Ðộng lực để tạo nên sự thay đổi trong phát triển

Thủ đô Hà Nội vừa chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của tổ chức này. Từ góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh nhỏ), Viện trưởng Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia cho rằng, để có thể tận dụng và phát huy tốt những lợi thế có được từ danh hiệu này, TP Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon) đã trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Hà Nội.
Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon) đã trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

Triết lý mới cho sự phát triển

- Thưa ông, thành phố Hà Nội vừa trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, đây là một khái niệm còn khá mới với nhiều người Việt Nam. Ông có thể cung cấp thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hệ thống này?

- Ðó là một chiến lược lớn của UNESCO, để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng về văn hóa, UNESCO có sáng kiến: thành lập Mạng lưới các thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận. Ðến ngày 31-10, UNESCO công nhận thêm 66 thành phố, trong đó có Hà Nội, tổng cộng đã có 246 thành phố trên thế giới được công nhận là Thành phố sáng tạo. Ở khu vực Ðông - Nam Á, Hà Nội là thành phố - thủ đô đầu tiên, sau Singapore, đạt được danh hiệu này. Ðó là điều rất vinh dự.

- Thủ đô Hà Nội vừa kỷ niệm 20 năm được vinh danh Thành phố Vì hòa bình. Việc đón nhận thêm một danh hiệu mới sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đô thị đặc biệt này?

- Ở dấu mốc kỷ niệm 20 năm Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội đang đánh giá lại tầm nhìn của mình. Thương hiệu Thành phố Vì hòa bình đã trải qua hành trình 20 năm. Ðã đến lúc Hà Nội cần phát triển một thương hiệu khác nữa. Thời điểm hiện tại, cả thế giới đang hướng đến một câu chuyện: Sáng tạo. Trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong những năm tới. Kể từ bây giờ, mọi định hướng phát triển của Hà Nội sẽ đều phải tính đến yếu tố sáng tạo, trên cái nền của một triết lý phát triển chung là sáng tạo. Khi triển khai các dự án, chương trình phát triển trong xây dựng, quy hoạch thành phố, phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, nghệ thuật… đều phải có hạt nhân sáng tạo trong đó. Và đó sẽ là điều kiện để chúng ta thống nhất nguồn lực, tạo ra một sức mạnh chung cho sự phát triển của Hà Nội.

Các nỗ lực của Hà Nội thời gian vừa qua như khởi công dự án Thành phố thông minh, những sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa Monsoon, hay những thiết kế ở cầu Nhật Tân, Bảo tàng Hà Nội, hay một loạt công trình, sự kiện, hoạt động mang tính sáng tạo sẽ là tiền đề tốt cho sự phát triển của hoạt động sáng tạo trong thời gian tới.

- Trong hồ sơ đăng ký, Hà Nội đã chọn lĩnh vực “Thiết kế” là nội dung chủ đạo. Ông nhìn nhận như thế nào về sự lựa chọn này?

- Có rất nhiều hướng đi để thực thi hoạt động sáng tạo, vì Hà Nội có rất nhiều điểm mạnh khác nhau, như sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, trong nghệ thuật… nhưng lãnh đạo TP Hà Nội đã lựa chọn Thiết kế. Theo quan điểm của tôi, đó là một lựa chọn có tầm nhìn của chính quyền Hà Nội, vì nếu lựa chọn một lĩnh vực cụ thể thì nó lại không bao hàm được hoạt động của các lĩnh vực khác. Thí dụ như, nếu chọn ẩm thực thì điện ảnh, nghệ thuật sẽ không có cơ hội… Trong khi, Thiết kế là nội dung có thể bao hàm nhiều lĩnh vực, cả trong nghệ thuật, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ…

- Tuy nhiên, sự lựa chọn khôn ngoan này liệu có trở thành thách thức, khi rất nhiều thành phố trong khu vực và trên thế giới cũng lựa chọn hướng đi này?

- Ðó là lo ngại có cơ sở. Và đó cũng là nội dung gây tranh cãi trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu cho Hà Nội. Sẽ là đơn giản và dễ làm hơn cho hồ sơ này nếu chúng ta chọn ẩm thực hay thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ nhìn vào thực tế, mà cần có tham vọng lớn hơn khả năng của chúng ta một chút để chúng ta cần phải cố gắng.

