Tiến sĩ Đào Lê Na:

Phim Việt ngày càng mờ nhạt dấu ấn văn hóa

Cùng thời điểm với Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Tuần phim Việt Nam (từ ngày 26 đến 30-11) có chủ đề “Điện ảnh và Văn hóa” do dự án Yume Art Project phối hợp với CLB Sân khấu và Điện ảnh tổ chức. Tuần phim đã mang đến cho khán giả yêu điện ảnh nước nhà cơ hội thưởng thức những bộ phim được xem là kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Đào Lê Na (ảnh nhỏ) - một trong những người sáng lập dự án, liên quan chủ đề mà tuần phim đề cập.

Phim Việt ngày càng mờ nhạt dấu ấn văn hóa

Phim chiếu rạp nặng về giải trí

- Thưa TS Đào Lê Na, lý do tổ chức “Tuần phim Việt Nam” và giới thiệu những bộ phim của “thời xa vắng” là gì?

- Những bộ phim có thể xem là kinh điển của Việt Nam, được nhiều giải thưởng quốc tế, được quốc tế chú ý, phản ánh những vấn đề văn hóa - xã hội của Việt Nam thật sự rất hay nhưng lại đang đứng trước nguy cơ chìm vào “thời xa vắng”. Với khán giả ngày nay, hầu như các bạn chỉ được xem trên YouTube, thậm chí là chưa xem. Trong khi đó, hiện tại có rất nhiều bộ phim Việt Nam được chiếu rạp, nhưng phần lớn các bộ phim đó mang hơi hướng giải trí, nhiều phim khán giả xem xong và cảm thấy rất thất vọng. Tôi thường nghe các bạn than: “Phim Việt Nam không hay!”.

Tôi cho rằng, một phần do các bạn chưa được xem nhiều phim Việt Nam hay. Chúng ta cần phải nhìn nhận từ hai phía, có nhiều phim đáng chê nhưng cũng có những bộ phim vượt trội. Và đó là lý do chúng tôi tổ chức “Tuần phim Việt Nam”, để giới thiệu lại với công chúng những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam.

- Năm bộ phim được chọn giới thiệu đều xuất hiện cách đây khoảng hơn chục năm. Có điểm chung gì ở những tác phẩm điện ảnh này?

- Các bộ phim được chọn trình chiếu trong tuần phim vừa rồi, gồm: Thời xa vắng, Mê Thảo thời vang bóng, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng và Long thành cầm giả ca là những bộ phim ra mắt trong khoảng những năm 2000, thời điểm này điện ảnh Việt Nam có nhiều tác phẩm nổi bật. Tôi cho rằng, giai đoạn đó có những bộ phim khai thác rất tốt chất liệu văn hóa, và họ cũng làm rất tốt khâu cải biên từ văn học. Chúng tôi hy vọng qua tuần phim này, công chúng sẽ được bồi đắp thêm những hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hóa, nhất là trong thời kỳ internet bùng nổ như hiện nay, các bạn trẻ rất dễ bị cuốn vào sự hấp dẫn của các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, các bạn cũng cần biết khi tiếp xúc với những nền văn hóa đó, mình phải làm gì để mình vẫn là người Việt Nam.

- Trong quá trình tổ chức, chị và cộng sự của mình gặp phải những khó khăn nào? Sự tiếp nhận của khán giả ngày nay với những bộ phim ngày trước có phải là một thách thức?

- Khi làm tuần phim này, tôi muốn các bạn được xem những bản phim thật sự đẹp, không phải là những bản phim quay lại từ phim nhựa. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ ở Viện phim Việt Nam làm được công việc chuyển từ phim nhựa sang bản kỹ thuật số nhưng công đoạn thực hiện rất lâu. Một năm họ làm được có mấy phim thôi. Thành ra, mong muốn là vậy nhưng trong tuần phim vừa rồi, chúng tôi buộc phải trình chiếu những bộ phim là những sản phẩm quay lại của hãng, chưa được chuyển đổi sang bản kỹ thuật số.

- Điều đó liệu có làm ảnh hưởng đến mục đích của dự án?

