Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ðình Toán:

Nhân vật của tôi là những người tài và tử tế

Khiêm nhường, có phần lặng lẽ và luôn thích giấu mình sau ống kính, với một ánh mắt ấm áp và nụ cười cởi mở, từ rất lâu rồi, Nguyễn Ðình Toán (ảnh nhỏ) là cái tên được nhiều người trong giới sáng tạo văn học, nghệ thuật biết đến và yêu mến.

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao, năm 1991. Ảnh: Nguyễn Ðình Toán
Chân dung nhạc sĩ Văn Cao, năm 1991. Ảnh: Nguyễn Ðình Toán

Những bức ảnh chụp chân dung các văn nghệ sĩ của anh luôn tạo được ấn tượng rất riêng, sống động và giàu biểu cảm. Trò chuyện với chúng tôi, anh nói: Chụp chân dung không khó, nhưng phải thật sự yêu quý nhân vật.

Trọng tâm là con người

- “Từ một pháo thủ trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh” là điều mà nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha hay nhắc khi nói về anh. Hình như anh đến với nhiếp ảnh khá muộn?

- Thật ra tôi thích chụp ảnh từ khi còn là cậu học sinh cấp ba. Tôi học cùng lớp với Lê Cường, con trai nghệ sĩ Lê Vượng. Bạn bè với nhau thì có nhiều thú chơi, trong đó có thú chơi ảnh. Chúng tôi hình thành một nhóm bạn có chung đam mê về ảnh. Ngày xưa máy ảnh đắt và khó kiếm, nên cứ học chụp và mượn lẫn nhau, chứ không theo trường lớp chuyên nghiệp nào cả. Học xong phổ thông, tôi đi bộ đội, nhập ngũ ngày 10-7-1965. Tôi vào bộ đội phòng không Hà Nội, nên cứ đóng quân quanh Hà Nội thôi. Ðến năm 1987, tôi phục viên, chuyển ngành về một đơn vị vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải. Năm 1992, tôi nghỉ hưu. Lúc ở trong quân đội, có thời gian đơn vị cần người chụp ảnh, thế là tôi làm luôn cả chụp và tự in, phóng ảnh. Nghỉ hưu rồi, tôi tự mua máy để chụp. Thời gian đó tôi hay đi với Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đến chơi với nhiều văn nghệ sĩ. Các ông ấy viết bài, còn tôi chụp ảnh.

Ðể thuận lợi điều kiện tác nghiệp, tôi xin vào làm phóng viên ảnh ở tạp chí Xưa và Nay. Ðến năm 1996, ông Nguyễn Hữu Bảo nghỉ làm ở báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi tôi đến, bảo tôi về làm cho báo Văn nghệ, tôi nể bác Thỉnh nên nhận lời - làm phóng viên ảnh cho báo Văn nghệ, nhưng vẫn giữ tên ở Xưa và Nay cho đến giờ.

Cũng từ lúc đó, năm 1992, tôi bắt đầu có ý thức về việc thực hiện bộ ảnh chân dung các văn nghệ sĩ.

- Anh có tính được là mình có khoảng bao nhiêu bộ ảnh các nhân vật không?

- Tôi không tính được. Vì với các nhân vật mình đã yêu quý rồi thì cứ có cớ là mình lại đến chụp. Nhiều khi, có báo hỏi có ảnh của nhân vật đó không, mình đã có rồi, nhưng nhân cớ đó lại đến chụp thêm lần nữa.

Tôi chụp đủ mọi lĩnh vực, cả sân khấu, bóng đá, âm nhạc… nhưng trọng tâm tập trung vào con người. Tôi tự học chụp ảnh, và chỉ thích chụp theo phong cách tự nhiên.

- Ảnh chân dung của anh luôn diễn tả nhân vật rất tự nhiên, sống động và khác biệt. Anh làm thế nào để bắt được “cái thần” của nhân vật?

- Dễ thôi, không có gì khó cả. Chỉ thích và chỉ cần tự nhiên là đủ. Phải bấm nhiều thôi. Có những người tôi chụp, về sau này mới nổi tiếng, như ông Ðoàn Tử Huyến, tôi đã chụp khi biết chứ chưa quen ông ấy. Ðó là năm 1993, ông ấy có một quầy sách ở cạnh 51 Trần Hưng Ðạo. Lúc đó ông ấy cũng chưa để râu tóc như sau này. Thế mà tôi đã chụp ông ấy hơn một cuộn phim.

Rồi tôi bắt đầu có ý thức chọn chụp những người mà tôi thích. Sau này nhìn lại, tôi thấy họ có một điểm chung là: Tài và tử tế.

- Ðiều gì khiến anh nhận ra các đặc điểm ấy?

- Qua báo chí và các cuộc trò chuyện. Tôi bắt đầu với việc chụp nhiều nhân vật nghệ sĩ, có những người chưa gặp thời. Họ là những người có tài và tử tế. Khi đã quen thuộc nhau rồi thì họ cũng hiểu tính tôi, nên khi tôi đến thì chào nhau rồi họ làm việc họ, tôi làm việc tôi.

Nhiều người, thậm chí đã chọn ảnh của tôi để làm ảnh thờ từ khi còn sống. Như đạo diễn Nguyễn Ðình Nghi, hay kiến trúc sư, nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng… Tôi thích gắn bó với nhân vật và cả gia đình họ. Ðiều hay nữa là họ không hề hỏi tác phẩm, nên mình không áp lực. Nhưng bây giờ nghĩ lại thì lại có phần hối tiếc, vì ảnh hay thế mà chính họ lại không được biết. Cũng vì điều đó, nên tôi bắt đầu nghĩ đến việc công bố các tác phẩm của mình dưới hình thức trưng bày, triển lãm.

