Nhạc sĩ Quốc Trung:

Phải xây dựng một thị trường âm nhạc lành mạnh trước đã

Câu chuyện đầu năm với nhạc sĩ Quốc Trung là bàn về âm nhạc. Anh đi nhiều, tham dự nhiều festival quốc tế và Quốc Trung cũng là người mời nhiều ban nhạc thế giới đến Việt Nam. Trong dòng chảy mạnh mẽ của đời sống âm nhạc thế giới đó, theo anh, Việt Nam vẫn đang lạc hậu và tự nhốt mình trong “ao làng”.

Phải xây dựng một thị trường âm nhạc lành mạnh trước đã

Vòng luẩn quẩn và lệch lạc

- Liveshow Bình minh của nhạc sĩ Quốc Trung và Thanh Lam đã mở ra một sự khởi đầu mới đầy hứng khởi cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Anh nghĩ gì về điều đó?

- Đấy cũng là mục đích mà tôi và ê-kíp mong muốn, cảm hứng không chỉ cho cá nhân Thanh Lam và những người tham gia mà cho khán giả, cho đời sống âm nhạc. Tôi có cơ hội đi nhiều, làm việc và tiếp xúc nhiều với những thứ hay ho của thế giới, nhưng đến giờ mới có điều kiện thực hiện. Tôi muốn khán giả được thưởng thức một chương trình đúng nghĩa, trọn vẹn, cảm xúc, chất lượng, và muốn tạo cảm hứng cho nghệ sĩ. Tôi vui vì nghệ sĩ tham gia cũng hiểu điều đó và bắt đầu tập luyện kỹ càng hơn, có trách nhiệm hơn để mang đến niềm vui cho khán giả. Điều kiện kinh tế của chúng ta còn rất khó khăn, không phải ai cũng dám liều mạng và chịu chơi. Nhưng muốn thu hút khán giả đúng nghĩa thì cần như thế, làm sao để mỗi khi khán giả đến một buổi biểu diễn họ thấy quý giá chứ không phải được chăng hay chớ hay được tặng vé mời thì đi. Khi khán giả tin tưởng, có thói quen như vậy thì sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế. Tất nhiên lựa chọn làm nghề mỗi người có một mục đích khác nhau, kinh doanh họ cần lợi nhuận nhưng nếu cứ kéo dài mãi như vậy thì đời sống âm nhạc sẽ đi về đâu? Nghệ sĩ đổ lỗi khán giả Việt Nam không yêu âm nhạc, họ xếp ca nhạc vào vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên. Nhưng cũng phải xem lại tại sao như vậy, âm nhạc của anh có làm cho người ta thấy quý giá không, thấy cần phải có không?

- Sau nhiều năm trượt dài trong lối làm nghệ thuật như vậy, âm nhạc Việt đến bây giờ mới “bình minh” có quá muộn không?

- Âm nhạc Việt đang lạc hậu so với thế giới. Chúng ta không đủ điều kiện, chưa nói kỹ thuật, sân khấu, âm thanh, ánh sáng mời các ngôi sao lớn trên thế giới đến Việt Nam. Khán giả không có thói quen mua vé, trong khi, những ngôi sao quốc tế hạng A, họ yêu cầu nhà tổ chức khi họ bước lên sân khấu tối thiểu phải có 30 nghìn người. Có tình trạng là nhiều khán giả không mua vé mà chờ xin, đi lậu nhưng điều đó không trách được khán giả mà trách người làm nghề chộp giật, dễ dãi, không nghĩ đến đường dài. Nghệ sĩ ít người có chiến lược bền vững vì đi diễn ở sự kiện dễ hơn, kiếm tiền nhiều hơn. Ca sĩ đi biểu diễn ở các sự kiện để kiếm tiền rồi lấy tiền làm liveshow khẳng định đẳng cấp, đó là vòng luẩn quẩn. Các nghệ sĩ lớn dành hàng năm trời tập luyện cho các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Như thế họ mới hút công chúng, thành ngôi sao được. Nghệ sĩ mình không ai làm được như vậy. Ở In-đô-nê-xi-a có hàng trăm festival âm nhạc, họ bán hết vé cho tour diễn của Radio Hate 50 nghìn người chỉ trong vòng 6 phút, vé đắt nhất 500 USD. Các nghệ sĩ nhạc jazz thế giới đều ước ao được đến biểu diễn tại Java festival ở In-đô-nê-xi-a, nơi biểu diễn nhạc jazz có đến 10 nghìn người xem. Các ngôi sao thế giới đều đến Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a trong tour diễn của mình, mà hiếm khi rẽ qua Việt Nam. Mình cứ loanh quanh với nhau, trong “ao làng” nên đôi khi không biết mình đang lạc hậu.