- Có rất nhiều bộ phim mà tôi thật sự mong muốn được chiếu cho khán giả như Hạt mưa rơi bao lâu, Ba mùa, Trở về, Bao giờ cho đến tháng Mười… Tuy nhiên, do lâu ngày nên đơn vị sở hữu một số phim không tìm được giấy phép phổ biến. Những bộ phim đó được làm trong thời điểm mà xã hội Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa, bởi internet quá nhiều nên có thể thấy được chất văn hóa Việt rất rõ, rất đậm trong các bộ phim. Đây là một điều rất đáng tiếc. Hy vọng chúng tôi sẽ có cơ hội giới thiệu với công chúng những bộ phim này trong sự kiện lần sau.

Phim, với tôi vẫn là một sản phẩm lưu trữ, lưu trữ không chỉ là những câu chuyện văn hóa mà chính thời điểm bộ phim được quay nó cũng đã lưu trữ lại hoạt động, hình ảnh, đời sống xã hội thời đó. Điều đó giới trẻ cũng cần biết.

Điện ảnh Việt mới chỉ mang dấu ấn cá nhân

- Chị từng bày tỏ sự bối rối khi những người bạn nước ngoài nhờ giới thiệu các bộ phim mang dấu ấn văn hóa Việt. Sự bối rối này bắt nguồn từ đâu?

- Bởi vì những người đó họ muốn xem những bộ phim đương đại. Đương nhiên là mình cũng không phủ nhận thành tựu của những đạo diễn trẻ bây giờ nhưng rõ ràng, nếu muốn nhìn giới trẻ Việt Nam đương đại như thế nào, thấy sự thân thuộc của người trẻ Việt Nam trong bối cảnh bây giờ, thì là điều không đơn giản. Những bộ phim khai thác bối cảnh, chất liệu văn hóa hiện nay khan hiếm do điểm nhìn của những nhà làm phim trẻ bây giờ, khiến cho khán giả không cảm nhận được.

- Chị có đang khắt khe quá không khi thực tế, có rất nhiều bộ phim art-house (phim độc lập) của Việt Nam gây chú ý tại các liên hoan phim quốc tế?

- Thời gian gần đây, có một số nhà làm phim trẻ, hoặc một số bạn trẻ làm phim ngắn theo dòng art-house nhưng các bạn làm quá lạ, người xem không cảm được không khí, văn hóa Việt Nam. Một số bộ phim thuộc dòng art-house có dấu ấn của văn hóa Việt, chẳng hạn như Bi, đừng sợ gợi ra không khí Hà Nội; Cha và con và… là câu chuyện của con người miền tây sông nước… Theo tôi thấy là có, nhưng không nhiều. Vì không nhiều nên điện ảnh Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở dấu ấn cá nhân, chứ chưa được gọi là nền điện ảnh dân tộc. Những phim chiếu rạp gần như là những bộ phim không để ý nhiều đến yếu tố văn hóa.

- Nhưng thưa chị, giá trị lớn nhất của một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật nằm ở thông điệp mà nó muốn chuyển tải, và trong nhiều trường hợp, những thông điệp đó không có màu văn hóa riêng?

- Đương nhiên mình phải hiểu rằng, cái kết của nghệ thuật vẫn là tiếng nói của con người nói chung, không phân biệt đến từ quốc gia nào, nhưng để người ta cảm nhận được thân phận con người thì nó phải là câu chuyện riêng. Chẳng hạn đó là câu chuyện của làng xóm mình nhưng có thể nói được câu chuyện của toàn thế giới. Còn nhiều nghệ sĩ Việt hiện nay làm phim về con người nhưng lại bứt họ ra khỏi cội rễ của nhân vật đó. Ý niệm làm nghệ thuật vị nhân sinh theo tôi cũng tốt nhưng việc mất đi chất văn hóa, người xem sẽ cảm thấy mông lung.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.

Phim Việt ngày càng mờ nhạt dấu ấn văn hóa ảnh 1

Một cảnh trong phim Mùa len trâu.

TS Đào Lê Na hiện là Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, thuộc Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Sách đã xuất bản: Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira (2017), Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng (chủ biên, 2019), Tự sự của hạt mưa (tiểu thuyết, 2019).