Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam:

Nhận diện nguy cơ từ chính sự phát triển

Ngày 30-6 là thời hạn UBND huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) báo cáo kết quả kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cây cầu “khủng” được xây dựng trái phép vào vùng lõi Di sản thế giới Tràng An, gây ồn ào dư luận trong thời gian qua. Hội nghị quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên do Chính phủ chủ trì cũng sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam về những vấn đề đang đặt ra trong nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản.

Nhận diện nguy cơ từ chính sự phát triển

Việt Nam đang đối mặt với những nghịch lý

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh và hạn chế trong công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam trong những năm qua?

- Tôi cho rằng chúng tôi rất may mắn khi được làm việc với Việt Nam như một đối tác có hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực văn hóa và có quyết tâm rất cao ở cấp độ lãnh đạo, nhận diện sâu sắc và coi trọng bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển. Việt Nam có một chính sách khá rõ ràng, nhất quán trong ngoại giao văn hóa, sử dụng văn hóa như một công cụ đối ngoại và khẳng định bản sắc của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, người dân cũng thể hiện rất rõ sự tự hào cũng như vốn văn hóa sâu sắc về bản sắc văn hóa ở trong từng cá nhân, từng cộng đồng. Thí dụ gần đây nhất là lễ tổ chức đón nhận bằng Di sản phi vật thể của nhân loại với nghệ thuật Bài chòi, tôi nhận thấy rõ sự tham gia, hồ hởi phấn khởi đến từ chính từng cá nhân, từng thành viên trong cộng đồng. Tiềm năng của Việt Nam thể hiện ở hai phương diện, một là chính sách đường lối ở cấp vĩ mô, hai là ở cấp địa phương với từng cá nhân trong cộng đồng.

- Vậy còn những điểm yếu, tồn tại của Việt Nam trong lĩnh vực này, ông nhìn nhận như thế nào?

- Tôi không muốn dùng từ “điểm yếu” ở đây. Bởi, Việt Nam đang phải đối mặt với một bối cảnh phát triển chưa từng có trước đây. Đất nước các bạn đang trên đà chuyển mình, phát triển kinh tế cực kỳ nhanh chóng. Đây là giai đoạn chúng ta cần phải xem xét rất rõ mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế, đặc biệt trong câu chuyện cụ thể này là giữa nguồn lực phát triển văn hóa với sự phát triển của du lịch. Đó là thách thức và cũng là một câu hỏi lớn, đặt ra cho các cấp lãnh đạo cũng như các nhân tố, thành viên trong cộng đồng rằng, làm thế nào chúng ta phát triển du lịch được một cách bền vững mà không làm xói mòn đi các giá trị văn hóa, các tài nguyên - cũng chính là nguồn vốn mà du lịch dựa vào đó để phát triển. Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất ở đây là làm thế nào để tìm ra phương thức để phát triển bền vững.

Một thách thức lớn nữa trong bối cảnh hiện nay, đó là, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Vì vậy, viện trợ phát triển chính thức giảm dần đều, các hỗ trợ quốc tế đối với Việt Nam nói chung và lĩnh vực văn hóa nói riêng sẽ ngày càng giảm đi. Trong bối cảnh đó, những nguồn thu từ phát triển văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa chưa được tái đầu tư lại một cách thích đáng cho chính những nguồn lực đó. Vì lẽ đó, càng phát triển, càng tạo được nhiều nguồn lực hơn nhưng cũng tạo ra nghịch lý khi chúng ta không đầu tư lại thích đáng và khai thác nó một cách quá mức. Điều đó sẽ làm nghèo đi nguồn vốn văn hóa cho phát triển. Chúng tôi rất mong muốn, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tái đầu tư nhiều hơn, có những chính sách rõ ràng trong việc phân bổ lại nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là các khu di sản.

- Cụ thể ra sao, thưa ông?

