NSND Tạ Duy Ánh:

Nguy cơ mất nghề đang hiện hữu

Nhiều trăn trở đọng lại sau đêm cuối Cuộc thi Tài năng xiếc Toàn quốc 2021, với một thực trạng đáng “báo động đỏ” cho ngành xiếc Việt Nam. Làm sao để vực lại một ngành nghệ thuật đã từng rất huy hoàng trong bối cảnh xiếc đang có nguy cơ mai một vì thiếu nguồn nhân lực, chảy máu chất xám. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSND Tạ Duy Ánh (ảnh nhỏ) - Chủ tịch Liên đoàn Xiếc Việt Nam chung quanh vấn đề này.

Hào khí Việt (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) - tiết mục đoạt giải nhất Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021. Ảnh: Thanh Hà
Hào khí Việt (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) - tiết mục đoạt giải nhất Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021. Ảnh: Thanh Hà

Cơ hội và thực lực
 
 - Anh đánh giá như thế nào về chất lượng Cuộc thi Tài năng xiếc Toàn quốc 2021?
 
 - Gần 100 nghệ sĩ thuộc năm đơn vị nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều tiết mục tham gia sôi nổi, hấp dẫn đã phản ánh được lòng đam mê yêu nghề, những nỗ lực vươn lên của các nghệ sĩ. Cuộc thi đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục xiếc người và xiếc thú. Kỹ thuật và phong cách biểu diễn được nâng cao rõ rệt trong các tiết mục: Nhào lộn trên cầu bật (với động tác santo xoắn ba vòng lật hai chiều, bốn vòng)…, Đu nón (với động tác kết cấu bốn người quay bằng tóc…); Anh hề và chú chó; xiếc ngựa (Ngày hội xuân của người H’Mông); lăn vòng (Người đến từ không gian), quay thảm (Sắc xuân); Sức mạnh đôi tay (Ký ức); Đu xoắn (Những chú chim hòa bình)... Là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, tôi mừng lắm vì vẫn còn những nghệ sĩ cháy hết mình với nghề. Tuy nhiên, cũng còn một số tiết mục chưa có những tìm tòi sáng tạo mới, kỹ thuật chưa cao, lạm dụng quá liều lượng các loại hình nghệ thuật phụ trợ nên không thể hiện được kỹ thuật xiếc.

Nguy cơ mất nghề đang hiện hữu -0

  - Có vẻ như hiện nay, các tiết mục xiếc đang lạm dụng quá nhiều câu chuyện văn hóa Việt mà chưa thật sự chú trọng kỹ thuật, nhất là những kỹ thuật đỉnh cao của xiếc?
 
 - Khi đất nước ta hội nhập, chúng ta chủ yếu nói câu chuyện kinh tế, nhưng văn hóa rất quan trọng, phải làm thế nào để phát triển kinh tế mà không mất văn hóa, mình phải giữ được hồn cốt, văn hóa Việt Nam. Hiện nay nhiều nghệ sĩ ý thức được điều đó, họ đưa văn hóa vào trong từng tiết mục xiếc, kỹ thuật là xiếc nhưng trang phục, âm nhạc, đạo cụ là Việt Nam, kể câu chuyện về văn hóa Việt. Đó là tín hiệu đáng quý. Tuy nhiên, chất lượng của các tác phẩm là điều cần bàn, không phải cứ đưa âm nhạc, quần áo truyền thống vào là thành một tác phẩm mang đậm văn hóa Việt. Điều này cần tâm huyết, đầu tư của các nghệ sĩ.
 
 - Làm thế nào để chúng ta có thêm những sản phẩm đáng tự hào như Làng tôi, theo anh?
 
 - Làng tôi là sự kết hợp của sân khấu Địa cầu Pháp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhưng rồi có nhiều chuyện xảy ra, chúng tôi không giữ được bản quyền của Làng tôi. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông thì xiếc vẫn chậm chạp và lạc hậu. Thế nên, chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi. Chúng tôi đã dàn dựng tiếp vở Sông trăng, đã diễn nhiều đêm ở Đức, một trong những thị trường khó tính, nhưng rồi do dịch bệnh, chúng tôi phải dừng lại. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, cơ hội sẽ rất nhiều, chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị văn hóa hơn nữa. Tuy nhiên, ngành xiếc cần cải thiện khâu quảng bá, truyền thông để tiếp cận khán giả tốt hơn. Bởi đó là con đường phát triển tất yếu. Tôi rất tiếc, văn hóa chúng ta có bề dày và bản sắc nhưng đang bị mai một vì chưa được chú trọng đúng mức.
 
 Ngành xiếc đang chảy máu chất xám
 
 - Cuộc thi lần này cho thấy một hiện trạng, đó là chúng ta đang thiếu vắng những tài năng, những ngôi sao mới, một “báo động đỏ” cho ngành xiếc trong thời gian tới?
 