Giá trị nằm ở chất lượng, không phải sự “lạ”

- Nhưng có một thực tế là chúng ta vẫn đi biểu diễn ở nước ngoài rất nhiều và tự hào vì điều đó?

Phải xây dựng một thị trường âm nhạc lành mạnh trước đã ảnh 1

“Với Bình minh, tôi muốn khán giả được thưởng thức một chương trình đúng nghĩa, trọn vẹn, cảm xúc, chất lượng, và muốn tạo cảm hứng cho nghệ sĩ”.

- Chúng ta toàn đi theo kiểu giao lưu văn hóa, cứ nghĩ mình đang hội nhập, sánh ngang ngôi sao quốc tế. Điều đó rất nguy hiểm cho các thế hệ trẻ. Chỉ những đoàn nghệ thuật Việt Nam như À ố show hay Làng tôi đi lưu diễn mới đúng nghĩa hội nhập.

- Trò chuyện với anh thấy bức tranh âm nhạc khá u ám, nó khác với sự sôi động và nở rộ của các live show, các chương trình ca nhạc hiện nay?

- Chúng ta thiếu một chiến lược phát triển. Hàn Quốc cần 20 năm và có chiến lược phát triển tất cả, từ nhạc dân tộc, nhạc jazz, Kpop. Và chính Kpop, phim Hàn dẫn lối cho hàng hóa Hàn Quốc sang các nước. Một dự án về nhạc dân tộc ít nhất phải như nghệ sĩ Nhất Lý làm, cẩn thận, tỉ mẩn và có ý tưởng riêng, chúng ta mới thấy khèn lá hay thế, trống Chăm hay thế. Văn hóa cũng giống như cơ thể con người, khi anh không đủ sức đề kháng, đi ra đường là bị vi khuẩn xâm chiếm ngay.

- Phải chăng vì thiếu bản sắc nên âm nhạc Việt dễ bị tác động bởi các trào lưu từ Hàn Quốc, từ châu Âu, châu Mỹ?

- Vấn đề là cần phải có một chiến lược phát triển văn hóa - nghệ thuật mang tầm quốc gia, tạo ra thị trường, môi trường lành mạnh. Hiện tại thì đang mạnh ai nấy làm. Và điều đáng ngại là tôi gần như chưa nhìn thấy khát vọng của các bạn trẻ để vươn ra thế giới. Không ai nuôi ước vọng trở thành ngôi sao có tính quốc tế. Cách đây 30 năm tôi đi festival âm nhạc ở nước ngoài và tôi thấy sao vui thế, sao âm nhạc làm được những thứ hay thế và đến bây giờ sau 30 năm tôi mới thực hiện được ước mơ đó. Tôi không nghĩ các bạn trẻ phải chờ đến 25 năm nữa mới làm.

- Vậy theo anh, trong xu thế toàn cầu hóa, âm nhạc Việt sẽ đi về đâu?

- Chất liệu mà chúng ta có, văn hóa cổ truyền ấy chỉ là nguyên liệu, đất nước nào cũng có. Vấn đề là làm cho nó trở thành tác phẩm nghệ thuật được không. Món ăn của anh phải ngon, vệ sinh, có lợi cho sức khỏe, giá trị nằm ở chất lượng chứ không phải ở sự lạ. Tôi đi dự nhiều festival, nghệ sĩ châu Phi chơi nhạc dân gian hay kinh khủng, bình đẳng với nhạc jazz. Đời sống âm nhạc thế giới phát triển như vậy, ta không có gì đặc sắc, không nói chung một ngôn ngữ thì sao đi ra thế giới được. Tôi nghĩ, muốn hội nhập đầu tiên phải mời các ban nhạc của thế giới đến đây, phải cho người ta vào thì mình mới có đường ra chứ. Cá nhân tôi đặt nhiều kỳ vọng về một thế hệ trẻ đi học ở nước ngoài, mười năm nữa chúng ta có quyền hy vọng về một sự phát triển mới. Phải xây dựng một thị trường âm nhạc trong nước lành mạnh đã, trước khi có giấc mộng ra thế giới.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.