với cơ chế quản lý theo cấp giấy phép. Hoạt động QLVH không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ mà cần tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.

- Nhưng để việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý tốt thì ngành văn hóa đã phải nghĩ tới những chế tài mạnh mẽ cho những vi phạm?

- Đấy chính là một trong những yếu tố then chốt để chuyển đổi từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Đối với hậu kiểm, điều quan trọng là Nhà nước cần phải hoàn thiện các quan điểm đánh giá và tiêu chí đánh giá các loại hình tác phẩm và sản phẩm văn hóa, trên cơ sở đó hình thành nên các nền tảng pháp lý để triển khai hoạt động hậu kiểm. Một nguyên tắc nữa là những hình phạt trong hậu kiểm sẽ rất nặng chứ không “nhẹ nhàng” như các quy định hiện nay.

- Một số nghệ sĩ bày tỏ lo ngại rằng chủ trương này của ngành văn hóa có thể chỉ là một sự thay đổi về hình thức, thay kiểm duyệt trước sang kiểm duyệt sau, trong khi, điều các nghệ sĩ cần là một sự thay đổi về “nội dung”- một sự nới rộng thật sự trong biên độ tự do sáng tác. Ông nghĩ sao về lo lắng này?

- Điều này không đúng với bản chất của vấn đề. Kiểm duyệt trước và kiểm duyệt sau sẽ tạo ra hai thái độ và hiệu quả đối với sự tự do sáng tạo khác nhau. Nếu kiểm duyệt trước sẽ dễ gây tâm lý rằng, đối với các nhà quản lý, cái gì không quản được thì cấm, hạn chế sự tự do sáng tạo; việc giải thích cho những tác phẩm nghệ thuật bị cấm phát hành sẽ rất khó khăn, nhiều khi tạo ra những tranh cãi không đáng có trong xã hội.

Trong khi đó, ở hình thức hậu kiểm, những tiêu chí chọn lựa tác phẩm đã được đưa ra từ trước, được thảo luận rộng rãi và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Chính vì vậy, khi một sản phẩm văn hóa nghệ thuật bị cấm lưu hành, phổ biến qua hình thức hậu kiểm sẽ dễ nhận được sự đồng thuận của cộng đồng hơn. Nhờ hệ thống tiêu chí đã được đồng thuận đó, các nghệ sĩ sẽ dễ dàng hơn đối với những sáng tạo của mình mà không ở trong tình trạng không biết, không rõ lý do tại sao những tác phẩm của mình lại không được lưu hành, phổ biến trong xã hội.

Hậu kiểm sẽ giúp các cá nhân tự do hơn, năng động hơn và sáng tạo hơn. Điều này không chỉ tồn tại trên lý thuyết mà đã được kiểm chứng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình thức hậu kiểm.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!