Nhà văn Xuân Tùng:

“Quá khứ là chiếc cọc giúp neo giữ con diều tương lai”

Được độc giả biết đến và yêu mến với bút danh Trung Sỹ, nhà văn Xuân Tùng đang chuẩn bị cho ra mắt tác phẩm mới mang sắc màu tự truyện Một thời Hà Nội, sau thành công của cuốn sách đầu tay Chuyện lính Tây Nam. Mổ xẻ thế mạnh của dòng văn xuôi phi hư cấu chọn tái hiện những hồi ức chân thực, tươi ròng sống động hiện đang được độc giả đón nhận nồng nhiệt, ông khẳng định: “Quá khứ như chiếc cọc, tương lai chính là con diều. Không được neo vào cọc, diều sẽ bay mất, hoặc chao liệng ngả nghiêng”.

Sự “lên ngôi” của dòng văn học phi hư cấu cho thấy người đọc đã chán những sự hư cấu nửa vời, “dở giăng dở đèn”.
Sự “lên ngôi” của dòng văn học phi hư cấu cho thấy người đọc đã chán những sự hư cấu nửa vời, “dở giăng dở đèn”.

Sự thật và con diều sáng tạo

- Là tự truyện, Một thời Hà Nội sẽ tiếp tục theo đuổi cái đích của riêng ông, để quá khứ tiếp tục trở thành gạch nối gắn kết với tương lai?

- Cá nhân nào, thành phố nào, đất nước nào cũng lưu giữ một quá khứ của riêng mình. Sau lưng nó chính là tương lai. Được kết nối chặt chẽ với quá khứ, cánh diều tương lai sẽ bay cao và bay xa, sẽ có độ đằm và cả sự vững chãi, sẽ biết nâng mình vượt qua cả gió to bão lớn. Bạn có nhận thấy những chương trình truyền hình được đánh giá cao về chất lượng, về tính nhân văn và khiến khán giả xúc động nhất trong thời gian gần đây như Quán thanh xuân, Ký ức vui vẻ, Giai điệu tự hào… đều đưa người xem ngược dòng thời gian, để quay về với những lát cắt hoài niệm của nhiều năm về trước. Gian khổ, thiếu thốn, nước mắt, chia ly của thời chiến tranh rồi hậu chiến khiến họ rưng rưng, khiến họ biết trân quý và nâng niu hơn những giá trị của hòa bình được hưởng thụ hôm nay. Đó cũng là nguyên do thôi thúc tôi ghi lại Một thời Hà Nội.

- Hà Nội, qua góc nhìn của tác giả Trung Sỹ sẽ có điều gì khác biệt, so với mảnh đất đã hiện lên qua ký ức của rất nhiều cây bút từ xưa đến nay?

- Một thời Hà Nội gói gọn trong khoảng thời gian 18 năm, từ 1960 đến 1978, từ thời điểm tôi ra đời đến khi lên đường nhập ngũ. Không xếp câu chuyện của mình vào một thể loại cụ thể nào, nhưng tôi thích coi đó là tự truyện. Bởi những mảnh vụn ký ức được nhặt nhạnh, lắp ghép trong đó đều là những câu chuyện thật, người thật - việc thật. Các nhân vật xuất hiện đều được giữ nguyên tên tuổi, nhiều người trong số đó vẫn còn đang sống. Một thời Hà Nội gói gọn những ngày tháng ấu thơ và cả tuổi mới lớn vụng dại, ngây ngô của chúng tôi. Để rồi bốn chục năm sau, khi đã có độ lùi thời gian, tôi nhận ra cần phải kể lại, để những thế hệ con cháu sau này được biết về một Hà Nội rất riêng đang lưu giữ trong mình. Với nhịp sống chậm, tốc độ thay đổi cũng rất chậm. Với những con phố nhỏ, những xúc cảm chân thành, với những nét văn hóa hòa hợp kỳ lạ trong một kích cỡ không gian nhỏ nhoi, khiêm nhường. Tôi tin câu chuyện của mình sẽ được độc giả tiếp tục đón nhận, vì nó trung thực tuyệt đối. Vì kiếm tìm và thâu nạp sự thật luôn là khát vọng chính đáng của mọi người đọc. Tác giả nào mang lại điều đó là họ ủng hộ thôi.

“Quá khứ là chiếc cọc giúp neo giữ con diều tương lai” ảnh 1


- Dăm năm trời khoác áo lính, ký ức chinh chiến dường như đã được Trung Sỹ dồn cả vào Chuyện lính Tây Nam. Ông có định trở lại với đề tài này, trong tương lai gần?

- Chiến trường Tây Nam là mỏ tư liệu với trữ lượng lớn, của riêng tôi. Tôi đang ấp ủ kể tiếp câu chuyện về một chú chó - thành viên của một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam. Phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến, cùng với cuộc phiêu lưu của một con vật thân thuộc, một người bạn trung thành, cũng là một ý tưởng thú vị. Có chút hư cấu với nhân vật chính, đương nhiên. Nhưng bối cảnh và những câu chuyện xảy ra xoay quanh nó vẫn hoàn toàn là chất liệu thật, rất thật. Đó cũng là lý do mà khi nhiều cây bút khuyên tôi nên mở rộng biên độ sáng tác thêm bằng phương pháp hư cấu, tôi đều giơ tay đầu hàng (cười). Sự thật chính là cái cọc neo con diều sáng tạo của riêng tôi.