- Mỗi quốc gia cần phải xác định đâu là nguồn lực cho phát triển, làm thế nào để phát huy được những nguồn lực đó cho sự phát triển bền vững và trên cả ba phương diện phát triển đó là kinh tế, xã hội, môi trường. Có lẽ câu hỏi ở đây không phải là liệu có được sử dụng, có nên phát huy những nguồn lực này cho phát triển hay không mà câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là phải phát huy nó hay phát triển như thế nào? Nói cho cùng, vẫn là câu chuyện phát triển với tầm nhìn bền vững. Hiện nay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, thậm chí là tương đối nóng như ở Việt Nam, nhiều khi, người ta đang tập trung quá nhiều vào vế phát triển kinh tế mà bỏ qua những mối quan tâm lo ngại của cộng đồng địa phương và những yếu tố phát triển bền vững khác. Với hướng đi như vậy, chúng ta có nguy cơ nghiêng về việc khai thác, thậm chí khai thác quá mức, hơn việc sử dụng nguồn lực đó thật sự cho phát triển.

Hoạch định trong tầm nhìn bền vững

- Bảo tồn di sản có giá trị như thế nào đối với mai sau?

- Việt Nam là một đất nước giàu nguồn lực văn hóa, nguồn lực di sản. Nó đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của quốc gia. Không chỉ là câu chuyện khẳng định bản sắc mà còn là nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế nữa. Tôi muốn nói lại rằng, chúng ta cần phải hoạch định những nguồn lực quý báu đó trong tầm nhìn phát triển bền vững để đạt những thành quả, thành tựu về kinh tế. Chúng ta không mất đi thứ tài sản đó, mà còn tạo ra giá trị từ sự khác biệt so với những quốc gia khác.

Trong thời gian tới, UNESCO vẫn xác định sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác phía Việt Nam đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chính quyền nói chung. Làm thế nào để đặt vấn đề phát triển bền vững những khu di sản này trong bối cảnh phát triển tổng thể, để hướng đến sự phát triển bền vững và mối quan hệ này cần là một mối quan hệ WIN-WIN, không thể nào quá nghiêng yếu tố khai thác được.

- Ông nhận thấy việc khai thác và bảo tồn di sản thế giới ở Việt Nam đã được đồng bộ hay chưa? Thực trạng di sản sau khi được vinh danh như thế nào?

- Các khu di sản thế giới luôn gây sự quan tâm, chú ý của công chúng và dư luận. Đó cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên đối với các khu di sản thế giới của UNESCO trên thế giới nói chung bởi nó luôn là đối tượng xảy ra sự giằng co trong việc bảo tồn với nhu cầu phát triển. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến việc tuân thủ các cam kết, công ước quốc tế sự bảo vệ ở cấp địa phương như thế nào. Khi theo dõi việc thực hiện công ước này ở các khu di sản thế giới nói chung, chúng tôi quan tâm ở ba khía cạnh, ba cấp độ. Thứ nhất là những vụ việc, sự kiện gì đã xảy ra ở các khu di sản thế giới. Quan trọng hơn ở hai phương diện khác đó là các nhà quản lý và chính quyền làm gì để giảm thiểu mức độ gây hại, những tác động đó và quan trọng hơn nữa là sau khi xảy ra những vụ việc như vậy thì có những biện pháp nào để theo dõi, ngăn ngừa những trường hợp tương tự xảy ra.

Trong những năm vừa qua, ở Việt Nam cũng đã ghi nhận việc nhiều trường hợp vi phạm ở một số địa phương có khu di sản. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy hành động tương đối kịp thời của các cơ quan quản lý cấp trung ương, đặc biệt thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự điều phối giữa Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng chính quyền các cấp tỉnh để xử lý kịp thời các vi phạm đó. Điều đó thể hiện khá rõ thiện chí của chính quyền, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý cấp cao trong việc đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động này nhanh chóng, thiết lập lại trật tự bảo đảm cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

Nhận diện nguy cơ từ chính sự phát triển ảnh 1

Các di sản thiên nhiên thế giới luôn đối diện mâu thuẫn bảo tồn và phát triển.