Không chính thức thì bắt đầu từ năm 2010, trong sự kiện kỷ niệm Ngày sinh của thi sĩ Hoàng Cầm, tôi phóng 35 bức ảnh to treo tại lễ kỷ niệm ở Hội Nhà văn Hà Nội, khổ 60 x 90. Sau đó thì dỡ về treo ở Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Ðông Tây của dịch giả Ðoàn Tử Huyến. Ðến ngày 25-11-2013, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của nhạc sĩ Văn Cao, lúc đó ông đã mất 18 năm, nên triển lãm của tôi lấy tên là Văn Cao 18 năm trước. Bày tại Trung tâm phương pháp câu lạc bộ (nhà Khai trí Tiến Ðức). Tôi thích thì làm thôi. 25 bức, 40 x 60. Kinh phí một phần do tôi tự bỏ ra, về sau được bạn bè ủng hộ, hỗ trợ.

Năm 2017, nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam, tôi nhớ trong kho ảnh của mình có rất nhiều bức chụp các nhạc trưởng người Việt Nam và nhạc trưởng người nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam, cũng khá độc đáo, nên tôi chọn và triển lãm Nhạc trưởng Việt Nam.  Tháng 12-2018, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Ðại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc”, tạp chí Văn Hiến Việt Nam mời nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, Trần Ðịnh và tôi cùng tham gia trưng bày bộ tác phẩm nhiếp ảnh cỡ lớn (0,8 x1,2 m) về Ðại tướng. Tôi không có nhiều tác phẩm, nhưng cũng có những góc chụp riêng, tự nhiên.

Năm nay, tôi làm được ba cuộc trưng bày: Nghệ sĩ Ðào Trọng Khánh, dịch giả Dương Tường, và các nhân vật sân khấu nhân Ngày Sân khấu Việt Nam. Gần nhất là về nhà văn Kim Lân.

Nhân vật của tôi là những người tài và tử tế -0
 

Tôi chỉ thích mọi thứ tự nhiên

- Anh có chụp ảnh theo yêu cầu không?

- Không. Tôi thích mọi thứ tự nhiên. Và đặc biệt tôi rất ngại làm theo yêu cầu của ai đó. Vì nhận chụp thì người ta thích, và bắt đầu sửa sang theo cách của họ, rồi chọn đứng ở chỗ người ta cho là đẹp, nhưng tôi lại thấy không được, ánh sáng không tốt chẳng hạn, vì tôi chỉ thích chụp ánh sáng tự nhiên, nền phía sau càng trơn càng tốt. Nếu cứ chụp thì mấy hôm sau gặp lại bị hỏi: ảnh đâu. Tự nhiên lại thành mắc nợ. Nên tôi rất sợ.

Cũng có khi lúc chụp tưởng hay, tráng phim ra cũng thấy hay, nhưng khi rửa ảnh thì thấy vớ vẩn. Thế mà tôi vẫn lưu trữ cả những phim hỏng, nhìn đó, tôi thấy một thời của mình.

Tôi không ngại nhận là tôi bấm rất nhiều. Nên phim lưu trữ cũng chiếm chỗ đáng kể. Tôi cho phim vào thùng có gioăng kín, không thấm nước. Ðầy hai thùng. Nhà chật nên phải để hai thùng đó ngoài trời, mỗi lần mưa là lại thấy run. Năm ngoái sửa nhà mới cho được vào chỗ có mái.

Bây giờ chụp kỹ thuật số thì dễ hơn, vì không phải lo về phim, nhưng lại phải để ý cái khác. Vì ngày trước lo đầu vào - phải mua phim; giờ lại phải lo phần lưu trữ, cũng tốn kém. Và lại nguy hiểm, vì dễ bị mất. Phim thì để lâu bảo quản cũng hơi khó, do điều kiện khí hậu, nhưng dù có ẩm, mốc thì vẫn có thể nhìn thấy hình. Khi làm ra ảnh thật thì phải xử lý thôi. Còn dữ liệu trong ổ di động, tôi cũng bị chết mất ba ổ rồi. Ngày trước chi phí cứu dữ liệu khá đắt, giờ thì rẻ hơn, nhưng cũng có dữ liệu không thể cứu được, mất là mất hẳn.

- Với số phim đã chụp, anh có ý định số hóa để thuận tiện lưu trữ hơn không?

- Tôi cũng đã số hóa được một phần, nhưng chưa hết. Vì cần thời gian để ngồi chọn, chứ mỗi cuộn phim không thể số hóa hết được. Và cần phải có tiền để mua ổ cứng và thuê người làm việc đó nữa. Tôi mới số hóa được hết ảnh chụp các tác giả thời Nhân văn - Giai phẩm thôi.

Sắp tới, tôi định làm trưng bày về NSND Doãn Hoàng Giang, rồi sau đó là nhạc sĩ Hồng Ðăng. Những ai mình yêu quý cả một quá trình như thế thì đều có thể làm được một cuộc triển lãm. Ngồi xem lại các bức ảnh tôi rất xúc động. Nhiều lúc thấy tiếc vì mình không có khả năng viết để ghi lại những câu chuyện rất thú vị mình đã được nghe và trực tiếp tham dự vào.

 - Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.