Văn hóa là sự khác biệt. Chúng ta không nên lo ngại Hà Nội sẽ giống với Berlin hay Paris, có bằng họ hay không, mà chỉ cần chúng ta khác họ thôi, có thể hiện được bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam được hay không thôi. Với tất cả những điều đó, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm được.

Cụ thể hóa những chương trình hành động

- Thương hiệu mới đến vào lúc Hà Nội đang rất ngổn ngang, với liên tục những sự cố xảy ra. Ngay cả câu chuyện về các không gian sáng tạo, vốn được khởi động cách đây mấy năm hiện cũng đang gặp nhiều trở ngại, sự phát triển không được như kỳ vọng…

- Ðúng là như vậy. Sự phát triển của các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội hiện đang gặp nhiều vấn đề, cũng là con đường tương đối gập ghềnh. Tuy nhiên, theo góc nhìn của tôi, đây là vấn đề mang tính tất yếu. Mọi quá trình phát triển bao giờ cũng phải trải qua những vấn đề, những bài học kinh nghiệm. Và những thất bại, theo tôi nghĩ, chính là những bài học để chúng ta vượt qua, đạt đến những kết quả tốt đẹp hơn. Các không gian sáng tạo - những thí dụ tiêu biểu cho câu chuyện Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, lại đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tạm hài lòng khi nhìn vào số lượng các không gian sáng tạo ở Hà Nội đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014, đa dạng về loại hình, mang lại nhiều cơ hội về việc làm và đóng góp nhiều hơn vào sự hấp dẫn của Hà Nội.

Tất nhiên, chúng ta còn có nhiều việc phải làm, để hỗ trợ các không gian sáng tạo này, để những không gian sáng tạo này là nơi lan tỏa những thông điệp về sáng tạo, những thông điệp tốt đẹp về cuộc sống từ những sáng tạo của người dân, nghệ sĩ và tất cả các cá nhân ở Hà Nội.

- Rõ ràng, Hà Nội còn nhiều việc cần phải làm. Nhưng từ quá trình đồng hành cùng các cấp chính quyền Hà Nội xây dựng hồ sơ này, ông thấy Hà Nội cần phải tập trung trước hết vào những nhiệm vụ nào?

- Ðầu tiên là phải tập trung vào việc nâng cao nhận thức về không gian sáng tạo đối với sự phát triển của Thủ đô. Từ đó, nâng cao vai trò của sáng tạo, lồng ghép sáng tạo vào tất cả các chiến lược phát triển, các hành động cụ thể, trong đó yếu tố sáng tạo phải là yếu tố quan trọng nhất.

Tiếp đó, chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể, từ đó định hướng cho sự phát triển của Thủ đô, huy động nguồn lực, sự quan tâm… không có kế hoạch cụ thể thì mọi danh hiệu đều chỉ là lý thuyết.

Và cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động sáng tạo, có những chính sách về thuế, xây dựng các quy định về địa vị pháp lý cho các không gian sáng tạo hay những hỗ trợ khác để các không gian sáng tạo hay các ý tưởng sáng tạo có thể trở thành nét đặc trưng cho Hà Nội.

- Sau Hà Nội, liệu sẽ là đô thị nào tiếp theo có đủ tiềm năng được gợi ý cho danh hiệu Thành phố sáng tạo?

- Chúng tôi đang tính toán đến Huế, với mong muốn Huế sẽ trở thành Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực.

- Ðang có ngày càng nhiều những đề xuất về việc xây dựng các danh hiệu cho các địa phương để hướng đến mục tiêu quảng bá, khai thác phục vụ du lịch, như gợi ý về việc xây dựng thương hiệu Thành phố nhiếp ảnh. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Có một thực tế là ở Việt Nam thời gian qua chúng ta mới chỉ nghĩ nhiều đến danh hiệu, mà chưa nghĩ đến việc phát huy, tận dụng, khai thác hiệu quả các danh hiệu có được. Theo tôi, việc sở hữu nhiều danh hiệu có ý nghĩa tích cực. Vấn đề ở đây là chúng ta làm sao để các danh hiệu này mang lại những tác động có ý nghĩa thực chất, hơn là chỉ chăm chăm đến việc đi xin các danh hiệu mà cuối cùng không phát huy được, khiến cho các danh hiệu đạt được lại biến thành danh hiệu hão.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!