 - Đó không chỉ là câu chuyện của xiếc Việt Nam mà của chung thế giới. Với xiếc, thực tế rất khó khăn. Bây giờ các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn, phải thật sự đam mê cháy bỏng với xiếc mới tồn tại, trụ lại với nghề. Tôi đã trải qua 40 năm làm nghề, tôi rất thấu hiểu điều đó, bởi nghề xiếc quá khắc nghiệt, đào tạo và thải loại liên tục. Trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, các đoàn tham gia Cuộc thi cũng là một nỗ lực rất lớn. Đây cũng là cơ hội để các đoàn địa phương cọ xát, luyện tập, tạo bước đệm để họ dám bước ra khỏi vùng an toàn, tham gia các cuộc thi quốc tế.
 
 - Tài năng xiếc luôn hiếm, nếu không nói là quá hiếm trong thời buổi khó khăn hiện nay. Vậy mấu chốt vấn đề là ở đâu, chúng ta không đào tạo được tài năng hay là không giữ chân được họ?
 
 - Cả hai. Xiếc là ngành đặc thù, việc tuyển sinh đào tạo nguồn nghệ sĩ trẻ hiện nay rất khó khăn. Chúng tôi phải đi đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh. Tìm được người để đào tạo đã khó, phát hiện ra tài năng cũng khó, nhưng việc giữ được tài năng còn khó hơn. Hiện nay, những nghệ sĩ chân chính đang khó khăn quá, không có chính sách giữ chúng ta sẽ mất nghề. Trong thời đại công nghiệp văn hóa này thì xiếc là một trong những ngành nghề báo động đỏ về nạn chảy máu chất xám vì chúng ta không có cơ chế để giữ nhân tài. Đây là câu chuyện cần phải suy nghĩ, khi chúng ta có những nghệ sĩ tài năng nhưng không có cơ chế giữ chân họ. Nhiều công ty tư nhân mọc lên, họ toàn gọi những người giỏi nhất của chúng tôi đi. Bài toán giữ tài năng hiện quá nan giải vì gánh nặng mưu sinh. Ngành này quá đặc thù vì cần sức lực, trí tuệ và sáng tạo và chỉ cháy bỏng trong thời gian ngắn. Vậy mà họ lại không được nhìn nhận, 13,14 năm chưa được vào biên chế, tài năng cứ ra đi hết.
 
 Tôi không giữ được học trò của mình và nguy cơ mất nghề đang hiện hữu trước mắt. Đầu ra không có thì đầu vào làm sao tuyển sinh được. Nhà tôi ba thế hệ theo nghề xiếc, nhưng giờ đến thế hệ các con tôi không ai theo nữa.
 
 - Vậy theo anh, để giữ chân tài năng và phát triển nghề xiếc trong thời gian tới chúng ta cần những giải pháp như thế nào?
 
 - Xiếc đang thật sự khó khăn, bởi vốn dĩ xiếc cũng như thể thao thôi, tuổi nghề rất ngắn. Lúc đỉnh cao phong độ mà họ không được cọ xát, không được thi thì, sẽ không thi được nữa, vì thế họ sẽ không có giải thưởng để xét danh hiệu. Họ phải khổ luyện với ngành nghề mà không có chính sách ưu đãi riêng. Thế hệ sau muốn tiến bước, dấn thân mà nhìn vào thế hệ trước như vậy thì sẽ nản lòng, không theo nghề. Như vậy đầu vào sẽ càng ngày càng khó. Nghề xiếc đòi hỏi tài năng thật sự, nếu không thật tài, dễ bị tai nạn, ngã chấn thương. Gần đây, chúng ta rất tự hào vì nhiều nghệ sĩ xiếc đã mang lại vinh quang cho Tổ quốc, nhiều tiết mục được giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Chúng ta cần có chính sách đầu tư cho các tài năng để các bạn ấy có cơ hội đi ra thế giới.
 
 - Hiện nay, chúng ta đang có chủ trương xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Với xiếc, bài toán xã hội hóa đang tiến hành ra sao?
 
 - Chúng tôi đang từng bước xã hội hóa, nhưng thực tế không được như kỳ vọng. Nhiều đơn vị bắt tay với chúng tôi rồi lôi kéo người giỏi đi. Chúng ta đang mất dần một thế hệ được đào tạo bài bản và gây thiếu hụt cho ngành nghề này. Xã hội hóa cần sự chung tay của toàn xã hội và nhà nước để chúng tôi có thể yên tâm làm ra các sản phẩm nghệ thuật tốt và đi đường dài. Hiện nay, xã hội hóa mới chỉ mang tính sự vụ, chưa thành một con đường có lộ trình bền vững. Ở các nước phát triển, doanh nghiệp tài trợ cho văn hóa có thể được hưởng chính sách ưu đãi về thuế của nhà nước, đó cũng là một hình thức để họ cam kết đi đường dài cùng văn hóa nghệ thuật. Còn chúng ta, mới chỉ mạnh ai người đó làm mà thôi.
 
 - Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.