Tìm kiếm sự thật là khát vọng chính đáng của mọi độc giả

- Nhắc tới yếu tố chân thực, tôi chợt nhớ thông tin Chuyện lính Tây Nam chuẩn bị được tái bản tới lần thứ tư, với tổng số bảy nghìn bản. Một con số đáng nể, cho một tác phẩm đầu tay chọn hồi ức chiến tranh làm đề tài?

- Những dòng ký ức chiến trận gây dư luận thời gian gần đây như Hồi ức lính, Chuyện lính Tây Nam, Mùa chinh chiến ấy, Lính Hà… đều có một điểm chung. Tác giả đều không phải là nhà văn chuyên nghiệp, đều đã từng là lính chiến. Chúng tôi quăng mình vào giữa bom đạn khốc liệt, với tư cách vừa là người trong cuộc vừa là một chứng nhân lịch sử. Cuốn sổ nhật ký giấu dưới đáy ba-lô cứ ngày một kín chữ. Những trận thắng, cả những trận thua, những đồng đội đã ra đi chỉ còn hiện diện lạnh lùng trong những con chữ viết vội. Sự thật ấy ẩn giấu sức thuyết phục cực lớn, bởi ban đầu những người lính - tác giả ấy chọn viết cho chính mình, cho những đồng đội từng sát cánh giữa bom rơi đạn lửa rồi sau đó mới đến đông đảo người yêu văn chương. Với chúng tôi, còn được trở về đã là vô cùng may mắn, dù trong may mắn ấy luôn thấp thoáng món nợ tinh thần không thể trả với đồng đội đã hy sinh. Và món nợ ấy nhắc nhở chúng tôi phải cầm bút.

Khi tham gia diễn đàn Quân sử Việt Nam, tôi bất ngờ khi nhận ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mà mình tham gia gần như bị bỏ trống hoàn toàn. Trách nhiệm bù đắp khoảng thiếu hụt đó đã thôi thúc tôi phải viết. Rồi những bài viết nhỏ lẻ nhận được nhiều lời động viên. Vậy là tôi có động lực để sắp xếp lại, để biến 120 mẩu chuyện nhỏ thành một cuốn hồi ức trọn vẹn. Tôi nghĩ, bản thân cuộc sống dù gian truân hay đau xót, cũng phải gắng sống, cũng ẩn chứa một khát vọng vượt mình, thì khỏi cần hư cấu, khỏi cần tỉa tót thủ pháp câu chữ, tác phẩm tự nó đã đủ sức đi thẳng vào trái tim người đọc rồi.

- Sức hấp dẫn của cái thật ấy cũng có thể áp dụng, cho những đầu sách phi hư cấu được đánh giá cao gần đây thuộc các thể loại nhật ký, hồi ký, tự truyện... Nhưng ở chiều ngược lại, việc hàng loạt những tác phẩm mang tính tư liệu lọt vào danh mục sách bán chạy có phải là dấu hiệu thụt lùi trong đời sống văn học nước nhà, khi “hư cấu như thật, còn thật hơn cả sự thật” thường được coi là chỉ dấu để đánh giá một nhà văn tài năng?

- Ở một khía cạnh nào đó, tôi đồng ý với cụm từ “dấu hiệu thụt lùi”. Sự “lên ngôi” của dòng văn học phi hư cấu cho thấy người đọc đã chán những sự hư cấu nửa vời, “dở giăng dở đèn”. Sự thật ngồn ngộn, đậm đặc hơi thở cuộc sống với những chi tiết đời thường đắt giá mà người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hư cấu ra là thế mạnh của những tác phẩm phi hư cấu. Nó đòi hỏi người viết phải sống thực, phải trải nghiệm những xúc cảm thực. Và cái thật – được dũng cảm phô bày, mổ xẻ đến tận cùng, thậm chí tới mức trần trụi, không dụng công bày biện và tô vẽ sẽ giúp câu chuyện chạm tới trái tim độc giả.

Bản chất văn học là hướng tới con người, với hình dạng, tính cách riêng biệt, rõ nét. Độc giả sẽ thấy thấp thoáng mình đâu đó, trong từng nhân vật cũng như từng câu chuyện kể để từ đó tìm thấy sự đồng cảm. Nếu những chân dung được tái hiện mờ nhạt, khuất lấp trong đám đông với tính cách hòa lẫn trong tập thể thì độc giả chọn thái độ quay lưng cũng là điều dễ hiểu.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc chuyện trò thú vị này.

Tác giả Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ), sinh năm 1960, nguyên Trung sĩ thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn bộ binh số 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4.
Tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế từ năm 1978 đến 1983. Sau khi giải ngũ, ông chuyển ngành về công tác tại Công ty Vinaconex số 3 cho đến khi nghỉ hưu.